William Winberg & Stephen Nagy | Australian Outlook ngày 03 tháng 7 năm 2024
Biên dịch: Đinh Tùng Lâm | Hiệu đính: Vân Phạm | Dự án Đại Sự Ký Biển Đông
Giá trị của trật tự quốc tế dựa trên thượng tôn pháp luật không chỉ có lợi cho Hoa Kỳ. Các nước trung cường có vai trò quan trọng và có thể gây sức tập thể để tạo ảnh hưởng lên các cường quốc.
Với Đông Âu – nơi đang trải qua cuộc xung đột quân sự lớn nhất trên lục địa kể từ Thế chiến II, sự cần thiết phải thúc đẩy và củng cố trật tự quốc tế dựa trên thượng tôn pháp luật (rule-of-law) rất rõ ràng. Tuy nhiên, cuộc chiến vô cớ của Vladimir Putin không phải là mối đe dọa duy nhất đối với hệ thống chính trị quốc tế hiện hành. Hệ thống này đã mang lại sự thịnh vượng cho hầu hết các quốc gia và các thực thể chính trị (như Đài Loan) trong thời kỳ sau Thế chiến II.
Cụm từ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ (rule-based international order) đã bị các quốc gia theo chủ nghĩa xét lại chính trị hóa để ám chỉ rằng trật tự hiện tại mà đã mang lại sự thịnh vượng, hòa bình và ổn định là một trật tự phản ánh các ý tưởng, giá trị và ưu tiên của phương Tây. Điều này không phản ánh thực tế khi các quốc gia như Trung Quốc, Nga và Ấn Độ đang đóng góp vào trật tự quốc tế hiện tại.
Ngược lại, một trật tự quốc tế dựa trên thượng tôn pháp luật (international order based on rule-of-law) nhấn mạnh rằng trật tự quốc tế của chúng ta có thể đàm phán được, nhưng phải dựa vào cơ sở pháp lý cố định. Đây cũng là phương thức mà ngày càng nhiều quốc gia đang sử dụng, chẳng hạn như Nhật Bản, để chống lại các nỗ lực tô vẽ trật tự quốc tế hiện tại của chúng ta như thể là chỉ lấy phương Tây làm trung tâm.
Tại Đối thoại Shangri-la 2022, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nhấn mạnh rằng “Ukraina ngày nay có thể là Đông Á ngày mai”. Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. lặp lại mối quan ngại của Kishida tại Đối thoại Shangri-la 2024, nhấn mạnh rằng “các hành động bất hợp pháp, cưỡng ép, hung hăng và lừa dối (của Trung Quốc) tiếp tục vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của chúng tôi” và rằng “những nỗ lực áp dụng luật pháp và [quy định] trong nước vượt ra ngoài lãnh thổ và quyền tài phán của một quốc gia là vi phạm luật pháp quốc tế, làm gia tăng căng thẳng và làm suy yếu hòa bình và an ninh khu vực”.
Những thách thức đơn phương từ Trung Quốc đối với hiện trạng chính trị nổi lên như những mối đe dọa đáng kể đối với việc thượng tôn pháp luật ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, với những hàm ý thực sự có thể bao gồm một cuộc xung đột khu vực. Những thách thức này bao gồm các tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng, chẳng hạn như việc quấy rối Nhật Bản ở Biển Hoa Đông và quân sự hóa các đảo ở Biển Đông, các mối đe dọa tái sáp nhập Đài Loan một cách đơn phương và việc phá hủy quyền tự do chính trị ở Hồng Kông đã vi phạm Tuyên bố chung Trung-Anh năm 1984. Cao nguyên Himalaya cũng chứng kiến tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc khi khu vực này đã xảy ra nhiều cuộc đụng độ biên giới nhỏ giữa Trung Quốc và Ấn Độ – những xung đột này có nguy cơ leo thang thành một cuộc xung đột khu vực giữa hai cường quốc hạt nhân. Thay vì mạo hiểm gây ra một cuộc xung đột lớn hơn, vấn đề này nên được giải quyết thông qua đối thoại.
Một phần trong những nỗ lực của Trung Quốc bao gồm những gì mà Nhóm Giải mã Trung Quốc của Dự án Truyền thông Trung Quốc, Đại học Heidelberg và Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Thụy Điển (SCCS) giải thích là “ủng hộ “dân chủ hóa” hệ thống Liên Hợp Quốc, có nghĩa là tiếng nói lớn hơn cho các quốc gia từ Nam bán cầu, mặc dù điều này cũng đòi hỏi sự chấp nhận bình đẳng các hình thức quản lý và giá trị độc đoán”. Nói tóm lại, đây là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm nói rằng trật tự quốc tế hiện tại của chúng ta không phản ánh các giá trị của Trung Quốc hoặc các nước đang phát triển khác.
Chuyển từ trật tự quốc tế hiện tại dựa trên thượng tôn pháp luật sang cái mà Andrea Kendall-Taylor và Richard Fontaine gọi là trật tự dựa trên sự thù địch tập thể của “Trục biến động” (Trung Quốc, Nga, Triều Tiên và Iran), xác định đúng những thách thức mà các quốc gia vừa và nhỏ ngày càng phải đối mặt. Việc quay trở lại cách tiếp cận “quyền lực là lẽ phải” đối với chính trị quốc tế trong quá khứ sẽ có những tác động kinh tế và chính trị trực tiếp. Theo Kendall-Taylor và Fountain, các quốc gia theo chủ nghĩa xét lại này đang hợp tác với nhau để “tăng cường năng lực quân sự của nhau; làm giảm hiệu quả của các công cụ chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, bao gồm cả lệnh trừng phạt; và cản trở khả năng của Washington và các đồng minh trong việc thực thi các quy tắc toàn cầu. Mục tiêu chung của họ là tạo ra một giải pháp thay thế cho trật tự hiện tại, mà họ cho rằng do Hoa Kỳ thống trị”.
Trung Quốc định hình trật tự thay thế này như một trật tự lấy Liên Hợp Quốc làm trung tâm gắn liền với Năm nguyên tắc chung sống hòa bình của Trung Quốc – tôn trọng lẫn nhau về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không xâm lược lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi và chung sống hòa bình.
Các đồng minh của Bắc Kinh cũng bác bỏ trật tự quốc tế hiện tại dựa trên luật lệ khi cho rằng trật tự này hạn chế khả năng sử dụng quy mô và sức mạnh ngày càng tăng của của các quốc gia này để định hình trật tự thế giới theo cách có lợi cho các hệ thống phi tự do của họ.
Hệ thống dựa trên luật lệ sẽ đi về đâu?
Gần đây trên tờ Financial Times, Gideon Rachman đã viết rằng trật tự dựa trên luật lệ có thể không đáng để duy trì, lưu ý rằng dường như không ai quan tâm đến nó, bao gồm cả Hoa Kỳ. Một ví dụ là việc không ký vào các giao ước của Tòa án Hình sự Quốc tế; một ví dụ khác là việc sử dụng thuế quan một cách bừa bãi để hạn chế xuất khẩu xe điện của Trung Quốc.
Liệu thuế quan thương mại và Tòa án Hình sự Quốc tế có tương đương với trật tự quốc tế dựa trên thượng tôn pháp luật hay không vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi. Thế giới sẽ thực sự tốt đẹp hơn nếu tất cả các quốc gia luôn tuân thủ các thỏa thuận của mình. Tuy nhiên, hệ thống Liên Hợp Quốc và các cơ quan pháp lý quốc tế liên quan là những tổ chức tạo ra chuẩn mực. Điều này có nghĩa là các quy trình của các thực thể này diễn ra chậm chạp, thường gây nản lòng và dễ bị thay đổi trong quan hệ giữa các cường quốc nhưng không có nghĩa là cộng đồng quốc tế nên từ bỏ mọi nỗ lực đảm bảo sự ổn định và khả năng dự đoán trên thế giới.
“Một trật tự quốc tế dựa trên thượng tôn pháp luật” không nhất thiết phải được dịch thành “cái gọi là trật tự dựa trên luật lệ này”. Mặc dù điều này có thể giống như một bài tập ngữ nghĩa, nhưng có một sự khác biệt chính. Thay vì các quy tắc hướng dẫn chính trị quốc tế được cố định và dường như không thể thay đổi, những bất đồng nên được giải quyết thông qua đàm phán, đối thoại và thiết lập luật mới hoặc sửa đổi thay vì hoàn toàn coi thường luật pháp quốc tế và cách tiếp cận theo kiểu Machiavelli, chân lý thuộc về kẻ mạnh, để giải quyết tranh chấp. Nói cách khác, cách tốt nhất để thay đổi hệ thống quốc tế là thực hiện thay vì chỉ đơn giản là từ bỏ nó.
Rachman đúng ở một điểm, trật tự dựa trên luật lệ không chỉ là tổng hợp các hành động (hoặc không hành động) của Hoa Kỳ, mặc dù Hoa Kỳ là một trong những nước ủng hộ quan trọng nhất cho trật tự này. Đối với hầu hết các quốc gia, việc củng cố trật tự quốc tế thượng tôn pháp luật là vì lợi ích tốt nhất của họ. Điều này sẽ đảm bảo rằng các quốc gia có ảnh hưởng như Hoa Kỳ sẽ không “phá vỡ các quy tắc toàn cầu”, như Rachman đã nói.
Đối với các nước trung cường như Đức, Nhật Bản hoặc Canada, những quốc gia có sức mạnh kinh tế, chính trị và chuẩn mực đáng kể, nhưng lại mờ nhạt so với các cường quốc như Hoa Kỳ và Trung Quốc, thì giá trị của việc duy trì một trật tự quốc tế dựa trên thượng tôn pháp luật là chìa khóa để đảm bảo không chỉ sự thịnh vượng kinh tế mà còn cả sự ổn định chính trị.
Việc Hoa Kỳ áp dụng cách tiếp cận của các nước trung cường trong nỗ lực duy trì một “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự do và Cởi mở” là một ví dụ điển hình. Các vấn đề đối ngoại không chỉ bao gồm những gì được quyết định tại Washington D.C. Giống như một trật tự dựa trên thượng tôn pháp luật, nó đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên và kết quả cuối cùng lớn hơn tổng của các thành phần riêng lẻ.
Các quốc gia tầm trung có số lượng đông đảo và khi hợp lực có thể tạo đủ áp lực buộc các nước vi phạm phải điều chỉnh hành vi. Lợi ích của một trật tự quốc tế dựa trên thượng tôn pháp luật vượt xa những bất ổn của lựa chọn còn lại – đó là quay trở lại thời kỳ trước chiến tranh, khi các nhà độc tài như Hitler, Mussolini và Stalin hành động không bị kiềm chế.
Loại trật tự quốc tế mà chúng ta có rất quan trọng đối với các quốc gia vừa và nhỏ, từ Úc đến Hàn Quốc. Trong một thế giới rộng lớn, trật tự quốc tế dựa trên thượng tôn pháp luật có vai trò kiềm chế sức mạnh của các quốc gia và lãnh đạo các cường quốc, ngăn những nước này cưỡng ép các nước vừa và nhỏ.
W.W. – S.N.
—
William Winberg là nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Cơ đốc giáo Quốc tế và là thực tập sinh của Hội đồng Nghiên cứu Châu Á – Thái Bình Dương Yokosuka (YCAPS).
Stephen Nagy là Giáo sư tại Khoa Chính trị và Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Cơ đốc giáo Quốc tế. Đồng thời, ông là thành viên cấp cao tại Viện MacDonald Laurier (MLI), thành viên của Viện Các vấn đề Toàn cầu Canada (CGAI); thành viên cấp cao của Trung tâm An ninh Đông Á (EASC); & thành viên thỉnh giảng tại Viện Các vấn đề Quốc tế Nhật Bản (JIIA).
Đinh Tùng Lâm và Vân Phạm lần lượt là cộng tác viên và thành viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.
Nguồn bản dịch: Dự án Đại Sự Ký Biển Đông