BBC
29 tháng 7 2024
Mỹ sẽ công bố quyết định có công nhận Việt Nam có phải là nền kinh tế thị trường hay không vào ngày thứ Sáu 2/8, chậm hơn một tuần so với dự kiến.
Chụp lại hình ảnh: Việt Nam được cho đang nỗ lực hết sức để đảm bảo việc nâng cấp trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11, sự kiện có thể đưa ông cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng. Ảnh trung tâm TP HCM vào ngày 25/2/2024. Nguồn hình ảnh: Maika Elan/Bloomberg/Getty Images
Thời gian Washington công bố quyết định đã được hoãn thêm một tuần, thay cho ngày 26/7.
Bộ Thương mại Mỹ viện dẫn lý do hoãn là sự cố “màn hình xanh” CrowdStrike.
Tuy nhiên thời hạn 26/7 cũng được xem là ‘bất tiện’ vì trùng với ngày Quốc tang Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, theo Reuters.
Trước đó, vào ngày 8/9/2023, chính phủ Việt Nam đã đệ đơn chính thức yêu cầu phía Mỹ xem xét về việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, viện dẫn những cải cách kinh tế trong các năm gần đây.
Mỹ đã bắt đầu quy trình xem xét kéo dài 270 ngày.
Việt Nam được cho là đang nỗ lực hết sức để đảm bảo việc nâng cấp này trước cuộc bầu cử tháng 11 ở Mỹ, sự kiện có thể đưa ông cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Không chỉ chính thức đề nghị Washington trong các cuộc gặp cấp cao giữa hai nước, chính phủ Việt Nam còn thuê hẳn một công ty của Mỹ để giúp cho quá trình này.
Trong nhiệm kỳ tổng thống trước đây, ông Donald Trump đã đe dọa sẽ tăng thuế đối với Việt Nam vì mức thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ.
Dưới thời chính quyền Trump, Bộ Tài chính Mỹ cũng đưa Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ.
Ông Trump được cho là đã bắt đầu điều tra việc bán phá giá của Việt Nam ngay trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào đầu năm 2021. Và khả năng ông Trump sẽ tái khởi động tiến trình này nếu đắc cử tổng thống trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm nay.
Mỹ liệt kê Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường vào năm 2002 trong cuộc điều tra chống bán phá giá đối với xuất khẩu cá da trơn của Việt Nam.
Tình trạng này gây bất lợi cho Việt Nam trong thương mại với Mỹ.
Bộ Thương mại Mỹ đặt ra sáu tiêu chí để xác định một quốc gia có đủ điều kiện để được công nhận là nền kinh tế thị trường hay không:
- Khả năng chuyển đổi đồng tiền.
- Tiền lương được xác định thông qua thương lượng tự do
- Cho phép đầu tư nước ngoài
- Sở hữu nhà nước đối với các phương tiện sản xuất
- Sự kiểm soát của nhà nước đối với giá cả và sản xuất của các công ty
- Các yếu tố khác mà phía Mỹ xem là quan trọng.
Việt Nam nằm trong danh sách 12 nước bị Mỹ đưa vào danh sách là nền kinh tế phi thị trường bên cạnh Armenia, Azerbaijan, Belarus, Trung Quốc, Georgia, Kyrgyzstan, Moldova, Nga, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan.
Việt Nam có đáp ứng yêu cầu từ phía Mỹ?
Chụp lại hình ảnh: Vào ngày 8/9/2023, chính phủ Việt Nam đã đệ đơn chính thức yêu cầu phía Mỹ xem xét về việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, viện dẫn những cải cách kinh tế trong các năm gần đây. Ảnh chợ đầu mối Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ vào ngày 25/4/2024. Nguồn hình ảnh: Linh Pham/Bloomberg/Getty Images
Trả lời BBC News Tiếng Việt hôm 28/7, Tiến sĩ Công Phạm, Giảng viên cấp cao chuyên ngành kinh tế tại Đại học Deakin (Úc) cho rằng theo quan điểm của ông, Việt Nam là nền kinh tế thị trường, nếu tính đến tốc độ cải tổ mà Việt Nam đã và đang thực hiện từ thời kỳ Đổi mới vào năm 1986 cho tới nay.
Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) từ năm 2007 và hiện tại đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương với nhiều quốc gia như Hiệp định Đối tác Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại Song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (2000).
“Những hiệp định tự do thương mại đã ký kết đưa Việt Nam hội nhập ngày càng sâu với nền kinh tế toàn cầu với luật chơi cạnh tranh gắt gao và đồng thời thúc đẩy Việt Nam áp dụng những hành vi cạnh tranh tự do”.
“Một điểm nữa thể hiện Việt Nam đã phát triển rất nhanh từ một nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường là sự ra đời của các công ty tư nhân và các công ty khởi nghiệp. Lĩnh vực tư nhân phát triển đi kèm với sự giảm số lượng các công ty nhà nước thông qua việc cổ phần hóa các công ty nhà nước cỡ nhỏ và vừa”, Tiến sĩ Công Phạm đánh giá.
Ông đề cập đến những yếu tố sau đây, khiến Mỹ có thể cân nhắc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường vào ngày 2/8, bao gồm:
- Lĩnh vực kinh tế tư nhân tăng trưởng nhanh chóng và nay chiếm gần 45% tỷ trọng của GDP, đóng góp một phần ba ngân sách nhà nước, 40% vốn đầu tư và sử dụng 85% lao động của cả nước.
- Việt Nam đã cải cách luật đầu tư nước ngoài. Trong 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam thu hút hơn 18 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
- Việt Nam hiện tại đã phát triển một môi trường cạnh tranh thị trường trong các lĩnh vực, ví dụ ngành bán lẻ hiện tại có các công ty nội địa và quốc tế hoạt động như Winmart, Co.Opmart, và các công ty bán lẻ nước ngoài như Aeon và Big C…
- Luật pháp cũng phát triển để hỗ trợ sự phát triển của lĩnh vực kinh tế tư nhân. Việt Nam đã ban hành luật bảo về quyền sở hữu trí tuệ, Luật Doanh Nghiệp và Luật đầu tư. Những bộ luật này đã ra đời từ giữa năm 2000 và đã được sửa đổi nhiều lần đã trở thành các yếu tố quan trọng tạo ra môi trường minh bạch và dự đoán được. Dù quyền sở hữu đất đai vẫn do nhà nước kiểm soát, nhưng quyền sử dụng đất có thể được chuyển nhượng, cho thuê dài hạn và sử dụng làm tài sản thế chấp.
- Thị trường tài chính Việt Nam đang phát triển nhanh với mức ốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam tăng đáng kể qua thời gian.
- Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 của Việt Nam đã đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 1- 1,5%/năm. Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, dự báo cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo là còn khoảng 0,9%.
Việt Nam và Mỹ đạt những bước tiến đáng kể từ khi hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ vào năm 1995.
Sau chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào năm 2023, quan hệ hai nước đã được nâng vượt mức lên tầm Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, mức cao nhất trong cấp bậc quan hệ ngoại giao của Việt Nam.
Tiến sĩ Công Phạm đánh giá về Mỹ và Việt Nam nên cần tìm được tiếng nói đồng điệu vào thởi điểm này.
“Trong tiếng Mỹ thường nói, điệu nhảy tango cần có hai người. Nói cách khác, để tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương cả hai nước đều phải học bước đều cùng nhịp với nhau. Đặc biệt là bước đi đầu tiên. Hà Nội rõ ràng trông đợi Washington đưa Việt nam ra khỏi danh sách các nền kinh tế phi thị trường. Hiện nay danh sách này bao gồm Trung Quốc và Nga, các đối thủ địa chính trị của Washington và các nước trong vòng ảnh hưởng của hai nước này”.
“Rõ ràng đặt Việt Nam trong danh sách các nước thuộc nhóm này không giúp loại bỏ những nghi ngại của Hà nội về sự nghiêm túc của Washington trong phát triển mối quan hệ song phương. Đặc biệt trong bối cảnh rất nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có các đồng minh của Washington như Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada và Anh đã công nhận tư cách nền kinh tế thị trường của Việt Nam”, ông đánh giá.
Tiến sĩ Công Phạm cho biết nếu Mỹ công nhận Việt nam là nền kinh tế thị trường phù hợp với chính sách Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ có mục tiêu cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực cũng xây dựng lại chuỗi cung ứng giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
Ý kiến phản đối Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường
Chụp lại hình ảnh: Việt Nam và Mỹ đã tuyên bố nâng cấp mối quan hệ lên mức cao nhất là Đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến công du của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Hà Nội từ ngày 10 đến 11/9/2023. Nguồn hình ảnh: Saul Loeb/Afp/Getty Images
Tuy nhiên, những người phản đối việc Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đã đưa ra lập luận rằng các cam kết chính sách của Hà Nội đã không đi đôi với những hành động cụ thể và nền kinh tế Việt Nam đang không vận hành theo quy luật thị trường, mà nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bài viết của Reuters hôm 25/7 dẫn nhận định của Giáo sư Alexander L. Vuving từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á – Thái Bình Dương Daniel K. Inouye thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá quyết định sắp tới sẽ “mang tính đau đớn” cho chính quyền của Tổng thống Joe Biden, “xét về những mong muốn có phần đối chọi nhau, vì họ phải cân nhắc giữa việc thu hút Việt Nam và làm hài lòng các nhóm vận động ngành lao động và công nghiệp trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống ngày 5/11 đang đến gần”.
“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời đã làm gia tăng thêm áp lực cho phía Mỹ trong việc lôi kéo Việt Nam trước sự đối đầu Mỹ – Trung”, ông đánh giá.
“Những ngày đầu của chính quyền mới ở Việt Nam rất quan trọng trong việc xác định hướng đi tương lai của Việt Nam.
“Quyết định sẽ phụ thuộc nhiều vào việc các mối lo ngại về cuộc bầu cử tổng thống có quan trọng hơn các mối lo ngại về cạnh tranh giữa các siêu cường hay không, và liệu Nhà Trắng muốn gây tác động đến Bộ Thương mại hay khuyến khích bộ này đưa ra quyết định công bằng”.
Trước đó khi Mỹ cân nhắc quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, đã có sự chỉ trích ngay từ nội bộ.
Thượng nghị sĩ Tom Cotton kêu gọi Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo không cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, viện dẫn mức thâm hụt thương mại giữa hai quốc gia hiện hơn 100 tỷ USD và việc chính phủ Việt Nam kiểm soát “giá cả và sản xuất thông qua các doanh nghiệp do nhà nước sở hữu hoặc được nhà nước trợ cấp”, ông nêu trong một lá thư ngày 24/7 được ký tên chung với 6 thượng nghị sĩ khác.
Hồi tháng 1/2024, một lá thư gửi đến Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo, do 31 nhà lập pháp Mỹ ký tên chung, trong đó đại diện là Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, kêu gọi chính quyền Biden không cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.
Họ cho rằng Việt Nam không đáp ứng các yêu cầu về thủ tục thay đổi quy chế và việc đáp ứng mong muốn của Hà Nội sẽ là “sai lầm nghiêm trọng”.
Theo 31 nhà lập pháp này, việc trao quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam có thể đe dọa người lao động và nhà sản xuất Mỹ, trong khi thúc đẩy kinh tế Trung Quốc.
Các nhà lập pháp Mỹ cũng kêu gọi Bộ Thương mại Mỹ xem xét mối quan hệ kinh tế chặt chẽ của Việt Nam với Trung Quốc.
Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, khiến ngành này “dễ bị xảy ra tình trạng lao động cưỡng bức”.
Hơn nữa, chính Bộ Thương mại Mỹ cũng đã đưa ra cảnh báo về việc Trung Quốc sử dụng Việt Nam để lách thuế chống bán phá giá của Mỹ đối với các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất.
Các nhà lập pháp cũng lưu ý Bộ Thương mại phải xem xét các vấn đề lao động nghiêm trọng ở Việt Nam, như lao động trẻ em, lao động cưỡng bức, gần 80% lao động Việt Nam làm việc trong nền kinh tế phi chính thức, có ít hoặc không có bảo hộ lao động.
Bên cạnh đó, khi xét đến yếu tố “thương lượng tự do về mức lương”, một trong 6 tiêu chí để được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường, thì Việt Nam – nơi chỉ có một tổ chức công đoàn là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nằm dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN – được cho là không đáp ứng.
Việt Nam hiện không có công đoàn độc lập để đại diện cho tiếng nói người lao động. Việc này được xem là không phù hợp với các quy định quốc tế về quyền người lao động, theo các chuyên gia trong lĩnh vực này.
Việc Việt Nam cho bắt giữ hai nhà cải cách công đoàn hồi tháng Năm cũng làm dấy lên quan ngại về việc Việt Nam có đang thực sự muốn phê chuẩn Công ước 87 của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về công đoàn độc lập hay không.
Nguồn: BBC Tiếng Việt