(hay Khát vọng xuyên thế kỷ về một Việt Nam Độc lập, Dân chủ và Tự do)
Trọng Thanh
Giới thiệu: Trọng Thanh là tác giả thuộc hãng RFI, có nhiều bài viết rất hay về Việt Nam với các chủ đề rất rộng về văn hóa, kinh tế và chính trị đương đại.
Bài viết dưới đây nói về lễ tang đang diễn ra ở VN tiễn biệt TBT Nguyễn Phú Trọng nhưng được tác giả viết gắn với chủ đề rộng lớn, xuyên suốt hơn 1 thế kỷ nay về ước vọng của nhân dân đối với một đất nước đang phải đến một ngã rẽ quan trọng: Đi đâu? Về đâu? Trong một thế giới đầy biến động và một nền chính trị quốc gia gần như rối loạn và mất phương hướng…
Tác giả đã xâu chuỗi được 4 cái tang lớn xuyên suốt từ tang lễ Phan Châu Trinh đến Hồ Chí Minh, rồi Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Phú Trọng.
Đúng là tang lễ TBT Nguyễn Phú Trọng cho thấy từ 2013 (tang lễ Võ Nguyên Giáp) đến nay, không có tang lễ nào thu hút sự quan tâm và thành kính lớn như vậy của dân chúng… Và từ nay về sau, chắc còn rất lâu mới có thể có một tang lễ lớn như vậy…
Hiện tượng Nguyễn Phú Trọng sẽ còn là chủ đề dài lâu về sau cho các học giả, nhà văn, nhà thơ viết về ông, cũng như viết về nhân tình thế thái…
Bài viết của Trọng Thanh là một trong những bài đầu tiên viết về ông sau khi ông mất. Xin giới thiệu cùng mọi người để rộng đường thảo luận!
(Tôi đã xin phép tác giả share về trang nhà).
Kim Văn Chinh
Lễ tang cấp quốc gia kéo dài hai ngày với cố Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, đang diễn ra (từ 25 đến 26/07/2024), được nhiều người nhìn nhận như là một Quốc Tang đối với toàn thể dân tộc, một dịp để tôn vinh người “Đốt Lò”, với chủ trương chống tham nhũng triệt để không vùng cấm, và chính sách khôn khéo khẳng định vị thế của Việt Nam trong bối cảnh thế giới phức tạp. Ngược lại, tại Việt Nam, không ít người khác tránh nhắc đến sự kiện này, thậm chí coi tang lễ chỉ liên quan đến Đảng Cộng sản cầm quyền tại Việt Nam, một cuộc “Đảng Tang”.
Viếng ông Nguyễn Phú Trọng tại Sài Gòn
Tang lễ ông Nguyễn Phú Trọng có thực sự là Quốc Tang của người Việt?
Theo quan sát của một số nhân chứng tại chỗ, đám tang cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thu hút khá đông đảo người dân. Bà Trần Thị Sánh, một cựu phóng viên, mô tả:
“Dòng người xếp hàng dài dằng dặc theo các con phố Hàng Chiếu, Lò Đúc, Nguyễn Công Trứ, Lê Quý Đôn… mong mỏi, tha thiết vào viếng TBT Nguyễn Phú Trọng… Rất nhiều công an, cảnh sát, dân phòng, sinh viên tình nguyện các trường đại học được huy động đến phục vụ người dân trên các ngả đường xếp hàng vào viếng. Có cụ già gần 80 tuổi lưng còng chống gậy đến đây từ 3h chiều, một bác nông dân tận huyện Thọ Xuân (Thanh Hoá) nhảy xe đò ra Hà Nội từ 5h sáng… Tất cả đều kiên nhẫn, trật tự và chờ đợi… Chỉ còn hơn một tiếng nữa là hết giờ vào viếng (như thông báo) mà vẫn có đến hàng vạn người dân xếp hàng rồng rắn bên ngoài, không biết có kịp vào viếng không? Nhiều người dân đề nghị Ban Tổ chức nên cho dân viếng cả đêm nay mới đủ thời gian cho dân vào…” (1).
Về mức độ tham gia của người dân, đám tang ông Nguyễn Phú Trọng, cố Tổng bí thư Đảng Cộng sản và nguyên Chủ tịch nước Việt Nam, có thể được so sánh với đám tang tướng Võ Nguyên Giáp hồi 2013. Trên các mạng xã hội, xuất hiện nhiều bài thơ gây xúc động, ca ngợi những phẩm chất của người được coi như một lãnh tụ hiếm có.
Thơ gửi vợ: “… Cảm ơn bà cả một đời gian khó, một hậu phương luôn gắn bó cùng tôi, người sẵn sàng gánh cơ cực gấp đôi, để cho tôi dành trọn đời cho Đảng. Cảm ơn bà suốt bao năm tháng, đã vì tôi cáng đáng chuyện gia đình. Cảm ơn bà đã thầm lặng hy sinh, để cho tôi hết mình vì Tổ quốc…”.
Thơ gửi cả nước: “… Chào đồng bào, tôi đi công tác, chuyến đi này chắc chắn sẽ rất lâu. Xin bà con cố nén buồn sầu, có thương tôi hãy vững lòng yêu nước. Ai cũng sẽ đi, chỉ là tôi đi trước, giấc mộng tương lai xin tiếp tục dựng xây. Nếu có thương tôi, hãy gắng nhớ lời này: Danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất”.
Trên các mạng xã hội, nhiều người yêu mến ông, và cả những người không chung quan điểm, dùng dòng chữ “Người Cộng sản Cuối cùng” như một lời khen ngợi pha nhiều tiếc nuối, lo lắng…
1. Quốc Tang hay “Đảng Tang”?
Tang lễ ông Nguyễn Phú Trọng có thực sự là một quốc tang với người Việt? Để trả lời cho câu hỏi này trước hết cần trở lại với vấn đề gốc: Quốc Tang là gì?
Quốc là Nước, Tang là đau buồn, tưởng nhớ, thương khóc. Quốc Tang là cả nước để tang con người có những cống hiến tầm cỡ lớn lao cho đất nước. Trong lịch sử Việt Nam, đám tang Phan Châu Trinh (*) có thể gọi là Quốc Tang đầu tiên. Cách nay gần tròn thế kỷ, ngày 4/4 năm 1926, tại Sài Gòn, hàng vạn người không phân biệt chính kiến, đảng phái, tôn giáo, làm việc trong hay ngoài nhà nước, đã đổ về trang trọng tiễn đưa nhà ái quốc cách mạng đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Vào thời điểm đó, Việt Nam chưa độc lập, chính quyền dĩ nhiên không đứng ra tổ chức tang lễ. Nhưng đối với rất nhiều người, đây thực sự là một quốc tang, quốc tang của lòng dân đối với người được coi là nhà cách mạng đầu tiên của Việt Nam, người tìm đường cho việc xây dựng một đất nước Việt Nam hiện đại và phát triển, với phương châm cách mạng bất bạo động nổi tiếng “Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh”.
Ảnh: Đám tang Phan Châu Trinh 1926: https://tuoitre.vn/2-bai-dien-thuyet-va-1-dam-tang-rung…
2. Lễ tang (Phan Châu Trinh) báo hiệu sự ra đời một nước Việt Nam mới
Cuộc tang lễ khổng lồ, tề chỉnh ngày 4/4/1926 báo hiệu sự hình thành một đất nước Việt Nam mới, khi tất cả mọi tầng lớp dân chúng thức tỉnh, đoàn kết hướng về mục tiêu chung. Từ thư gửi Toàn quyền Pháp (“Đầu Pháp chính phủ thư”) năm 1906 đến hai bài diễn thuyết nổi tiếng “Quân trị chủ nghĩa và Dân trị chủ nghĩa” cùng “Đạo đức, luân lý Đông Tây” năm 1925, nhà nho cách mạng Phan Châu Trinh – người tạo nhiều điều kiện giúp Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh) sang Pháp (2) – đã xác lập những nền tảng tư tưởng chính trị quyết định để Việt Nam bứt khỏi hấp lực của nền văn hoá quân chủ Khổng giáo ngàn năm để gia nhập trào lưu hiện đại hoá, dân chủ hoá của nhân loại thế kỷ 20.
Từ đó đến sau này, nước Việt Nam độc lập đã có nhiều “quốc tang”, nhưng không kể những “quốc tang” bình thường theo quy định mang tính thủ tục của bộ máy nhà nước đối với những người thuộc hàng “tứ trụ” (trong chế độ cộng sản), những Quốc Tang thực sự của lòng dân là vô cùng hiếm hoi. Thực sự là Quốc Tang có thể kể đến là dịp Hồ Chí Minh qua đời năm 1969, thời Việt Nam đang trong chiến tranh. Tang lễ diễn ra khắp cả hai miền Bắc và miền Nam. Năm 2013, sự ra đi của tướng Giáp, được coi là người lãnh đạo chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, giải phóng Việt Nam khỏi đế quốc Pháp, cũng có thể coi là một Quốc Tang khác, cho dù với cả hai Quốc Tang này không khó nhận ra những bất đồng, đối kháng, từ phía những người khác chính kiến.
3. Khóc người chết để bày tỏ bất mãn với giới cầm quyền đương thời
Hai cuộc tang lễ Nguyễn Phú Trọng và Võ Nguyên Giáp diễn ra trong bối cảnh đông đảo người dân mất niềm tin sâu sắc vào giới cầm quyền. Tản văn của Nguyễn Ngọc Tư mô tả tâm trạng của bản thân và đông đảo người dân đặt niềm tin vào con người vừa qua đời để bày tỏ thái độ với tầng lớp quan chức tham nhũng, tàn bạo đang sống:
“Mấy hôm trước cà phê sáng với nhau bạn còn kêu xã hội nhìn đâu cũng rẽ chia xáo xác. Sẵn sàng cãi nhau vì một cuốn sách, ông xài điện thoại Mỹ tôi dùng điện thoại Hàn, vì em mê nhạc sến anh thích sang. Cảm giác loạn lạc từ chính trường cho tới từng mái ấm, từng cái tổ của mỗi người. Đi bên bờ vực ai không chịu được nấy rơi, tưởng không có gì ngăn lại được dòng người chèn lấn. Bỗng tất thảy họ dừng lại chỉ vì một hơi thở vừa dứt vô phương nối lại. Bạn rơm rớm nói, ông tặng cái chết của mình cho người dân như một cơn mưa phúc lành. Họ, cũng như bọn tôi, ẩn nỗi tiếc thương ông già rực rỡ đó, thấy tâm hồn mình bỗng dưng liền sẹo, bâng khuâng vì ý nghĩ mình cũng còn khả năng khóc cho một người dưng.
Chỗ này chỗ kia, tiếng khóc chưa bao giờ tạnh của những người trót sinh ra trên đời này, nhưng không mấy khi hàng triệu người cùng chung một niềm mất mát.
Bạn nói, có bốn trong mười phần nước mắt đã chảy ra, chúng ta khóc cho việc sau này chẳng còn ai đủ ‘lớn’ để dân còn có thể thương chung, khóc cùng. Cúi đầu trước ông, cũng đồng nghĩa bày tỏ thái độ với những ông quan còn đang sống” (3).
Có Facebooker quá bất bình với tác giả, đã thốt lên: “Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư hình như mới đi du lịch ở Bắc Triều Tiên về nên bà ấy muốn đồng bào mình khóc chung khi tủ lạnh (cách nói lái để chỉ “lãnh tụ”) nằm xuống. Tư ơi là Tư, bao nhiêu năm học ăn học viết bỏ đâu hết rồi”.
Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà thủ thuật gắn tản văn “Nước mắt rơi chung” năm 2013 của Nguyễn Ngọc Tư khóc tướng Giáp với sự ra đi của Nguyễn Phú Trọng có lẽ đã được hàng ngàn người, và có thể hàng vạn người sẵn sàng tin là thật. Có những điểm tương đồng quá sâu đậm giữa hai trường hợp. Rõ ràng có không khí tôn sùng lãnh đạo, được chế độ khuyến khích, nhưng mặt khác, về phía dân chúng, có nhiều người đã lựa chọn khóc người chết để bày tỏ thái độ với giới cầm quyền.
4. Niềm tin vào vị “Vua Hiền” – “Minh Chủ” cuối cùng?
Đồng cảm với tiếng khóc nói trên của nhiều người dân hay lên án không khí sùng bái lãnh tụ? Một số người Việt đã chọn một thái độ rất khác.
Với ít dòng cô đúc, nhà văn, nhà giáo Hoàng Hưng chia sẻ nhu cầu hy vọng của một bộ phận dân chúng, đặt vào một vị vua anh minh, nhưng nhấn mạnh đến thế bế tắc của chế độ mà ông Nguyễn Phú Trọng đã nỗ lực bảo vệ đến hơi thở cuối cùng:
“Ông sẽ là hoài niệm cuối cùng về một vị Vua Hiền trong lòng những người dân Việt Nam chưa hết nhu cầu có một Minh Chủ để tuân phục trong niềm tin Đức Trị.
Xin chân thành chia buồn với gia đình ông, đặc biệt với bà Ngô Thị Mận, người vợ hiền – chỗ dựa vững chắc cho ông có thể sống trọn đời thanh liêm, chí công vô tư, một lòng vì nước.
Di sản chính trị của ông sẽ được phán xét công bằng khi đất nước có tự do ngôn luận!
Những người kế tục ông đứng trước thử thách cực kỳ lớn, khi công cuộc chống tham nhũng mạnh mẽ, dũng cảm của ông đã dẫn đến kết luận mà có lẽ ông không mong đợi: tham nhũng là con đẻ của thể chế mà ông kiên quyết bảo vệ; nhưng hầu như ai cũng thấy và đang đòi hỏi một sự thay đổi triệt để!” (4).
Nhà lãnh đạo “lỗi lạc” bảo vệ một chế độ tham nhũng, tàn bạo?
Đốt lò chống tham nhũng cho đến bao giờ khi chính cái lò đẻ ra tham nhũng? Chủ trương “diệt chuột nhưng không được làm vỡ bình (đẻ ra chuột)” của người Đốt Lò bị nhiều người lên án là hoàn toàn bế tắc.
Cả đời tin vào học thuyết cộng sản tưởng là xoá bỏ mọi bất công, không còn mảy may nghịch cảnh. Cho đến tận lúc sắp rời bỏ cuộc sống dường như ông mới nhận ra sự bất ổn trong niềm tin bền bỉ của ông. Quan chức cộng sản mà lại đua nhau cướp đất sống của dân xây mồ to, đền lớn đến vài hecta thì bất công lớn quá, nghịch cảnh đau lòng quá! Ông đã tha thiết căn dặn vợ con: Tôi không phải quan chức khi sống giành ở nhà to, khi chết giành đất của dân xây lăng mộ. Khi tôi chết đưa tôi về chôn ở đất quê nhà Đông Hội, Đông Anh. Đừng giành đất của dân xây lăng mộ cho tôi.
… Ông mất rồi, bi kịch của cuộc đời ông đã dừng lại nhưng bi kịch của người dân Việt Nam thì vẫn còn đấy!” (5).
Tuy nhiên, với nhiều nhà quan sát, ông Nguyễn Phú Trọng có lẽ đã không thực sự ngây thơ đến phút cuối cùng như vậy. Đỉnh điểm của tính giả dối (hay thoả hiệp với sự giả dối) trong hành xử, xét theo lương tri của người bình thường, là việc đích thân ông cùng đại sứ Trung Quốc “trồng” cây cổ thụ 10 người ôm không xuể tại cửa khẩu “Hữu nghị” Lạng Sơn ít tháng trước khi qua đời (6). Trong lúc chính bản thân ông cách đó ít năm đã dùng những lời lẽ khinh thị để lên án hành động trồng cây cổ thụ của các lãnh đạo trung ương và địa phương.
Cây đa cổ thụ ông Nguyễn Phú Trọng ”trồng” năm 2023, cùng đại sứ Trung Quốc Hùng Ba. https://tienphong.vn/cay-da-dac-biet-trong-khuon-vien-cua…
Không ít người coi biến cố Đồng Tâm ngày 09/01/2020, với việc hàng nghìn công an tấn công trong đêm vào một thôn ngoại thành Hà Nội, bắn chết một đảng viên lão thành hơn 80 tuổi trong đêm tại nhà riêng (liên qua đến một vụ tranh chấp đất đai giữa người dân và một cơ sở bộ Quốc Phòng, không được đưa ra xét xử tại toà án), như một dấu ấn chấm hết cho uy tín Nguyễn Phú Trọng.
Nạn nhân, ông Lê Đình Kình (7) đã tin tưởng vào ông Trọng cho đến phút cuối. Chưa kể đến các đàn áp gia tăng với giới tranh đấu nhân quyền nói chung (và giới bảo vệ môi trường, kể cả thuộc các tổ chức xã hội được nhà nước công nhận và quan chức chính quyền vận động nhân quyền) (9).
5. Khát vọng xuyên thế kỷ về một Việt Nam: Độc lập, Dân Chủ và Tự do
Trở lại câu hỏi chính của nhiều người: Tang lễ ông Nguyễn Phú Trọng có thực sự là Quốc Tang với người Việt?
Cuộc tang lễ khổng lồ ngày 4/4/1926 tại Sài Gòn, thương tiếc lãnh tụ Phan Chu Trinh, nhà cách mạng, nhà tư tưởng bất bạo động, người mở đường cho công cuộc hiện đại hoá và dân chủ hoá của Việt Nam, báo hiệu cho sự hình thành một nước Việt Nam mới, dù chỉ diễn ra tại địa phương, đích thực là một Quốc Tang của người Việt.
Đến sự ra đi của Hồ Chí Minh, đông đảo người dân Việt vẫn coi đây là biểu tượng mang lại nhiều hy vọng.
Ngược lại, sự ra đi của Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Phú Trọng diễn ra trong bối cảnh đông đảo người dân mất niềm tin sâu sắc vào chế độ, theo nhiều ghi nhận. Tham gia vào tang lễ đối với không ít người là một cách để bày tỏ thái độ phản đối âm thầm đối với “bầy sâu” đang cầm quyền (chữ dùng của cựu chủ tịch nước Trương Tấn Sang) (10). Và phần nào để nuôi giữ hy vọng vào một chính quyền sạch.
Tuy nhiên, với một số người, câu hỏi tang lễ ông Nguyễn Phú Trọng có thực sự là Quốc Tang hay không cũng là dịp để đặt ra một vấn đề sâu xa hơn: Quốc là gì? Nước là gì? Nếu đất nước là do Đảng lãnh đạo, thì “Đảng Tang” dĩ nhiên là Quốc Tang, hệt như như cái tang vua chúa trong một đất nước mà người dân chỉ là các thần dân, là dân đen.
Gần một thế kỷ sau Quốc Tang đầu tiên của người Việt tưởng nhớ nhà cách mạng Phan Châu Trinh, tang lễ Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng một lần nữa đặt ra vấn đề hướng đi của xã hội Việt Nam. Quốc gia Việt Nam hiện đại “Hậu Quân Chủ” (Hậu Cộng sản) vẫn đang trong giai đoạn tìm đường sang xã hội dân chủ. Việc người dân có quyền tự quyết trong việc lựa chọn chế độ chính trị cho mình hay không là điều còn rất mơ hồ đối với nhiều người hiện nay.
Cố lãnh đạo Việt Nam Nguyễn Phú Trọng bảo vệ kiểu Quốc gia nào? Quốc gia Dân Chủ với quyền lực thuộc về nhân dân, và quyền con người được coi là nền tảng, hay Quốc gia Hậu Quân Chủ với chế độ Đảng trị, Đảng nắm quyền đại diện và điều hành đất nước?
Tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” (trong thư gửi chính quyền các địa phương, báo Cứu quốc ngày 17/10/1945) (11) tiếp tục là một thách thức với chế độ chính trị Việt Nam hiện nay.
“Quốc tang” ông Nguyễn Phú Trọng chính là một dịp để trở lại với cội nguồn của khát vọng xây dựng một nước Việt Nam mới. Khát vọng tuy có bị đứt đoạn trong nhiều giai đoạn do các bối cảnh lịch sử khác nhau nhưng có lẽ chưa bao giờ bị dập tắt trong tâm khảm đông đảo người Việt. Hơn 10 năm cầm quyền của ông Nguyễn Phú Trọng là một bước tiến hướng về một nước Việt Nam độc lập, dân chủ, tự do, có kỷ cương hay một bước tụt lùi trở lại với “chế độ vua tập thể” (12)?
Đây ắt hẳn là một câu hỏi bức thiết với nội bộ chính quyền đương đại Việt Nam nói riêng và xã hội Việt Nam nói chung.
Chú thích:
(*) https://vienphanchautrinh.org/
1/ https://www.facebook.com/share/p/GMdgLW1unDpWSFz4/
2/ https://www.vietnam.vn/nguyen-ai-quoc-voi-chi-si-phan…/
3/ https://www.facebook.com/share/p/APZthkPmQ1cXeVyb/
4/ https://www.facebook.com/share/pgLfehqsPvMfZkQL/
5/ Bài “Bi Kịch” : https://boxitvn.online/?p=90407
6/ https://baoyenbai.com.vn/…/Yen-Bai-nho-doi-cay-cua-Tong…
7/ https://vtcnews.vn/anh-nguoi-dan-dong-tam-xep-hang-dai…
8/ https://www.hrw.org/…/05/vietnam-new-wave-arrests-critics
9/ “Kết án nhiều nhà bảo vệ môi trường: Danh tiếng của Việt Nam bị ảnh hưởng” https://rfi.my/8bon
“Việt Nam bắt giữ một quan chức thúc đẩy phê chuẩn công ước quốc tế về quyền lao động” https://rfi.my/AaVb
10/ https://vietnamnet.vn/mot-con-sau-da-nguy-hiem-huong-gi…
11/ https://bqllang.gov.vn/…/14589-tu-chan-ly-khong-co-gi…
12/ Nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An: Cần có luật để Đảng tránh bao biện, làm thay : https://viettimes.vn/nguyen-chu-tich-qh-nguyen-van-an-can…
T.T.
Nguồn: FB Kim Van Chinh