Thái độ duy tình trong ứng xử xã hội

Nguyễn Thanh Huy

Trong tâm lý nhận thức, người Việt vốn sống duy tình. Điều này được phản ánh rõ nét qua ngôn ngữ; cách xưng hô trong tiếng Việt không chỉ dùng các đại từ nhân xưng mà còn một lớp từ xưng hô rất đa dạng. Lớp từ này xuất hiện dựa trên các mối quan hệ xã hội như tuổi tác, vai vế, nghề nghiệp, dòng tộc… Tất cả đều phục vụ cho tình cảm, thái độ ứng xử của một cộng đồng.

Có lẽ chính thuộc tính dân tộc này đã khiến người Việt luôn bộc lộ cảm xúc khi đứng trước những hiện tượng xã hội, hay một cá nhân nổi trội nào đó. Tình cảm yêu ghét, giận hờn, buồn vui là những trạng thái không chủ ý, tức nó không bị ý thức chi phối, nó cũng không thể lý giải, phân tích một cách minh bạch. Những cảm xúc như vậy là rất cần để duy trì một cộng đồng gắn kết, chan hoà, giàu tình cảm.

Tuy nhiên, chúng ta dễ bị nhầm lẫn giữa yêu thích với si mê, giữa không thích với căm thù, giữa ngưỡng mộ với sùng bái… Có lẽ dùng từ “nhầm lẫn” hẳn không đúng, bởi vì ranh giới giữa những trạng thái này khá mong manh, trong khi người Việt lại quá duy tình.

Điều đáng nói là, chỉ cần vượt qua ranh giới ấy ngay lập tức chúng ta đánh mất mình, vai trò cá nhân bị hạ thấp, tính tự chủ cũng yếu dần. Từ đây nảy sinh hàng loạt hệ lụy trong ứng xử giữa con người, cũng như trong sự vận hành đi đến tiến bộ xã hội.

Khái niệm “sùng bái” luôn mang theo nội hàm “tôn thờ”, tức nghĩa nào đó chủ thể được sùng bái đã trở nên phi thường, vượt mức con người bình thường . Như vậy, nếu cứ trong cách tiếp cận này sẽ khiến chúng ta đã từ bỏ những đánh giá khách quan, những nhìn nhận rất con người đối với một nhân vật lịch sử, hay những quan sát rất đời thường đối với một nhân vật – hiện tượng xã hội.

Có thể nói, khi đứng trước những hiện tượng, cần những ứng xử mang tính duy lý mà người ta cứ mê lạc vào cảm xúc và đối đãi bằng cách duy tình thì dễ bị cuốn theo, bị dẫn dắt nếu như có ai đó cố tình lợi dụng điểm yếu chí mạng này.

Tâm lý dân tộc ở mỗi quốc gia là một thuộc tính di truyền mang tính khách quan, nhưng đồng thời nó cũng được hình thành nên bởi những tác động xã hội từ lịch sử, văn hoá và các thiết chế mà dân tộc đó đã trải qua. Có một thực tế rằng, về mặt sinh học, con người sẽ bị thay đổi bởi các yếu tố xã hội, cộng đồng được thiết lập và duy trì qua một thời gian nhất định.

Do vậy, nếu ngay từ bây giờ chúng ta không có những nhìn nhận đúng để ứng xử phù hợp với các hiện tượng thì một xã hội tiến bộ đúng nghĩa vẫn phải chờ thêm ở tương lai.

Nha Trang, 21/07/2024

N.T.H.

Nguồn: FB Nguyen Thanh Huy

This entry was posted in Người Việt, Nguyễn Thanh Huy, Ứng xử. Bookmark the permalink.