Đôi điều về “Hiện tượng HOANGCHIBAO”

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

.

BVN nhận được bài viết dưới đây do tác giả, một CTV gửi đến. Xin vui lòng đăng lên để công luận rộng rãi xem xét; dù rằng về phong cách ngôn từ cũng như hình thức biểu đạt có thể còn có đôi ý kiến khác nhau trong BBT, nhưng cuối cùng vẫn thống nhất coi đây là lĩnh vực thuộc quyền và trách nhiệm của người viết. 

Bauxite Việt Nam

.

Nhân vật này, tôi nghe nói đến từ lâu; và tuy chỉ hân hạnh được nghe nhõn một cuộc nói chuyện của ông vốn được mệnh danh là “Người kể chuyện Bác Hồ hay nhất”, tôi đã có thể nhận ra tài ăn nói kiểu bán thuốc Sơn Đông mãi võ, tài biến báo thực & hư, sự thật lịch sử & huyền thoại khá điêu luyện như một kẻ làm xiếc ngôn từ có khả năng thôi miên người nhẹ dạ ít hiểu biết… Nhưng chỉ thế thôi, chẳng có gì đáng nói về ông già trót bị ngộ độc chữ đáng thương đó giữa cái thời tràn ngập thông tin với mục đích câu “viu” này…

Thế nhưng, học trò cũ của tôi, một nhà báo nhà làm phim tài liệu trẻ sáng nay cho thông tin về chuyện cái ông GS-TS danh nổi như mõ này đã quay ngoắt 180 độ phủ nhận những điều mình đã bợ đỡ “nâng bi” ông TCQ trong buổi Bảo vệ luận án TS. nọ, thì tôi hiểu rằng: không nên chạy trốn cái sự thật là, ông GS-TS. HCB đã trở thành “Hiện tượng Hoangchibao” – một hiện tượng có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tinh thần xã hội và tâm lý đạo đức giới trẻ – nhưng không theo hướng tích cực tiến bộ mà theo hướng tiêu cực, xấu xí, góp phần hủy hoại nền tảng của chủ nghĩa Nhân đạo mà xã hội ta đã tích lũy được ít nhiều. Bởi vậy, tôi thấy cần có đôi dòng về ông ta.

Bách khoa mở Wikipedia tiếng Việt trân trọng cho biết: “Hoàng Chí Bảo (sinh năm 1944) là một giáo sư, tiến sĩ người Việt Nam, là diễn giả nổi tiếng, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài – nhân lực. Ông còn được mệnh danh là “Pho sử sống về Bác Hồ” vì đã dành nhiều năm sưu tầm, nghiên cứu, kể chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh. Ông lần lượt được phong hàm Phó Giáo sư và Giáo sư vào năm 1992 và 2003. Năm 2012, ông được Nhà nước phong danh hiệu Nhà giáo Ưu tú”.

Mới đây nhất trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí theo kiểu “tạ sự” về sự kiện truyền thông “khủng” nọ, ông HCB có “đàng hoàng” trả lời không biết đến liêm sỉ là gì: “Ông Thích Chân Quang, tôi chỉ biết đến theo lời mời của Hiệu trưởng ĐH Luật Hà Nội… và tôi chỉ biết đến ông Thích Chân Quang trong buổi luận án (tức là không hề quen biết ông TCQ – người viết chú thích)… tôi cũng chưa đọc luận án của ông ấy, chỉ phát biểu khen động viên trên cơ sở buổi bảo vệ luận án của ông ta… không hề bình luận về việc hành đạo của ông ấy…”!

Nhưng nếu chịu khó nghe lại những điều ông HCB ca ngợi ông TCQ tới độ “quá lời nguyện hết thành hoàng thổ công”, sự tán tụng ông TCQ từ cái tên cúng cơm cha sinh mẹ đẻ đến “các công trình nghiên cứu sâu sắc và rộng khắp như một học giả tầm quốc tế”, lại liều lĩnh so sánh TCQ giống Bác Hồ nữa, thì người nghe có chút hiểu biết và lương tri phải toát mồ hôi hột cúi gằm mặt xấu hổ thay cho hai ông! Rồi nếu nhớ lại nhiều bài viết bóng bẩy kèm hình ảnh sinh động chân thực không hề cắt ghép, nhiều clip cực kỳ chuyên nghiệp tôn vinh ông TCQ và Tu viện Phật Quang – trong đó ông HCB đã được coi là “khách mời danh dự đặc biệt nhất”, thì mới vỡ lẽ rằng: giữa hai ông TS cũ và mới này vốn có một “tình bạn vĩ đại và cảm động” đáng được “xú danh” vào sử sách!

Cuộc “quay xe” chớp nhoáng ngoạn mục hơn cả làm xiếc của ông GS-TS HCB có lẽ khiến ông TCQ vừa ẵm được cái bằng TS. phải xem lại cái tiêu chí “cần phải Trung thành”, “không được Phản bội” của hệ thống giáo lý ông ta tự đặt ra cho Phật tử của mình, chắc là có vấn đề chưa ổn, vì vậy tốt hơn cả là nên trừ “đạo lý” này ra cho những bậc “Hiền sĩ quốc gia” như ông ta và ông HCB giờ đã trở thành một “Hiện tượng” kỳ quái không thể hiểu nổi của thế giới chữ nghĩa Việt hiện đại bắt đầu sặc mùi kim tiền & nền học thuật thảm hại nước nhà!

Kính thưa ông GS-TS giờ đã trở thành “Hiện tượng Hoangchibao”! Ông là người đọc nhiều sách, chắc phải biết đến cuốn tiểu thuyết Những linh hồn chết của N. Gogol, tác phẩm mang tính cảnh báo sâu sắc, mạnh mẽ đối với những ai đã / đang đánh mất lòng Nhân đạo, rất mong ông nếu còn tiếp tục rao giảng diễn thuyết cho lũ trẻ dại dột thì nên đọc cho chúng nghe đoạn văn này:

“Làm sao mà con người lại có thể sa đọa đến thế, trở thành hèn hạ đến thế, đê tiện đến thế?… Người thanh niên hăng hái hôm nay trông thấy ông lão là hình ảnh của nó một ngày kia, mà ghê sợ. Khi từ giã những năm tháng đáng yêu của tuổi trẻ, bạn bước vào con con đường gay go của thời trung niên, bạn hãy mang theo, làm tiền ăn đường, những tình cảm nhân đạo đầu tiên của bạn; nếu không, bạn sẽ chẳng tìm thấy được những tình cảm ấy nữa. Tuổi già đe dọa bạn, cái tuổi già khốc liệt không để cho ta lấy lại bất cứ cái gì ta đã trót bỏ đi. Nấm mồ còn rộng lượng hơn, vì trên mộ người ta còn đọc được mấy chữ: “Ở đây an nghỉ một người”, còn trên những nét ảm đạm và lạnh ngắt của tuổi già vô nhân đạo, ta chẳng đọc được gì cả” (Hoàng Thiếu Sơn dịch, NXB Văn học, 2001, tr.199).

N.A.T.

This entry was posted in Giáo dục, Hoàng Chí Bảo, Nguyễn Anh Tuấn, Thích Chân Quang. Bookmark the permalink.