Chuyện kể về Nguyên Ngọc

Lưu Trọng Văn

1. Ông Vũ Ngọc Hoàng nguyên phó ban trực Ban Tuyên giáo Trung ương kể với gã, khi làm việc ở Hà Nội ông cùng nhà thơ Việt Phương nguyên trợ lý của thủ tướng Phạm Văn Đồng và nhà văn Nguyên Ngọc hàng tuần đều uống cafe với nhau. Lời cuối cùng nhà thơ Việt Phương nói với ông trước khi mất là: “Nguyên Ngọc là một người rất tốt”. Ông Việt Phương nói vậy như lời nhắn nhủ ông Vũ Ngọc Hoàng hãy cố gắng bảo vệ nhà văn Nguyên Ngọc trước những dị nghị về quan điểm này nọ.

2. Ông Vũ Ngọc Hoàng nguyên Bí thư tỉnh uỷ Quảng Nam cùng quê với nhà cách mạng Võ Chí Công, Hồ Nghinh và nhà văn Nguyên Ngọc kể tiếp:

Trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, ông Võ Chí Công bí thư Khu uỷ Khu 5 họp khu uỷ đã chỉ đạo: chúng ta đang hy sinh mất mát rất nhiều nhưng tôi yêu cầu nhà văn Nguyên Ngọc không được chết. Vì mỗi cuốn sách của nhà văn có sức mạnh như một sư đoàn.

Ông Hồ Nghinh Bí thư Quảng Nam đề nghị Nguyên Ngọc xuống vùng tranh chấp để viết về cuộc chiến đấu ác liệt ở đây. Ông Võ Chí Công không cho. Ông Hồ Nghinh cam kết tôi có thể chết chứ Nguyên Ngọc không chết. Ông Võ Chí Công đành đồng ý.

Cũng theo lời kể của ông Vũ Ngọc Hoàng.

Nhà văn Nguyên Ngọc trong sự bảo vệ của đồng bào, đồng chí của mình đã an toàn trong lửa đạn ác liệt nhất để viết tiểu thuyết Đất Quảng. Tập 1.  Đất Quảng được đón nhận vang dội. Mọi người chờ đợi tập 2 ra đời, nhưng Nguyên Ngọc đã không viết tiếp nữa vì nhân vật mẫu để ông lấy cảm hứng viết nhân vật trung tâm do ác liệt quá không chịu nổi đã đầu hàng.

Biết chuyện này, ông Võ Chí Công nói với Nguyên Ngọc, tiểu thuyết là tiểu thuyết, phải viết tiếp đi. Nhưng với cá tính của mình, Nguyên Ngọc vẫn cương quyết không viết tiếp nữa.

3. Không ai có thể buộc nhà văn viết được nếu nhà văn mất hứng. Và khi nhà văn hiểu được cái tình cái nghĩa của đồng chí, đồng bào đối với mình thì không bao giờ phản bội cũng như không để bất cứ ai lay chuyển được tiếng nói trung thực cất lên từ tấm lòng và trang viết của mình.

L.T.V.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Lưu Trọng Văn, Nguyên Ngọc, Nhà văn, Tự do sáng tác. Bookmark the permalink.