Thuận theo thời, bài viết của Hoàng Hải Vân phải xuất hiện!

Tuấn Khanh

Chắc chắn là ông Hoàng Hải Vân phải lên tiếng. Chiếu theo mục đích và thời điểm tạo dư luận quen thuộc qua những bài viết của ông ta, đến lúc này thì có thể thấy ông Hoàng Hải Vân bắt buộc phải có một bài tấn công ông Thích Minh Tuệ.

Chiều dài cầm thẻ viết báo của ông Hoàng Hải Vân cho thấy ông luôn chọn đúng lúc để lên tiếng cho thế lực của mình, cho quyền lợi của mình hay phe cánh của mình, bất chấp việc lên tiếng có trơ trẽn hay đê tiện đi nữa.

Mới đây, ông Hoàng Hải Vân bóc ra vài ba chi tiết trên đường đi của ông Thích Minh Tuệ, và suy luận cạn rằng ông Thích Minh Tuệ chẳng có gì là khoan dung, tầm thường và sỉ vả một đám đông đang u mê với tên “đạo đức giả”.

Ông Hoàng Hải Vân đúng là biết cách chọn tấn công người đủ khoan dung để không buồn đáp trả lại ông. Chọn lựa đó là chiến lược cầm bút, vì bởi ông Vân chưa bao giờ lên tiếng tấn công trực diện Thích Trúc Thái Minh với cọng cỏ pili làm u mê hàng chục ngàn người. Cũng có thể ông biết rõ kẻ đạo đức giả đó có đủ quyền lực sau cánh màn dễ dàng bóp chết ông, khi cả đôi cùng đứng trong một hệ thống nhà nước.

Ông Hoàng Hải Vân cũng chưa bao giờ tấn công Thích Chân Quang khi ông ta bóp nặn lịch sử Việt Nam, nói Lý Thường Kiệt hỗn láo khi dám đánh sang Trung Quốc, bởi có thể Vân mơ hồ liệu có một chỉ đạo nào, hay ai đó chống lưng cho Quang hay không, để ông ta dám nói những điều khốn nạn như vậy. Vân sẽ không liều mình trình bày “đạo đức” của mình để vạch mặt Thích Chân Quang, nhưng rất mạnh mẽ tấn công một người theo suy diễn hằn học và nông cạn của mình, ngay vào lúc tất cả các sàn thương mại điện tử bất thường đồng loạt chặn từ khóa “Thích Minh Tuệ”.

Hoàng Hải Vân nói y như Thích Chân Quang, nói y như những quan chức tôn giáo trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, khi ám chỉ Thích Minh Tuệ là “đạo đức giả”, và ra sức viết hẳn một bài báo lủng củng, phô diễn “đạo đức thật” của mình vào giờ G cần thiết.

Thật ra, không nên nhận định bất cứ ai là “đạo đức” hoặc không cả. Điều đó chỉ có tự họ hiểu, tự họ đối diện với cuộc đời của mình và bia mộ của mình, cuối cùng được nhìn thấy, khi người đi ngang qua phỉ nhổ hay cung kính thôi.

Hoàng Hải Vân cũng đã phô diễn đạo đức “khoan dung” của mình, vào lúc tên Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông Trương Minh Tuấn bị bắt qua vụ tham nhũng Mobifone mua AVG (2019). Lúc đó Vân viết trên facebook của mình status mang tên “Trương Minh Tuấn – bạn tôi”, ca ngợi dù như thế nào, Tuấn cũng là người bạn quý của ông ta. Tay Bộ trưởng đó mạt hạng ở chỗ, miệng thì ngậm tiền, nhưng tay thì tung ra cuốn sách nói là mình viết “Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên hiện nay”. Mạt đến vậy, Vân vẫn “khoan dung” cho là bạn quý của mình, bất chấp mọi nhơ nhuốc đã phơi bày.

Còn nhớ vào lúc đó, tôi vào bình luận trên trang của Hoàng Hải Vân, và hỏi về tính hai mặt của Trương Minh Tuấn có nằm trong bộ ý thức “bạn quý” của ông ta không? Hoàng Hải Vân đã xóa bình luận và hình như là block tôi, như block rất nhiều người đặt vấn đề với ông – rất khác với ông Thích Minh Tuệ kể về chuyện trên đường đi ông từng bị đánh vì hiểu lầm, và ông tha thứ, không nhắc tên – Hoàng Hải Vân đã không “khoan dung” cho bất kỳ ai khác biệt, chặn một cách âm thầm tất cả những người phản biện ông ta.

Đỉnh cao của bút máu Hoàng Hải Vân là vụ đánh nhà văn Nguyên Ngọc, mà đọc bài viết, với giọng điệu cố nâng mình lên cho “bằng vai phải lứa” đến sặc cười của ông ta, khi ông ta lên giọng “Điều đáng nói là việc khôi phục danh dự và truy tặng giải thưởng cho “bọn Nhân văn Giai phẩm” này là kết quả của quá trình Đổi Mới và dân chủ hoá đất nước…”

Vân gọi những tầng lớp đại trí thức của Việt Nam là “bọn”, khi ấy, rõ là Vân có ảo tưởng mình cũng là trí thức, hoặc trí thức bậc trên. Ắt lúc đặt bút, Vân cũng đã mắt láo liên xem có ai đang vỗ vai khen ngợi mình không. Tiếc là bài viết đầy vết nước bọt của thời đấu tố đã lỗi thời, mọi thứ chìm trong vô vọng: Đất nước hôm nay đã khác.

Tôi còn nhớ Tổng biên tập báo Năng lượng mới Nguyễn Như Phong từng có bài viết gây tranh cãi về chuyện “làm báo cũng như làm chó”. Quả thật, báo có nhiều loại báo, chó cũng có nhiều loại chó, nhất là trong thời hỗn mang chủng loại hôm nay. Tôi lại nhớ đến một câu nói của nhà văn Nguyên Ngọc “Tôi vẫn tin ở tương lai của đất nước, nhất là ở lớp trẻ, vì không có lực lượng vô luân nào có thể ngăn trở dân tộc này quyết định vận mệnh của mình”. Tôi cũng tin như vậy. Đất nước sẽ tiến lên, bất chấp mọi thế lực người hay chó đang cố gắng cản bước của dân tộc này.

T.K.

Nguồn: FB Khanh Nguyen

Đọc thêm:

Nhà báo Hoàng Hải Vân – “Nghe qua thì thấy ông rất khoan dung, nhưng thực tế không phải vậy”

Thái Hạo

.

Kim Dung Pham

Tu sĩ TMT quá thật thà, trong trẻo, lại đang tu tập, nên ko có những ma mãnh, khôn ranh để đánh tráo khái niệm. May ông cũng đã từng hoàn thành nghĩa vụ quân sự, bổn phận với Đất nước, ko hề nợ nghĩa vụ QS nhé. Nghiệp tu là căn duyên của ông, và ông đãbuông bỏ đến tận cùng mọi thứ tham – sân – si. Hà cớ gì ông bị đả kích bởi những người có chữ nghĩa lắt léo, đầy tham – sân – si nhỉ??? Xem ra lý trí hay học vấn của các vị thì có, nhưng Đạo hạnh thì… không. Càng viết để phân tích moi móc ông Tu sĩ khổ hạnh, càng thấy các vị ích kỷ, tầm thường. Quá tầm thường!

Nguyễn Tất Thịnh

Kẻ dùng xảo ngôn, múa may ngòi bút cốt để xúc xiểm một người ‘tự đưa mình về KHÔNG – như TMT – một cách chân sinh, chân thiện’… thì kẻ viết nó đã tự ‘ngồi xổm ở đỉnh bất lương’! kẻ đó bộc lộ năng lực của nọc độc, hơn thế nó là quá gớm ghiếc khi‘phun hại lương thiện’ để huỷ hoại sự yêu lương thiện.

‘Thú dữ cũng không tự nhiên cắn người, kẻ hại người để sống nó là quỷ’.

Mạc Van Trang

Một đứa trẻ con cũng cảm nhận được bao nhiêu điều mộc mạc, chân thật, thiện lành, đáng yêu quý, kính trọng từ sự Minh Tuệ. Tôi nghỉ ông Hoàng Hải vân là một nhà báo có tiếng mà viết như vậy chỉ có hai lý do: một là ông bị tâm thần; hai là ông có duyên nợ gì với đám ma tăng để viết như vậy.

.

Lúc khuya, có một bạn Facebook gửi cho tôi một ảnh chụp bài viết của nhà báo Hoàng Hải Vân nói về sư Minh Tuệ, tôi nhờ anh chụp toàn bộ bài viết ấy giúp tôi, vì tôi đã bị tác giả này block cách đây 2 năm, sau khi tôi phản biện bài ông ấy viết về nhà văn Nguyên Ngọc. Câu trích ở tiêu đề trên là mượn chính lời nhà báo Hoàng Hải Vân khi ông nói về tu sĩ Minh Tuệ.

Đọc xong, tôi tóm tắt bài viết của tác giả Hoàng Hải Vân trong một câu, như sau: Có một đám đông u tối và hung hãn đang ngưỡng mộ một kẻ đạo đức giả (là Minh Tuệ).

Để chứng minh cái “đạo đức giả” ấy của ông Minh Tuệ, nhà báo Hoàng Hải Vân dẫn ra 3 ví dụ. Một là việc Minh Tuệ nói rằng mình bị đánh ở Quảng Nam nhưng lại không nói rõ ai đánh. Và Hoàng Hải Vân nhận định: “Nghe qua thì thấy ông rất khoan dung, nhưng thực tế không phải vậy. Nếu thực sự khoan dung thì ông không nên nhắc chuyện ông bị đánh, còn nếu phải chỉ ra thì ông nên chỉ đúng người đánh, một người hay hai người cụ thể, để dân chúng còn lại của tỉnh kia không thấy lời ông làm họ bị tổn thương”. Ví dụ thứ hai là việc ông Minh Tuệ kể lại một lần đi khất thực nhưng qua một huyện mà không ai cho ông đồ ăn. Và Minh Tuệ cũng nhắc tên cái huyện ấy. Và Hoàng Hải Vân cũng nhận định về Minh Tuệ, bằng một câu hỏi tu từ: “Để cho người ta thấy cái huyện kia kỳ thị với Phật giáo chăng?”. Ví dụ thứ ba, để chứng minh rằng ông Minh Tuệ là một kẻ đạo đức giả, tác giả Hoàng Hải Vân dẫn ra câu nói của ông Minh Tuệ về Chú Đại bi. Theo tác giả này, ông Minh Tuệ tự biết rõ sức ảnh hưởng của mình, nên việc ông phủ nhận Chú Đại bi là nhằm xúi dục dân chúng tảy chay một số kinh sách Phật giáo (chứ chẳng phải từ bi gì với ma quỷ cả).

Thú thực, tôi không muốn bình luận gì thêm nữa về mấy ví dụ cũng như các kết luận kèm theo mà nhà báo Hoàng Hải Vân đã nêu ra, vì chúng quá phiến diện, ấu trĩ và có phần ma mãnh nữa. Nhưng đành phải nói cho rõ. Trong một clip, sư Minh Tuệ có kể về việc bị đánh ở Quảng Nam, khi có người nhìn thấy miệng ông máu me thì hỏi và ông bảo rằng do có cái mụt trong miệng. Sau đó ông mới hối hận vì dù đó là lòng tốt nhưng lại phạm giới nói dối, nên ông đi tìm người kia để nói lại. Nhưng tìm không thấy, sau này khi có người khác hỏi đến những trắc trở trên đường khất thực thì ông mới nhắc lại việc bị đánh này một lần nữa, với mong muốn rằng người từng bị ông nói dối kia sẽ nghe được, và cũng là để “sám hối” cái hành vi nói dối thủa nọ của mình. Nhà báo Hoàng Hải Vân không biết rõ câu chuyện hay chỉ đang cố tình nói “một nửa sự thật”? Điều này chắc chỉ ông tự trả lời được. Tuy nhiên, dù thế nào thì lời phán xét của vị nhà báo này cũng là ngụy biện. Đi trên đường và bị người lạ đánh, sau này nhắc lại thì nếu có muốn “chỉ mặt đặt tên” thì cũng đâu biết ai để mà nói cho rõ? Và ông nói rằng bị đánh ở Quảng Nam thì đó là một lời nói thật, ông đâu bịa đặt gì. Còn chỉ vì một người ở Quảng Nam đánh ông mà thiên hạ ghét cả tỉnh Quang Nam, thì đó là lỗi của thiên hạ, sao ông quản được!

Hai ví dụ còn lại thì tôi không muốn phân tích nữa, vì thấy thừa thãi rồi. Ông Hoàng Hải Vân cần nhớ, các clip ghi lại những lời trên của ông Minh Tuệ là lúc ông chưa nổi tiếng, chưa mấy ai biết ông cả, ông chỉ đang lầm lũi một mình trên đường. Nên, Hoàng Hải Vân vu cho ông rằng ông biết sự nổi tiếng và sức ảnh hưởng của bản thân nên cố tình dùng “sức mạnh” ấy để đám đông chửi cả tỉnh, cả huyện hay phế bỏ kinh sách Phật giáo, thì đó là một sự suy diễn vô căn cứ và ác ý, nhằm gán tội cho một người vô tư.

Nhà báo Hoàng Hải Vân không biết hay biết mà cố tình không nhắc tới một điều rất quan trọng trong giới của người tu hành, đó là không nói dối? Sư Minh Tuệ, khi có người hỏi thì nói, và biết gì nói nấy, nói đúng sự thật. Về sau này, lúc đã có nhiều người biết đến ông thì cũng đồng thời có vô số câu hỏi được đặt cho ông. Chúng ta biết là trong số đó, rất nhiêu câu lặp đi lặp lại, có không ít câu hỏi ngây ngô, nhưng ông vẫn nhiệt tình trả lời. Nhà báo Hoàng Hải Vân không nhìn ra trong đó sự vô tư, lòng nhiệt thành và trong sáng của một con người, lại đi quy kết cho ông có mưu đồ/ ý đồ xấu?

Một điều nữa mà hình như nhà báo Hoàng Hải Vân cũng vờ như không biết đến, đó là việc ông Minh Tuệ đã luôn lặp đi lặp lại rằng, ông chỉ là một người bình thường đang đi “tập học” theo lời Phật dạy. Ông luôn khẳng định rằng mình chưa chứng đắc gì cả, chưa phải là thánh là thần gì hết. Thậm chí mỗi khi có người xin quy y thì ông liền xua tay, nói hãy tự mình hướng tâm đến Phật mà quy y, ông không nhận là thầy, cũng không thu nạp đệ tử. Ông cũng từ chối “thuyết pháp”, những gì ông chia sẻ chỉ là từ kinh nghiệm và học hỏi của bản thân, biết gì nói nấy, nói như các cuộc trò chuyện bên đường thế thôi. Như thế, việc thiên hạ kính trọng ông, ngưỡng mộ ông, sùng bái ông, đó là việc của thiên hạ, sao nhà báo lại quy trách nhiệm cho ông như thể ông cố tình toan tính và thao túng cái “đám đông” ấy? Nhà báo Hoàng Hải Vân không thấy đã nhiều lần ông Minh Tuệ kêu gọi mọi người “hãy về làm công việc của mình” sao? Nhà báo cũng không thấy không ít lần ông đã phải băng suối, vượt đèo để tìm sự yên tĩnh sao? Tôi tin là một người đã theo dõi kỹ và cố tìm ra những chi tiết nhỏ nhặt như trên để phê phán Minh Tuệ, nhà báo không thể không biết tất cả những điều này.

Trên đây là chân dung Minh Tuệ, một kẻ đạo đức giả và có mưu đồ, trong cái nhìn của nhà báo Hoàng Hải Vân – cái chân dung đã tạo nên “một đám đông quyền lực thật đáng sợ”. Bây giờ nói đến cái “đám đông” này. Nhà báo Hoàng Hải Vân nhắc lại một cái tút (status) của ông Lê Kiên Thành để chứng minh điều đã nói về cái đám đông ấy, tút bị “nhiều người xông vào chửi te tua, phải gỡ tút xuống”. Tác giả viết “Lấy hành vi của vị hành giả hạnh đầu đà làm “chuẩn mực” để công kích sư sãi và công kích những ý kiến không đồng thuận với vị hành giả, không những rất trái với Phật pháp mà còn tạo ra sự nguy hiểm về quyền con người trong xã hội”.

Một lần nữa tôi lại phải lặp lại câu hỏi đã nêu trên, rằng nhà báo Hoàng Hải Vân không biết hay biết mà cố tình nói khác đi? Người ta phê phán một cái tút là vì nội dung của tút đó chứa đựng nhiều sai lầm trong tư duy và nhận thức, chứ không phải vì họ “Lấy hành vi của vị hành giả hạnh đầu đà làm “chuẩn mực”. Cũng thế, dân chúng chỉ trích một số sư sãi vì chính hành vi của những vị ấy chứ đâu phải vì “lấy hành vi của vị hành giả hạnh đầu đà làm “chuẩn mực”? Chẳng lẽ nhà báo Hoàng Hải Vân không thấy những phát ngôn xàm xí hoặc tào lao hoặc độc hại của những vị ấy? Chẳng lẽ những cúng nhà, cúng vong, trục vong, thỉnh linh thức, v.v. và v.v. không đáng phê phán? Chẳng lẽ nhà báo không biết rằng trước khi ông Minh Tuệ xuất hiện, thì từ nhiều năm nay cộng đồng đã luôn phê phán và gọi những người khoác áo tu ấy là xàm tăng, ma tăng? Biết, vậy tại sao ông lại lái sang việc cho rằng cộng đồng lấy sư Minh Tuệ làm chuẩn mực nên mới có những sự chỉ trích ấy? Chẳng lẽ nhà báo không biết rằng chính các vị kia đã tự đăng đàn chửi bới người tu hạnh đầu đà trong khi ông ấy không hề nói gì đến họ và cũng không hề nói lại tiếng nào? Chẳng lẽ ông không hề hay biết rằng chính giáo hội mà các vị kia đang là thành viên cũng “chịu không thấu” mà buộc phải ban ra các án phạt?

Tôi vẫn không tài nào lý giải được là tại sao, với những thông tin đã được trưng ra trước ánh sáng và luôn chiếm sóng trên truyền thông như thế nhưng một nhà báo suốt ngày ở trên mạng lại không hề hay biết. Vậy rốt cuộc, sự thật là ông không biết hay rất biết nhưng vì một lý do khó nói nào đó mà đã lơ đi và lái câu chuyện sang hướng khác?

Điều khó hiểu nhất là cái băn khoăn sau đây của nhà báo Hoàng Hải Vân: “Điều bất thường là một số giáo sĩ tôn giáo khác cũng ca ngợi vị hành giả hạnh đầu đà”. Xưa nay, các tu sĩ ở các tôn giáo khác nhau thể hiện lòng tôn trọng dành cho nhau vốn không hiếm, nếu không nói là rất nhiều. Nhìn rộng hơn, Việt Nam từ thời Trung Đại tam giáo đã “đồng nguyên”, nghĩa là hòa hợp và chung sống một cách nhuần nhuyễn. Khi đạo Công giáo vào sau thời gian bỡ ngỡ ban đầu, thì cùng hòa vào với đời sống tinh thần Việt, góp phần làm nên văn hóa Việt Nam. Trên thế giới, ngoài vài tôn giáo cực đoan, thì cơ bản các tôn giáo vẫn chung sống trong hòa bình. Nhà báo Hoàng Hải Vân không những không thấy điều đó mà còn tưởng tượng ra rằng họ “ca ngợi vị hành giả này để gián tiếp bài bác Phật giáo với tư cách là một Giáo hội”, “quy kết nhà nước xâm phạm tự do tôn giáo”. Cố tình không thấy sự thật, không thấy tinh thần hòa hợp tôn giáo rất tốt đẹp mà chính nhà nước cũng đang tuyên ngôn và kêu gọi, để lái câu chuyện sang hướng “chống phá” đó là bài nghe rất quen, nhưng cũng rất vụng, không xứng đáng với ngòi bút “điêu luyện” của nhà báo Hoàng Hải Vân.

Mở đầu thì nhà báo Hoàng Hải Vân viết rằng “Có ngàn vạn con đường hướng Phật, mọi con đường hướng Phật cũng như mọi pháp mang đến sự thiện lương cho con người tôi đều tôn trọng. Tôi cũng tuyệt đối tôn trọng sự ngưỡng mộ của mọi người đối với vị hành giả khất thực hạnh đầu đà”; thế nhưng, đọc hết bài viết của ông thì người ta chẳng hề thấy một sự tôn trọng nào, ngược lại chỉ thấy trong mắt ông hiện lên toàn người xấu, nếu không u mê thì cũng hung hãn, nếu không âm mưu thì cũng có ý đồ. Trong mắt ông, người khất sĩ vô sản kia và “đám” dân đang phê phán những kẻ dối tu đều là người xấu cả. Vậy rốt cuộc, với ông, ai mới là người tốt?

Cổ xúy, bảo vệ sự lương thiện, lên tiếng góp ý và phê phán những cái sai, cái xấu, đó là tinh thần trách nhiệm mà bất cứ người cầm bút tử tế nào cũng cần lấy làm tôn chỉ.

Nhưng thật khó hiểu. Ông Minh Tuệ, một kẻ tứ cố vô thân, chỉ có manh áo rách và cái lõi nồi cơm điện, “ngủ lang” bên gốc cây, nhà hoang, nghĩa địa, một người đã luôn lặp lại, rằng bản thân chỉ là phàm phu đang đi tập học, ông hết sức “biết thân biết phận” và khiêm tốn, sống không hại đến ai, không nói xấu ai, một mực luôn chúc cho người khác được “hạnh phúc tốt đẹp” dù họ có đánh có chửi mình, nhưng sao lại có lắm kẻ ghen ghét, đố kỵ đến thế? Không những vậy, người thô lỗ thì lồng lộn tức tối, hỏa bốc ra miệng không kìm được lời; kẻ ranh mãnh thì dùng bút sắt bọc nhung, đâm người bằng chữ nghĩa không biết ghê tay. Thật lạ lùng!

T.H.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Hoàng Hải Vân, Nhà báo, Phục vụ chính trị, Thái Hạo, Tuấn Khanh. Bookmark the permalink.