Đại bàng không làm tổ tại Việt Nam do thiếu ưu đãi đầu tư phù hợp

(VNTB) – Nhiều tập đoàn lớn đã đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư tại Việt Nam, nhưng cuối cùng đã chuyển sang quốc gia khác.

Chính phủ Việt Nam vẫn kỳ vọng thu hút được các công ty lớn của Hàn Quốc tiếp tục đầu tư tại Việt Nam. Trong chuyến công du của ông Phạm Minh Chính tới Hàn Quốc từ 30/6-3/7/2024, Việt Nam quyết tâm “Tận dụng từng phút, từng giờ để thu hút đầu tư từ các Chaebol hàng đầu Hàn Quốc”. 

Theo thông tin của Chính phủ Việt Nam, có các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc có kế hoạch tăng vốn hàng loạt, mở rộng đầu tư tại Việt Nam trị giá nhiều tỷ USD. LG dự kiến giải ngân thêm 3 tỷ USD trong 5 năm tới. Samsung cũng hứa sẽ đầu tư mạnh trong 3 năm tới để nhà máy tại Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất module hiển thị lớn nhất của tập đoàn trên toàn cầu; Hyosung cam kết “đặt tương lai 100 năm tới ở Việt Nam”, xây dựng Trung tâm dữ liệu (Data Center) với tổng vốn 300 triệu USD tại TP.HCM…

Tuy nhiên theo báo cáo về dự thảo nghị định thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì tình hình không mấy lạc quan. Theo bộ này, trong thời gian qua, có nhiều tập đoàn lớn đã đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư tại Việt Nam, nhưng cuối cùng đã chuyển sang quốc gia khác.

Các đại bàng lớn được Bộ KHĐT liệt kê có cả Samsung, và Intel cùng với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khác hiện đóng góp 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.  

LG Chemical đề nghị Việt Nam hỗ trợ 30% chi phí sản xuất (tiền mặt) cho dự án sản xuất pin sau đó chuyển sang Indonesia. Intel đề xuất Việt Nam hỗ trợ 15% tiền mặt cho dự án sản xuất chip vốn đầu tư 3,3 tỷ USD, nhưng sau đó quyết định chuyển dự án sang Ba Lan. Tập đoàn bán dẫn AT&S của Áo đã khảo sát, dự kiến đầu tư, nhưng Việt Nam không đáp ứng được về hỗ trợ theo chi phí và thiếu lao động công nghệ cao có sẵn, nên đã chuyển sang Malaysia.

Ngoài ra, một số dự án công nghệ cao có quy mô lớn cũng chững lại, chờ đợi chính sách mới của Việt Nam. Ví dụ là Samsung cho biết sẽ dịch chuyển dây chuyền sản xuất sang Ấn Độ, LG đang tạm dừng kế hoạch đầu tư mới sản xuất thiết bị điện tử trị giá 5 tỷ USD, SMC (Nhật) đang xem xét đầu tư 500 triệu – 1 tỷ USD tại Đồng Nai.

Bộ KHĐT chỉ ra rằng chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam chưa tương thích với bối cảnh mới: chính sách chưa đa dạng, chỉ dựa vào các hình thức ưu đãi dựa trên thu nhập (miễn, giảm thuế), ưu đãi tiền thuê đất, chưa có ưu đãi dựa trên chi phí.

Ngoài ra các chính sách chưa bắt kịp với cập nhật mới, thông lệ quốc tế, trong bối cảnh có nhiều thay đổi, đặc biệt với sự ra đời của Thuế Tối thiểu toàn cầu. Thêm vào đó,  pháp luật về ngân sách chưa có quy định về chi ngân sách cho các hình thức hỗ trợ đầu tư được quy định tại Luật Đầu tư.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết cần có giải pháp cấp bách để đối phó với ảnh hưởng của Thuế Tối thiểu toàn cầu, ngăn chặn làn sóng dịch chuyển đầu tư ra khỏi Việt Nam nhằm đạt được mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài đầy tham vọng (giai đoạn 2021-2025 khoảng 150-200 tỷ USD, 30-40 tỷ USD/năm; giai đoạn 2026-2030 khoảng 200-300 tỷ USD, 40-50 tỷ USD/năm).

Chính sách này không nhằm bù đắp cho các nhà đầu tư thuộc phạm vi thuế tối thiểu toàn cầu, mà để khuyến khích tất cả doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí thuộc lĩnh vực đầu tư ưu tiên, đồng thời thể hiện tinh thần “thiện chí đồng hành” của Chính phủ Việt Nam đối với các nhà đầu tư trong bối cảnh tình hình quốc tế thay đổi.

Theo Vietnamnet

VNTB gửi BVN 

This entry was posted in Đầu tư nước ngoài, kinh tế. Bookmark the permalink.