[Đang là tù nhân tại Trại giam số 6, Xã Hạnh Lâm, Huyện Thanh Chương, Nghệ An, Việt Nam]
Thục Quyên
Những ngày 24,25,26,27,28 tháng 6 năm 2024, trong khi em tuyệt thực trong tù để giữ vững sự đòi hỏi công lý, tôn trọng nhân phẩm và pháp quyền tại Việt Nam thì tôi đang góp mặt trong một khóa tu tại Viện Phật học Ứng dụng Âu châu của Làng Mai tại Waldbröl, Đức quốc.
Tin vui đến với tôi là trại giam đã mang vào phòng của em cái quạt máy thứ hai mà em và gia đình cũng như các toà đại sứ Mỹ, Úc và Âu châu tại Hà Nội đã kiên trì lên tiếng đòi hỏi trong nhiều tháng, để giúp em và anh Trần Huỳnh Duy Thức đỡ bị ngạt trong những ngày nắng nóng quá 40 độ.
Lá thư em gửi ra cho những đồng nghiệp của mình nhân dịp đánh dấu kỷ niệm ba năm ngày em bị bắt và bỏ tù oan sai (1), làm tôi nhớ đến lời kêu gọi của Thầy chúng ta (2) trong những năm quê hương còn ngập chìm trong khói lửa:
Kẻ thù của ta không phải là người. Kẻ thù của ta là bạo động, u mê, bất công. Khi tranh đấu bằng từ bi và hiểu biết, ta không tranh đấu với kẻ khác mà là tranh đấu với ý hướng chiếm đoạt…
Trong thư em viết:
“Hiện tại, tôi vẫn đang nghe những con sông khô cạn, những đồng bằng tuyệt vọng, trái đất dần trở nên nóng đỏ với nhiều hiện tượng cực đoan dẫn đến hạn hán, lũ lụt, và cháy rừng, mực nước biển dâng… nhưng nhân loại dường như vẫn đang ngủ với những tham vọng vô tận, đẩy đồng bào của mình vào tình cảnh khốn khổ vì cướp bóc, chiến tranh, đói nghèo và bất công…
Tôi ở đây và vẫn đang nghe, tôi nghe đủ kỹ để không nảy sinh cơn giận và nhận thức rằng bạn bè của tôi và tất cả mọi người, chúng ta thuộc về mẹ trái đất với những phẩm chất tốt đẹp. Tôi cũng nhận thức rằng, trong suốt lịch sử, con người liên tục thiết lập ranh giới, chia rẽ từng người, chia rẽ nhân loại với những hố sâu của sự chia cắt và sợ hãi, gia tăng đau khổ trong chính chúng ta, cùng với mọi loại xung đột giữa con người và con người, giữa con người và mẹ thiên nhiên. Trái đất đang sụp đổ trên bờ vực của sự hủy diệt, cuộc sống con người ngày càng băng hoại trong cuộc khủng hoảng về giá trị của niềm tin, tình yêu và đạo đức. Liệu có cách nào hiệu quả để chúng ta chữa lành và khôi phục những điều tốt đẹp cho hành tinh này không?…
“Những thách thức mà nhân loại đang đối diện như dịch bệnh, chiến tranh, thảm hoạ môi trường hay biến đổi khí hậu chỉ dừng lại khi loài người khai thông dòng tâm thức cho ánh sáng chính trực, trí tuệ và bác ái xua tan màn đêm u tối của lòng tham, đố kỵ, sự phân biệt, bạo động… Việc làm thiết thực của mỗi cá nhân là thức tỉnh dòng tâm thức hướng thượng ấy trong chính mình, trong gia đình và cộng đồng mình vượt lên trên những mối bận tâm và các chủ nghĩa hạn hẹp mà hoà chung với dòng chảy hợp nhất con người với thế giới tự nhiên trong chỉnh thể trọn vẹn cùng các phẩm giá mang tính phổ quát”.
“Tôi đã chứng kiến rất nhiều câu chuyện đau lòng về nghèo đói và bệnh tật khủng khiếp đè nặng lên các cộng đồng bị lạm dụng ở Việt Nam. Họ bị tước đoạt đất đai, sinh kế và không có cơ hội lên tiếng đòi công lý, quyền làm người trước tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là ở những nơi có nhà máy nhiệt điện than trên cả nước. Nhằm che đậy sự thật và đe dọa tiếng nói của người dân, nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt bớ, kết án và giam giữ vô cớ các nhà hoạt động nhân quyền và môi trường bất chấp luật pháp quốc gia và quốc tế”.
Các bạn thân mến, tôi thực sự biết ơn các bạn đã luôn đồng hành cùng tôi và mang lại cho tôi rất nhiều năng lượng, mặc dù có nhiều người tôi chưa có cơ hội gặp mặt, biết mặt, biết tên, nhưng chắc chắn chúng ta luôn ở bên nhau.
Tôi ở đây, vững vàng trong trái tim các bạn”.
Lá thư của em, một luật sư môi trường và nhà hoạt động công lý khí hậu, thấm nhuần đạo Phật, đã chuyển tới các bạn và đồng nghiệp một tấm gương của sự hiểu biết, và thái độ bất bạo động, nêu cao sự hành động với tuệ giác bất nhị, với sức mạnh của từ bi chứ không phải với tâm sân hận.
Lá thư của em cho thấy dù đang sống trong những điều kiện khắc nghiệt, trong em vẫn là sự yên tịnh, vững chãi, và bình an.
Viết cho em, tôi nhớ lại một người học trò khác của Thầy chúng ta, chị Christina Figueres (3), khi chị tri ân Thầy trong giờ phút thành công lớn nhất của đời chị: sau 20 năm chờ đợi đầy căng thẳng, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, 196 đại diện các quốc gia đã gạt bỏ được mọi vị kỷ để ký bản thoả thuận cắt giảm lượng phát thải khí carbon chống biến đổi khí hậu toàn cầu đang đe dọa loài người, tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc COP21-Paris lúc 17 giờ 30, tức 23 giờ 30 giờ Việt Nam ngày 12/12/2015.
Có lẽ em cũng đã được tin là Giải thưởng Paul K. Feyerabend (4) năm 2023 được trao cho em để nêu cao những công việc em đã làm, như một tấm gương về tinh thần đoàn kết cộng đồng và với hy vọng rằng nhà chức trách Việt Nam thức tỉnh sẽ nhận ra rằng những người như em và các tổ chức như LPSD của em (Law and Policy of Sustainable Development Research Center) là tài sản to lớn cho bất kỳ quốc gia nào.
Christina Figueres đã đến Viện Phật học Âu Châu để trải nghiệm năng lượng của “chuyển hóa khổ đau thành tình thương, chuyển đổi từ vị trí một nạn nhân thành kẻ thắng cuộc, thay hận thù bằng tình thương và tha thứ”. Và tôi tin rằng trong một tương lai rất gần em cũng sẽ có dịp cùng tôi đến đó, rồi chúng ta và những đồng nghiệp Việt Nam và quốc tế của em lại tiếp tục công việc bảo hộ hành tinh này, hành tinh duy nhất của chúng ta, để làm cho nó trở nên xanh đẹp và mạnh khỏe hơn, để những thế hệ sau còn có một tương lai.
Thương và tin cậy,
Thục-Quyên
Tác giả gửi BVN