Câu chuyện quốc sách hàng đầu

Tô Văn Trường

Sau khi tôi viết bài “Từ chuyện thi vào lớp 10”, nhiều bạn đọc quan tâm chia sẻ và đề nghị nên viết tiếp bài về các bất cập liên quan đến toàn bộ lĩnh vực được Đảng và Nhà nước luôn coi là quốc sách hàng đầu.

Việc coi giáo dục là quốc sách hàng đầu thể hiện sự tiếp nối truyền thống tôn sư trọng đạo của cha ông và tầm nhìn chiến lược mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra từ gần 70 năm trước: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây; vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” (Lời phát biểu tại Lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc, ngày 13-9-1958).

Để đánh giá kết quả thực hiện quốc sách hàng đầu này, đã có nhiều báo cáo tổng kết của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ. Bài viết ngắn này không có tham vọng trình bày lại những kết quả đó mà chỉ nêu lên quan điểm cá nhân về một vài vấn đề có ý kiến trái chiều trong dư luận.

Trăm dâu đổ một đầu tằm?

Tôi có cảm tưởng những đánh giá đầy đủ, cân bằng, khách quan về ưu điểm và hạn chế trong phát triển giáo dục chủ yếu chỉ thể hiện ở báo cáo của các cơ quan nhà nước, còn dư luận thì thường thiên về chỉ trích những yếu kém, tiêu cực trong ngành. Thậm chí, không ít ý kiến khái quát non từ một vài hiện tượng cụ thể để phủ nhận sạch trơn và đổ lỗi cho ngành giáo dục.

Bây giờ, nếu phỏng vấn bất kỳ một bậc ông bà, cha mẹ nào về con cháu của họ thì hầu hết đều khen con khen cháu mình ngoan ngoãn, thông minh, tài giỏi. Nhưng nếu phỏng vấn họ về giáo dục thì rất nhiều người buông lời chê trách. Liệu đánh giá mâu thuẫn như vậy có công tâm?

Thông thường, đổ lỗi cho người bao giờ cũng dễ hơn nhìn nhận trách nhiệm của mình. Phải chăng nhiều người đổ tội cho giáo dục để rũ bỏ trách nhiệm làm cha mẹ, làm người lớn của mình? Còn các nhà quản lý đổ hết tội cho giáo dục để vừa rũ bỏ trách nhiệm quản lý vừa để hướng dư luận vào… cái bị bông. Nhưng như vậy thì còn đâu là phương châm ứng xử “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” mà cha ông từng dạy nữa!

Tôi có người bạn là một Giáo sư danh tiếng của ngành giáo dục kể lại có lần lấy taxi để đi đám hiếu. Lái xe là một người cởi mở. Ngồi trên xe, thấy một số bạn trẻ vừa điều khiển xe máy vừa đọc tin nhắn, anh ấy rất bất bình và bảo “Tất cả là do giáo dục. Lẽ ra, phải giáo dục các cháu từ bé.”.

Vị giáo sư khả kính chia sẻ với sự bất bình của anh lái xe nhưng đặt câu hỏi: “Thực ra, không có nhà trường nào không dạy các cháu những điều tốt. Nhưng vì sao càng lớn, người ta càng xa rời những điều tốt đẹp ấy? Các hiện tượng tham lam, độc ác, cư xử thiếu văn hoá,… tràn lan là do đâu?”. Cuối cùng, cả anh lái xe và vị giáo sư đều đi đến thống nhất: “Giáo dục ở trường lớp quan trọng nhưng không phải là tất cả. Phải có sự kết hợp của giáo dục gia đình, giáo dục xã hội, giáo dục bằng pháp luật và sự gương mẫu của người lớn, người trên thì mới mong tạo ra được một xã hội tốt đẹp.”.

Nhớ lại năm 1975 khi nước nhà mới thống nhất, tôi vào thành phố Hồ Chí Minh [bấy giờ là Sài Gòn – BVN] thăm mẹ sau 21 năm xa cách. Điều làm tôi ngạc nhiên là các cháu học sinh từ nhỏ đến lớn khi nói chuyện rất lễ phép, luôn khoanh tay và thưa dạ. Ra đường, tôi thấy xe cộ lưu thông trên đường thành phố và đường liên tỉnh rất nề nếp, không giống như ở Miền Bắc. Nhưng chỉ sau đó một thời gian, quay trở lại thành phố [này] thì tôi thấy giao thông cũng hỗn độn như ở Hà Nội và ở Miền Bắc mình. Vậy, lỗi là do ai? Lỗi nào là của ngành giáo dục, lỗi nào là do các ngành liên quan không làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật, buông lỏng kỷ cương?

Tôi lại nhớ thời còn nhỏ, trên đường đi học, mỗi khi loa phát thanh công cộng vang lên bản quốc ca thì từ đám học trò tiểu học chúng tôi đến người lớn đang đi bộ đều đứng nghiêm như đang làm lễ chào cờ. Bây giờ thì điều đó tôi chỉ thấy khi sang Thái Lan làm việc. Buổi sáng sớm đi trên đường, khi nghe nhạc hiệu chào cờ, khách bộ hành ở đây đều dừng chân hoặc đi chậm lại, nhiều lái xe dừng xe để nghiêm trang chào cờ (mặc dù chẳng có lá cờ nào trước mặt họ). Khi đi ngang qua các đền thờ, chùa chiền, tượng đài anh hùng, nhiều người dân đều chắp tay lễ. Khi lên ô tô buýt, tàu điện, hầu hết mọi người đều im lặng và tự nguyện nhường chỗ cho người già, phụ nữ, trẻ em và người tàn tật. Khi xếp hàng tại ATM, mọi người luôn đứng cách người rút tiền khoảng 1m hoặc tại vạch ngăn cách theo đúng quy định. Khi ăn tại nhà hàng, hầu hết mọi người đều không ồn ào, không vứt giấy bừa bãi và tự giác mang bát đĩa đã sử dụng vào nơi tập trung, v.v.

Tôi sang Lào cũng thấy văn hoá giao thông ở Lào chẳng khác gì châu Âu. Thành phố Viêng Chăn có hơn 1 triệu người và trên 900.000 phương tiện giao thông, trong đó xấp xỉ 400.000 ô tô. Nhưng đi trên đường phố không bao giờ nghe thấy tiếng còi. Đến ngã tư hoặc những chỗ có vạch kẻ cho người đi bộ sang đường, lái xe bao giờ cũng đi chậm lại và dứt khoát nhường khách bộ hành sang đường rồi mới đi tiếp.

Tại sao người dân mấy nước láng giềng Đông Nam Á duy trì được nếp sống đẹp như vậy mà ta thì chỉ ngày xưa mới có? Lỗi là ở các thầy cô hay ở nhà quản lý?

Đạo đức xã hội xuống cấp thì từ gia đình đến trường học, cơ sở đào tạo giáo viên và nơi sử dụng người tốt nghiệp cho đến nhà quản lý đều có trách nhiệm. Cứ nói riêng về bệnh thành tích và sự suy đồi của đạo đức nghề nghiệp ở tất cả các ngành thì gốc rễ của nó là ở đâu? Giáo dục là thủ phạm hay nạn nhân? Có lẽ chỉ những nhà quản lý trung thực mới cho được câu trả lời xác đáng.

Bắt mạch 5 căn bệnh kinh niên

Nhiều người thường so sánh giáo dục Việt Nam với các nước phát triển và đặt câu hỏi rất hồn nhiên: “Vì sao chất lượng giáo dục nước ta thua xa họ?”. Nói thật là so sánh như vậy thì không khác gì so tiện nghi của nhà trọ với khách sạn 5 sao, tiện nghi của chỗ ngồi trên máy bay giá rẻ với khoang hạng nhất (First Class).

Tôi chỉ lấy một số liệu về đầu tư cho giáo dục để chúng ta có cái nhìn thực tế hơn: Mỹ là một trong những quốc gia có ngân sách giáo dục cao nhất thế giới, chiếm khoảng 5,4% GDP năm 2023, tức là gần 1.600 tỉ USD (khoảng 40.000.000 tỉ VND). Ở một đất nước phát triển hàng đầu thế giới, giáo dục có cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên chất lượng cao như vậy mà mỗi năm nhà nước còn đều đặn rót thêm số kinh phí gấp gần 130 lần kinh phí ngân sách nhà nước Việt Nam đầu tư cho giáo dục (năm 2023: 306.128 tỉ VND) thì đủ hiểu giáo dục có điều kiện bảo đảm chất lượng như thế nào.

Đánh giá công bằng, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, giáo dục Việt Nam cũng đã đạt được nhiều kết quả tốt. So với xếp hạng về kinh tế (thường ở thứ hạng trên dưới 150/191 quốc gia và vùng lãnh thố), kết quả xếp hạng của giáo dục (thường ở thứ hạng trên dưới 50/191 quốc gia và vùng lãnh thố) rất đáng khích lệ.

Tuy nhiên, nói cho đúng, giáo dục và cách quản lý giáo dục của ta cũng còn nhiều hạn chế cần phải được nhanh chóng khắc phục. Từ những biểu hiện cụ thể, theo tôi, có thể nêu thành 5 căn bệnh kinh niên như thế này:

1. Nền giáo dục Việt Nam cơ bản vẫn là một nền giáo dục ứng thí: học để đi thi, chứ không phải học để rèn luyện, phát triển bản thân.

Có thể nói đây là căn bệnh di truyền từ hàng nghìn năm trước, chưa có cách gì khắc phục.

Chính vì học chỉ để thi lấy bằng nên lí thuyết nhiều, thực hành kém và quanh năm phải học thêm, gây quá tải. Cũng vì học chỉ để thi nên hình thức tổ chức giáo dục chủ yếu là dạy học trên lớp, chưa coi trọng việc tổ chức cho học sinh thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động vui chơi, thể thao, văn nghệ,… Phương pháp giáo dục và đánh giá chất lượng giáo dục còn chưa chú trọng phát huy tính chủ động, khả năng sáng tạo của học sinh.

Gần đây, theo Nghị quyết 29 của Trung ương, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã bắt đầu chuyển từ định hướng tiếp cận nội dung (dạy học sinh BIẾT) sang định hướng tiếp cận năng lực (dạy học sinh LÀM). Tuy nhiên, từ tâm lý xã hội trọng bằng cấp hàn lâm hơn trọng người thạo nghề đến áp lực thi cử và cách tuyển chọn, sử dụng người lao động, hầu hết các trường vẫn lo cung cấp cho học sinh nhiều kiến thức để ứng phó với những kỳ thi hơn là dành thời gian rèn luyện cho các em phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực.

Ngay các trường dạy nghề cũng “ôm” luôn việc dạy chương trình phổ thông và mở hệ liên thông để đáp ứng nhu cầu có bằng cấp đại học cho học sinh.

Ở đại học, một số ngành bám sát nhu cầu của thị trường lao động và gắn với đơn vị sử dụng lao động đã đổi mới chương trình, phương thức đào tạo, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo và bảo đảm sinh viên ra trường có việc làm. Tuy nhiên, đại học cũng là lĩnh vực đang mắc bệnh ứng thí trầm trọng. Việc tuyển sinh chủ yếu dựa vào kết quả thi viết. Chất lượng đào tạo, kể cả sau đại học, ở không ít cơ sở rất đáng phàn nàn.

2. Giáo dục Việt Nam vẫn chưa có tính mở như yêu cầu của Nghị quyết 29.

Cách quản lí giáo dục chưa thoát khỏi mô hình quản lý tập trung quan liêu bao cấp, “cầm tay chỉ việc” nên không phát huy được vai trò tự chủ của nhà trường và tính tích cực, sáng tạo của giáo viên.

Ngay trong việc lựa chọn sách giáo khoa phổ thông, mặc dù Nghị quyết số 88 của Quốc hội trao quyền cho giáo viên, phụ huynh học sinh và cơ sở giáo dục nhưng ở hầu hết các địa phương, quyền này chưa được thực hiện. Nếu không kể đến chuyện “vận động hậu trường” thiếu lành mạnh ở một số nơi thì theo tìm hiểu của tôi, hầu hết các tỉnh thành đều yêu cầu các trường lựa chọn sử dụng một bộ sách giáo khoa cho dễ chỉ đạo, quản lý. Ngay ở cơ quan ban hành Nghị quyết 88, lãnh đạo và một số đại biểu cũng đòi hỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa “chuẩn” cho cả nước, y hệt kiểu ăn “gạo mậu dịch” thời bao cấp.

Trong khi đó, ở các nước phát triển và ngay ở Việt Nam trước năm 1975, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ban hành chương trình, còn sách giáo khoa là do các tổ chức, cá nhân biên soạn theo chương trình để huy động được các nguồn lực (trí lực, tài lực) trong xã hội nhằm đa dạng hoá và không ngừng nâng cao chất lượng sách giáo khoa, đồng thời giảm chi cho ngân sách nhà nước.

3. Giáo dục Việt Nam luôn ở trong tình trạng bị động.

Ngành Giáo dục được giao nhiệm vụ thực thi quốc sách hàng đầu và được người dân cả nước kỳ vọng nhưng có hai yếu tố quyết định để thực thi quốc sách là nhân lực (người) và tài lực (tiền) thì đều không được quyền quyết định. Từ việc sử dụng kinh phí đến tuyển dụng, sử dụng cán bộ, giáo viên đều do Uỷ ban Nhân dân địa phương quyết định, ngành Giáo dục tuy có thể tham mưu nhưng tiếng nói rất ít trọng lượng. Các trường thì càng không thể có ý kiến gì.

Những yếu kém hôm nay là kết quả của một nền giáo dục mà những người quản lý không có tư duy chiến lược. Giáo dục bất cập đến đâu thì… chạy theo giải quyết đến đó, cho nên tất cả thành vá víu. Nhìn lại tất cả chủ trương phân luồng, phân ban, thi cử,… đều thấy cái dấu ấn của sự “chạy theo” này! Ngay gần đây, chắc nhiều người còn nhớ: Dưới áp lực của dư luận, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã được chỉ đạo bổ sung một môn học bắt buộc vào chương trình cấp trung học phổ thông – cấp học định hướng nghề nghiệp – khiến cho chương trình nặng thêm và cơ hội lựa chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp của học sinh bị thu hẹp lại.

4. Giáo dục Việt Nam luôn ở trong tình trạng “đói kinh niên” vì thiếu tiền.

Từ năm 2013, Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã yêu cầu mức chi cho giáo dục và đào tạo hằng năm tối thiểu phải đạt 20% ngân sách nhà nước. Điều này cũng đã được quy định trong Luật Giáo dục.

Tuy nhiên, theo dõi số liệu trong các báo cáo của Quốc hội và Chính phủ suốt 11 năm qua, có thể thấy mức Quốc hội chuẩn chi cho giáo dục thường chỉ đạt 13 – 15 %, trừ năm 2021 đạt 17% (https://giaoduc.net.vn/buc-tranh-ngan-sach-giao-duc-qua-nhung-con-so-2-post240824.gd). Cũng cần nói thêm là số kinh phí 20% ngân sách theo luật định không phải chỉ dành cho các cấp học, trình độ đào tạo từ mầm non đến sau đại học mà còn dùng để chi cho hệ thống các trường chính trị được tổ chức từ cấp huyện trở lên và các trường của lực lượng vũ trang. Phần chủ yếu của số kinh phí này là để chi lương và các khoản chi thường xuyên; tỉ lệ chi cho đầu tư phát triển rất thấp.

Về đến các địa phương, mức chi còn thấp hơn nữa. Báo Thanh Niên cho biết: “Báo cáo kế hoạch dự toán ngân sách cho Giáo dục và Đào tạo năm 2022 của 63 tỉnh, thành cho thấy chỉ khoảng 50% địa phương bảo đảm tỷ lệ chi cho hoạt động giảng dạy và học tập tối thiểu, trong đó một số địa phương đạt trên 20%. Các địa phương khó khăn không bảo đảm tỷ lệ chi chuyên môn tối thiểu, trong đó có những địa phương dưới 15% trong tổng chi ngân sách cho Giáo dục và Đào tạo, gây ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục chung của ngành.” (https://thanhnien.vn/ngan-sach-cho-giao-duc-phan-lon-de-tra-luong-chi-cho-chuyen-mon-khong-dam-bao-1851510453.htm).

Việc thiếu sự hỗ trợ đầy đủ từ ngân sách nhà nước và mức thu học phí có tính chất tượng trưng, cào bằng cũng là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng lạm thu. Bên cạnh đó, việc thiếu kinh phí xây dựng trường lớp cũng dẫn đến tình trạng sĩ số lớp học ở đô thị quá đông và hiện tượng “chạy” cho con em vào một số trường có cơ sở vật chất khá, chất lượng giáo viên tốt phổ biến ở nhiều địa phương.

5. Chất lượng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục yếu cũng là một căn bệnh kinh niên.

Từ hơn nửa thế kỷ trước, thế hệ tôi đã lưu truyền những câu cửa miệng như: “Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa, Sư phạm bỏ qua”, “Chuột chạy cùng sào mới vào Sư phạm”,… Có khoảng vài năm, do Nhà nước có chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm, các trường sư phạm đã thu hút được khá nhiều sinh viên giỏi, nâng cao chất lượng đầu vào. Nhưng rồi dần dần chính sách miễn học phí cũng mất tác dụng thu hút sinh viên giỏi vì ra trường khó tìm việc làm, mà giả sử có việc làm thì lương thấp, áp lực xã hội cao và khó có triển vọng thu nhập thêm (trong khi bác sĩ, dược sĩ, kiến trúc sư, kĩ sư xây dựng,… hoàn toàn có thể mở phòng mạch, phòng thuốc, công ty xây dựng,… hoặc làm thêm cho những đơn vị này để tăng thu nhập). Chất lượng đầu vào thấp, đương nhiên ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Kê đơn, bốc thuốc thế nào?

Từ những phân tích ở bên trên, tôi xin đề xuất một số giải pháp như sau:

1. Cải cách căn bản phương pháp đánh giá và các kỳ thi, trước hết là thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đầu cấp, tuyển sinh đại học. Việt Nam mình đang quá chú trọng vào kết quả thi viết. Trong khi đó, ở nhiều nước phát triển, người ta không chỉ dựa vào kết quả thi cử mà còn xem xét nhiều yếu tố khác khi xét tuyển học sinh vào các trường học, đặc biệt là ở cấp đại học, như: hoạt động văn hoá, thể thao; hoạt động xã hội; năng lực giao tiếp; bài luận cá nhân; tài năng đặc biệt; thư giới thiệu;… Nhờ vậy, học sinh không phải chịu áp lực quá lớn để đạt được điểm số cao trong các kỳ thi mà có thể phát huy được những ưu điểm và sở trường của bản thân phù hợp với yêu cầu làm việc sau khi tốt nghiệp. Việc phát triển quá mức số trường, số ngành đại học trong thời gian qua tuy có thoả mãn được nhu cầu học lên đại học của thanh niên nhưng đang làm giảm giá trị của trình độ đại học và mất dần sự hấp dẫn đối với các bạn trẻ.

2. Thực hiện một nền giáo dục thật sự mở. Về mặt quản lý, cần trao quyền và trách nhiệm tuyển dụng, sử dụng nhân sự, sử dụng kinh phí cho người đứng đầu và hội đồng trường, bao gồm trường phổ thông, trường mầm non. Về chuyên môn, cần chấm dứt kiểu chỉ đạo “cầm tay chỉ việc”, để giáo viên được chủ động tổ chức hoạt động giáo dục vừa phù hợp với chương trình vừa phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện dạy học của mình. Học sinh cần được lựa chọn nội dung học tập theo chương trình; ở cấp trung học phổ thông, học sinh được quyền lựa chọn môn học phù hợp với định hướng nghề nghiệp của mỗi em.

3. Trao quyền và trách nhiệm quản lý nhân sự và kinh phí cho ngành Giáo dục. Bất kỳ một thay đổi nào về chủ trương, chính sách đối với giáo dục cũng cần được cân nhắc kĩ lưỡng và quyết định trên cơ sở các quy định của pháp luật, tránh tình trạng dùng quyền lực để bẻ cong chính sách.

4. Chính phủ và Quốc hội bảo đảm kinh phí dành cho giáo dục tối thiểu đạt 20% ngân sách nhà nước. Các địa phương và bộ ngành dành kinh phí cho giáo dục ít nhất bằng mức trung ương đã phân bổ; không sử dụng kinh phí này cho bất kỳ hoạt động nào khác. Người đứng đầu các cơ quan nói trên phải chịu trách nhiệm nếu phân bổ, sử dụng kinh phí cho giáo dục thấp hơn mức quy định. Cần tăng dần kinh phí cho giáo dục theo đà phát triển kinh tế của đất nước để dần dần bảo đảm tăng mức chi cho đầu tư.

5. Đổi mới việc tuyển sinh và sử dụng cử nhân sư phạm: Tuyển sinh căn cứ vào nhu cầu nhân lực của các địa phương cụ thể. Bảo đảm bố trí việc làm cho tất cả sinh viên sư phạm ra trường.

Thay lời kết

Chữa bệnh cho Giáo dục cũng giống như chữa bệnh cho người. Có bắt đúng bệnh thì mới kê đơn, bốc thuốc hiệu quả được. Nhưng chữa bệnh kinh niên phải phối hợp nhiều loại thuốc, nhiều phương pháp để vừa trị bệnh vừa bồi bổ cho cơ thể có sức đề kháng. Điều quan trọng nhất là người bệnh phải quyết tâm chữa bệnh, từ đó không ngại dùng thuốc, không ngại thay đổi nếp sống cho phù hợp với yêu cầu chữa bệnh.

T.V.T.

Nguồn: Văn Việt

This entry was posted in Giáo dục, Tô Văn Trường. Bookmark the permalink.