29/06/2024
VOA Tiếng Việt
Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos của Hạ viện Hoa Kỳ vừa kêu gọi trả tự do cho các tù nhân lương tâm, trong đó có ông Y Yich, ông Y Pum Bya và bà Phạm Đoan Trang đang bị giam cầm tại Việt Nam. Lời kêu gọi này được phát đi nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế của Liên Hiệp Quốc chống Tra tấn 26/6 hàng năm.
“Y Yich & Y Pum Bya là những nhà lãnh đạo Hội thánh Tin lành ở Việt Nam bị bỏ tù vì các ông lãnh đạo cộng đồng tôn giáo của họ. Có thông tin là họ đã bị tra tấn và bỏ mặc về mặt y tế kể từ khi bị bắt”, Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos viết trên trang X hôm 27/6.
“Phạm Đoan Trang là một nhà báo ở Việt Nam bị bỏ tù vô cớ vì làm công việc của mình. Có thông tin là bà đã bị tra tấn và bị bỏ bê về mặt y tế kể từ khi bị bắt vào năm 2020”, vẫn Ủy ban này viết.
Uỷ ban này cũng nhắc lại rằng hiện tại Dân biểu Liên bang Mỹ Glenn Grothman là người bảo trợ cho hai ông Y Yich và Y Pum Bya, trong khi Dân biểu Liên bang Ro Khanna là người bảo trợ cho bà Phạm Đoan Trang trong Dự án Bảo vệ Tự do (Defending Freedoms Project – DFP), một dự án có mục đích vận động trả tự do cho các tù nhân chính trị trên toàn thế giới.
Vào tháng trước, nhân dịp Ngày Tự do Báo chí Thế giới 3/5, Uỷ ban Tom Lantos kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông Trần Huỳnh Duy Thức, người đang thụ án tù 16 năm với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” và cũng nằm trong Dự án Bảo vệ Tự do của Ủy ban này.
“Hơn một phần ba tổng số tù nhân trong Dự án Bảo vệ Tự do đã phải chịu một số hình thức tra tấn. Mỗi tù nhân lương tâm phải được trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện”, Ủy ban này nhấn mạnh.
VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ đưa ra bình luận về lời kêu gọi này của Uỷ ban Nhân quyền Tom Lantos, nhưng chưa được trả lời.
“Việc Uỷ ban Nhân quyền Tom Lantos lên tiếng để phóng thích cho các nạn nhân ở tại Việt Nam, đặc biệt là hai ông Y Yich và Y Pum Bya, là hành động rất có ý nghĩa và rất quan trọng”, mục sư A Ga, thuộc Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên tại Hoa Kỳ, nêu nhận định với VOA.
Ông Y Yich, một mục sư Tin lành, hiện đang thụ án 12 năm tù với cáo buộc “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc”. Có thông tin là giám thị trại giam đã tra tấn ông Y Yich và từ chối chăm sóc y tế đầy đủ cho ông, khiến sức khỏe của ông ngày càng xấu đi, kèm theo các bệnh như cao huyết áp, thấp khớp và viêm dạ dày, theo tài liệu của Uỷ ban.
Cũng với cáo buộc trên, ông Y Pum Bya, một nhà truyền đạo Tin lành người Thượng tại Đắk Lắk, hiện đang thụ án 14 năm tù. Trước khi bị bắt vào năm 2018, có thông tin là ông Bya đã bị công an thẩm vấn về các hoạt động tôn giáo của mình, bị tra tấn và buộc phải ký cam kết ngừng sinh hoạt ở một hội thánh tư gia.
Uỷ ban ở Mỹ nói rằng bà Phạm Đoan Trang, một nhà báo đang thụ án tù 9 năm với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”, phải chịu tình trạng sức khỏe “sa sút trong thời gian bị giam giữ”, bao gồm bị mất cân và mắc các bệnh lý phụ nữ nhưng chưa được khám sức khỏe hay điều trị đúng mức.
Năm nay đánh dấu kỷ niệm 40 năm Liên Hiệp Quốc công bố Công ước Chống tra tấn (CAT). Công ước này được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 10/12/1984 và có hiệu lực từ ngày 26/6/1987.
Vào năm 2015, Việt Nam trở thành quốc gia thành viên thứ 158 của công ước CAT. Chính quyền Việt Nam nói rằng họ đã triển khai thực hiện công ước này “với nhiều giải pháp” và trong thời gian gần đây, nước này cũng ngày càng “khẳng định quyết tâm và chính sách nhất quán” của họ trong công tác “bảo đảm quyền con người”.
Chính quyền Việt Nam thường xuyên lên tiếng bác bỏ các cáo buộc của các nhóm nhân quyền quốc tế và của các quốc gia phương Tây cho rằng họ vi phạm nhân quyền. Hà Nội cũng khăng khăng rằng không có tù nhân lương tâm ở Việt Nam.
Nguồn: VOA Tiếng Việt