Có phải VN không có đủ chứng cớ chủ quyền trên Hoàng Sa và Trường Sa? Cuộc Hội thảo quốc tế ở Philadelphia đầy những tranh cãi vì ông Vũ Quang Việt đã nói Việt Nam không có nhiều bằng chứng chủ quyền trên Hoàng Sa và Trường Sa và có vẻ phía Việt Nam có ý muốn hướng dẫn như thế để giảm thiểu tinh thần dân tộc. Ý kiến Giáo sư Vũ Quang Việt còn lưu nơi đây:
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/07/100729_biendong_conference.shtml
Ký giả Đoan Trang từ VN đã đưa lên Facebook một bài nhận xét về quan điểm trên. Việt báo trân trọng giới thiệu tiếng nói của ký giả Đoan Trang về vấn đề lãnh thổ thiêng liêng của quê nhà. Và trân trọng cảm ơn ký giả Đoan Trang đã nói lên giùm tiếng nói phản biện của rất nhiều người quan tâm.Việt báo
Qua hai bài báo, một bài trả lời BBC của TS Vũ Quang Việt, và bài bình luận sắc sảo khôn ngoan của cô Đoan Trang ta thấy gì?
Rành rành là thấy được tinh thần yêu nước của cả hai người đang tranh cãi nhau, một mặt thì thấy được sự hiền từ “hòa bình chủ nghĩa” của TS Vũ Quang Việt, song lòng yêu nước của cô Đoan Trang cũng buộc TS Vũ phải nghĩ lại – chắc chắn thế!
Đoan Trang có cái nhạy cảm của bậc ký giả thứ thiệt mà vô khối ký giả cả lề phải lẫn lề trái đều không có! Thế mà Đoan Trang vẫn còn bị ba anh đàn ông ở đâu đó cứ nghĩ mình là đàn ông thì lúc nào cũng có quyền không coi trọng cô gái thông minh, nhạy cảm, uyên bác và rất yêu nước này.
Chí ít cô ký giả có giúp cho TS Vũ Quang Việt nghĩ lại… Bài trả lời RFA của ông Việt cho ta thấy điều đó.
Hóa ra, ở các diễn đàn xa chốn kinh kỳ đang tiêu tiền tỷ đô để mua danh hão cho những ai đó, thì các nhà bác học người Việt lại có cách thức khác, dân chủ hơn, tự do hơn, lịch sự hơn, để giữ cho Thăng Long khỏi cảnh rất có thể phải nhìn thấy sứ giả “nước lạ” đi lại nghênh ngang nơi băm sáu phố phường…
Xin cám ơn hai tác giả vốn vẫn là thần tượng của tôi.
Phạm Toàn
Từ ngày 29 tới ngày 31/7, một Hội thảo khoa học với chủ đề “Tranh chấp Biển Đông Nam và vấn đề an ninh con người” đã diễn ra tại Đại học Temple, Philadelphia (Mỹ), với sự tham dự của gần 50 học giả Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, chủ yếu là nước ngoài. Đây là hội thảo hè lần thứ 13 của một nhóm các nhà nghiên cứu người Việt, trong đó có những trí thức nổi tiếng như GS Trần Hữu Dũng, GS Hà Dương Tường, TS Vũ Quang Việt, v.v. Phía Việt Nam tham dự lần này có ông Đinh Kim Phúc, giảng viên sử, ĐH Mở TP HCM.
Ngày 28/7, một ngày trước khi diễn ra Hội thảo, Trưởng ban Tổ chức, TS Vũ Quang Việt đã có bài trả lời phỏng vấn của BBC. Nói về tình hình Biển Đông, ông Việt cho rằng: “Phải làm sao để dư luận thế giới hiểu rõ vấn đề vì chỉ khi đó họ mới có thể ủng hộ các giải pháp tốt đẹp được. Và bản thân chính người Việt Nam cũng phải hiểu rõ tình hình như thế nào trước. Chẳng hạn, theo nghiên cứu của tôi, không thể nói chắc chắn rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Cho tới bây giờ chưa tìm thấy chứng cứ tài liệu nào trong lịch sử Việt Nam rõ ràng để nói rằng Trường Sa là của Việt Nam”.
Phát biểu của ông Vũ Quang Việt lập tức gây phản ứng trong giới nghiên cứu về Biển Đông. Có ý kiến từ phía Hội thảo cho rằng TS Việt đã làm sai nguyên tắc của Ban Tổ chức khi trả lời báo chí trước khi Hội thảo chính thức diễn ra; ngoài ra, đây chỉ là ý kiến cá nhân, không thể là tiếng nói của Hội thảo Mùa hè 2010.
Tuy nhiên, bước vào Hội thảo, TS Vũ Quang Việt một lần nữa lại nhắc lại ý kiến này. Quan điểm của ông bị phản bác ngay tại Hội thảo.
Sơ hở về học thuật
Những tài liệu nghiên cứu về lịch sử tranh chấp Trường Sa – Hoàng Sa đều có ghi lại rằng, ngay từ đầu thế kỷ XVII, các chúa Nguyễn đã tổ chức khai thác trên các đảo. Đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải có nhiệm vụ ra đóng ở hai quần đảo mỗi năm 8 tháng. Năm 1816, Vua Gia Long chính thức chiếm hữu đảo, ra lệnh cắm cờ trên đảo và đo thủy trình. Năm 1835, Vua Minh Mạng cho xây đền, đặt bia đá, đóng cọc, và trồng cây. Đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải tiếp tục hoạt động cho đến khi Pháp vào Đông Dương.
Năm 1932, chính quyền thực dân Pháp đã tuyên bố An Nam có chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, đồng thời sáp nhập Hoàng Sa với tỉnh Thừa Thiên. Năm 1933, Pháp tiếp tục tuyên bố chủ quyền ở Trường Sa, sáp nhập Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa.
Đó đều là những “chứng cứ tài liệu trong lịch sử Việt Nam rõ ràng để nói rằng Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam”.
Nhà nghiên cứu Dương Danh Huy, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, phân tích cụ thể sơ hở trong luận điểm của ông Vũ Quang Việt: “Pháp đã tuyên bố chủ quyền trên hai quần đảo một cách phù hợp với Công ước Berlin. Chủ quyền đối với Trường Sa và Hoàng Sa mặc định đi cùng chủ quyền đối với Việt Nam. Sau này, Pháp trao trả chủ quyền lại cho Việt Nam, nghĩa là hiển nhiên Việt Nam có chủ quyền đối với Trường Sa và Hoàng Sa. Có vẻ như ông Vũ Quang Việt đã nhìn nhận thiếu điều mặc định trên, nên hiểu lầm là Pháp phải tuyên bố cụ thể rằng họ trả hai quần đảo trên cho Việt Nam thì Việt Nam mới có thể có chủ quyền đối với Trường Sa và Hoàng Sa”.
Cũng có thể ông Vũ Quang Việt cho rằng, khi Pháp tuyên bố chủ quyền đối với Trường Sa và Hoàng Sa thì đó là hành động thực dân của một nước thực dân, không phải là sự xác lập chủ quyền cho Việt Nam. Theo ông Dương Danh Huy, quan điểm này, nếu có, sai trầm trọng vì “trong luật quốc tế, nhất là trong các phiên tòa về tranh chấp lãnh thổ, thì những hành động, thỏa thuận, động thái của các nước thực dân trong thời kỳ thuộc địa là luận điểm cơ bản trong việc phân xử. Tòa sẽ xem xét trong thời thuộc địa, các nước thực dân đã làm gì, không làm gì, để xem vùng lãnh thổ trong quá khứ thuộc về ai, và lấy đó làm điểm xuất phát”. Ở đây, có thể nói rằng TS Vũ Quang Việt có xu hướng sa vào cảm tính “không công nhận hành động của nước thực dân trong thời kỳ thuộc địa”. Đáng tiếc là, theo ông Dương Danh Huy, quan điểm đó cũng chính là lập luận mà phía Trung Quốc hay sử dụng trong vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.
Không có lợi về chính trị
Trước sự phản bác của một số học giả trong và ngoài Hội thảo, TS Vũ Quang Việt cho rằng ông chỉ đưa ra quan điểm cá nhân về học thuật. Về điểm này, ông Lê Minh Phiếu, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, góp ý: “Tôi luôn quan niệm rằng, việc tìm những chứng cứ và lập luận cho chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa – Trường Sa – Biển Đông giống như việc một Luật sư bảo vệ cho thân chủ của mình (mà trong trường hợp này, thân chủ là Nhà nước, là quốc gia Việt Nam). Nhiệm vụ của Luật sư đối với thân chủ là bảo vệ thân chủ. Do vậy mà chúng ta không nên công bố rộng rãi những luận cứ và luận chứng bất lợi cho thân chủ của chúng ta cho bên ngoài. Việc trao đổi, nếu có, phải trong phạm vi bảo mật. Vì thế, việc công bố trên BBC một nhận định như vậy theo tôi là không nên, không đúng về mặt chính trị, ngay cả trong trường hợp nhận định đó là quan điểm cá nhân về học thuật”.
Trong bài trả lời BBC, TS Vũ Quang Việt có nói: “Nếu các bên bây giờ đẩy mạnh tinh thần dân tộc, vận động người dân trong nước chiến đấu bảo vệ, sống chết với nó thì sẽ tạo ra một cuộc chiến tranh hết sức vô ích. Nhưng nếu ta thừa nhận đây là một vùng hải đảo không thuộc về ai, thì sẽ vận dụng công pháp quốc tế để giải quyết vấn đề”. Có thể ông muốn hạn chế tinh thần dân tộc chủ nghĩa cực đoan trong những tranh chấp về chủ quyền. Tuy vậy, vấn đề là Việt Nam thực sự có chứng cớ về chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa – Hoàng Sa, và do vậy không nên cho rằng chúng ta đang đòi hỏi cao hơn mức mà Việt Nam lẽ ra được hưởng theo luật pháp và theo lẽ công bằng.
ĐT
Chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa theo lập luận của TS Vũ Quang Việt
Mặc Lâm, phóng viên RFA
Về vấn đề chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mời quý vị theo dõi lập luận của Tiến Sĩ Vũ Quang Việt xung quanh vấn đề này.
Mới đây những người có quan tâm đến chứng cứ lịch sử về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã tỏ ra rất ngạc nhiên trước quan điểm của Tiến Sĩ Vũ Quang Việt trả lời bài phỏng vấn trên BBC cho rằng tất cả các nước đang tranh chấp tại quần đảo Spratlys Island mà Việt Nam gọi là Trường Sa đều không có đầy đủ chứng cứ chủ quyền, kể cả Việt Nam và Trung Quốc.
Mặc Lâm phỏng vấn TS Vũ Quang Việt để tìm hiểu thêm chi tiết về lập luận của ông chung quanh quan điểm này.
Không đồng thuận
Mặc Lâm: Thưa TS, trong một bài trả lời phỏng vấn, ông cho rằng “không thể nói chắc chắn rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Cho tới bây giờ vẫn chưa tìm thấy chứng cứ tài liệu nào trong lịch sử Việt Nam rõ ràng để nói rằng Trường Sa là của Việt Nam. Theo Đại Nam nhất thống toàn đồ do vua Minh Mạng ra lệnh vẽ vào năm 1838 và in ra sau đó một năm, thì hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa được gộp chung lại gọi là Vạn Lý Trường Sa. Liệu tài liệu này sẽ được mang ra để chống lại ý kiến của ông hay không?
TS Vũ Quang Việt
TS Vũ Quang Việt: Trong bài phỏng vấn BBC tôi đã không nói được hết ý nên xin cám ơn anh cho tôi có cơ hội làm vấn đề rõ ràng hơn.
Mục đích bài viết của tôi ở Hội thảo là xem xét chiến lược cần có của Việt Nam để bảo vệ an ninh quốc gia, đối phó với chiến lược mới của Trung Quốc coi gần như toàn bộ biển Đông Nam Á là thuộc chủ quyền của Trung Quốc, là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc do đó Trung Quốc cần bảo vệ như bảo vệ Đài Loan và Tây Tạng. Nếu chấp nhận điều này thì mọi nước đi qua biển Đông Nam Á đều phải xin phép Trung Quốc, như trước đây Trung Quốc đã đòi hỏi Mỹ phải xin phép khi đi qua vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc ở gần Đảo Hải Nam. Trung Quốc nói “bảo đảm tự do đi lại” trên Biển Đông Nam Á.
Không hiểu Trung Quốc hiểu như thế nào nhưng phải xin phép thì không thể gọi là “tự do đi lại”. Trung Quốc nói sẵn sàng cùng các nước hợp tác khai thác biển, nhưng nếu biển thuộc chủ quyền Trung Quốc thì việc hợp tác này chỉ mang tính ban ơn của thiên triều cho chư hầu như ngày xưa. Mục đích của Trung Quốc là gạt ảnh hưởng của Mỹ ra khỏi khu vực. Gạt bằng việc mua chuộc rẻ tiền như vậy thì không ai nghe nổi. Trung Quốc từ lâu đã nhân danh là cùng xã hội chủ nghĩa anh em với Việt Nam để mua chuộc Việt Nam.
Nhưng cho đến nay, Việt Nam không dại như vậy. Tất nhiên Việt Nam gần ngay nách Trung Quốc, lại không là đồng minh của phương Tây, nên Trung Quốc đã tăng cường áp lực và hù dọa Việt Nam bằng cách cấm ngư dân Việt Nam đánh bắt cá, bắt tàu đòi chuộc, đe dọa các công ty thăm dầu mỏ trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Họ cũng biểu dương sức mạnh hải quân để đe Mỹ, hù dọa Việt Nam và các nước khác.
Vấn đề tranh chấp biển đảo như vậy phải đặt trong toàn cảnh chiến lược của Trung Quốc ở cả Thái Bình Dương trong đó có biển Đông Nam Á. Việt Nam trong một thời gian dài, cả chính quyền lẫn người dân đều chỉ tập trung vào tranh chấp đảo không những với Trung Quốc mà với cả các nước Đông Nam Á khác. Chính vì thế mà không thể có sự đồng thuận trong khu vực nhằm đối phó với Trung Quốc.
Tôi hoàn toàn không chống Trung Quốc, tôi nghĩ rằng Việt Nam cần làm bạn với mọi người. Tôi cho rằng phản ứng của các nước chung quanh trong đó có Việt Nam chỉ nhằm bảo đảm an ninh cho quốc gia mình và mong muốn Trung Quốc cùng với các nước chung quanh và kể cả Mỹ thảo luận đa phương để mang lại hòa bình cho khu vực.
Do đó mà mọi nước kể cả Trung Quốc cần nhìn nhận lại vấn đề tranh chấp này về mặt chứng cứ lịch sử và luật pháp quốc tế. Cần minh bạch chúng, mở rộng bàn thảo đa phương để giải quyết vấn đề, kể cả yêu cầu Tòa án Quốc tế tài phán tranh chấp.
Nghiên cứu của chúng tôi (dựa vào sự đóng góp mới đây của các nhà Hán học như Hồ Bạch Thảo) cho thấy là Trung Quốc trong chính sử như Minh sử và Thanh sử không có đoạn nào nói đến Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Trung Quốc. Bản đồ chính thức của Trung Quốc cũng thế. Bằng chứng của Trung Quốc đưa ra là các sách của tác giả Trung Quốc có những đoạn viết về cái gì đó mơ hồ như là Hoàng Sa, thậm chí là Trường Sa. Nhưng đây là ghi chép của những người du lịch, thám hiểm.
Về mặt công pháp quốc tế, chứng cứ lịch sử phải là từ chính sử hoặc những tài liệu tin cậy ghi hành động của nhà nước trung ương, nói lên được ý chí và hành động làm chủ và sự hiện diện liên tục của quốc gia đối với mảnh đất nào đó thì nước đó mới có chủ quyền chính đáng ở đó. Trung Quốc đã không làm được như vậy.
TS Vũ Quang Việt
Việt Nam và các nước khác cũng cần làm thế. Nhà nước Việt Nam có chứng cứ lịch sử trong chính sử về làm chủ Hoàng Sa từ thời Gia Long và sau đó trên vùng Lưỡi Liềm cho đến năm 1974 khi bị Trung Quốc dùng võ lực chiếm mất. Về Trường Sa thì phía Việt Nam cần nghiên cứu để làm cho rõ hồ sơ. Riêng Đại Nam nhất thống toàn đồ có một điểm mạnh là vẽ rõ Hoàng Sa và Trường Sa dù bị hạn chế bởi khả năng khoa học vẽ bản đồ chính xác của thời đó. Tuy nhiên một nhà nghiên cứu Việt Nam là ông Võ Long Tê trong Tạp chí Sử Địa số 27-28, xuất bản ở Sài Gòn năm 1974 cho rằng nguồn gốc bản đồ này không rõ, nên cần tìm hiểu thêm.
Chấp nhận đàm phán đa phương là chấp nhận xem xét trên cơ sở chứng cứ lịch sử, và những thực tế khác liên quan, nếu có vùng nào đó không rõ ràng thì các nước liên hệ có thể dùng Luật Biển và các tiền lệ của Tòa án Quốc tế để bàn việc chia sẻ lợi ích một cách hợp lý và công bằng nhất.
Cần chứng cứ lịch sử chính thống
Mặc Lâm: Đó là nói về bản đồ, riêng vấn đề người Việt Nam đã có mặt tại đây thì Phủ biên tạp lục có ghi:
“Nhà Nguyễn cũng xây dựng biệt đội Bắc Hải, với các nhân sự đa dạng, được tuyển từ làng Tứ Chính, huyện Bình Thuận, hoặc từ làng Cảnh Dương. Những tình nguyện viên được chấp nhận sẽ được miễn các loại thuế và các phí cầu cảng.
Họ đã sử dụng tàu thuyền đánh cá tư nhân nhỏ để đi du lịch đến Bắc Hải, Côn Lôn để bắt đồi mồi, cá heo, bào ngư, hải sâm. Biệt đội Bắc Hải được đặt dưới sự giám sát của biệt đội Hoàng Sa vì họ chỉ thu thập hải sản, và rất hiếm khi có được các nguyên liệu quý khác như vàng và bạc”. Ông nghĩ sao về bằng chứng này?
TS Vũ Quang Việt: Nếu ta dùng nguyên tắc là chứng cứ lịch sử phải mang tính chính thống của Nhà nước trung ương và áp dụng nguyên tắc này để xem xét yêu sách của Trung Quốc thì ta cũng phải áp dụng nguyên tắc này cho Việt Nam và các nước khác.
Chính sử Trung Quốc không nói gì đến Hoàng Sa và Trường Sa là đất Trung Quốc và luôn luôn ghi cương vực Trung Quốc chấm dứt ở đảo Hải Nam. Vậy thì yêu sách của Trung Quốc là không có cơ sở lịch sử. Còn phía Việt Nam, Phủ biên tạp lục là ghi chép của Lê Quý Đôn, không phải chính sử, nhưng là tài liệu cổ được đánh giá là đáng tin cậy, không thể bỏ qua. Phủ biên tạp lục nói về Bắc Hải. Bắc Hải có phải là Trường Sa không thì phải chứng minh.
Về Trường Sa, Trung Quốc không có chứng cứ lịch sử. Việt Nam cần làm rõ chứng cứ về ý chí và hành động làm chủ nó thời Nguyễn.
Nhưng vấn đề Trường Sa không thể chỉ dựa trên chứng cứ lịch sử để xem xét. Nó phức tạp hơn nhiều. Pháp tuyên bố chủ quyền năm 1933 trên cơ sở nó là đất vô chủ, nhưng không gửi quân ngay ra đó để thực hiện chủ quyền. Sau này Pháp và Việt Nam cũng chỉ kiểm soát được một số đảo. Rồi Phi, Mã Lai chiếm đóng những đảo không có người. Đài Loan (Trung Quốc) cũng chiếm đóng 1 hòn đảo khi tước võ khí Nhật ở Itu Aba.
Trung Quốc là nước duy nhất dùng võ lực chiếm đóng lại các đảo mà Việt Nam chiếm trước đó. Trong khu vực Trường Sa, có thể nói là yêu sách của Trung Quốc là yếu nhất, vì chỉ phản ánh qua bản đồ có đường chữ U năm 1947 và chính thức yêu sách từ năm 1951.
Mặc Lâm: Riêng trường hợp Philippine, mãi đến năm 1971 mới tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Trường Sa tuy người dân của họ đã đánh bắt cá hay ghé đảo này từ năm 1956. Trong khi trước đó, Việt Nam đã có hẳn quân đội và thường dân trú đóng trên đảo. Hai sự kiện này được giải thích như thế nào?
TS Vũ Quang Việt: Phi tuyên bố chủ quyền một số hòn đảo trên cơ sở là vùng đất vô chủ, đặc biệt là ở những đảo gần Phi mà trước đây Pháp không có mặt, chưa thực hiện việc kiểm soát hữu hiệu dù đã tuyên bố chủ quyền.
TS Vũ Quang Việt
Trước khi Chính phủ Phi tuyên bố chính thức một số đảo thì Tomas Cloma người Phi yêu sách Itu Aba, đảo lớn nhất ở Trường Sa vào năm 1956. Gọi là lớn nhất nhưng diện tích rất nhỏ, dưới 0.5km2. Như vậy Pháp và Phi đều yêu sách trên cơ sở trước đó là đất vô chủ.
Chỉ có Trung Quốc và Việt Nam sau này mới đưa ra yếu tố lịch sử. Sau yêu sách, không ai đồng ý với ai, các nước tự chiếm những nơi còn vô chủ. Chỉ riêng Trung Quốc là dùng võ lực chiếm lại của nước khác.
Mặc Lâm: Mặc dù ông đưa ra nhiều chứng cứ bảo vệ sự tuyên bố chủ quyền Hoàng Sa là của Việt Nam, nhưng về vấn đề Trường Sa, những đề nghị của ông có thể sẽ bị chống đối từ dư luận Việt Nam, và để giải thích ông sẽ nói gì với họ?
TS Vũ Quang Việt: Xin nói cho rõ là những ý kiến phát biểu của tôi là ý kiến riêng, dựa vào các tài liệu có được. Tôi chưa được tiếp cận với chứng cứ lịch sử mà Nhà nước Việt Nam hiện có nên những ý kiến phát biểu ở đây có thể thay đổi nếu như chứng cứ lịch sử đó đòi hỏi cách nhìn khác. Lịch sử thường được viết lại khi đối mặt với chứng cứ mới. Đó là phương pháp mà các nhà khoa học sử dụng.
Tôi có vài ý kiến riêng dựa vào chứng cứ hiện có và có thể có người không đồng ý. Điều đó không quan trọng bằng việc người Việt cần giúp Chính phủ Việt Nam xây dựng hồ sơ chứng cứ lịch sử và lập luận dựa trên công pháp quốc tế để đàm phán với nước khác và tạo công luận.
Tôi nghe nói vẫn còn Châu bản triều Nguyễn là các thư từ tài liệu cơ sở có đóng dấu của Vua, đây là tài liệu gốc dùng để viết lịch sử chính thống. Hình như chúng vẫn chưa được dịch ra tiếng Việt và cũng chưa được sử gia khai thác.
Mặc Lâm: Xin cám ơn Tiến sĩ.
Nguồn: RFA, 03-8-2010