Lượng và phẩm trong khoa học

Nguyễn Văn Tuấn 

Nhiều người, nhứt là giới trẻ, quên rằng trong đời sống phẩm quan trọng hơn lượng. 

Hôm kia, lên máy bay thì nhận tin nhắn của nhà báo hỏi tôi rằng trong xuất bản khoa học, mối quan hệ giữa editor, tác giả và chuyên gia bình duyệt (expert reviewers) ra sao. Vậy là bắt đầu một buổi trò chuyện / phỏng vấn.

Buổi phỏng vấn chẳng có liên quan với cá nhân nào. Nhưng khi phóng viên viết thành bài báo thì tôi mới biết là ở VN có vài trường hợp bài báo sau khi công bố bị rút xuống, tiếng Anh gọi là ‘retraction’. 

https://thanhnien.vn/da-so-cac-nha-khoa-hoc-nghiem-tuc…

Tình hình retraction trong khoa học càng này phổ biến. Một thập niên trước đây, số bài báo retracted chỉ đếm đầu ngón tay thôi, nhưng chỉ năm qua (2023) số bài báo bị rút xuống đã hơn 10.000 bài. Mười ngàn bài! 

Mới tuần trước, đại học nơi tôi công tác xảy ra một trường hợp retraction làm xôn xao cả một cộng đồng đại học hơn 3.000 nhà khoa học và 42.000 sinh viên! Người ta bàn rằng sự nghiệp khoa học của anh ấy (mới 45 tuổi), một ngôi sao trong đại học, sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề. 

So với 30 năm trước, tôi thấy môi trường nghiên cứu khoa học ngày nay khá độc hại. Áp lực công bố bài báo rất cao, vì bài báo khoa học nó gần như là đơn vị tiền tệ cho sự thăng tiến sự nghiệp, xin tài trợ, giải thưởng, v.v. Thành ra, ai cũng cố gắng công bố càng nhiều càng tốt. Mà, công bố càng nhiều thì xác suất sai càng cao. Lại có những người vặn vẹo dữ liệu, chẻ dữ liệu thành từng mảnh nhỏ, tra tấn dữ liệu, v.v. để có kết quả mà công bố. 

Ở đại học tôi công tác, có những người còn trẻ (chỉ 10 năm sau tiến sĩ) mà họ đã công bố 500-800 bài báo. Tính trung bình, họ công bố 1 bài một tuần. Một năng suất thuộc hàng siêu. Labo tôi năm nào may mắn (có tiền, có nghiên cứu hoàn tất) thì công bố được chừng 10 bài, còn khi nghiên cứu / thí nghiệm chưa xong thì mỗi năm chỉ 5-6 bài. Nhưng vì tôi có hợp tác với các đồng nghiệp bên M và Á châu trong các consortium, nên có năm tôi có tên trên chừng 10 bài. Do đó, nhìn các đồng nghiệp công bố mỗi tuần một bài báo, labo tôi chỉ biết ngả nón bái phục. 

Trong khoa học, cũng như trong bất cứ lãnh vực nào, phẩm quan trọng hơn lượng. Người ta quan tâm đến phẩm chất hơn là số lượng. Phẩm chất ở đây là chất lượng khoa học và tác động đến thực tế. Chính tác động thực tế mới là thước đo thành tựu của một nhà khoa học. Ở Úc, khi xin tài trợ từ các tổ chức lớn, người ta chỉ xem xét 10 bài báo mà thôi. Nhà khoa học có thể có 1000 bài, nhưng nhà tài trợ chỉ xem xét 10 bài. Mười bài đó sẽ nói ‘anh là ai và thuộc đẳng cấp nào’. 

Bà Đồ U U (Giải Nobel Y học 2015) chỉ công bố 5 bài báo thôi, nhưng những công trình của bà ấy cứu hàng triệu người trên thế giới. 

Bà Katalin Karikó suốt sự nghiệp 40 năm chỉ công bố chừng 100 bài và cũng chẳng có bao nhiêu trích dẫn, nhưng bà ấy được trao Giải Nobel Y học 2023. 

https://scholargps.com/scho…/90053345668129/katalin-kariko

Người ưu tiên phẩm chất có thể thiệt thòi nhứt thời (vì lý lịch của họ có vẻ khiêm tốn), nhưng sự nghiệp khoa học lâu dài của họ đầy ý nghĩa.

N.V.T.

Nguồn: FB Nguyễn Tuấn 

 

This entry was posted in Liêm chính học thuật. Bookmark the permalink.