Thứ Hai, 3-6-2024
Thái Hạo, mình nghĩ nguyên nhân sâu xa của cách hành xử đột ngột (có tính chất đối phó) không ai mong muốn này là bởi, sự xuất hiện Minh Tuệ (dù ông không hề mong muốn) tự nó vẫn là một phản chứng quá hùng hồn về sự mấp mé ở bờ vực không tài nào tránh khỏi của một tôn giáo mà truyền thống tốt đẹp hàng nghìn năm đang vuột khỏi tầm chuyển động của cái tổ chức đại diện cho nó trong hiện tại. Và hơn thế nữa, trên bình diện xã hội rộng hơn một tôn giáo, chính sự tồn tại hiền lành của một bậc hành giả cô đơn đi tìm chân lý như Minh Tuệ vô hình trung còn làm hiển lộ ngày càng rõ nét "một thứ hình ảnh lộn trái nào đấy" mà bao lâu nay có thể chỉ mới nằm ẩn trong vô thức của người dân.
Nguyễn Du nói: "Xét trong tội nghiệp Thúy Kiều / mắc điều tình ái, khỏi điều tà dâm". Tội nghiệp của Minh Tuệ, tuy là lớn đấy, song xét cho cùng cũng chỉ mới nằm trong "điều tình ái" chứ chưa phạm vào "tà dâm" nên ông sẽ an toàn; cứ ẩn tu đi (cắt đứt sợi dây tình ái vấn vít với chúng sinh cho mọi người quên ông) là được. |
Ngay ở bài viết đầu tiên về sư Minh Tuệ gần 2 tháng trước, tôi đã nhận định rằng ông sẽ sớm phải ẩn tu. Việc ông dừng hành cước, dù là với nguyên nhân gì, là một điều hoàn toàn có thể nhìn thấy trước được. Nhưng cái cách như đã diễn ra đêm qua ở Huế thì quả là đáng buồn, và đáng thất vọng.
Một lần nữa, tôi lại thấy chính quyền thiếu một quyết định khôn ngoan, đó không phải là cách hay để giải quyết một vấn đề văn hóa. Văn hóa phải giải quyết bằng văn hóa.
Bởi thế, từ khi "hiện tượng Minh Tuệ" nóng lên, tôi cũng đã viết và mong mỏi chân thành và tha thiết rằng, đây là cơ hội để các ban ngành, các cơ quan liên quan vừa xiển dương một biểu hiện của văn hóa tâm linh đẹp đẽ, vừa tích cực phân tích, "tuyên truyền" để đông đảo người dân hiểu đúng giáo lý nhà Phật, đồng thời để họ biết cách ứng xử hợp lý, văn minh, không gây thành đám đông ngày một lớn như đã thấy, thay vào đó là vừa tự nâng cao đời sống tinh thần, vừa không quấy quả người tu hành.
Tiếc thay, tất cả những việc đó đã dường như không được thực hiện một cách chủ động, bài bản, có hệ thống và nhất quán, mà thay vào đó là liên tiếp các hành động gây hiệu ứng ngược: từ các bài viết (như trên trang Phật giáo đời sống), đến các phát biểu méo mó của nhiều nhà sư "chính thống", rồi Công văn của giáo hội, hay ứng xử của cán bộ địa phương (như chủ tịch một xã ở Quảng Trị), v.v… Tất cả đều không phải là các giải pháp văn hóa. Và cho đến đêm qua, sau một hành động "nhanh gọn" không có họ hàng gì với ứng xử văn hóa, đoàn người đã "bốc hơi" như chưa từng tồn tại.
Tôi tin rằng sư Minh Tuệ vẫn an toàn, và ông sẽ an toàn. Điều đáng tiếc là, như đã nói, chính quyền và nhất là các ngành liên quan đến văn hóa đã bỏ lỡ một cơ hội quý giá để vừa góp phần xây dựng một nếp sống đẹp cho người dân, vừa tự quảng bá cho hình ảnh của chính mình. Không gì chứng minh mình là một chủ thể văn hóa hiệu nghiệm cho bằng cách ứng xử có văn hóa, khôn ngoan và cao thượng. Tiếc thay. Nhưng, có lẽ như thế mới đúng, và chẳng nên ngạc nhiên làm gì.
T.H.
Tác giả gửi BVN