Nguyễn Mạnh Hà
Gửi tới BBC từ Hà Nội
31 tháng 5 2024
Hằng ngày lên mạng theo dõi hành trình của Thích Minh Tuệ có lẽ đã trở thành thói quen của không ít người Việt. Một phiên livestream về ông có 1 vạn người xem trực tiếp là bình thường.
Chụp lại hình ảnh: Trên mạng, hành trình tu tập của Thích Minh Tuệ và “tăng đoàn” được cập nhật từng ngày. Nguồn hình ảnh: Nguyễn Tiến
Trên mạng, hành trình tu tập của Thích Minh Tuệ và “tăng đoàn” được cập nhật từng ngày. Xem ra không kém phần kịch tính. Mỗi ngày lại có một vài “biến” bõ công đại chúng dõi theo và bàn tán.
Tường thuật trực tiếp đến hết đời?
Với việc quanh mình lúc nào cũng có vài trăm khán giả hiếu kỳ, vài chục đại diện truyền thông mạng và đặc biệt trên dưới 30 “đệ tử” kề cận 24/7, rõ ràng đã hình thành một tăng đoàn và sư Thích Minh Tuệ bất đắc dĩ phải nhận vai “trụ trì” ngôi chùa di động. Trước đây, có clip ghi lại quan điểm của ông cho rằng đã làm trụ trì thì đừng mong giải thoát. Đúng là “ghét” của nào nhận ngay của ấy.
Việc tu của ông từ đó cũng khó khăn gấp bội. Trước đây chỉ có một mình, ông dễ dàng tìm nơi nghỉ ngơi và tu tập hằng đêm, nay phải kiếm chỗ nào đủ rộng để mọi người cùng được an vị. Đi khất thực có khi ông cũng phải nhận thêm đồ ăn đựng trong các túi lúc lỉu như mẹ đi chợ mua thực phẩm cho đàn con thơ dại đang chờ, vây quanh nơi ông ngồi thường có hàng chục chai nước tinh khiết. Để ngăn những con mắt tọc mạch hằng đêm, một số địa phương phải căng bạt cho ông và cả đoàn ngồi.
Trước đây, nhiều người (đặc biệt là các Phật tử nữ) bày tỏ sự thương xót khi thấy ông Minh Tuệ đầu trần, chân đất, ngủ ngồi hoặc một thân một mình nơi hoang lạnh… Nghĩa là họ lấy thước đo của bản thân đem áp cho người tu. Mà không biết hoặc không để ý nếu ông Minh Tuệ không tìm thấy sự an lạc trong những hành động đó thì ông đã lăn ra ốm, phải đi cấp cứu từ lâu. Sự khổ đáng kể hơn là phải đối diện đám đông hỗn tạp như lúc này. Có thể thấy tạm thời ông kém tươi hơn và có lúc phải xưng “chúng tôi” thay vì “con” khi muốn giải tán đám đông trong vô vọng.
Ai thực sự hướng Phật sẽ hồi hộp thay cho đường tu đương đại của một hành giả. Còn dân thường thì đã có vô số chủ đề bày ra hằng ngày để kháo nhau như hôm nay “sư” nào bị mời về, có nhóm nào đi theo để phá “thầy”, người nhà nào đi theo níu kéo, nghĩa trang nào đã từ chối “thầy”… Một số thuyết âm mưu cũng được đưa ra, như có người được cài vào tăng đoàn để theo dõi và phá hoại hay các xích mích, phân cấp không tránh khỏi khi một tập thể hình thành. Có ý kiến cho rằng sau khi giải quyết xong những nan đề trên thì ông Minh Tuệ chứng đắc là vừa.
Đây là những áp lực chưa từng có đối với một tu sĩ. Chưa ai tu dưới sự quan sát tới chân tơ kẽ tóc của đại chúng như vậy. Các kênh thông tin mạng xã hội đi sâu vào lý giải thầy đi vệ sinh thế nào, kiểu gì; sao hai tuần mới tắm một lần mà vẫn tỏa hương thơm tự nhiên… Nói chung cũng là một cuộc thi đua tự giác tìm hiểu Phật học sâu rộng trong quần chúng.
Thích Minh Tuệ đang trên đường học theo hạnh Phật đã được tường thuật trực tiếp om sòm, không biết tới lúc đắc đạo, chứng quả… còn rầm rộ cỡ nào. Đây không chỉ là xu hướng dài hơi nhất mà cũng khó đoán diễn biến nhất trên mạng xã hội.
Thương hiệu ngàn tỷ
Chụp lại hình ảnh: Sư Thích Minh Tuệ đã trở thành một hiện tượng tu hành tại Việt Nam. Nguồn hình ảnh: Nguyễn Tiến
Người thường nếu tạo được xu hướng như Thích Minh Tuệ hẳn đã giàu to. Khi sở hữu nhân hiệu mà không tận dụng, tức khắc sẽ có nhiều đối tượng lao vào khai thác. Người ta ước tính mỗi ngày các YouTuber, TikToker có thể thu về hàng chục triệu đồng từ các sản phẩm xoay quanh hành trình Thích Minh Tuệ. Đó là lý do vì sao họ bám theo “nhà máy in tiền” đầy nhiệt huyết như vậy.
Tất nhiên, các “đồ đệ” cũng sẽ ngay lập tức được hưởng hào quang từ Thích Minh Tuệ. Dù trước đó họ là ai thì sau khi được chấp nhận vào đoàn của Thích Minh Tuệ lập tức có danh, được tôn xưng và thậm chí được đảnh lễ. Trong khi họ thường chỉ tuyên bố đi theo để học hỏi và bảo vệ “thầy” chứ không đặt mục tiêu đi đến chết, đi để đạt giải thoát… như Thích Minh Tuệ. Nhưng so với dân chúng, họ được xếp vào dạng “dám nghĩ dám làm” nên cũng được cổ vũ, coi như đi được ngày nào tốt ngày đấy.
Một số thương hiệu thời trang đưa ra các mẫu quần áo cho cả nam lẫn nữ phối màu theo phong cách Minh Tuệ. Gần đây, một nữ ca sĩ đã khoe mua chiếc váy như thế với giá 2,5 triệu. Tranh tượng, ca khúc, thơ… về Thích Minh Tuệ cũng được mùa. Thậm chí thấy bảo ông Minh Tuệ nhắc đến cuốn kinh nào thì chủ kênh cũng dẫn link bán kinh luôn. Có người tính ra mỗi khi ông đi qua địa phương nào sẽ thu hút người từ khắp nơi, kể cả nước ngoài đổ về. Coi như cú hích du lịch hiệu quả. Mà chi phí mỗi ngày cho đội quân của “đại sứ du lịch” chỉ là mấy chục bữa chay, lại do dân tình nguyện tài trợ.
Tu vì môi trường?
Chụp lại hình ảnh: Một lực lượng đông đảo với đủ thành phần luôn theo sát nhà sư Thích Minh Tuệ. Nguồn hình ảnh: Nguyễn Tiến
Bằng quy định mới đến tận nhà dân khất thực, ông Minh Tuệ đã hãm lại sự nhiệt tình thái quá thành lãng phí của người dân khi họ thường mang đồ ăn nước uống đến chất đống tại mỗi nơi đoàn dừng chân.
Nhiều người vui mừng vì sư Minh Tuệ và lối tu dường như ai cũng có thể chứng thực là báo hiệu cho sự trở lại của đạo pháp chân chính, làm lu mờ những “pháp tu” mê mị dân chúng chủ yếu để thu tiền cúng thời gian gần đây. Nhưng quan sát rộng ra có thể thấy sự tái xuất của pháp tu hạnh đầu đà có nhân duyên sâu rộng hơn. Xã hội rõ ràng phát triển về vật chất. Nhà nào cũng sẵn vài lõi nồi cơm điện dùng không hết. Và giờ đây nó bỗng trở thành biểu tượng của sự giải thoát, được đưa vào tủ kính trưng bày hoặc làm thành trang sức đeo cổ.
Chụp lại hình ảnh: Nhiều tỉnh thành chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự khi có đoàn đi qua. Ảnh chụp đoàn đi qua tỉnh Quảng Trị hôm 29/5.Nguồn hình ảnh: Nguyễn Tiến
Tiện nghi vật chất ngày càng tiện lợi hơn, hàng hóa rẻ hơn, quảng cáo thông minh hơn khiến người tiêu dùng rơi vào vòng xoáy mua sắm không ngừng.
Đây là một trong những nguyên nhân gây biến đổi khí hậu, khiến Trái Đất tăng nhiệt độ đến mức không thể đảo ngược.
Thực phẩm cũng ê hề nhưng an toàn vệ sinh thì… không biết thế nào. Con người có thể hình thành miễn dịch với COVID nhưng ung thư thì không. Và nó đang lan tràn không kém gì bệnh dịch.
Có thể thấy nhân loại đang đi đến ngõ cụt nhưng theo quán tính cứ thế lao tới.
Con người bất lực nên càng tìm đến bám víu vào tôn giáo nhiều hơn. Các chùa được xây dựng với quy mô ngày càng hoành tráng với “doanh thu” khổng lồ. Đâu đó có công nghiệp showbiz thu lợi nhuận khủng thì Việt Nam có “công nghiệp cúng dường”.
Dù không coi đạo Phật là quốc giáo nhưng Việt Nam tự hào sở hữu những tượng Phật, những chùa to nhất khu vực, thậm chí thế giới.
Và sẵn sàng hy sinh danh lam thắng cảnh hay diện tích đất nông nghiệp để có được những kỷ lục đó. Kể cả số tiền đầu tư xây chùa có thể dùng vào nhiều việc khác có ích cho xã hội.
Trong hình dung của nhiều người “có tầm” thì đầu tư vào chùa lúc này là an tâm nhất.
Chụp lại hình ảnh: Sư Thích Minh Tuệ luôn ở giữa đám đông. Nguồn hình ảnh: Nguyễn Tiến
Trong tình thế đó, sự xuất hiện của Thích Minh Tuệ vô tình là một chiếc phanh hãm, một sự cảnh tỉnh về mặt tinh thần.
Giải pháp không phải là tất cả nên ôm ruột nồi cơm điện ra đường mà là cần thực hành tiết kiệm, “thiểu dục tri túc”. Và cũng nên tỉnh táo trước những lời “đường mật” dù là của thầy tu.
Quan điểm của ông Minh Tuệ là không rao giảng nhưng chính cách tu của ông là một bài giảng hùng hồn.
Ngày nay các chùa, các sư phải đầu tư tổ chức những pháp hội lớn mong thu hút dân chúng tới nghe giảng.
Đằng này, Thích Minh Tuệ chỉ ra đường và đi, không tốn tiền, đã tạo nên một “pháp hội” (dù có vô tổ chức tí) rộng khắp.
Mỗi sư thầy sẽ có một phong cách hoằng pháp thu hút từng đối tượng riêng.
Còn Thích Minh Tuệ vì không dùng lời, khỏi cắt nghĩa, nên càng dễ thu phục rộng rãi quần chúng.
Thậm chí không ít tín đồ Công giáo cũng cảm nhận được sự “khao khát tâm linh”, “khao khát Nước Trời” nơi Thích Minh Tuệ và dành cho ông những lời ca tụng.
Chụp lại hình ảnh, Nồi cơm điện mà ông mang theo để khất thực đã trở thành “xu hướng”. Nguồn hình ảnh: Nguyễn Tiến
Đỉnh điểm là tình bạn vừa “chớm nở” của Linh mục Vũ Quốc Thịnh và nguyên Thượng tọa Thích Minh Đạo.
Do sư Thích Minh Đạo trót có lời tán thán Thích Minh Tuệ (nguyên văn: “Nhân đây cũng xin đại diện cho Phật giáo tỏ lòng thương mến một nhà sư lặng lẽ một mình đi hành đạo đã làm cho Phật giáo Việt Nam sống lại trong lòng của Phật tử năm châu”) nên bị Giáo hội quở phạt. Do đó mà linh mục đã gọi điện vấn an sư.
Trong lời dạy Phật tử, sư Thích Minh Đạo cũng nhắc đến Tổ sư của phái khất sĩ ở miền Nam là Minh Đăng Quang (1923 – 1954) – người đã bị mất tích mà Thích Minh Đạo nói luôn là bị giết.
Và từ phân tích của ông mà suy ra thì cái cung cách mà dân chúng đang đối xử với Thích Minh Tuệ như hiện nay cũng nguy hiểm không kém… một tổ chức ám sát nào đó.
Vì khi quá ngưỡng chịu đựng sự xoi mói của người đời, ông Minh Tuệ sẽ lánh vào rừng sâu để ẩn tu hoàn toàn.
Ở đó, không còn cơ hội khất thực nên rất có thể ông sẽ nhập diệt trước hạn.
Khả năng đó xem ra còn dễ xảy đến hơn việc ông được thong dong tự tại đi trên khắp những nẻo đường Việt Nam mà không bị quấy rầy. Hơn ai hết Thích Minh Tuệ cảm nhận rõ cái giá của sự nổi tiếng.
Vì các ngôi sao hết sô diễn có thể về nhà. Còn ông – cả cuộc đời bày ra cho thiên hạ ngó.
Hiện ông không phải vị đầu đà duy nhất đang du tu trên đất Việt nhưng lại có số phải nổi tiếng.
Nhưng biết đâu ông được chọn vì đã sẵn đủ những phẩm hạnh để vượt qua sóng gió này?!
N.M.H.
—
* Bài viết được tác giả nhà báo Nguyễn Mạnh Hà từ Hà Nội gửi tới BBC.
Nguồn: BBC Tiếng Việt