Cờ Vàng lọt vào video ca sĩ Ngọc Mai : cựu thù còn tha thứ được, cớ gì đồng bào thù địch nhau?

RFA Tiếng Việt – 2024.05.28

***

ÁM ẢNH SỢ MA

Dương Quốc Chính

Mình không thấy có luật nào cấm sử dụng, chụp ảnh, quay phim mà xuất hiện cờ, quốc ca của chế độ cũ. Có một luật nhập nhèm hơi liên quan về tội tuyên truyền chống nhà nước CH XHCN Việt Nam, nhưng cũng phải chứng minh hành vi đó không đơn giản.

Quốc ca VNCH là bài Tiếng gọi công dân sửa từ bài Tiếng gọi thanh niên của nhạc sĩ cách mạng Lưu Hữu Phước. Bài Hồn tử sĩ cũng của nhạc sĩ này được cả hai chế độ dùng để cử hành tang lễ. Còn cờ vàng 3 sọc là cờ của 3 chính quyền là vua Thành Thái (chống Pháp), Quốc gia Việt Nam và VNCH. Vậy nếu hình ảnh cờ này ngẫu nhiên xuất hiện trong video hay ảnh của một người, 2 bài hát kia ngẫu nhiên xuất hiện trong video cùng ai đó, thì họ sẽ bị mắc tội gì?

Lưu ý là việc các vật kia xuất hiện ngẫu nhiên trong khung hình nó khác với việc nhân vật đứng chào cờ hay đồng thời hát quốc ca VNCH. Nó xuất hiện trong bối cảnh nào cũng rất quan trọng, ví dụ như phim làm về chế độ cũ thì sao? Kịch bản có đoạn chào cờ thì sao? Người ta bảo đây là cờ vua Thành Thái thì sao? Bài Tiếng gọi thanh niên là bài hát cách mạng xuất hiện trước cả khi VNCH ra đời cơ!

Vì thế mình thấy rất lạ khi anh em bo` đỏ cứ cuồng lên húc vợ chồng nhà O Sen, Quốc Nghiệp khi thấy xuất hiện cờ 3 sọc đồ chơi trang trí bé tý trong khuôn hình video của cặp này trong một ngôi nhà bên… Mỹ! Họ đã giải thích đó là nhà họ ở nhờ. Thì cờ của chủ nhà bên Mỹ họ để đó, thì đã sao? 

Xong rồi báo chí CM cũng nhặng lên làm việc ruồi bu là bảo phải đi xác minh vụ việc! Bộ VH TT và DL đã nắm thông tin rồi CA đến gặp họ… để làm gì? Họ có thể phạm tội gì thì cơ quan chức năng mới vào chứ? Còn không phạm luật thì để cộng đồng bo` đỏ tự tẩy chay họ được rồi. Được biết là ca sĩ này không còn là người nhà nước nữa. Mà nếu còn thì cơ quan xử lý cô này theo luật nào đây?

À bo` còn húc cả mấy cái huy chương fake của ông Hưng nữa chứ! Thật sự không hiểu nổi tư duy đám bo` đỏ. Khéo TG cũng chả quản nổi vì bao năm nhồi sọ quá liều.

Mồm ra rả hòa giải dân tộc mà lại đi nhạy cảm quá mức với con ma, với chế độ đã chết đến gần 50 năm, sang kiếp khác rồi. Lúc cần kiều hối thì kêu gọi khúc ruột ngàn dặm, mà khúc ruột này đa phần từng là công dân dưới lá cờ này sao mà tẩy xóa lịch sử được.

Phải thiếu tự tin về sự ổn định, vững mạnh, chính danh, thì mới phải nhạy cảm với lá cờ đồ chơi như vậy.

Mình không có lý do gì để lưu trữ, trưng bày, phát tán cờ này, vì mình và tổ tiên nhà mình ít có liên quan (ngoài vua Thành Thái), nhưng mình vẫn bảo vệ quyền được lưu trữ về lịch sử ông cha của người miền Nam. Họ vẫn phải biết về chế độ sinh ra bố mẹ ông bà họ chứ?

***

Ngọc Mai, một ca sĩ nổi tiếng ở Việt Nam, hôm 27/5 vừa qua đăng tải một video ghi lại hình ảnh cả gia đình cô đang vui chơi trong một căn phòng. Hình ảnh hai lá cờ Mỹ và cờ Việt Nam Cộng hòa trong phòng lọt vào khung hình camera.

Video này dẫn đến nhiều bình luận tiêu cực của cư dân mạng trong nước.

Ngày 28/5, Chánh Văn phòng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Nguyễn Danh Hoàng Việt, cho báo chí nhà nước biết, bộ này đang xác minh vụ việc này trước khi đưa ra những bước xử lý tiếp theo.

Cùng ngày, sáng 28/5, Công an TPHCM đã có buổi làm việc với Nhạc viện TPHCM – nơi Ngọc Mai từng làm việc. Đại diện trường này cho biết, cơ quan an ninh làm việc để nắm thêm thông tin về quá trình Ngọc Mai đã làm việc trước đây.

Nhà văn Nguyễn Viện, từ TPHCM cho rằng trong vụ việc này, cần phải xem xét kỹ xem nơi mà cô ca sĩ Ngọc Mai ở là nhà riêng  hay cô ấy chỉ là khách:

“Nếu mà Quốc nghiệp và Ngọc Mai ở tạm hay ở nhờ nhà người khác thì việc có lá cờ là hết sức bình thường. Đây là một tình huống vô tình thôi, tại vì ở trong nhà người ta thì mình không thể tự ý di dời đi được”.

Nói về việc các cơ quan chức năng và cả công an vào cuộc xử lý vụ việc này, ông Nguyễn Viện cho rằng từ góc độ của chế độ đang điều hành đất nước, họ có lý do hợp lý để ngăn chặn hình ảnh lá cờ hay biểu tượng Việt Nam Cộng hòa xuất hiện tự do ở Việt Nam. Ông lý giải:

“Một lá cờ Việt Nam Cộng Hòa xuất hiện ở trong nước nó khác với một lá cờ xuất hiện ở Mỹ.

Họ (nhà nước VN – PV) không muốn khơi dậy, lưu giữ một điều gì đó mà nó mang tính có thể gây chia rẽ dân tộc và thậm chí nếu mà người ta quan tâm tới nó (cờ VNCH – PV) quá thì sẽ trở thành một thái độ chính trị. Và cái thái độ chính trị đó họ (nhà nước VN – PV) có thể khẳng định như là một sự chống đối chế độ”.

“Pháp, Mỹ hay Trung Quốc mà chúng ta vẫn đối xử một cách hữu hảo thì không có lý do gì với chính những đồng bào của mình chúng ta lại nhìn nhau một cách thù địch”.

Nhà văn Nguyễn Viện

Luật sư Bùi Quang Thắng, hiện đang ở Hà Nội, nhận xét về vụ việc này trên trang cá nhân của mình rằng nếu lá cờ vàng có xuất hiện ở nơi nào đó tại Việt Nam thì cũng không phải là điều gì phạm pháp vì cho tới nay, Việt Nam chưa có quy định cờ Việt Nam Cộng hòa là vật bị cấm.

Chồng Ngọc Mai là nghệ sĩ xiếc Giang Quốc Nghiệp, người cũng có mặt trong video, lên tiếng giải thích trên Facebook cá nhân rằng anh và gia đình có kỳ nghỉ tại Mỹ nhân dịp Ngọc Mai có một show diễn từ thiện gây quỹ cho các em khuyết tật, trong chuỗi chương trình “Góp lá mùa xuân” tại nhiều tiểu bang của Mỹ.

Quốc nghiệp cho biết “Để tiết kiệm ngân quỹ cho các em nhỏ Hướng Dương, cả đoàn luôn được các tình nguyện viên chuyên chở và cho ở nhờ. Sau hơn hai tuần xa cách, cả gia đình vui mừng gặp lại trong ngôi nhà của một Cô Chú tình nguyện viên để chờ vô ngôi nhà ở chính. Chồng vợ, cha con hạnh phúc vui đùa nên không để ý chung quanh, không kiểm soát chi tiết những gì lọt vào camera. Qua việc này Quốc Nghiệp và O Sen Ngọc Mai đã rút kinh nghiệm sâu sắc và sẽ không để những việc tương tự xảy ra”.

Phóng viên liên hệ với Hội Văn hóa – Khoa học Việt Nam (VCSA) tại Mỹ  ban tổ chức các đêm diễn “Góp lá mùa xuân” – để hỏi thêm chi tiết vụ việc nhưng không có ai nghe máy.

Dù đã nhanh chóng xóa video này trên trang facebook cá nhân nhưng ca sĩ Ngọc Mai vẫn bị một loạt các Facebook page lên án, chỉ trích nặng nề.

Nhà văn Võ Thị Hảo, từ Berlin, cho rằng trong quá khứ  có rất nhiều quốc gia đã từng xâm lược, đóng quân ở Việt Nam nhưng Việt Nam vẫn giữ quan hệ hữu nghị tốt đẹp, vậy lý do gì lại cấm cản biểu tượng của một quốc gia đã không còn gần nửa thế kỷ?

“Tôi thấy như thế giống như là cộng đồng Việt Nam bắt nạt nhau, triệt hạ nhau. Tại sao những nước từng xâm lược Việt Nam thì Việt Nam biết dùng tình hữu nghị biết chèo kéo, xin xỏ, nhờ giúp đỡ viện trợ thương mại, trong khi người Việt Nam chúng ta lại cứ triệt hạ nhau như vậy”.

Theo nhà văn Nguyễn Viện, hiện vẫn còn một số người trong nước nghi kỵ các biểu tượng của Việt Nam Cộng Hòa vì người ta nghĩ rằng đó là một quốc gia thù địch với chính thể Việt Nam hiện tại. Tuy nhiên, theo ông:

“Bây giờ cuộc chiến nó đã chấm dứt 49 năm rồi. Tôi nghĩ rằng lá cờ đó mình chỉ nên coi nó như là một biểu tượng của một quốc gia đã mất. Trong thực tế nó chỉ còn là một hoài niệm và chúng ta nên tôn trọng sự hoài niệm đó. Nó là một phần của lịch sử và chúng ta không thể chối bỏ nó được.

Pháp, Mỹ hay Trung Quốc mà chúng ta vẫn đối xử một cách hữu hảo thì không có lý do gì với chính những đồng bào của mình chúng ta lại nhìn nhau một cách thù địch”.

Trên thực tế, Hà Nội vẫn luôn cấm đoán, tìm mọi cách ngăn chặn hình ảnh, biểu tượng của Việt Nam Cộng hòa xuất hiện ở Việt Nam. Điển hình như việc Bộ ngoại giao Việt Nam đề nghị Úc dừng lưu hành đồng tiền có cờ Việt Nam Cộng Hòa năm 2023, đóng cửa quán cafe ở Bình Dương trang trí theo phong cách người lính quân lực Việt Nam Cộng hòa…

Nguồn: RFA Tiếng Việt

This entry was posted in Hoà hợp hoà giải. Bookmark the permalink.