Joe Keary, “‘Four services and four arms’ lifts CCP control over information warfare”, The Strategist, 24/05/2024
Biên dịch: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương
Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã trải qua đợt tái cấu trúc lớn nhất trong gần một thập kỷ, với việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đặt các tổ chức quân sự then chốt chịu trách nhiệm về chiến tranh thông tin trực tiếp dưới sự kiểm soát của Ủy ban Quân sự Trung ương (CMC) của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Vào ngày 19 tháng 4, Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược (SSF) của PLA đã chính thức giải thể. Được thành lập vào tháng 12 năm 2015, lực lượng SSF tồn tại trong thời gian ngắn tập trung vào việc tập hợp các năng lực tác chiến vũ trụ, mạng và điện tử. Báo cáo trực tiếp cho CMC, SSF giúp đồng bộ hóa vai trò và năng lực liên quan đến môi trường thông tin. Hiện tại, ba lực lượng mới đã được thành lập để thay thế SSF: Không gian Vũ trụ (ASF), Không gian mạng (CSF) và Hỗ trợ Thông tin (ISF).
Ông Tập Cận Bình chính thức ra mắt ISF vào ngày 19 tháng 4. ISF sẽ chịu trách nhiệm xây dựng và triển khai hỗ trợ thông tin liên hợp cho PLA (nghĩa là tạo thuận lợi cho liên lạc chứ không phải các năng lực liên quan đến tình báo). Mặc dù chúng được chính thức công bố, nhưng Không quân Vũ trụ và Lực lượng Không gian mạng mới có thể là sự tái thiết kế của các Cục Hệ thống Vũ trụ và Hệ thống Mạng trước đây của SSF.
Ba tổ chức này cùng nhau sẽ quản lý các năng lực thông tin tấn công và phòng thủ của PLA, bao gồm mạng lưới thông tin liên lạc, năng lực ISR toàn cầu và trên vũ trụ, tấn công và phòng thủ mạng cũng như chiến tranh điện từ. Chúng sẽ hoạt động cùng với Lực lượng Hỗ trợ Hậu cần Liên hợp, được thành lập vào năm 2016.
Nhấn mạnh khái niệm ‘bốn quân chủng và bốn binh chủng’, phát ngôn viên PLA, Thượng tá Ngô Kiến cho biết “với cải cách mới nhất, PLA hiện có một hệ thống các quân chủng và binh chủng mới dưới sự lãnh đạo và chỉ huy của CMC. Có bốn quân chủng, bao gồm Lục quân, Hải quân, Không quân và Lực lượng Tên lửa, và bốn binh chủng bao gồm Không gian Vũ trụ, Không gian mạng, Hỗ trợ Thông tin và Hỗ trợ Hậu cần Liên hợp”.
Vậy tất cả những điều này có ý nghĩa gì? Liệu đây có phải là sự thay đổi về thuật ngữ hay thể hiện cho điều gì quan trọng hơn? Như thường lệ với hệ thống quân sự bí mật của Trung Quốc, không có bất kỳ lời giải thích nào được đưa ra. Bộ Quốc phòng Trung Quốc mô tả việc thành lập ba lực lượng và giải thể SSF là “một phần trong nỗ lực tối ưu hóa cơ cấu lực lượng tổng thể của PLA”.
Trong khi việc phá vỡ các mối quan hệ nội bộ của PLA có thể là một động lực, thì việc tái cơ cấu cũng thể hiện nỗ lực nâng cao hình ảnh các năng lực then chốt của PLA trong thời đại mà các hoạt động thông tin, không gian và mạng ngày càng quan trọng. Việc giải thể SSF đã loại bỏ một cấp độ hành chính giữa CMC (do Tập Cận Bình chủ trì) và ba lực lượng (binh chủng) mới. Nó cho phép CMC có thể trực tiếp giám sát, quản lý và cung cấp tài nguyên cho các năng lực vũ trụ, không gian mạng và thông tin trong PLA.
Một bài báo được đăng trên tờ báo chính thức của PLA vào ngày 20 tháng 4 có nội dung rằng “chiến thắng trong chiến tranh hiện đại phụ thuộc vào sự thống trị thông tin. Các cuộc xung đột hiện đại là cuộc cạnh tranh giữa các hệ thống và cấu trúc, nơi kiểm soát thông tin đồng nghĩa với kiểm soát thế chủ động trong chiến tranh”. Có lẽ rút ra bài học từ cuộc xâm lược Ukraine của Nga, PLA không còn coi chiến tranh thông tin là một nguồn lực chiến thuật hoặc tác chiến mà là một thành quả chiến lược, trong đó các hoạt động quân sự hỗ trợ các mục tiêu trên lĩnh vực thông tin. Việc đặt ba lực lượng mới trực tiếp dưới sự kiểm soát của CMC phản ánh trọng tâm này.
Việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đích thân trao tặng quân kỳ cho ISF trong lễ ra mắt cho thấy mối quan tâm và đầu tư cá nhân của ông. Ông Tập gọi ISF là “một nhánh chiến lược mới của quân đội” và cho biết nó sẽ “phát huy vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển chất lượng cao và khả năng cạnh tranh của quân đội Trung Quốc trong chiến tranh hiện đại’.
Các nhà bình luận đã đề cập tới những động lực khác cho việc tái tổ chức này. Chúng bao gồm sự không hài lòng của CMC đối với hoạt động của SSF, bao gồm cả việc SSF không đạt được hiệu quả như mong đợi. Những người khác chỉ ra tham nhũng có thể xảy ra trong SSF hoặc cho rằng SSF có thể luôn là một tổ chức tạm thời, nhằm phát triển các yếu tố khác biệt của PLA. Bất kỳ hoặc tất cả các cách giải thích trên đều có thể đúng.
Sẽ phải cần có thêm thời gian để hiểu đầy đủ về tác động của việc tái thiết kế và các hoạt động chính xác mà mỗi lực lượng mới sẽ thực hiện. Bất kể như thế nào, chúng ta có thể hiểu rằng sự thống trị trong chiến tranh thông tin sẽ vẫn là mục tiêu then chốt của Tập Cận Bình, CMC và PLA. Điều này rất quan trọng để cân nhắc khi Úc xem xét các tương tác của mình với PLA, bao gồm cả các tương tác không an toàn gần đây ở Biển Đông.
J.K.
—
Joe Keary là phân tích viên cấp cao của ASPI.
Nguồn bản dịch: Nghiencuuquocte.org