Bài bình luận của Zachary Abuza*
2024.05.23
Tuy Bộ Chính trị có diện mạo mới, quốc gia độc đảng vẫn có thể phải đối mặt với đấu đá chính trị nội bộ và áp lực kinh tế.
Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) vừa công bố bổ nhiệm một loạt các vị trí cấp cao tại một hội nghị toàn thể gần đây – một động thái được hy vọng sẽ giúp đảng này vượt qua nhiều tháng đấu đá kịch tính và trở lại trạng thái bình thường.
Nhưng mọi thứ có thể không suôn sẻ như vậy. Đang có sự phẫn nộ, oán hận âm ỉ về vai trò dẫn dắt của tân Chủ tịch nước Tô Lâm trong việc buộc 6 ủy viên Bộ Chính trị (BCT) phải từ chức kể từ tháng 12/2022 trong một chiến dịch chống tham nhũng tình cờ loại bỏ các đối thủ của ông này. Đội ngũ ủy viên mới cũng thiếu kinh nghiệm quản lý kinh tế trong khi [kinh tế] Việt Nam đang ở thời điểm bất ổn định.
Ông Lâm, 66 tuổi, người đang rời vị trí Bộ trưởng Bộ Công an, hôm thứ Tư (22/5) đã được Quốc hội Việt Nam bầu làm Chủ tịch nước – một chức danh chủ yếu mang tính nghi lễ nhưng lại thuộc “tứ trụ” trong số các vị trí chính trị hàng đầu ở Việt Nam. Tổng bí thư, thủ tướng và chủ tịch quốc tịch là những vị trí còn lại trong “tứ trụ”.
Vị trí Chủ tịch nước cũng có thể chuẩn bị cho ông Lâm kế nhiệm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng – người được cho là có sức khỏe không tốt trong khi nhiệm kỳ 5 năm lần thứ ba của ông sẽ kết thúc vào năm 2026.
Có bốn hàm ý chính có thể rút ra từ những biến động mới nhất tại Hà Nội.
Ông Vương Hộ Ninh (bên phải) – một quan chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc – gặp gỡ ông Đỗ Văn Chiến tại Bắc Kinh ngày 20/7/2023. Nguồn ảnh: Yue Yuewei / Xinhua/Getty Images
Thứ nhất, việc bà Trương Thị Mai – người đứng đầu Ban Bí thư và là người phụ nữ có được vị trí cao cấp nhất trong ĐCSVN – buộc phải từ chức đã khiến cuộc đua vào vị trí kế nhiệm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Đảng lần thứ 14 chỉ còn hai ứng cử viên đủ tiêu chuẩn theo quy định hiện hành, đó là: Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Tô Lâm.
Bà Mai là ủy viên Bộ Chính trị thứ 6 bị buộc phải từ chức trong vòng chưa đầy hai năm, “ngã ngựa” bởi chiến dịch “đốt lò” – một chiến dịch chống tham nhũng đã hạ bệ một phần ba số ủy viên Bộ Chính trị được bầu vào tháng 1/2022.
Thứ hai, việc bầu chọn các thành viên mới của Bộ Chính trị cho thấy cả những bất an và ưu tiên của ĐCSVN – và họ dường như đặt trọng tâm vào vấn đề an ninh nhiều hơn là nền kinh tế.
Bộ Chính trị thường được cơ cấu một cách cân bằng ở các khía cạnh lợi ích, vùng miền, xuất thân của các ủy viên từ hệ thống đảng hay nhà nước. Tuy nhiên, trong lần mở rộng này, ba trong số bốn ủy viên mới được bầu chọn đến từ những cấp cao nhất trong chính hệ thống Đảng.
Bà Bùi Thị Minh Hoài, 59 tuổi, hiện là người phụ nữ duy nhất trong Bộ Chính trị gồm 16 thành viên. Bà giữ cương vị đứng đầu Ban Dân vận Trung ương. Từ năm 2011-2021, bà là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương – cơ quan được giao nhiệm vụ điều tra tham nhũng trong ban lãnh đạo cấp cao.
Dân vận, tuyên truyền và kiểm soát
Ông Đỗ Văn Chiến, 62 tuổi, người dân tộc thiểu số duy nhất trong Bộ Chính trị, là người đứng đầu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – cơ quan quản lý, giám sát tất cả các đoàn thể, hiệp hội, các tôn giáo được chính thức công nhận, các tổ chức xã hội dân sự và các cuộc bầu cử. Công việc của ông là duy trì sự kiểm soát của đảng ở các tổ chức này.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa được cử làm người đứng đầu Ban Tuyên giáo Trung ương.
Không ai trong số ba người ngày có kinh nghiệm đáng kể hoặc kinh nghiệm gần đây trong quản lý nhà nước hoặc kinh tế. Họ đại diện cho các khía cạnh nỗ lực khác nhau của ĐCSVN trong hoạt động dân vận, tuyên truyền và kiểm soát.
Chỉ có duy nhất một người trong bốn ủy viên mới của BCT là có kinh nghiệm quản lý kinh tế đáng kể: Ông Lê Minh Hưng, 54 tuổi, con trai của cựu Bộ trưởng Công an Lê Minh Hương. Ông Hưng đã dành sự nghiệp ban đầu của mình làm việc trong lĩnh vực ngân hàng.
Từ năm 2011 đến năm 2014, ông Hưng là Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – thời điểm Việt Nam đang cố gắng thu dọn vụ bê bối ngân hàng lớn đầu tiên của nước này. Từ đó, ông được chuyển sang làm Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.
Từ năm 2016-2020, ông Hưng là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và là người trẻ tuổi nhất có được vị trí này. Tại Đại hội Đảng lần thứ 13 năm 2021, ông được điều động trở lại làm Chánh văn phòng Trung ương Đảng.
Hoàng hậu Hà Lan Maxima, Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về tài chính toàn diện gặp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng tại Hà Nội, ngày 31/5/2017. Nguồn ảnh: Kham/Reuters
Ông Hưng sẽ tiếp quản Ban Tổ chức Trung ương – cơ quan phụ trách việc bổ nhiệm tất cả nhân sự từ trung đến cao cấp trong Đảng – một công việc trọng yếu trước thềm Đại hội Đảng lần thứ 14, dự kiến được tổ chức vào 1/2026.
Ông Hưng rõ ràng là một nhân vật đáng theo dõi trong tương lai và là người có vị thế thuận lợi để trở thành thủ tướng tiếp theo của Việt Nam.
Một lần nữa, không có đương kim phó thủ tướng nào được bầu vào BCT – một cơ quan vốn thiếu người có kinh nghiệm quản lý kinh tế.
Hàm ý thứ ba liên quan đến vai trò nổi bật của Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) cùng với sự thăng tiến của Đại tướng Lương Cường. Vị sĩ quan quân đội 67 tuổi này đã thay thế bà Mai, tiếp quản Ban Bí thư, cơ quan điều hành các hoạt động hàng ngày của Đảng.
Ông Cường, với tư cách là người đứng đầu Tổng cục Chính trị của QĐNDVN, là vị chính ủy cao nhất của quân đội. Chức vụ này mang lại cho ông cấp bậc và địa vị tương đương với vị trí Tổng tham mưu trưởng – tư lệnh chỉ huy tác chiến cấp cao nhất.
Quân đội của Đảng
Giống như Trung Quốc, quân đội Việt Nam là quân đội của Đảng. Đây là cánh vũ trang của ĐCSVN, bị ràng buộc về mặt pháp lý để bảo vệ ĐCSVN và hệ thống xã hội chủ nghĩa và đặt việc bảo vệ đảng và chế độ lên trên bảo vệ nhà nước. Tất cả các sĩ quan thăng tiến lên đến một cấp bậc nhất định đều phải là đảng viên và quân đội hiện là nguồn cung cấp đảng viên lớn nhất ở Việt Nam.
Ông Cường đã phục vụ trong Ban bí thư ĐCSVN đồng thời phối hợp chặt chẽ các hoạt động của Tổng cục Chính trị với Ban bí thư.
Mặc dù việc thay thế một quan chức dân sự bằng một sĩ quan quân đội có vẻ như là vi phạm các mối quan hệ dân sự – quân sự, tuy nhiên, ở Việt Nam, điều này không được coi là đi ngược lại chuẩn mực vì “Đảng lãnh đạo, điều hành quân đội”.
Tại Hội nghị Trương ương lần thứ 9, ông Cường đã ngồi trên bục, phía bên trái của Tổng bí thư Trọng và mặc thường phục. Vẫn chưa có công bố về việc ông sẽ rời khỏi quân đội hay không. Hai phó chủ nhiệm hiện tại của Tổng cục Chính trị QĐNDVN cũng đang là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Đại tướng Lê Khả Phiêu là vị sĩ quan quân đội điều hành Ban Bí thư gần đây nhất, thời điểm tháng Tư năm 1996. Sau đó, ông nhanh chóng trở thành Tổng Bí thư ĐCSVN, nhiệm kỳ 1997-2001.
Đại tướng Lương Cường (bên phải), người hiện đứng đầu Ban Bí thư, cơ quan điều hành các hoạt động hàng ngày của ĐCSVN. Ảnh chụp ông tham dự lễ bế mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội, ngày 1/2/2021. Nguồn ảnh: Minh Hoang/AP
Một trong những khuôn mặt mới mẻ trong Bộ Chính trị, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa cũng từng là người của quân đội nhưng đã ra khỏi ngành.
Giống như ông Cường, ông Nghĩa, 62 tuổi, đã dành toàn bộ sự nghiệp quân sự của mình làm việc trong Tổng cục Chính trị. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 năm 2021, ông Nghĩa đã thôi vị trí Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và chuyển sang giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Câu hỏi lớn hơn là QĐNDVN oai hùng sẽ đóng vai trò kiềm chế về mặt thể chế ở mức độ nào đối với ông Lâm và Bộ Công an? Quân đội hiện nắm giữ 3 trong số 16 ghế trong Bộ Chính trị, chiếm 19%.
Việc quân đội gần đây bắt giữ một quan chức công an ở Lạng Sơn – thành phố cực bắc của Việt Nam – vì bị nghi làm gián điệp cho Trung Quốc cho thấy dấu hiệu của việc đấu đá nội bộ.
Tương tự, hiện có thông tin cho rằng các cơ quan điều tra của quân đội đang xem xét các hoạt động kinh doanh của ông Tô Dũng, em trai ông Tô Lâm. Một cuộc điều tra như vậy đối với Tập đoàn Xuân Cầu không thể diễn ra nếu không có sự chấp thuận của Tổng Bí thư Trọng – người đứng đầu Quân ủy Trung ương.
Ông Lâm tạo kẻ thù
Điều này dẫn đến hàm ý thứ 4: Hội nghị Trung ương lần thứ 9 vừa kết thúc gần đây đã đề cử ông Trần Thanh Mẫn thay ông Vương Đình Huệ làm Chủ tịch Quốc hội.
Ông Mẫn đã giữ cương vị Phó chủ tịch Quốc hội và là một người miền Nam hiếm hoi trong giới chính trị hàng đầu Việt Nam, vì vậy việc đề cử ông là hợp lý.
Nhưng việc đề cử ông Lâm làm Chủ tịch nước đang khiến nhiều người ngạc nhiên.
Đối với một số người, đây là bằng chứng cho thấy ông Tô Lâm đang bị gạt ra ngoài lề về chính trị trong cuộc đua giành chức Tổng Bí thư ĐCSVN. Quốc hội từ chối để Tô Lâm đồng thời giữ chức Bộ trưởng Công an và chức Chủ tịch nước là bằng chứng cho thấy có một số sự phản đối.
Ban Chấp hành Trung ương đã không ủng hộ Thượng tướng Lương Tam Quang – người ông Lâm mong muốn kế nhiệm mình – và ông Quang đã không được bầu vào Bộ Chính trị trong tháng này.
Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ sẽ trở thành quyền Bộ trưởng Bộ Công an. Ông Tỏ là em trai của ông Trần Đại Quang, nguyên Bộ trưởng Công an và Chủ tịch nước của Việt nam đã qua đời năm 2018. Ông Tỏ không phải là đồng minh của ông Tô Lâm và nhiều người trong Ban Chấp hành Trung ương coi ông Tỏ là trở lực chống lại ảnh hưởng của vị tân Chủ tịch nước đối với Bộ này.
Bất cứ ai trở thành Bộ trưởng Công an đều phải được đưa vào Bộ Chính trị. Điều này đòi hỏi tổ chức Đảng này sẽ phải mở rộng số thành viên lên 17 người.
Sau khi tuyên thệ nhận chức, tân Chủ tịch nước Tô Lâm (người ở giữa) ôm Thủ tướng Phạm Minh Chính. Người ở bên phải đang nhìn theo là Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh chụp tại nhà Quốc hội – Hà Nội, ngày 22/5/2024. Nguồn ảnh: Nghia Duc/Quốc hội qua AP
Tuy nhiên, việc giữ chức chủ tịch nước không ngăn cản việc ông Lâm là ứng cử viên cho chức Tổng bí thư. Thực tế, nó có thể là một thứ tài sản, giúp đánh bóng lý lịch chính trị của một người đã dành toàn bộ sự nghiệp làm việc ở Bộ Công an. Nếu ai đó đang cố gắng có được các vị trí cao nhất của đảng và nhà nước cùng một lúc, giống như ở Trung Quốc, thì đó là ông Lâm.
Nhưng ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy không phải tất cả các thành viên trong Ban Chấp hành Trung ương hài lòng với cách ông Lâm hạ bệ các đối thủ của mình một cách có tính toán thông qua việc sử dụng chiến dịch “đốt lò”. Bên cạnh 6 ủy viên Bộ Chính trị, có khoảng 20 ủy viên trung ương đã ngã ngựa trong chiến dịch này – điều này khiến ông Lâm không có nhiều bạn hữu.
Mặc dù việc bầu bốn ủy viên Bộ Chính trị mới là một nỗ lực báo hiệu ổn định chính trị đang quay trở lại, bức tranh trước thềm Đại hội Đảng lần thứ 14 dự kiến diễn ra vào tháng 1/2026 vẫn tiếp tục chông chênh và bất định.
Z.A.
—
*Zachary Abuza là giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ ở Washington và là trợ giảng tại Đại học Georgetown. Các quan điểm thể hiện trong bài viết này là của riêng tác giả và không phản ánh quan điểm của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Trường Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ, Đại học Georgetown hay RFA.
Nguồn: RFA Tiếng Việt