VOA Tiếng Việt
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì cuộc họp về ‘hài hòa hóa’ thủ tục ODA và vốn vay ưu đãi, ngày 27/3/2024. Photo: TTXVN.
Giới phân tích tình hình Việt Nam cho rằng việc Việt Nam mất 2,5 tỷ đôla viện trợ nước ngoài trong ba năm qua do tình trạng tê liệt bộ máy hành chính là một khoảng chi phí cơ hội quá lớn đối với Hà Nội, đồng thời khuyến nghị chính phủ nên giải quyết vấn đề này để không đánh mất niềm tin từ các nhà tài trợ quốc tế.
Một bức thư của Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế giới và các nhà tài trợ phương Tây cảnh báo chính phủ Hà Nội về sự thất vọng của họ đối với những rào cản pháp lý và thủ tục phê duyệt kéo dài, gây ra bế tắc giữa lúc quốc gia cộng sản này đang bị bủa vây bởi chiến dịch chống tham nhũng leo thang và tình trạng bất ổn chính trị, theo Reuters hôm 17/5.
“Bức thư này phản ánh các nhận xét mang tính giai thoại của các nhà quan sát nước ngoài rằng chiến dịch chống tham nhũng “đốt lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm chậm đáng kể việc phê duyệt các dự án mới từ viện trợ nước ngoài”, ông Carl Thayer, giáo sư danh dự thuộc Học viện Quốc phòng Australia, nêu nhận định với VOA qua email.
Reuters dẫn bức thư gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi 6/3 cho biết chiến dịch chống tham nhũng đang diễn ra của Việt Nam có thể đã tác động đến dòng vốn của nước ngoài, bao gồm cả vốn tài trợ, được biết đến là viện trợ phát triển chính thức (ODA) – tức là các khoản cho vay mà các nhà tài trợ nước ngoài cung cấp cho chính phủ Việt Nam để hỗ trợ phát triển, bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội.
Theo bức thư gửi Thủ tướng Chính, do ảnh hưởng của tình trạng tê liệt hành chính của Việt Nam, khoảng 1 tỷ đôla quỹ phát triển hiện cần chờ chính phủ phê duyệt, trong khi 2,5 tỷ đôla khác đã phải hoàn trả cho nước tài trợ do đã hết hạn. Những khoản tiền này lẽ ra có thể đã được chi cho các dự án rất cần thiết như nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhưng hiện có nguy cơ bị thất thoát do sự chậm trễ trong quá trình phê duyệt. Thiệt hại tiềm tàng tương đương với gần 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước.
“Khoản thiệt hại trên là chi phí cơ hội rất lớn đối với Việt Nam”, giáo sư Thayer cho biết thêm, so sánh mức thiệt hại này với con số 6,17 tỷ đôla vốn đăng ký cấp mới, vốn bổ sung, góp vốn và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong quý 1 năm 2024 của Việt Nam.
Bức thư nhấn mạnh rằng do bộ máy quan liêu lo ngại về các quy định hiện hành, giới lãnh đạo Hà Nội đã trở nên chậm chạp một cách bất thường trong việc phê duyệt hoặc thúc đẩy các sáng kiến trong các dự án tài trợ. Điều này ảnh hưởng đến dòng vốn nước ngoài và gây khó khăn cho việc chi tiêu công quỹ của Việt Nam.
Phân tích lý do dẫn đến sự tê liệt này, giáo sư Thayer cho biết: “Có nhiều yếu tố đan xen góp phần làm tê liệt bộ máy quan liêu của Việt Nam, bao gồm các quy định phức tạp, sự chậm trễ của Việt Nam trong việc chuyển đổi từ than sang năng lượng sạch dẫn đến trì hoãn viện trợ nước ngoài và mối lo ngại của các quan chức chính phủ rằng họ có thể bị chiến dịch chống tham nhũng sờ đến do vô tình vi phạm các quy định hiện hành”.
Trong thời gian qua Việt Nam đưa ra những cam kết đáng kể về việc giảm sử dụng than để đổi lấy nguồn viện trợ về khí hậu của phương Tây, nhưng một năm rưỡi sau khi thỏa thuận với các quốc gia của Nhóm G7 được công bố, vẫn chưa có khoản vốn nào được giải ngân, trong khi Việt Nam đang đẩy mạnh nhập khẩu than để tránh tình trạng thiếu điện ở các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài.
Bức thư được người đứng đầu Liên Hợp Quốc và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đồng gửi và có chữ ký của 18 đại sứ, trong đó có các đại sứ từ Mỹ, EU và Nhật Bản, cũng như người đứng đầu Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam. Họ nhấn mạnh Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức trong việc sử dụng nguồn vốn và kêu gọi Chính phủ đẩy nhanh quá trình phê duyệt để đảm bảo nguồn vốn này có thể được sử dụng hiệu quả.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ cho ý kiến về bản tin trên củaReuters, nhưng chưa được phản hồi.
‘Hài hòa hóa thủ tục’
Dường như chính phủ Việt Nam đã nhận ra sự ách tắc này nên ngày 27/3/2024, Phó Thủ tướng Việt Nam Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi, đã tổ chức cuộc họp với các ngân hàng phát triển và các đại sứ nước ngoài tại Hà Nội để nêu sự cần thiết phải “hài hoà hoá thủ tục” để rút ngắn thời gian chuẩn bị và triển khai các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi.
Mục đích của cuộc họp này là nhằm “nhận diện những khó khăn, vướng mắc” để có giải pháp thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn ODA, theo cổng thông tin Chính phủ.
Hiện có ba loại ODA mà chính phủ Việt Nam đang nhận từ nước ngoài: ODA không hoàn lại được cung cấp theo hình thức dự án độc lập hoặc kết hợp với các dự án đầu tư sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài; ODA hoàn lại cung cấp các khoản vay nước ngoài với lãi suất thấp và thời gian trả nợ tương đối dài, thường kèm theo các điều kiện ràng buộc liên quan đến mua sắm hàng hóa và dịch vụ theo quy định của nhà tài trợ nước ngoài; và ODA hỗn hợp của hai loại trên.
ODA được ký kết trên cơ sở các hiệp định song phương hoặc nhóm các nhà tài trợ quốc tế.
‘Sợ bị soi’
Luật sư Lê Quốc Quân đang sinh sống tại Hoa Kỳ, người có gần hai 20 năm làm việc với các nhà tài trợ nước ngoài về các dự án phát triển tại Việt Nam thông qua công ty Giải pháp Việt Nam do ông điều hành, nhận định rằng việc Việt Nam bị mất các khoản tiền tài trợ như Reuters loan tin là “không mới”, nhưng cho rằng: khoản thất thoát hàng tỷ đôla như lần này là “quá nhiều”.
“Nguyên nhân đến từ nhiều yếu tố: thứ nhất là thủ tục hành chính của Việt Nam chậm trễ rất nhiều; thứ hai là việc giải ngân phải áp ứng các chuẩn mực của phía Việt Nam và phía nhà tài trợ; nguyên nhân chính trong vụ này do quá trình chống tham nhũng của Việt Nam khiến các quan chức thực hiện công việc giải ngân không dám tiến hành do sợ bị làm sai, sợ bị soi xét”, ông Quân phân tích, nói thêm rằng sau mỗi đợt giải ngân thì các nhà thầu thường phải gửi tiền hoa hồng cho cán bộ phê duyệt, thẩm định.
Chính quá trình chống tham nhũng của Hà Nội khiến các quan chức “mất động lực” giải ngân, vẫn theo luật sư Quân. Ông nói: “Thực tế là động cơ của việc giải ngân nằm ở đằng sau, nếu như có hoa hồng, có bôi trơn thì họ làm ào ào, thậm chí còn bỏ qua các bước nhỏ để tiến hành, nhưng khi bầu không khí chung do chống tham nhũng, chống tiêu cực lớn như thế này thì ở đâu cũng bị soi xét”.
Giới quan sát đưa nhận định rằng các quan chức Việt Nam ngày càng không mặn mà với các khoản vay phát triển do lãi suất cho vay loại này không còn ưu đãi như trước đây và áp lực trả nợ đáo hạn ngày càng cao.
“Bằng bức thư đó các nhà tài trợ ép Việt Nam phải ổn định nền chính trị và phải định hướng cho thời gian sắp tới”, luật sư Vũ Đức Khanh ở Canada nêu quan điểm. Tuy nhiên, ông Khanh nhận xét rằng “Việt Nam có thể cứ lừng chừng và hứa hẹn và họ sẽ không để cho các quốc gia kia gây áp lực ngoại trừ các quốc gia kia siết lại bằng một chính sách khác đối với Việt Nam”.
Ngoài ra, luật sư Khanh nhận định rằng yếu tố địa chính trị của Việt Nam có thể không cho phép các quốc gia tài trợ gây áp lực quá mức đối với Hà Nội trong việc giải ngân và các bên có thể sẽ tiếp tục thương lượng.
Nhưng nhìn chung, “về lâu về dài, Việt Nam sẽ bị thiệt thòi rất nhiều do gây mất niềm tin từ các quốc gia phương Tây”, vẫn theo luật sư Khanh.
Giải ngân 50%
Cổng thông tin Chính phủ hồi tháng 3/2024 dẫn thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi mà Việt Nam đã ký cho giai đoạn 2021-2023 là khoảng 3,35 tỷ đôla. Bộ này cho biết các bộ, ngành, địa phương đã triển khai thực hiện 656 dự án, gồm 47 dự án đầu tư, 215 dự án hỗ trợ kỹ thuật và phi dự án.
Năm 2023, tổng kế hoạch đầu tư công nguồn vốn nước ngoài được Quốc hội quyết nghị cấp phát là 29.000 tỷ đồng; tỷ lệ giải ngân đạt 50,9% kế hoạch, vẫn theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bộ này nêu ra các nguyên nhân khiến việc thực hiện và giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi chưa đạt yêu cầu và tiến độ cam kết là do vướng mắc trong đàm phán, ký kết hiệp định vay; khác biệt về chính sách, quy trình, thủ tục giữa Việt Nam và nhà tài trợ; vướng mắc về đấu thầu; vướng mắc về giải phóng mặt bằng và bố trí vốn đối ứng; vướng mắc về thủ tục giải ngân và thanh quyết toán, cùng một số lý do khách quan khác.
“Vấn đề này phải được Thủ tướng Phạm Minh Chính và nội các của ông giải quyết khẩn cấp để đẩy nhanh quá trình phê duyệt”, giáo sư Thayer đưa ra khuyến nghị.
Nguồn: VOA Tiếng Việt