UBTV Quốc hội đang giải thích Hiến pháp?

Huy Đức

Tôi đọc rất kỹ bản tin và Hiến pháp. Tôi tìm hiểu các tiền lệ vẫn không hiểu được cách giải thích, một người chưa được miễn nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Công an mà có thể được bầu làm Chủ tịch nước. Trong chính thể ta, chỉ duy nhất có Chủ tịch Hồ Chí Minh từng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao một thời gian.

Nhưng, Hồ Chí Minh trong Chính phủ lâm thời là Chủ tịch Chính phủ và sau Hiến pháp 1946 thì Chủ tịch nước là người đứng đầu chính phủ [có lẽ như tổng thống của các quốc gia theo mô hình cộng hòa tổng thống].

Chủ tịch nước theo Hiến pháp 2013 là người đứng đầu nhà nước và Thủ tướng chính phủ là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cao nhất. Thủ tướng kiêm bộ trưởng thì chẳng có băn khoăn gì.

Tôi cũng không rõ có phải vai trò “thống lĩnh các lực lượng vũ trang” là có thể kiêm thêm Bộ trưởng Bộ Công an.

Tôi hiểu cách thông tin với báo chí trên đây là từ ý kiến của UBTV Quốc hội. Và rõ ràng, chúng ta phải coi đây là cách mà UBTV Quốc hội giải thích Hiến pháp và những công dân sợ hãi như chúng ta phải hiểu Hiến pháp theo cách đó.

Nếu vậy thì điều này chắc chắn tạo ra một tiền lệ tương tự như khủng hoảng Hiến pháp.

PS1: Hiến pháp không cấm CTN kiêm Bộ trưởng, cũng như Hiến pháp không cấm Thủ tướng làm Chánh án. Nhưng quyền lực nhà nước là chỉ được làm những gì pháp luật cho phép chứ không phải làm những gì pháp luật không cấm[trả lời một số bạn inbox].

PS2: Về mặt danh nghĩa, từ ngày 2-4-2016 đến ngày 8-4-2016, Chủ tịch nước Trần Đại Quang vẫn là Bộ trưởng Công an, nhưng đấy là Bộ trưởng của một Chính phủ đã kết thúc nhiệm kỳ, chờ Quốc hội bầu Thủ tướng và phê chuẩn các thành viên chính phủ. Chính phủ chấm dứt nhiệm kỳ chứ không phải miễn nhiệm.

H.Đ.

Nguồn: FB Truong Huy San

This entry was posted in quốc hội. Bookmark the permalink.