Sự thật ra Ánh sáng

Lưu Trọng Văn

1. Tín hiệu tốt lành

Chuyện nội bộ đảng cầm quyền từ hoàn toàn bịt kín qua mở he hé và rồi đến hôm nay công khai bục vỡ từng mảng lớn.

Đó là tín hiệu tốt lành?

Cái xấu xa không thể ngự trị an toàn được mãi?

Ao tù phải được khơi thông bất chấp cả ốc đảo?

Cả ba điều trên vẫn đang là câu hỏi. Nhưng có một điều khẳng định: Sự thật ra Ánh sáng bao giờ cũng có yếu tố tích cực hơn!

2. Quốc hội cần xin lỗi Dân

Ngày mai QH họp để bầu chủ tịch QH và chủ tịch Nước.

Dân tức là các cử tri có quyền yêu cầu QH phải xin lỗi Dân vì sự thiếu trách nhiệm của mình đã bầu và đa số bỏ phiếu tín nhiệm cao cho hai chủ tịch Nước, một chủ tịch QH, hai phó thủ tướng, nhiều bộ trưởng nhưng họ lại vi phạm pháp luật, bị kỷ luật, bị buộc phải thôi chức, thậm chí có người phải vào tù.

QH phải sòng phẳng với cử tri của mình, đó là thước đo của sự trung thực, tử tế, công bằng cần thiết mà Dân đòi hỏi lúc này.

3. Có thể tạo bước ngoặt

Lắng nghe Dân, biết và nhiệt tình làm cái gì có lợi cho Dân, đó mới là phẩm chất cần có của một chính phủ vì Dân.

Trước những rối mù trong cách quản lý ưa độc quyền của ngành điện, mới đây Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã thay mặt chính phủ chỉ đạo:

“Đối với hình thức mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng, hoặc đầu tư thêm hệ thống lưu trữ điện, không nên giới hạn quy mô công suất, không phụ thuộc vào quy hoạch, được quản lý theo các quy định pháp luật về thuế, môi trường, phòng chống cháy nổ, an toàn xây dựng… “

Với chỉ đạo đúng đắn này các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và kinh doanh điện mặt trời, điện gió thậm chí cả các loại điện khác có thể khoanh vùng chủ động lập lưới điện riêng của mình để mua bán điện cho khách hàng theo thoả thuận đôi bên.

Tiền, vàng trong Dân rõ ràng còn nhiều nhưng Dân chỉ bỏ ra để làm những gì mình chủ động có lợi nhất cho mình.

Vậy thôi. Quản lý kinh tế QG nào phức tạp gì đâu nếu tuân theo quy luật cung cầu và tuyệt đối không được độc quyền nhất là độc quyền ra chính sách.

L.T.V.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Lưu Trọng Văn, Thể chế, Độc tài và dân chủ. Bookmark the permalink.