Thanh Phương
Việt Nam đã để vuột mất ít nhất 2,5 tỷ đô la viện trợ nước ngoài trong ba năm qua và có thể mất thêm 1 tỷ đô la vì “tê liệt hành chính”, hệ quả của chiến dịch chống tham nhũng và bất ổn chính trị.
Một góc cảng biển Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, ngày 29/03/2024. AFP – TRAN THI MINH HA
Đó là ghi nhận của Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế giới và các nhà tài trợ phương Tây trong một bức thư gởi Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, theo hãng tin Reuters hôm nay, 17/03/2024.
Bức thư đề ngày 06/03 nêu bật thái độ thất vọng của các nhà đầu tư nước ngoài trước các rào cản pháp lý và thủ tục dằng dai gây ra sự bế tắc kéo dài, trong bối cảnh đảng Cộng sản cầm quyền ở Việt Nam đang đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng dẫn đến xáo trộn ở thượng tầng lãnh đạo.
Trong bức thư nói trên, các định chế quốc tế và các nhà tài trợ phương Tây cho biết: “Khoảng một tỷ đô la viện trợ phát triển đang chờ được phê duyệt, ngoài 2,5 tỷ đô la được trả lại do đã hết hạn sử dụng nguồn tài trợ”. Những tổn thất đó có thể chiếm tới gần 1% tổng sản phẩm nội địa GDP của Việt Nam. Nguồn tài trợ hết hạn có thể trì hoãn các dự án rất cần thiết, chẳng hạn như nâng cấp các cơ sở hạ tầng.
Hai quan chức cấp cao nước ngoài được Reuters phỏng vấn cho rằng, những rào cản hành chính nói trên được cho là hệ quả của chiến dịch “đốt lò”, tức là chiến dịch chống tham nhũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động. Chiến dịch này đã tạo ra một dạng “tê liệt”, vì quan chức nào cũng chần chừ trong việc phê duyệt hoặc thúc đẩy các sáng kiến vì sợ vi phạm những quy định rất phức tạp.
Việt Nam thậm chí gặp khó khăn trong việc chi tiêu nguồn tài chính công. Theo các số liệu của bộ Tài chính, từ năm 2021 đến 2023, Chính phủ đã không đầu tư được khoảng 19 tỷ đô la, ít hơn ¼ so với kế hoạch.
Theo Reuters, Liên Hiệp Quốc và Ngân hàng Thế giới cho biết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam về các dự án, tuy Liên Hiệp Quốc nhìn nhận là có những “thách thức” đối với việc sử dụng tài trợ nước ngoài.
T.P.
Nguồn: RFI Tiếng Việt