Lại nói chuyện cái nồi cơm điện

Thái Hạo

Hôm nay xem một số clip trên mạng thấy có khoảng gần 20 người cạo tóc, đắp y, tay ôm bình bát đi cùng ông Minh Tuệ. Đáng chú ý là những cái "bình bát" này đều giống nhau, là lõi nồi cơm điện.

Hình ảnh ấy vừa có phần gây xúc động nhưng cũng vừa buồn cười. Mắc chi tất cả các vị đều phải nhất thiết ôm nồi cơm điện mà không phải một cái gì khác?

Lại nhắc chuyện một người thọt chân dạy ngựa: sau khi huấn luyện xong thì mới phát hiện ra rằng cả đàn ngựa ấy đều đi tập tễnh. Vì chúng bắt chước kiểu đi của huấn luyện viên! Ngựa hay mà thành ra hỏng cả.

Tôi có xem những clip cách đây vài năm của ông Minh Tuệ, thấy có lúc ông ôm một cái xô nhựa (như xô đá). Tôi nghĩ, với ông, việc ôm nồi cơm điện cũng chỉ là vì tình cờ, có gì dùng nấy chứ chả phải có cái "pháp" gì trong đó cả. Nay, những người vì được "gây men" bởi hạnh tu của sư Minh Tuệ mà phát tâm bộ hành cùng ông, nhưng lại bắt chước y chang. Việc ấy rất đáng suy nghĩ.

Ôm gì cũng được, lõi nồi cơm hay một cái xô, cái chậu, cái giỏ, cái ca hay bất cứ vật dụng nào phù hợp, sao phải bắt chước máy móc như thế?

Bởi vậy mới nói, vệc tu không phải chỉ ở chỗ chịu đựng được những gian khổ, mà quan trọng không kém là sự tư duy, tự chủ, tự ngộ. Đi tu là để không bị dính mắc nữa, ông Minh Tuệ đâu có chấp vào cái nồi cơm điện, ai cho gì ổng dùng nấy mà. Thậm chí ai xin nồi thì ổng cũng cho luôn, rồi đi lượm cái khác mà dùng.

Không ngừng tư duy quán xét, luôn tự đặt câu hỏi và phản tỉnh, đó là điều cốt yếu nhất, bên cạnh việc giữ giới. Không cẩn thận có khi đi tu một thời gian lại giống như những con ngựa kia, thành dã tràng xe cát biển đông, thế thì đáng tiếc lắm. Nấu cát thì chẳng thể nào thành cơm được…

Có thể là hình ảnh về 8 người và đền thờ

T.H.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Phật giáo, Thái Hạo, Thích Minh Tuệ, Tu hành. Bookmark the permalink.