Hai công văn và đôi điều suy nghĩ của một Phật tử về câu chuyện xung quanh ông Minh Tuệ

Thái Hạo

Thứ Năm, 16-5-2024

1. Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Tôn giáo Chính phủ vừa có thông báo chính thức về “trường hợp Thích Minh Tuệ”. Theo đó, cả hai văn bản đều khẳng định rằng người được cộng đồng gọi là Thích Minh Tuệ không phải là tu sĩ Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hai văn bản cũng cung cấp một số thông tin về nhân thân của người đang được nói đến. Cả hai văn bản đều nêu yêu cầu không được ngộ nhận hoặc lợi dụng sự kiện này để làm ảnh hưởng đến các vấn đề tôn giáo và xã hội nói chung.

Là một Phật tử, theo dõi hành trình và gần như xem hầu hết các video trên mạng về ông Minh Tuệ, chúng tôi nhận thấy văn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có những thông tin và cách trình bày cũng như lập luận chưa chính xác, có thể gây hiểu lầm nặng nề. Ví dụ, một câu trong văn bản: “Trong lộ trình đi bộ qua các địa phương đã có nhiều người dân và Phật tử tập trung với số lượng đông, cúng dàng vật phẩm, thức ăn tạo ra nhiều hình ảnh, clip gây ra nhiều dư luận trái chiều làm ảnh hưởng đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam”.

Đầu tiên phải nói rằng, ông Minh Tuệ chỉ đi xin ăn với tư cách một người dân đang đi tu “theo lời Phật dạy” chứ không phải với tư cách một tu sĩ thuộc Giáo hội, còn việc cho hay không là quyền của mọi người. Ông Minh Tuệ cũng chỉ nhận đủ đồ ăn trong một bữa [trước Ngọ] và nhận nước uống, ngoài ra không nhận thêm bất cứ tài vật gì khác. Nhưng văn bản này của Giáo hội lại không nói rõ là khi người dân “cúng dàng” thì ông Minh Tuệ có nhận hay không; thành ra, cách nói “một nửa” này có thể gây nên sự hiểu lầm lớn.

Văn bản này cũng ba lần nhắc đến việc “ảnh hưởng đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, nhưng cách trình bày lại cho thấy một logic rằng chính ông Minh Tuệ là người đã gây ra sự “ảnh hưởng” đó. Từ chuyện “đi bộ” đến việc người dân “cúng dàng” rồi đến sự ra đời của các “hình ảnh, clip” và cuối cùng là “gây ra dư luận trái chiều”, trong cái chuỗi này đâu là lỗi của ông Minh Tuệ? Phải thấy rằng, việc ông Minh Tuệ tu theo pháp Phật là quyền tự do tôn giáo của một công dân, còn nếu có những vấn đề khác như các “bình luận trái chiều” về Giáo hội và tu sĩ thuộc Giáo hội thì đó thuộc trách nhiệm của những người bình luận, không thể quy cái trách nhiệm này cho ông Minh Tuệ được. Nếu có người lợi dụng hình ảnh ông Minh Tuệ để “xúc phạm, xuyên tạc” về Giáo hội và Tăng Ni Phật tử của Giáo hội thì có nghĩa là đang có hai đối tượng bị tổn hại: Giáo hội và chính ông Minh Tuệ. Vì thế, Giáo hội trong khi bảo vệ chính mình, thì cũng nên bảo vệ một người dân đang nỗ lực tu theo tôn giáo của mình, chứ không phải là đổ lỗi cho người ấy.

2. Riêng trong công văn của Ban Tôn giáo Chính phủ thì có những “đề nghị” rất đáng chú ý mà tôi cho rằng đã thể hiện những sự bảo đảm cho những quy định của luật pháp và với một tinh thần tích cực. Đó là sự đề nghị đối với Ban/Phòng Tôn giáo các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, như: “Tham mưu Sở Nội vụ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố chỉ đạo các sở, ngành chức năng quan tâm, khi ông Minh Tuệ tới địa bàn không để xảy ra tình trạng tập trung đông người, gây cản trở và ảnh hưởng an toàn giao thông, gây phức tạo về an ninh trật tự, đặc biệt không để các thế lực xấu, lợi dụng, xúi giục, lôi kéo gây mất đoàn kết tôn giáo và vi phạm pháp luật”. Tôi cho rằng, trước tình hình tập trung ngày càng đông người trên quốc lộ, đây là một chỉ đạo hợp lý, kịp thời, nhằm ngăn ngừa những tai nạn hoặc những vấn đề liên quan đến vi phạm pháp luật nói chung.

Văn bản của Ban Tôn giáo Chính phủ còn đề nghị: “hướng dẫn tăng ni, phật tử tu học theo đúng chính pháp của Đức Phật, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và cách thức hành trì của mọi người nhưng cần bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật”. Đồng thời “Thông tin, tuyên truyền để quần chúng nhân dân, tăng ni, phật tử và nhân dân hiểu về CHÍNH SÁCH TÔN TRỌNG TỰ DO TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO, KHÔNG CẢN TRỞ LÀM ẢNH HƯỞNG VIỆC TU HỌC ĐÚNG CHÍNH PHÁP; vận động chức sắc, tín đồ và quần chúng nhân dân không tập trung đông người nơi công cộng, gây cản trở, ách tắc giao thông và an toàn trật tự trên địa bàn” (tác giả nhấn mạnh). Qua văn bản này thấy được trách nhiệm và tinh thần tôn trọng tự do tín ngưỡng của Ban Tôn giáo Chính Phủ: một mặt chú ý đến các vấn đề quản lý xã hội trong khuôn khổ pháp luật, mặt khác nhấn mạnh về việc bảo đảm quyền tự do hành trì của người tu.

Qua văn bản này của Ban Tôn giáo Chính phủ, là một Phật tử, chúng tôi nghĩ rằng, các địa phương cần thể hiện tinh thần trách nhiệm cao hơn nữa trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông và không để việc tụ tập đông người làm ảnh hưởng xấu đến người tu hành. Chúng tôi cũng nghĩ rằng, các cơ quan báo chí nên tích cực hơn trong việc thông tin, tuyên truyền và phổ biến về chính pháp của Đức Phật để người dân hiểu hơn và có ý thức tự giác hơn trong việc thực hành tu tập của cá nhân, không cần thiết phải đi theo một người rồi tạo thành đám đông gây ảnh hưởng xấu đến giao thông.

Chúng tôi cũng nghĩ rằng, các cơ quan báo chí và các ban ngành chức năng nên tranh thủ hình ảnh một người công dân đang thực hành Phật pháp một cách kiên trì và đã trở thành hình ảnh đẹp trong lòng dân chúng về gương người Phật tử như ông Minh Tuệ, để tuyên truyền cho đông đảo người dân về sự hướng thiện, biết sống có lý tưởng, biết theo đuổi các giá trị văn hóa, tâm linh đúng đắn và sâu sắc.

Cũng nên tranh thủ hình ảnh ông Minh Tuệ để nhắc nhở và cảnh báo những người mượn danh Phật nhưng đã không làm theo lời Phật dạy, ngược lại đã có những việc làm và phát ngôn gây nhiều bức xúc trong dư luận, dẫn đến làm ảnh hưởng xấu cho Giáo hội và Phật giáo nói chung.

3. Hưởng ứng công văn của Ban Tôn Giáo chính phủ, là một Phật tử, tôi cũng mong muốn rằng, mỗi người dân, nếu vì sự ngưỡng mộ một người tu hành nào đó, thì nên tôn trọng sự riêng tư của họ, tránh quấy rầy và làm ảnh hưởng xấu đến sự thực tập mà họ đang thực hiện. Đồng thời, tránh việc rồng rắn đi theo rồi tạo thành một đoàn người đông đúc làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông và các vấn đề xã hội khác.

Việc tu cũng như ăn cơm uống nước, ai ăn người ấy no, ai uống người ấy hết khát, không ai ăn thay uống thay cho ai được. Vì thế, tôi cũng mong muốn rằng, mỗi người nếu vì lòng kính trọng đối một người đang thực hành theo chính pháp của Phật thì điều ý nghĩa nhất là học tập những phẩm chất của người ấy để hoàn thiện bản thân, hơn là việc “đi theo”, nhất là trong tình hình giao thông phức tạp như hiện nay.

Bài đăng trên báo Nông nghiệp Việt Nam: https://nongnghiep.vn/…/doi-dieu-suy-nghi-cua-mot-phat…

Phật tử Đức Thuận

Thái Hạo gửi BVN

Xem thêm:

TIN HOT: Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo VIỆT NAM ra văn bản liên quan đến Ngài Minh Tuệ. Văn bản do Thượng toạ Thích Đức Thiện (ảnh) ký ngày hôm nay 16/5/2024.

Nguyễn Xuân Diện

Thái Hạo

Đây là bài thứ hai của tôi trên Báo Nông nghiệp Việt Nam về "hiện tượng Minh Tuệ". Bài viết này là tổng hợp và biên tập từ một số bài nhỏ đã đăng rải rác trong thời gian qua.

Trích: "Sống như nói, đó mới là đạo đức chân thật. Và chỉ khi đó nó mới có sức mạnh. Miệng hô “buông bỏ” nhưng tay vơ vét, sống xa hoa, tham lam tiền bạc, quyền lực, thì đó chỉ là đạo đức giả.

Tôi không phải là một người theo “chủ nghĩa đạo đức” – hiểu như là một lối cai trị xã hội bằng thuyết giáo đạo đức, nhưng tôi tin rằng phẩm hạnh viên mãn của một con người sẽ luôn là nguồn ánh sáng dữ dội rọi vào tâm hồn một cộng đồng, khiến họ xúc động, bừng tỉnh. Tiếc thay, kẻ nói đạo lý thì nhiều vô kể, nhưng người sống đức hạnh thì ngày càng hiếm hoi. Trong mọi sự phá sản thì phá sản về đạo đức mới là mất mát lớn nhất".

Các bạn quan tâm thì đọc bài đầy đủ ở đây: https://nongnghiep.vn/…/nhan-hien-tuong-minh-tue-di-tu…

***

Van Nang Le

Việc cần làm Giáo hội [Phật giáo] lại ko làm. Là chấn chỉnh các hoạt động cúng dường, gieo rắc mê tín dị đoan, làm ô uế đạo Phật…Việc ko nên xía vô lại xía vào. Xâm phạm tự do tín ngưỡng của người dân. Việc tu tập đạo Phật ko phải là đặc quyền của riêng Giáo hội. Mọi người DÂN hiện nay đang chăm chú vào cách đối xử của Giáo hội. Các vị nên nhớ điều đó…

Trần Đức Tôn Huyền

Mấy ông trong GH quốc doanh này chỉ được thế là giỏi.

Sa môn Minh Tuệ đã công nhận rằng ngài ấy không phải tu sĩ Phật giáo của GHPGVN, chứng tỏ ngài ấy không phải là tà sư hay giả sư gì hết. thì mấy ông trong cái GH Quốc doanh này lấy cái quyền gì can thiệp vào việc tu hành của ngài ấy. Kính Phật, nương theo Giáo pháp của Phật mà tu hành, đó là quyền của công dân được quy định bởi pháp luật.

Bùi Xuân Đính

Sao GHPGVN không ra công văn, thông báo về hành vi lừa đảo của "sư" chùa Ba Vàng?

Ngọc Sơn Trần

Giáo hội cần ra văn bản cấm sư Chân Quang tuyên truyền mê tín dị đoan.

Hoang Thanh

Một văn bản vô lý. Vi phạm đến danh dự chân chính của con người. Sư chùa Ba Vàng ngày càng béo tốt, béo tốt!

Nhà sư Minh Tuệ không lấy tiền của dân, sống khổ hạnh, đi chân đất, không đi ô tô đắt tiền, không xe máy loại sang, ăn uống kham khổ, không tranh giành với ai. Không lợi dụng đức tin để kiếm chác, thân hình héo hắt không to bự béo tốt…

Vậy cớ gì GHPG lại chê ngài!!!

Ân Nguyễn Hồng

Phật giáo không có hệ thống giáo lý, ngay cả Giáo hội Phật giáo mỗi nhà sư giải thích một cách khác nhau. Phật giáo là giác ngộ, quyền tự do, theo trí huệ mỗi người, nhà sư thích Minh Tuệ tu theo 13 hạnh đầu Đà, nhà sư không nhận tiền, cái văn bản ra chụp mũ, và Thích Minh Tuệ không thuyết pháp chỉ rèn luyện và học tập, người mến mộ đi theo là việc mỗi người. Tôi là người Công Giáo nhưng mến đạo hạnh của ngài, nếu các ông ra một văn bản là nhà sư Thích Minh Tuệ tu theo 13 hạnh Đầu Đà sẽ nhiều Cảm thông cho hội Phật giáo Việt nam hơn, đừng mang dầu chữa cháy. Mến Chúc nhà sư Thích Minh Tuệ can trường, trí hiểu, sáng suốt, bền vững, giữ vững Đức tin

Maithuvan Mai

Đường tu của Thày Minh Tuệ gian nan rồi! Chúa Giesu phản đối những cái sai của nhà thờ, Ngài được người dân xưng tụng là "Vua của người Do Thái". Bởi đó, Ngài bị chính quyền Do Thái (mà đứng sau là Giáo hội La Mã), kết án đóng đinh lên thập giá! Cầu mong lịch sử không lặp lại!

This entry was posted in Nguyễn Xuân Diện, Phật giáo nhà nước, Phật giáo và kinh tế thị trường, Sư thật và sư giả, Thái Hạo, Thích Minh Tuệ. Bookmark the permalink.