“Cập nhật” đáng mừng của truyền thông

Thái Hạo

15-5-2024

Sau khi hình ảnh hành giả Minh Tuệ xuất hiện như một cơn bão không ngớt trên truyền thông mạng xã hội trong vài tháng qua, đến thời điểm này, ngoài một trang báo mạng không biết do ai quản lý có tên “Phật giáo đời sống” đã đăng nhiều bài với nội dung xuyên tạc, hằn học và đầy tính chia rẽ; thì rất mừng, hôm nay đã có 2 tờ báo đầu tiên của nhà nước chính thức lên tiếng một cách điềm đạm và tích cực về hiện tượng vị tu sĩ Phật giáo đặc biệt này. Đó là Báo VTC News của Đài tiếng nói Việt Nam và báo Nông nghiệp Việt Nam của Bộ Nông nghiệp.

Trong bài “Hãy để cho sư Minh Tuệ được yên thân tu tập” đăng trên VTC News, tác giả Trần Hạnh viết: “Với những người đang một lòng cầu giải thoát như sư Minh Tuệ, sự tôn vinh, sùng bái hay lời dèm pha, báng bổ dành cho mình đều là chuyện của người đời, không phải vấn đề mà ông đang bận tâm giải quyết. Có điều, sự hâm mộ hay kính ngưỡng của công chúng nên được thể hiện một cách đúng đắn, trí tuệ mới không biến những điều tốt đẹp thành rắc rối, phiền não, thị phi.

Nên dành cho nhà sư theo hạnh đầu đà này sự tôn kính đối với bậc chân tu, và sự tôn kính đó không mang ý nghĩa phủ nhận những bậc chân tu đi theo con đường khác. Phật giáo có hàng nghìn pháp môn tu tập, người muốn thành chính quả có thể chọn cách tu hành phù hợp nhất, nỗ lực tinh tiến dựa vào chính mình để tìm cách đạt đến niết bàn”.

Mời xem đầy đủ bài viết ở đây: https://vtcnews.vn/hay-de-cho-su-minh-tue-duoc-yen-than…

Còn trên báo Nông nghiệp Việt Nam, tác giả Thái Hạo viết: “Tu sĩ Minh Tuệ đang trở thành một hình ảnh đẹp hiếm thấy cho Phật giáo Việt Nam và là nguồn cảm hứng lớn cho những người theo đạo và dân chúng nói chung. Điều đó là tích cực và nên được nuôi dưỡng như một hạt giống lành trong tâm mỗi người”.

“Tu học hay trong bất cứ việc gì cũng vậy, nếu sùng bái cá nhân và dẫn đến bắt chước một cách máy móc thì sẽ giống như những con ngựa kia, hay thì hay đấy, nhưng rốt cuộc hỏng cả. Cốt yếu của Phật giáo là Tứ diệu đế và Bát chánh đạo, làm thế nào là do tùy thuận cảnh duyên và cá tính mỗi người, nhưng không được ra khỏi những con đường này. Như thế, Phật pháp sẽ không bị suy mà mỗi người đều hạnh phúc trên lối đi riêng của mình. Cũng giống như xã hội hay quốc gia vậy, phải tuân thủ các giá trị và cách ứng xử phổ quát của thế giới văn minh, như tự do – bình đẳng – bác ái, và luôn luôn phải bảo vệ, tuân giữ các giá trị ấy, không được lấy mục đích để biện minh cho phương tiện. Có như thế, xã hội ấy mới trở nên thịnh vượng, tốt đẹp, và mỗi người mới được sống hạnh phúc trong sự lựa chọn cá nhân của họ. Dù là bắt chước máy móc hay áp đặt và chuyên chế đều gây nên đau khổ”.

Mời xem toàn văn bài viết ở đây: https://nongnghiep.vn/…/tu-truong-hop-tu-si-minh-tue-y…

Trước hết xin nói rằng, sự “cập nhật” này có phần chậm trễ, nhưng vẫn rất đáng quý và đáng trân trọng. Nó gieo thêm hi vọng về những những điều tốt đẹp khi có sự thể hiện một cái nhìn và ứng xử đúng đắn trước một hiện tượng văn hóa – xã hội đặc biệt.

Vì nhiều lý do, sự kiện về tu sĩ Minh Tuệ là không thể lảng tránh, cho nên tôi thiết nghĩ rằng, các cơ quan quản lý văn hóa, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và nhà nước nói chung nên có tiếng nói nhạy bén và kịp thời, với một tinh thần cởi mở và thiện ý. Vì thứ nhất, điều đó sẽ chứng tỏ một cách ứng xử có trách nhiệm; thứ hai, là một cơ hội để đề cao các giá trị văn hóa, tinh thần và tâm linh lành mạnh; thứ ba là giúp tránh được không ít những ồn ào hoặc ác ý nhằm chia rẽ khiến tổn hại cho Phật giáo và văn hóa nước nhà.

Tôi cho rằng, hiện tượng tu sĩ Minh Tuệ là một “dịp may hiếm có” để nhà nước “tuyên truyền” cho những giá trị đạo đức và văn hóa tốt đẹp đang rất cần thiết trong xã hội hiện nay. Nó cũng đồng thời có thể gián tiếp giải quyết các vấn đề nan giải đang tồn tại trong nhiều chùa, như về phẩm hạnh của nhà tu hành cũng như câu chuyện về tiền công đức và các “phát ngôn gây tranh cãi” của nhiều tu sĩ ngày càng bị “mất tín nhiệm” của cộng đồng.

Trong bối cảnh này, hình ảnh hành giả Minh Tuệ có thể được coi như một ví dụ về điều đúng đắn và tốt đẹp cần xây dựng và nuôi dưỡng trong lòng xã hội. Báo chí và các cơ quan văn hóa không nên bỏ qua một “cơ hội” tốt như thế để tích cực lan truyền những điều đẹp đẽ, góp phần chấn hưng và xây dựng một xã hội tử tế, giàu có về mặt phẩm cách.

T.H.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Phật giáo, Thái Hạo, Thích Minh Tuệ. Bookmark the permalink.