Xuất bản hồi ký “Cung đàn số phận”

Tạ Duy Anh 

Thật bất ngờ. Cảm ơn Lao Ta đã nhắc đến cuốn “Cung đàn số phận” này. Mà đúng là cung đàn số phận. Cuốn sách ra đúng một tháng rùi có lệnh “tạm dừng phát hành vì có một số chi tiết chưa chính xác”. Đọc đến đó, tôi bật cười. Đố tìm ra chi tiết nào không chính xác. 

Chúng tôi gặp ông Lộc Vàng (LV) trong một buổi chiều, như một cái duyên. Mấy người bạn (Nguyễn Trọng Cử, Nguyễn Đức Mậu, hôm đó vắng GS Hoàng Xuân Phú thì phải) đến cafe LV. Và nghe chuyện của bác LV, thương cảm quá. Tôi cũng là dân Hà Nội, sống từ bé tý nên rất cảm nhận, đồng cảm khi bác kể những năm tháng thanh niên mê nhạc vàng đến độ nào. Thanh niên HN dạo đó là vậy, có thể quậy, lêu lổng nhưng bản chất là dân lao động, và đam mê nhạc vàng như LV phải nói là hiếm – như máu thịt. Khi đó thật ra nhà giáo Phạm Toàn đã gặp để viết về LV, nhưng rùi chắc bận việc giáo dục, ông không thể làm việc tiếp. Nghe LV kể lại, nhà giáo PT gửi cho tôi chương đầu ông viết, để tham khảo. Nhưng tôi là dân viết và tính cách tự trọng, tôi có nói với anh PT – em ko đọc những gì anh viết đâu, vì em muốn cảm xúc là của em, diễn đạt là của em (cho đến giờ tôi chưa hề đọc một chữ trong cái chương đó của anh PT, và email đó cũng bị xóa từ lâu). Khi đó tôi vẫn làm việc bên VNN. Cứ mỗi tuần tranh thủ đến gặp bác LV một buổi chiều T7, hoặc CN, để làm việc. Và “Cung đàn số phận” tôi viết trong suốt một năm đó, vừa đi làm ở VNN, tối đến tranh thủ viết, dựng lại khung cảnh HN và câu chuyện qua lời kể của bác LV. Vì sống ở HN, nên những cảm nhận của bác tôi dễ dàng đồng cảm và hiểu. Tôi viết như kể lại, bình thản, hiền hòa như con người bác LV, không cay cú, không mỉa mai, không phẫn nộ, chỉ để câu chuyện diễn ra chính xác – như nỗi đau sâu sắc mà LV phải chịu đựng suốt cuộc đời. Riêng độ chính xác, tôi nói với bác LV kiểm tra toàn bộ, từ số tù, đến từng chi tiết câu chuyện. Vì tôi biết nếu sai chút ít người ta có cớ “vu” cho LV và người chấp bút là tôi. Bác LV cũng rất cẩn thận và tôn trọng yêu cầu của tôi. Thế nên khi nói “tạm dừng phát hành để xem xét một số chi tiết không chính xác”, tôi biết đó chỉ là cái cớ của việc cấm phát hành. Nhưng tôi tin sự trung thực của LV, và tôi là người viết tự thấy cả đời mình sống trung thực, nhất là với cây bút. Dẫu sao cũng xin cảm ơn Lao Ta đã có status này. 

Mới đây, tôi được bác LV cho biết, có một bà nhà văn người Việt sống ở Bắc Âu, đã dịch cuốn CĐSP  nước ngoài, nghe nói cuối năm nay bả về VN. Riêng tên sách bả lấy số tù của LV. Và cuốn sách đó có nằm trong thư viện ĐH của một nước ở Bắc Âu. Tôi có nghe LV kể lại, chưa gặp bả nên chỉ có từng đó thông tin ạ.

Phạm Kim Dung

Tôi đã muốn quên cuốn sách ấy đi, vì vài lý do riêng. Nhưng vừa đọc bản thảo tập kịch viết theo lối “phá kịch” của Văn Lưu Trọng (từ “Phá kịch” cũng là của ông), trong đó có vở “Ô cửa sổ mầu trắng” viết về hồn cốt, tính cách, văn hóa Hà Nội xưa, khiến tôi lại phải nhớ đến cuốn sách đó. Trong vở kịch vừa kể tác giả có nhắc đến nhóm Toán Xồm, Lộc Vàng…những người bị đi tù hàng chục năm hoặc chết thảm trên vỉa hè chỉ vì hát thứ nhạc bị coi là đồi trụy lúc ấy.

Xin trích lời của một nhân vật trong vở kịch “Ô cửa sổ mầu trắng”:

“Ở ĐẤT NƯỚC NÀY CHỈ HÁT BÀI HÁT MÀ NGƯỜI TA KHÔNG THÍCH THÔI ĐÃ BỊ TỐNG TÙ CẢ CHỤC NĂM THÌ LẤY ĐÂU RA TỰ DO CẤT TIẾNG NÓI CỦA MÌNH”.

Không phải ai cũng đủ khả năng khái quát như Lưu Trọng Văn, để nói ra một điều to lớn như vậy bằng một câu. Lịch sử chân chính không thể viết khác đi được sự thật chua chát ấy.

Sở dĩ lại phải nhớ cuốn “Cung đàn số phận”, vì những gì Lưu Trọng Văn nhắc đến, đã được viết chi tiết, đầy đủ hơn trong cuốn hồi ký, do tác giả Kim Dung-Kỳ Duyên chấp bút, theo lời kể của ông Lộc. 

Trước khi đọc bản thảo gửi đến xin xuất bản, tôi có biết qua về vụ án “Nhạc vàng”, nhưng không hình dung nổi nó lại oái oăm, bi hài và đau đớn, gây tổn thương đến nhân phẩm như tác giả viết. Đọc mà thấy chua chát, uất ức đến nghẹn cả cổ. Chỉ là một nhóm thanh niên tụ tập hát thứ nhạc họ thích, mà có người bị tù cả chục năm, bị đầy ải, bị hành hạ đến mức quên cả cảm giác sống, cảm giác về thời gian, cứ như họ phạm tội tày trời vậy?

Tôi đọc xong rất nhanh, yêu cầu tác giả chỉnh sửa vài chỗ, làm rõ vài chi tiết và sự việc nào còn lăn tăn nghi vấn về tính xác thực, thì bỏ đi. Một vài cái tên, gắn với những ý kiến không thể xác thực được, tôi yêu cầu tác giả viết tắt. Rất may, đa số thông tin thể hiện trong bản thảo đều có thể kiểm chứng qua tài liệu, qua nhân chứng, qua chính báo chí hồi ấy… còn lưu lại.

Khi quyết định phải xuất bản bằng được cuốn sách, thay cho cách nhắc lại lịch sử, tôi chỉ muốn những chuyện đau đớn như vậy sẽ không lặp lại. Bởi đến khi tôi đọc bản thảo, 55 năm đã trôi qua kể từ khi xảy ra các sự kiện được nhắc tới. Những người phải chịu trách nhiệm về vụ án oan dậy đất ấy hầu hết đều đã chết. Nhân vật chính của cuốn sách thì cũng đã ngoài bảy mươi tuổi. Nội dung của nó không nhắm đến việc trả thù quá khứ, trả thù cá nhân ai đó, mà chỉ kể lại một sự thật những người trẻ hôm nay cần phải biết.

Sách ra được khoảng một tháng thì Cục Xuất bản gửi công văn yêu cầu NXB phải ra quyết định đình chỉ phát hành. Cục mà cho quyền NXB, nghĩa là mức độ không bị đánh giá quá nghiêm trọng. Tuy nhiên nó cũng gây cho tôi và đồng nghiệp vài va vấp, tranh cãi nhau về quan điểm xuất bản. Rất may chúng tôi đều là những người thẳng thắn, quân tử, hiểu sâu sắc về tính cách của nhau từ trước, nên sau đó mọi việc nhanh chóng được hóa giải.

Vì tôi rất muốn nhiều người đọc cuốn sách, nên lập tức viết giải trình với Cục XB theo kiểu cố đấm ăn xôi. Tôi tìm lời lẽ mềm mỏng nhất để thuyết phục Cục XB cho cuốn sách được lưu hành bình thường. Nhưng mọi nỗ lực trổ tài chữ nghĩa của tôi đều thất bại.

Có lẽ Cục XB cũng bị sức ép từ đâu đó chứ họ cũng không muốn mua thêm việc, một việc không đáng phải mất công mất sức, lại dễ mang tiếng xấu.

Cuối cùng tôi đành thông báo trước cho đối tác, rằng tôi chấp nhận tìm cách trì hoãn, cưỡng lại sức ép từ Cục về mặt thời gian, để đối tác tìm cách bán cho xong 3000 cuốn in lần đầu. Kinh doanh sách là một nghề khá rủi ro ở xứ này. Chỉ những ai làm xuất bản mới thấu hiểu điều đó. 

Khi đối tác xác nhận đã hết sách, tôi mới thảo quyết định để giám đốc ký, chính thức hóa việc yêu cầu đối tác kinh doanh không tiếp tục phát hành và khép sự vụ lại ở đó.

Người đại diện của ông Lộc Vàng chuyển cho tôi một cuốn sách tặng có cả chữ ký của tác giả Kim Dung lẫn nhân vật chính, cùng lời mời đến dự một sô hát của ông.

Nhưng cho đến giờ này tôi vẫn chưa gặp, chưa biết mặt cả hai người và chưa một lần nghe Lộc Vàng hát.

Cảm ơn nhà viết kịch “trẻ” Lưu Trọng Văn, về những điều gan ruột ông viết.

T.D.A.

Nguồn: FB Lao Ta

 

This entry was posted in Lộc vàng, Nhân Quyền, Tạ Duy Anh. Bookmark the permalink.