Nguyễn Quang Dy
Một ngày gần đây ở Bãi Tư Chính. Ảnh từ một quân nhân Hoa Kỳ.
Quan hệ Mỹ-Việt-Trung là một tam giác “bất đối xứng” (asymmetric) nên thường “bất an” (insecure) và “bất định” (uncertain). Trong tam giác đó, biến động trong quan hệ giữa hai nước lớn (Mỹ-Trung) dù là đối tác hay đối thủ, thường tác động rất lớn đến nước nhỏ (Việt Nam). Tuy đó là một nguy cơ, nhưng Việt Nam có thể khôn khéo “biến nguy thành cơ” bằng “ngoại giao cây tre”, theo truyền thống “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Để không bị mắc kẹt vào bàn cờ nước lớn, Việt Nam chủ trương “đa phương hóa và đa dạng hóa” quan hệ và không chọn phe. Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với Mỹ (nhảy cóc hai bậc) lên “đối tác chiến lược toàn diện” (CSP) ngang hàng với Trung Quốc, nhưng không làm Bắc Kinh phản ứng quá mạnh. Tuy tránh cam kết “cùng vận mệnh” với Trung Quốc, nhưng Việt Nam đã mềm dẻo chấp nhận “chia sẻ tương lai” để xoa dịu Bắc Kinh.
Theo sử gia Yuval Noah Harari, muốn hiểu rõ hiện tại thì phải xem lại quá khứ và nhìn tới tương lai, để có khung tham chiếu đủ rộng cho một bức tranh toàn cảnh. Trước khi viết 21 lessons for the 21st century (2018) Harari đã viết Sapiens (2011) và Homo Deus (2015). Chúng ta hãy nhìn lại giai đoạn Mỹ-Trung là “đối tác” và Mỹ-Trung là “đối thủ” để xem bàn cờ nước lớn tác động thế nào tới Việt Nam, và Việt Nam đối phó ra sao.
Mỹ-Trung trở thành đối tác
Khi Mỹ và Trung Quốc bắt tay nhau trở thành đối tác, có hai mốc lịch sử quan trọng nối tiếp nhau là 1972 và 1978. Năm 1972, Tổng thống Nixon cùng Cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger đến Bắc Kinh ký “Thông cáo chung Thượng Hải”, chơi “lá bài Trung Quốc” để chống Liên Xô trong chiến tranh lạnh. Mỹ chấp nhận “một nước Trung Quốc” và bỏ rơi Đài Loan; Mỹ rút quân khỏi Việt Nam và bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa (1975).
Trong thời kỳ hậu chiến (1975-1978), người Mỹ muốn “quên đi Việt Nam”. Hai nước đã đàm phán để bình thường hóa quan hệ và hàn gắn vết thương chiến tranh. Đầu năm 1978, Mỹ và Việt Nam đã tiến rất gần đến bình thường hóa quan hệ, nhưng đáng tiếc là Việt Nam đã để tuột mất cơ hội. Đến giữa năm 1978, Tổng thống Carter nghe theo cố vấn an ninh Zbigniev Brzezinski, đã quyết định bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc trước.
Để chơi “lá bài Trung Quốc”, Mỹ chủ trương “tiếp cận xây dựng” với Bắc Kinh, nhưng lại bao vây cấm vận Hà Nội vì quân đội Việt Nam vào Campuchia đánh Khmer đỏ (12/1978). Đó là một bước ngoặt lớn về địa chính trị khi Việt Nam bị xô đẩy vào vòng tay Liên Xô, phải ký “Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác”. Sau khi bắt tay với Mỹ, Trung Quốc đã tiến hành cuộc chiến tranh biên giới (2/1979) để “dạy cho Việt Nam một bài học”.
Lúc đó, cố Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã huy động cán bộ nghiên cứu của Bộ Ngoại giao tìm hiểu để trả lời câu hỏi “Tại sao Trung Quốc đánh Việt Nam?”. Chúng tôi phải đi tìm tài liệu để đọc và tóm tắt, thảo luận về các giả thuyết để tìm ra câu trả lời. Nếu mục tiêu của Bắc Kinh là “dạy cho Việt Nam một bài học”, thì mục tiêu đó không thành công. Ngược lại, Việt Nam đã dạy cho Trung Quốc một bài học, làm họ tổn thất nặng nề.
Nếu mục tiêu của Trung Quốc là buộc Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia, thì mục tiêu đó cũng không đúng. Trung Quốc muốn Việt Nam bị sa lầy ở Campuchia, bị vắt kiệt sức đến “khô máu”. Nhiều ý kiến cho rằng mục tiêu thực sự của Trung Quốc là “đánh cho Mỹ xem”, để Mỹ và phương Tây phải hợp tác giúp Trung Quốc thực hiện “bốn hiện đại hóa”. Kết cục là Mỹ đã thực hiện chủ trương “tiếp cận xây dựng” suốt bốn thập kỷ.
Trung Quốc muốn Việt Nam bị chia cắt và suy yếu, nên một nước Việt Nam “thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh” không phù hợp với lợi ích của họ. Sau hai cuộc chiến tranh đẫm máu kéo dài, Việt Nam trở thành nạn nhân của cuộc “chiến tranh Đông Dương lần thứ ba”. Nói cách khác, “chiến tranh nối tiếp chiến tranh”, làm Việt Nam bị cô lập và kiệt sức. (Nayan Chanda, 1986).
Mỹ-Trung trở thành đối thủ
Ông Đặng Tiểu Bình đã chủ trương “dấu mình chờ thời”, tranh thủ cơ hội hợp tác với Mỹ và phương Tây để thực hiện “bốn hiện đại hóa”. Nhờ vậy, Trung Quốc đã trỗi dậy và phát triển kinh tế “thần kỳ” trong ba thập kỷ. Nhưng sau khi Tập Cận Bình lên cầm quyền (2012), ông đã củng cố quyền lực của mình, bắt nạt các nước khu vực và thách thức Mỹ. Nói cách khác, ông Tập Cận Bình đã từ bỏ chủ trương “dấu mình chờ thời”.
Dưới thời Barack Obama, khi Hilary Clinton làm ngoại trưởng (2009-2013), Mỹ đã “xoay trục sang Châu Á”(Asia pivot) để “tái cân bằng” và đối phó với Trung Quốc. Kurt Campbel lúc đó là trợ lý ngoại trưởng phụ trách Châu Á-Thái Bình Dương, đã trở thành “kiến trúc sư xoay trục”. Nhưng phải chờ đến thời Donald Trump (2017), Mỹ mới công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và thực sự chấm dứt “tiếp cận xây dựng”.
Quá trình người Mỹ tỉnh ngộ và vỡ mộng vì Trung Quốc trỗi dậy “không hòa bình” đã diễn ra từng bước (step by step) chứ không ngay lập tức (overnight). Những cuốn sách như “Chết dưới tay Trung Quốc” (Death by China: Confronting the Dragon, Peter Navarro, 2011), và “Cuộc Chạy đua 100 năm” (The Hundred-Year Marathon, Michael Pillsbury, 2015) đã có ảnh hưởng lớn đến xu hướng chống Trung Quốc dưới thời Trump.
Mỹ-Trung đã trở thành “đối thủ chiến lược”, nhưng quá trình “tách đôi” (decoupling) không dễ, vì Trung Quốc hội nhập sâu vào kinh tế toàn cầu và “phụ thuộc lẫn nhau”. Dưới thời Joe Biden, chính sách của Mỹ với Trung Quốc là “vừa đấu tranh vừa hợp tác”. So với Trump, Biden chỉ khác về cách tiếp cận với Trung Quốc cũng như với đồng minh và đối tác. Nói cách khác, họ đồng thuận về chiến lược, nhưng khác nhau về sách lược.
Có mấy quy luật và nghịch lý thường tác động đến Việt Nam. Một là, khi cạnh tranh Mỹ-Trung tăng lên thì vai trò của Việt Nam trong bàn cờ nước lớn và bức tranh địa chính trị khu vực cũng tăng lên. Việt Nam có vị trí địa chiến lược xung yếu, vai trò ngày càng lớn trong ASEAN, và bề dày kinh nghiệm chống ngoại xâm. Việt Nam tuy không muốn chọn phe, nhưng Trung Quốc càng gây sức ép thì họ càng xô đẩy Việt Nam về phía Mỹ. Nhưng để cân bằng, Việt Nam cố gắng “không quá gần Mỹ” và “không quá xa Trung Quốc”.
Hai là, nếu vai trò an ninh của Philippines giảm đi vì ngả theo Trung Quốc (dưới thời Duterte), thì vai trò của Việt Nam sẽ tăng lên. Nếu vai trò của Philippines tăng lên như hiện nay (dưới thời Marcos Jr) thì vai trò của Việt Nam có thể giảm đi, nếu không biết cách duy trì. Gần đây, Mỹ và Nhật đang tăng cường quan hệ an ninh với Philippines, vì Philippines có vị trí địa chiến lược xung yếu, không chỉ với Biển Đông mà còn với Đài Loan.
Ba là, khi Trung Quốc suy yếu như sau cách mạng văn hóa hay sau đại dịch Covid, thì Việt Nam có cơ hội mạnh lên, nếu Hà Nội biết cách “biến nguy thành cơ” để tăng cường nội lực. Nhưng nếu Trung Quốc khủng hoảng và đổ vỡ thì có thể nguy hiểm hơn là khi họ trỗi dậy.
Bốn là, dưới thời Joe Biden, Việt Nam là một đối tác quan trọng của Mỹ ở khu vực. Nhưng nếu Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm tới thì tình thế có thể khác.
Chính trị nội bộ của Mỹ thường tác động đến chính sách đối ngoại một cách khó lường. Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ lên CSP là một quyết sách “đúng lúc, đúng người, đúng việc”, đã tạo ra một bước ngoặt mới và cơ hội lớn cho Việt Nam. Khi cách mạng còn non trẻ, cụ Hồ đã nhạy bén nhận ra thời cơ và chỉ đạo đúng lúc, “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (12/3/1945). Đó là bài học về cơ hội và tầm nhìn chiến lược.
Cơ hội và thách thức cho Mỹ
Theo Elizabeth Economy (Standford), Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh quan điểm của ông về trật tự toàn cầu là “cộng đồng chia sẻ tương lai nhân loại” (community with a shared future for mankind) bắt đầu từ “Sáng kiến của Trung Quốc” trở thành “Đồng thuận quốc tế” (international consensus) thông qua việc triển khai bốn chương trình: “Sáng kiến Vành đai Con đường” (BRI) năm 2013, Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (GDI) năm 2021, “Sáng kiến An ninh Toàn cầu” (GSI) năm 2022, và “Sáng kiến Văn minh Toàn cầu” (GCI) năm 2023. (Elizabeth Economy, 2024).
Đến nay đã có 150 nước tham gia sáng kiến BRI. Trung Quốc đã lồng ghép BRI vào hơn hai chục cơ quan và chương trình LHQ. Họ đang cố gắng gắn BRI với Kế hoạch MPC của ASEAN (Master Plan on Connectivity 2025). BRI đã làm thay đổi bức tranh kinh tế và địa chiến lược ở Châu Phi, Mỹ Latin, và Đông Nam Á. Tuy kinh phí của Trung Quốc dành cho BRI giảm mạnh từ sau năm 2016, và nhiều nước thụ hưởng BRI mắc nợ Bắc Kinh, nhưng Trung Quốc vẫn đang triển khai “các nhóm bạn của GDI” gồm khoảng 70 nước.
Theo Elizabeth Economy, thay vì phủ nhận các chương trình nói trên của Trung Quốc, Mỹ cần học hỏi kinh nghiệm của họ. Mỹ cần đầu tư nhiều hơn vào các tổ chức công nghệ, quân sự, và ngoại giao, quan tâm hơn đến vai trò an ninh trong nước và lãnh đạo ngoài nước. Tầm nhìn của Mỹ nên bắt đầu từ việc thúc đẩy mạnh cuộc cách mạng về kinh tế và công nghệ đang làm thay đổi bức tranh toàn cầu về số hóa, năng lượng sạch, nông nghiệp và y tế một cách toàn diện, để đóng góp cho sự phát triển thịnh vượng chung trên toàn cầu.
Mỹ đã lập ra “Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” (IPEF) và “Đối tác Đầu tư Hạ tầng Toàn cầu” (PGII). Cần kết nạp một số nước như Campuchia và Lào vào các khuôn khổ khu vực như IPEF. Điều đó đòi hỏi Mỹ phải dựa vào khu vực tư nhân và xã hội dân sự để hiệu quả hơn. Cần phải cải cách hệ thống quốc tế để sự minh bạch, pháp quyền, trách nhiệm giải trình trở thành nền tảng phát triển kinh tế toàn cầu lành mạnh và bền vững. Mỹ cần tiếp tục ổn định quan hệ Mỹ-Trung bằng cách xác định khu vực hợp tác.
Nhiều nước láng giềng của Trung Quốc đang xích lại gần Mỹ. Chính sách ngoại giao “sói lang” của Trung Quốc có thể làm Tập Cận Bình hài lòng, nhưng làm nhiều nước mất lòng. Theo báo cáo của Pew Research Center 2023, chỉ có 28% người được hỏi ủng hộ Bắc Kinh, 23% tin rằng Trung Quốc đóng góp cho hòa bình thế giới. Có 60% người được hỏi tin vào Mỹ, và có 61% nói Mỹ đóng góp cho hòa bình và ổn định. Theo khảo sát của Pew, các nước có kinh tế trung bình ở châu Phi và Mỹ Latin có quan điểm tích cực về Trung Quốc.
Theo một báo cáo năm 2024, một nhóm học giả quốc tế đã khảo sát hơn 6.000 người tại 19 nước để xem liệu Trung Quốc hay Mỹ hiệu quả hơn khi đưa mô hình chính trị và kinh tế của mình ra thế giới với vai trò lãnh đạo toàn cầu. Có 83% người tham gia phỏng vấn chọn mô hình chính trị của Mỹ, 70% chọn mô hình kinh tế Mỹ, và 78% chọn lãnh đạo Mỹ. Nhưng khi họ được tiếp xúc với tuyên truyền của Trung Quốc, hầu hết chọn Trung Quốc.
Theo khảo sát của ISEAS (2024), 50,55% người Đông Nam Á muốn liên kết với Trung Quốc, trong khi 49,5% muốn liên kết với Mỹ. Lần đầu tiên Trung Quốc vượt Mỹ, vì năm 2023 có 38,9% chọn Trung Quốc và 61,1% chọn Mỹ. Trong khi 75,1% người Malaysia, 73,2% người Indonesia, và 70,6% người Lào chọn Trung Quốc, thì 83,3% người Philippines và 79% người Việt Nam lại chọn Mỹ. Điều đó là do ảnh hưởng của Trung Quốc gia tăng, và do căng thẳng giữa Trung Quốc với Philippines và Việt Nam ở Biển Đông. (Tsubasa Suruga, 2024).
Trong nhiều thập kỷ, chính sách thương mại của Mỹ chỉ tập trung vào tối ưu giá cả, năng lực và lãi doanh nghiệp. Cuốn “Không có thương mại miễn phí” (Robert Lighthizer, 2023) đề xuất tầm nhìn cho thương mại của Mỹ và cách tiến hành nếu Trump thắng cử. Cuốn sách cảnh báo về mối đe dọa của Trung Quốc, nhưng không phải ai cũng hiểu điều đó. (Robert Lighthizer & Gordon Hanson, 2024).
Lãnh đạo các nước bắt đầu nhận ra rằng chỉ một năm nữa, cựu Tổng thống Donald Trump có thể trở lại Nhà Trắng. Một số chính phủ nước ngoài đang tính toán lại quan hệ của họ với Mỹ, dựa trên cái gọi là “quyền ngả theo Trump” (Trump put). Ngược lại, các nước khác bắt đầu tìm kiếm cái gọi là “phòng ngừa Trump” (Trump hedge). Graham Allison đã xem xét các đồng minh và đối thủ của Mỹ phản ứng thế nào trước triển vọng Trump trở lại. (Graham Allison, 2024).
Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung vẫn gia tăng trong thế kỷ này, Mỹ vẫn phải triển khai chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở (FOIP), giúp các nước khu vực ở Biển Đông mạnh lên về kinh tế cũng như an ninh quốc phòng để giảm lệ thuộc vào Trung Quốc. Việt Nam và Philippines có vị trí địa chiến lược rất xung yếu tại Biển Đông (như “swing states”) nên trong những năm tới, Mỹ cần tập trung hỗ trợ nhiều hơn, đặc biệt là về chuyển giao công nghệ quốc phòng và nâng cao năng lực tuần tra biển.
Kênh đào Funan, cũng như quân cảng Ream, được Trung Quốc xây dựng, không chỉ liên quan đến Campuchia mà còn liên quan đến an ninh Việt Nam và khu vực. Nó không chỉ làm cạn kiệt nguồn nước hạ lưu sông Mekong, vốn đã bị cạn kiệt bởi các đập trên thượng nguồn, mà còn có thể được sử dụng vào mục đích quân sự. Sông Mekong đang trở thành vũ khí (weaponized) để Trung Quốc bắt chẹt Việt Nam. Funan Techo là “giọt nước tràn ly”. Nếu Mỹ và cộng đồng quốc tế không lên tiếng trước khi quá muộn, hệ quả khó lường.
Cơ hội và thách thức cho Việt Nam
Mỹ và Trung Quốc đang tìm cách làm giảm căng thẳng. Tuần qua, ngoại trưởng Antony Blinken đã đến Bắc Kinh nhằm mục đích đó. Nhưng theo Hal Brands (Johns Hopkins), khả năng hòa dịu rất khó, vì có bốn vấn đề nan giải, dễ leo thang căng thẳng. Một là Đài Loan như một quả bom nổ chậm. Hai là Biển Đông như một thùng thuốc súng. Ba là cuộc chiến tranh công nghệ đang leo thang. Bốn là cuộc chiến tranh Ukraine vẫn bế tắc. (Hal Brands, 2024).
Tháng 8/2022, cuộc khủng hoảng Đài Loan do chuyến thăm của Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi làm nhiều người lo ngại rằng xung đột có thể xảy ra. Đầu năm 2023, vụ khí cầu Trung Quốc bị Mỹ bắn rơi đã làm hai bên phải ngừng tiếp xúc. Trong khi đó, Mỹ tiếp tục củng cố mạng lưới đồng minh trong khu vực. Gần đây nhất là cuộc gặp cấp cao giữa Mỹ, Nhật và Philippines (11/4/2024) để đối phó với Trung Quốc. Philippines dưới thời Marcos Jr đã “xoay trục” sang Mỹ, như một chỉ dấu quan trọng đối với Biển Đông và Đài Loan.
Theo thuyết “bẫy Thucydides” của Graham Allison (Harvard), chiến tranh giữa Mỹ (cường quốc già) và Trung Quốc (cường quốc trẻ) không tránh khỏi (inevitable). Nhưng theo Alexander Vuving (APCSS), tranh chấp Mỹ-Trung tại Biển Đông khó rơi vào “bẫy Thucydides”, vì nó diễn ra theo quy luật “chọi gà” (chicken game) chứ không theo quy luật “thế lưỡng nan của người tù” (prisoner’dilemma). (Alexander Vuving, 2020).
Trong một bài viết, cố phó thủ tướng Vũ Khoan đề cập đến “thời đại mới” và nêu ba hàm ý về chính sách. Một là, những biến động hiện nay và trong thời gian tới báo hiệu một thời kỳ hết sức bất an, bất định, với các mối đe dọa “truyền thống” và “phi truyền thống” đan xen nhau. Hai là, phải trông vào thực lực với phương châm “nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng”. Ba là, kết quả trên mặt trận ngoại giao của ta rất lớn, góp phần hết sức quan trọng. (Vũ Khoan, 2020).
Mấy năm qua, ngoại giao Việt Nam tuy bị tai tiếng về vụ “chuyến bay giải cứu” nhưng có vai trò và đóng góp lớn cho bước ngoặt chiến lược vừa qua. Đến nay, Việt Nam là “đối tác chiến lược” với 11 nước, và “đối tác chiến lược toàn diện” (CSP) với 7 nước là Trung Quốc (2008), Nga (2012), Ấn Độ (2016), Hàn Quốc (2022), Mỹ (2023), Nhật Bản (2023), Australia (2024). Trong đó CSP với Mỹ là quan trọng nhất, nhưng cũng nhạy cảm nhất. Điều đó phản ánh vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam tại khu vực và thế giới.
Việt Nam đã hai lần là “thành viên không thường trực” của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Lần đầu là 2007 (nhiệm kỳ 2008-2009) với số phiếu 183/190. Lần hai là 2019 (nhiệm kỳ 2020-2021) với số phiếu cao kỷ lục 192/193. Việt Nam trúng cử vào “Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc” (2013) và ứng cử cho nhiệm kỳ 2023-2025. Việt Nam là điều phối viên của ASEAN tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Việt Nam là Phó Chủ tịch Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc năm 1997, 2000, 2003. Việt Nam đã tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc từ năm 2021.
Theo Ngô Di Lân (Brandeis University) Việt Nam đã thành công khi dàn xếp quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, với “chiến lược cân bằng răn đe, bảo đảm và phòng ngừa” (balancing deterence, assurance and hedging strategies). Trước căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, Việt Nam cần điều chỉnh cách tiếp cận, nhạy bén về ngoại giao và chủ động chiến lược, trong khi ủng hộ một trật tự khu vực dựa trên pháp luật nhằm bảo vệ chủ quyền và tránh xung đột (Ngô Di Lân, 2024).
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại và các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhắm vào Trung Quốc, với hệ quả của đại dịch và môi trường kinh doanh, nhiều doanh nghiệp Mỹ và nước ngoài khác phải chuyển khỏi Trung Quốc. Đây là một cơ hội lớn nếu Việt Nam tháo gỡ các rào cản để kịp đón làn sóng FDI mới. Dòng vốn FDI vào Việt Nam chiếm 15% tổng tích lũy của nền kinh tế và 76% tổng giá trị xuất khẩu (2023). FDI là động lực quan trọng để phát triển, nhưng cũng có thể trở thành “bẫy gia công”, nếu không biết quản trị tốt.
Theo Tổng cục Thống kê, FDI vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2024 đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong vòng 5 năm qua, đây là vốn đầu tư FDI cao nhất của 4 tháng đầu năm. Trong đó lớn nhất là Singapore: 2,59 tỷ USD (chiếm 36,4% tổng vốn đăng ký); tiếp đến là Hồng Kông: 898,6 triệu USD (chiếm 12,6%); Nhật Bản: 814,1 triệu USD (chiếm 11,4%); Trung Quốc: 740,2 triệu USD (chiếm 10,4%); Thổ Nhĩ Kỳ: 730,1 triệu USD (10,3%); Đài Loan: 512,3 triệu USD (7,2%). (VNEconomy, 29/4/2024).
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cuộc đua chip toàn cầu đang nóng lên nhưng Việt Nam đang có “cơ hội nghìn năm có một” để tham gia và khẳng định mình trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Hiện đã có hơn 50 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn đã hoạt động tại Việt Nam như: Intel, Amkor, Hana Micron, Ampere, Marvell, Cadence, Renesas, Synopsys, Qorvo, Lam Research, Coherent. Vấn đề cốt yếu lúc này là thời gian, vì “tương lai của Việt Nam phụ thuộc vào hiện tại. Phải hành động kịp thời để phát triển một hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn”. (Báo Đầu tư, 24/4/2024).
Gần đây, chuyến thăm Việt Nam của CEO các hãng công nghệ khổng lồ như Nvidia (Jensen Huang, 12/2023) và Apple (Tim Cook, 4/2024) chứng tỏ họ quan tâm đến Việt Nam. Nhưng họ quyết định đầu tư ở Việt Nam hay ở nơi nào khác còn phụ thuộc vào các yếu tố cụ thể. Ví dụ, Intel quyết định đầu tư tiếp ở Ba Lan chứ không ở Việt Nam là một chỉ dấu. Mỹ muốn kéo chuỗi cung ứng chất bán dẫn qua Việt Nam theo hướng “de-risking” và “friend-shoring” là một cơ hội, nhưng Việt Nam có biến cơ hội thành hiện thực hay không?
Việt Nam đang xây dựng “chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn, gắn liền với ngành công nghiệp điện tử”. Cơ hội rất nhiều nhưng thách thức không nhỏ. Trước hết, Việt Nam chưa có hệ sinh thái toàn diện cho lĩnh vực vi mạch bán dẫn, gồm nhà cung cấp nội địa, công ty thiết kế sản phẩm, cơ sở đóng gói, thử nghiệm, phân tích lỗi… Lực lượng lao động tại Việt Nam tuy dồi dào, nhưng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao về vi mạch bán dẫn, nên làm quá trình phát triển và mở rộng diễn ra khó khăn hơn.
Việt Nam cũng chưa thực sự có chính sách ưu đãi, hỗ trợ tài chính đặc thù cho lĩnh vực bán dẫn phát triển. Việt Nam nên có chính sách ưu đãi như về thuế thu nhập cá nhân nhằm thu hút nhân tài có chuyên môn sâu tham gia, đặc biệt là thiết kế IC mà Việt Nam đang có thế mạnh. Việt Nam cần ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp tương ứng với mức đầu tư R&D và đào tạo nhân lực thiết kế bán dẫn, tạo động lực cho doanh nghiệp. Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ phát triển các trung tâm đào tạo nhân lực có tay nghề cao, theo hướng chuyên môn sâu, (Thời cơ vàng để phát triển công nghiệp bán dẫn, VNEconomy, 10/2/2024).
Theo Lê Hồng Hiệp (ISEAS), cách chức chủ tịch nước và chủ tịch quốc hội trong vòng hơn một tháng đã gây ra cảm giác bất ổn sâu sắc. “Khủng hoảng lãnh đạo và bất ổn chính trị của Việt Nam có thể tiếp diễn sau năm 2026 và có hàm ý quan trọng đối với tương lai chính trị của đất nước”. Trong bối cảnh đó, nếu TBT Nguyễn Phú Trọng ra đi, “Việt Nam sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng”. Đã có năm ủy viên BCT, hai chủ tịch nước, một chủ tịch quốc hội, hai phó thủ tướng bị vào lò. (Lê Hồng Hiệp, 2024).
Lời cuối
Trước khi nâng cấp quan hệ với Mỹ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuy tuổi cao sức yếu, nhưng phải sang thăm Trung Quốc ngay sau Đại hội Đảng lần thứ 20 của họ. Đó là nước cờ thế (hedging) để làm yên lòng Bắc Kinh. Sau chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden để nâng cấp quan hệ Mỹ-Việt lên CSP, Hà Nội đã đón Chủ tịch Tập Cận Bình với nghi lễ cao nhất và chấp nhận “chia sẻ tương lai” để xoa dịu Bắc Kinh. Có ý kiến cho rằng Hà Nội đã thỏa hiệp quá nhiều, nhưng các chuyên gia cho rằng đó là “cái giá quá rẻ”.
Trong mối quan hệ “bất đối xứng” với Trung Quốc, muốn “biến điều không thể thành có thể”, Việt Nam phải mềm dẻo như cây tre để có thể tạo ra “thời cơ vàng” cho Việt Nam. Điều đó sẽ đi vào lịch sử như một nước cờ thành công trong một bàn cờ khó lường. Việt Nam trở thành đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ không phải là chọn phe để chống Trung Quốc, mà là “tái cân bằng” để phát triển nhanh nội lực. Nói cách khác, Việt Nam và Mỹ đang “trở về tương lai”, theo tầm nhìn chiến lược của cụ Hồ và các vị tiền bối cách mạng.
Nâng cấp quan hệ Mỹ-Việt lên CSP là một bước ngoặt chiến lược để phát triển đột phá. Nhưng các nhà ngoại giao cho rằng cửa sổ cơ hội của Việt Nam “chỉ tồn tại trong vòng 18 tháng”. Tạo ra cơ hội là một chuyện, nhưng hành động kịp thời để biến cơ hội thành hiện thực là chuyện khác, đòi hỏi phải đổi mới thể chế và ổn định chính trị, là điều kiện then chốt để phát triển đột phá. Chống tham nhũng triệt để được lòng dân, nhưng đấu tranh quyền lực quyết liệt vào lúc này sẽ làm suy yếu động lực phát triển và đồng thuận quốc gia.
N.Q.D.
—
Tham khảo
1. Brother Enemy: The War after the War, Nayan Chanda, Harcourt, 1986
2. Death by China: Confronting the Dragon, Peter Navarro, Pearson Prentice Hall, 2011
3. The Hundred-Year Marathon, Michael Pillsbury, Henry Holt, 2015
4. Hindsight, Insight, Foresight: Thinking about Security in the Indo-Pacific, Alexander Vuving ed., APCSS, September 2020
5. No Trade Is Free, Robert Lighthizer, HarperCollins, 2023
6. Trump Is Already Reshaping Geopolitics, Graham Allison, Foreign Affairs, Jan 16, 2024
7. Vietnam’s great power balancing act, Ngô Di Lân, East Asia Forum, 10 Feb 2024
8. After Free Trade: Trump’s Legacy and the Future of the Global Economy, Robert Lighthizer; Gordon Hanson, Foreign Affairs, Feb 13, 2024
9. Majority of ASEAN people favor China over US, Tsubasa Suruga, Nikkei,April 2, 2024
10. China’s Alternative Order, Elizabeth Economy, Foreign Affairs, April 23, 2024 Gordon
11. The US & China’s Newfound Friendship Can’t Last, Hal Brands, Bloomberg, April 23, 2024
12. Vietnam’s Deepening Leadership Crisis: More Instability on the Horizon?Le Hong Hiep, Fulcrum, 29 April 2024
13. Một thời đại mới đang dần hình thành? Vũ Khoan, Tạp chí Cộng sản, 20/11/2022
14. Thời cơ vàng để phát triển công nghiệp bán dẫn, VNEconomy, 10/2/2024
15. VNEconomy, 29/4/2024; Đầu tư, 24/4/2024.
—
Nguyễn Quang Dy là một nhà ngoại giao Việt Nam đã nghỉ hưu và là Harvard Nieman Fellow năm 1993. Trước đó ông đã từng du học tại Đại học Quốc gia Úc (năm 1976-1979). Hiện ông là một nhà nghiên cứu và nhà báo độc lập tại Hà Nội.
Nguồn: Dự án Đại sự ký Biển Đông