Phẩm chất chính trị gia!

Phan Thế Hải

Quốc gia chỉ giàu mạnh khi có một nhóm các nhà lãnh đạo chính trị không coi chính trị là kế sinh nhai hay tìm kiếm phiếu bầu mà tuân thủ các lý tưởng chính trị và niềm tin chính trị.

Chưa bao giờ chính trường Việt lại có sự xáo trộn nhiều như hiện nay. Sự ra đi của các chính khách cấp cao chỉ vì vướng vào những điều sơ đẳng: “Những điều đảng viên không được làm”. Thực ra thì chỉ có 19 điều được ghi trong Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021. Kẻ quê mùa, già nua đọc vài lần đã thuộc, ấy vậy mà những chính khách chuyên nghiệp lại khác.

Thuộc rồi chỉ có việc làm theo ấy vậy mà các chính khách xứ ta, không chỉ là chính khách tầm trung như anh Đặng Trung Hoành, Lưu Bình Nhưỡng, Phạm Thái Hà… mà còn có những anh thuộc hàng tứ trụ, học hàm học vị cao ngất ngưởng, bằng cấp lý luận dày cộp… vậy mà vẫn vi phạm thì thật khó giải thích.

Khi đã là quan chức cao cấp, có thể coi người đó là chính trị gia (politician). Chính trị gia coi chính trị là một nghề hoặc tích cực tham gia vào các hoạt động chính trị hoặc công việc cộng đồng, cho dù động cơ của người đó là lợi ích cá nhân hay đảng phái, hay lợi ích xã hội hay quốc gia.

Chính trị gia phải có tham vọng, tầm nhìn, trí tuệ, sự quyết tâm và kiên trì. Họ không được sợ gai góc và sẽ chỉ gặp khó khăn, tôn trọng chính trị và kiên trì với chính mình. Quốc gia chỉ giàu mạnh khi có một nhóm các nhà lãnh đạo chính trị không coi chính trị là kế sinh nhai hay tìm kiếm phiếu bầu mà tuân thủ các lý tưởng chính trị và niềm tin chính trị.

Cũng như thương trường, trên chính trường việc xây dựng đội nhóm là nhiệm vụ khó khăn nhất. Nói theo ngôn ngữ hiện đại, cần phải có “teamwork”. Người xưa gọi là cần phải có “bộ hạ” hay “đệ tử” của mình.

Nếu không có những cộng sự xuất sắc sẽ không huy động được sức mạnh lớn lao tiềm ẩn của dân tộc để làm nên những kỳ tích vĩ đại, chiến thắng trong các cuộc chiến chống ngoại xâm mạnh hơn mình nhiều lần, xây dựng lại đất nước.

Theo cụ tổng: Ban chấp hành Trung ương “là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, là tinh hoa của đảng, đòi hỏi phải thật sự vững vàng, có đủ bản lĩnh, phẩm chất, trí tuệ, có uy tín cao để giải quyết những công việc ở tầm chiến lược, xử lý kịp thời, đúng đắn, có hiệu quả những tình huống phức tạp liên quan đến sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, sự sống còn của chế độ”.

Chính trị gia lọt vào “tứ trụ” được coi là nhà lãnh đạo một tổ chức chính trị quy mô lớn, thực hiện các hoạt động chính trị quy mô tầm quốc gia và quốc tế. Để đạt được tầm đó, anh cần phải trả lời câu hỏi: có kiên định với quan điểm của mình không? Có sẵn sàng dấn thân, giữ gìn phẩm hạnh của mình hay không, có đủ tầm nhìn xa vì quốc kế dân sinh hay không?

Đây là những câu hỏi đơn giản kiểm tra phẩm chất lãnh đạo thông thường nhưng lại là trở ngại mà nhiều người có lý tưởng cao đẹp, quyết tâm thay đổi xã hội khó vượt qua.

Đảng CSVN đã ở tuổi U100 và có quá nhiều bài học về công tác tổ chức cán bộ. Đảng đã ban hành hàng trăm nghị quyết về công tác quy hoạch bồi dưỡng cán bộ. Quy trình năm bước, bảy bước đủ cả… Ấy vậy mà vẫn để cho hàng trăm cán bộ nhúng chàm, xử mãi không hết (!)

Theo cụ tổng: "Công tác nhân sự Đại hội phải được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, khoa học và nhất quán, bảo đảm thật sự công tâm, trong sáng, khách quan, đặc biệt phải ”có con mắt tinh đời” trong việc đánh giá, giới thiệu, lựa chọn. Lấy tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và hiệu quả công tác, uy tín của bản thân và gia đình làm thước đo chủ yếu",

Với các chính trị gia, họ được nuôi dưỡng, đào tạo, hình thành qua quá trình tôi luyện nhiều năm; Được học tập và làm theo tấm gương cả trăm lần với những phẩm chất có mấy chữ: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, ấy vậy mà vẫn không thuộc bài. Có lẽ cụ phải xem lại cái quy trình ấy mới có thể đào tạo ra một thế hệ mới các chính trị gia chuyên nghiệp!

P.T.H.

Nguồn: FB Phan Thế Hải

This entry was posted in Chính trường, Lãnh đạo, Tứ trụ. Bookmark the permalink.