Con người cần có ô-xy, ánh sáng và không gian (Bài 1)

Là một người Việt mới nhập quốc tịch Việt Nam, tuy vậy ông André Menras luôn luôn có một cái nhìn thực tiễn sắc bén hiếm thấy. Ngòi bút phê phán của ông trước các vấn đề cụ thể đang diễn ra trên đất nước mà đối tượng là người cầm chịch vận mạng của dân tộc, bao giờ cũng đích đáng. Song trong khi ở Pháp, Đảng Cộng sản Pháp đang vỡ từng mảng thì ông lại có một niềm tin rất đáng yêu về một triển vọng Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ không chóng thì chầy từ nguy cơ suy thoái đang hiển hiện trước mắt lại có thể trở lại trong sạch như pha lê bởi đó là Đảng Cộng sản của người Việt Nam, một dân tộc với những phẩm chất mà ông yêu quý tự đáy lòng. Lão Tử cho rằng trở về với bản tính hồn nhiên của «anh nhi» – trẻ thơ/ngây thơ – là vươn đến đỉnh cao trong phương thức sống của một triết nhân đạt đạo. Cầu chúc cho công dân Việt Nam Hồ Cương Quyết tìm được bí quyết đó trong tư duy như Lão Tử  khuyên dạy.

Nguyễn Huệ Chi

André Menras

André Menras

Phần thứ nhất

Khi Chủ tịch nước trân trọng trao cho tôi vinh dự được mang quốc tịch VN theo luật mới cho phép được có 2 quốc tịch, rất nhiều đồng bào đã ôm hôn tôi và nói: Chúc mừng ! Nhưng cũng có một vài người trong số họ, dè dặt hơn, đã bắt tay tôi và nói: Chia buồn! Cả hai đều có lý do của họ, bởi vì nước VN ngày nay đúng như hai chữ cái viết tắt: V chắc là Vinh, N nhiều khi là Nhục. Tôi biết rõ mình sẽ gắn bó với cả hai khi trở thành công dân VN và tôi chấp nhận điều đó. «Nhân vô thập toàn» mà!  Nhưng nếu tôi chấp nhận Vinh Quang như một tấm huy chương đẹp, tôi lại phải đối đầu với nỗi nhục nhã  trong hiện tại như những cuộc chiến đấu mới cho sự tiến bộ trong tương lai, như một cách để mạ vàng lại tấm huy chương, để tránh cho nó khỏi đóng bụi hoặc bị ô-xy hóa và cũng để luôn trung thành với VN.

Hàng ngày, tôi thường chú ý theo dõi tình hình thời sự VN, đất nước thứ hai của tôi. Những ngày cắt điện: thiếu ánh sáng, kẹt xe khủng khiếp, ngập lụt kinh niên ngoài đường, trong khi đó, nước sạch để tiêu dùng hàng ngày lại không cung cấp đủ cho hàng ngàn hộ dân: thiếu sự lưu thông. Đáp lại những bức xúc cá nhân và xã hội là một dự án TGV hoành tráng: hình ảnh đánh lừa của một giấc mơ hão huyền về sự giao thông siêu tốc và dễ dàng trong không gian… Bấy nhiêu đó cũng tượng trưng cho tình hình chính trị hiện nay: thiếu sự minh bạch do việc chạy chức chạy quyền trong nội bộ Đảng lẫn hành chính Nhà nước, trong các nghị quyết và tuyên bố chính trị, thiếu sự giao lưu tư tưởng, những dự án điên rồ, lừa lọc vượt quá yêu cầu thực tế và cấp bách của đại đa số nhân dân. Gần đến kỳ Đại hội lần thứ XI của ĐCS VN nhằm định hướng cho vận mệnh của cả nước trong những năm sắp tới, lòng tôi trào dâng một nỗi thất vọng và lo lắng. Bài báo này phải được đọc như sự góp phần chân thành và khiêm tốn của cá nhân tôi vào cuộc thảo luận chính trị này. Đây chỉ là một cái nhìn vào một thời điểm nhất định về tình hình của một đất nước và một dân tộc mà tôi yêu quý và gắn bó trong công cuộc xây dựng một xã hội tốt đẹp. Như một nghĩa vụ phải hoàn thành, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về bài viết này, kể cả những hậu quả không may chắc chắn sẽ xảy đến cho tôi. Mục đích chủ yếu của tôi không phải để lên án một cách vô bổ mà là giúp suy nghĩ để xây dựng và tái thiết.

Sự suy tàn có phải là cái giá phải trả cho vinh quang?

Trong lịch sử các dân tộc và các quốc gia, sự suy tàn thường đi sau vinh quang. Đôi khi, nó nảy mầm ngay trong vinh quang. Cơ chế của nó rất dễ giải mã. Khi cuộc chiến đấu  vì sự sống còn hay vì một cuộc sống trong vinh dự của nhân dân kết thúc thì quyền lực, tiền tài lại có thể dễ dàng làm hư hỏng những con người mà xưa kia đại bác, bom đạn, nhà tù chưa bao giờ khuất phục được.. Những thành quả trong chiến đấu, hy sinh của đông đảo quần chúng dần dần bị tước đoạt, thường là bởi những cán bộ lãnh đạo hoặc con cháu của họ, những gia đình đến uống dòng nước giếng mát lành mà họ không hề nhỏ một giọt mồ hôi nào để đào. Những chiến công của nhân dân đã bị gặm nhấm lần lần và những ước mơ của người dân bình thường đã bay đi mất.

Một xã hội khắc khoải chờ mong

Những người vẫn còn giữ lòng trung thành của mình đối với lý tưởng mà không bị những cám dỗ khuất phục vẫn còn rất đông. Đối với lớp người trẻ tuổi đang đi tìm những tấm gương, những con người đang tràn đầy ước mơ, nghị lực và niềm tự hào về lòng yêu nước, họ không lý giải nổi tình trạng trượt dài thiếu lành mạnh mà họ đang chứng kiến bởi họ không thể tự mình phỉ báng chính mình và sẽ rất nguy hiểm nếu chống lại hệ thống tổ chức… Từ đó là im lặng, một sự im lặng buồn bã, im lặng trong nỗi thấp thỏm lo âu…, cảm gíác mệt mỏi, bất lực, mặc cảm tội lỗi, lo sợ cho gia đình hơn là cho chính bản thân… Ngoại trừ một số ít người, một số cán bộ cách mạng lão thành đáng kính còn được lắng nghe và kính nể nhưng hoàn toàn bị cô lập về chính trị, những người mà các lãnh đạo giả vờ lắng nghe nhưng không nghe thấy, những người mà qua hình ảnh Tướng Giáp huyền thoại, không bao giờ đánh mất phẩm giá của mình, không bao giờ đầu hàng và luôn một lòng bảo vệ Tổ quốc; ngoại trừ những trí thức yêu nước dũng cảm, cực kỳ liêm khiết nhưng cũng bị kiểm soát chặt chẽ, đôi khi còn bị đe dọa, đa số còn lại dường như cúi đầu im lặng, bịt mắt, bịt tai và… nhẫn nhục chờ đợi một ngày mai tươi sáng hơn. Nhưng có thể đó chỉ là bề nổi của một tảng băng.

Kẻ thù bên trong: Nạn tham nhũng, một sự tê liệt lan tràn

Tham nhũng ư?  Một người bạn đã nói với tôi là: «Tu ở nhà dễ hơn tu ở chợ». Quy trình của tham nhũng đơn giản, rất con người, có thể dự đoán dù không có thể tha thứ được. Đối với một số người đã từng đấu tranh, sau những năm dài thiếu thốn, đối diện với cái chết luôn rình rập từng phút từng giây, vì con cái, gia đình, bè bạn, người ta chấp nhận những nhượng bộ mà trước đây chính người ấy không bao giờ chấp nhận dưới làn bom lửa đạn. Và từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác, dần dần người ta rơi vào chỗ tự hủy hoại thanh danh và tham nhũng. Đối với những kẻ chưa từng chiến đấu, hy sinh, những kẻ mà cánh cửa quyền lực được mở ra bởi cha ông lừng lẫy uy danh thì việc nhúng tay vào còn dễ dàng hơn, nhất là khi các vụ làm ăn béo bở được dâng lên tận miệng. Tham nhũng luôn có đồng lõa và đường dây, kể cả đường dây tham nhũng nước ngoài, trong đó những kẻ «trong cuộc» luôn che chở lẫn nhau.  Nó nhanh chóng trở thành một hệ thống từ trên xuống dưới, bởi vì nó luôn gắn bó với quyền lực, được nuôi dưỡng bởi những khó khăn về kinh tế, bởi nhiều dự án tái thiết, dựa trên các mối quan hệ chính trị và gia đình.

Bản chất của tham nhũng là không chịu được ánh sáng và lời nói, do đó, nó thường  đàn áp những người đã bị trấn lột mà dám lên tiếng. Đường dây này không chỉ đặc biệt có ở VN. Nó liên quan đến nhiều nước đang phát triển hoặc đã phát triển, thậm chí vòi bạch tuộc hối lộ còn vươn đến các hình thức mới nhất, tinh tế nhất với những khoàn tiền còn khổng lồ hơn nữa.

Niềm vinh quang của Đảng CSVN

Trước ngày Đại hội lần thứ XI của Đảng CSVN, nhiều «chuyên gia» nước ngoài đã viết các bài báo bác học chỉ trích ĐCSVN nhưng chỉ dừng lại ở «những khó khăn» trong hiện tạị. Về cơ bản thì họ có lý. Nhưng điều làm cho tôi cảm thấy áy náy và và nghi ngờ ở sự vô tư của họ đó là họ đã cố tình phớt lờ những nguồn gốc và những nguyên nhân khách quan của những «khó khăn» đó.  Rất đơn giản, chỉ vì họ không biết hoặc cố tình không biết đến những chiến công và cả những vinh quang trong lịch sử của Đảng này. Họ không muốn biết rằng, nếu không có Đảng và các lãnh tụ Cộng sản kiệt xuất thì không bao giờ các lực lượng trọng yếu của VN có thể được tập hợp. Không bao giờ các lực lượng này có thể được tiếp sức bởi sự ủng hộ của các đảng cộng sản trên toàn thế giới, có chỗ dựa mạnh mẽ của phe XHCN, từ những lực lượng hòa bình và từ những phong trào giải phóng dân tộc. Các chuyên gia tài tình này không muốn thấy hoặc muốn quên đi một điều không thể chối cãi được, đó là Đảng CSVN đã từng là ngọn lao sắt và chất xi măng của phong trào giải phóng và giành độc lập dân tộc chống lại các thế lực đế quốc hùng mạnh nhất; họ muốn quên rằng các cán bộ của Đảng, hàng trăm ngàn người trong số họ, đã từng là những người dám đi đầu hy sinh, các Đảng viên cũng đã từng chứng tỏ thế nào là sự cúc cung tận tụy; họ muốn quên rằng chính các lãnh tụ thiên tài của Đảng đã vạch ra con đường hết sức khó khăn và độc đáo để đưa Cách mạng VN đi đến thắng lợi cuối cùng. Niềm vinh quang của Đảng CSVN nằm chính ở chỗ đó. Ai quên những điều đó sẽ phản bội Lịch Sử và không thể hiểu hiện tại.

Một Đảng được tôi luyện cho chiến tranh: không thể có dân chủ

Để có thể giành thắng lợi Đảng đã phải tự rèn mình như một vũ khí chiến tranh không gì có thể phá vỡ: những thông tin thu lượm từ tất cả các nguồn trong đời sống xã hội, đời sống chính trị, quân sự, kinh tế, trong tất cả các vùng miền, tất cả các giai tầng xã hội. Đông đảo quần chúng, hầu như tất cả, đều tham gia vào mạng lưới kiên cố và khổng lồ này. Phải xây dựng một hệ thống  mạnh mẽ về tình báo, kiểm soát, thông tin cũng như một sự liên kết chặt chẽ vô điều kiện trong từng hoạt động. Các quyết định phải tuyệt đối tập trung và tuyệt mật, mệnh lệnh đưa ra phải được thi hành răm rắp, không được giải thích hay tranh luận. Tóm lại: từ dưới đi lên: rất dân chủ, nhưng từ trên xuống dưới: không có dân chủ. Nếu như theo lẽ tự nhiên của nó chiến tranh loại trừ tính dân chủ, thì chiến tranh du kích coi dân chủ là tự sát. Nếu không có tổ chức tỏa rộng khắp nơi chấp hành mệnh lệnh một cách mù quáng (bởi vì 100% đều tin tưởng vào cơ quan đầu não thu nhỏ trong một số ít lãnh đạo đáng kính có uy tín và nắm toàn bộ tình hình để quyết định) thì Đảng CSVN sẽ bị xâu xé, tan rã bởi các lực lượng chống đối khổng lồ và dữ dội. Cho nên, sự bí mật, hoàn toàn thiếu tính rõ ràng, minh bạch, đã  bảo đảm được khả năng đánh bất ngờ, không thể đoán trước được; phải có một hệ thống tình báo và áp chế của công an, với nhiều hệ thống kiểm soát, dự báo, phòng vệ đó là những điều kiện tiên quyết của một Đảng đang mang sứ mạng phối hợp các họat động quân sự với hoạt động chính trị, ngoại giao trong hoàn cảnh luôn luôn biến động và hiểm nguy hàng ngày để dẫn dắt con thuyền đến bến trong biển cả sóng to gió lớn .

Một Đảng không thích hợp với hòa bình: vẫn không có dân chủ

Thật không may, những gì làm nên sức mạnh của Đảng trong chiến tranh đã trở thành những trở ngại cho việc xây dựng hòa bình vì Đảng vẫn hoạt động trên nền tảng cũ trong khi hoàn cảnh đã thay đổi một cách căn bản. Nếu nói hơi quá một chút thì những tính chất tốt đẹp xưa kia giúp cho chiến thắng thì nay, trong xây dựng hòa bình đã trở thành những thiếu sót.

Ngày nay, nước VN non trẻ còn chưa thoát khỏi cảnh khó khăn, mặc dù đã có những dấu hiệu phát triển đáng ngợi ca nhưng còn quá non yếu. Trước mắt, VN còn phải đối mặt với một cuộc chiến tranh khác thầm lặng hơn, phức tạp hơn. Việt Nam cần phải được bảo vệ chống lại kẻ thù ở bên ngoài, đặc biệt là người láng giềng lớn ở phương Bắc đang luôn mang giấc mơ bành trướng, bá quyền, đồng thời chống lại với kẻ thù bên trong đang góp phần mở cửa cho mưu đồ bành trướng ấy: tệ nạn hối lộ. Trong cuộc chiến đấu mới này, nền dân chủ trên mặt trận thông tin liên lạc trở thành một vũ khí cần thiết để huy động các lực lượng cần thiết, đưa các kẻ thù đến thất bại: đó là ý thức, lương tâm, sự tập hợp và sức mạnh đoàn kết toàn dân. Toàn bộ lịch sử VN đã chứng tỏ rằng: chiến thắng không hẳn đến từ chất lượng, tính hiện đại và số lượng của vũ khí mà là từ sự quyết tâm của nhân dân. Cô lập nhân dân, làm sai lạc thông tin, cấm công dân  liên hệ với nhau, cấm tự do ngôn luận nhất là về những vấn đế “nhạy cảm», có nghĩa là chắc chắn đưa Việt Nam đến những thất bại lớn, làm phá hủy toàn bộ những chiến công của quá khứ và những dự định của tương lai.

Trên bình diện con người, phải thừa nhận rằng chiến tranh đã vắt kiệt sức người của Đảng. Những thành phần ưu tú nhất đã ngã trên chiến trường hoặc trong các nhà tù và vắng mặt trong sự nghiệp xây dựng hòa bình.

Trên bình diện nhân cách và giáo dục công dân, cũng cần phải nhấn mạnh rằng, đối với đa số các đảng viên của Đảng, năng lực thường được đánh giá trực tiếp thông qua ý chí hy sinh của họ, hoặc trên tinh thần chấp hành mệnh lệnh của họ. Thời ấy, nêu ra một câu hỏi có thể dẫn đến hiểm nguy cho chính mình hoặc cho đồng đội của mình. Cũng cần có một chút suy nghĩ trong chấp hành lệnh, nhưng ngay cả chút suy nghĩ đó cũng không được phát biểu công khai những gì có liên quan đến nguồn gốc của các mệnh lệnh. Cách suy nghĩ đó, hôm nay vẫn đang còn tồn tại trong Đảng và trong các cấp hành chánh Nhà nước. Và khi mà sự thiếu năng lực, sự thiếu suy nghĩ và có quyền lực đi cùng với nhau thì chắc chắn dẫn đến những kết quả vô cùng tai hại. Không thế mà Cựu thủ tướng Phạm văn Đồng đã nhắc lại một câu của Lenin trở thành một công thức nổi tiếng «Ngu dốt cộng nhiệt tình bằng phá hoại». Một yếu tố không nhỏ cũng không kém phần tệ hại: những cán bộ hôm nay không có gì để mất trừ sự êm ái của quyền lực, những đặc quyền của nó và khả năng có được những công việc lợi lộc. Trở thành đảng viên từ nay có thể thấy như một cơ hội, không phải để hy sinh cho tập thể nhưng lại để bản thân sống thoải mái hơn.

Một  Đảng CS đang mất đi gốc rễ nhân dân, không còn nhận ra mình nữa

Trong hoàn cảnh này, Đảng được sinh ra từ dân và được dân nuôi dưỡng đã dần dần từng bước tách rời nhân dân. Nhưng ở đây, không thể đổ lỗi cho kẻ thù bên ngoài hoặc cho sự vô tình của quần chúng. Người chịu trách nhiệm về tình trạng bi kịch này là chính Đảng trong 40 năm đã đánh rơi dọc đường đi của mình cả lịch sử vinh quang và những phẩm chất cộng sản tốt đẹp cơ bản để đắm chìm trong một quyền lực toàn trị. Người chịu trách nhiệm đầu tiên chính là Đảng đã đi vào con đường “diễn biến hòa bình» bằng cách đưa gia đình, người thân cận trong hệ thống của họ vào tổ chức của Đảng… Trong những hoàn cảnh ghê gớm hồi xưa, họ đã từng biết kích thích, thúc đẩy, hướng dẫn tất cả năng lực của quần chúng. Vậy mà, khi sự nghiệp xây dựng hòa bình đòi hỏi một sự tham gia và sự đóng góp ý kiến tối đa của quần chúng, và cũng không hề có một yếu tố khách quan nào ngăn cản thì họ lại bóp nghẹt nhũng sáng kiến, cấm đoán những sự tham gia đóng góp từ bên ngoài, ngăn cản việc kiểm tra các quyết định của nó, các hệ thống khép kín của nó, các nhóm có những quyền lợi tương đồng… Hiện nay, Đảng không còn tập hợp, thống nhất mà đang chia rẽ, đang tạo ra những hố ngăn cách, những bức màn lửa. Hiện nay, Đảng không còn củng cố sức mạnh của mình nữa mà là đang suy yếu bằng cách làm tê liệt lương tâm, nguồn sức mạnh từ quần chúng. Nó không trấn an nữa: nó đe dọa bằng mạng lưới công an bao trùm tứ phía. Hình như Đảng không còn xây dựng sư an toàn của quá trình phát triển nữa mà áp đặt những dứ án vô lý (như dự án ĐSCT Bắc Nam, Nhà máy điện hạt nhân, việc khai thác quá mức quặng bô-xít ở Tây Nguyên) làm suy yếu thêm nền kinh tế bởi những món nợ khổng lồ trong khi những nhu cầu thiết yếu của hàng triệu công dân chưa được quan tâm giải quyết. Đảng không còn là tượng trưng cho lòng can đảm vì ngay trong lòng Đảng, người ta chỉ còn dám nói để xác nhận vài tiếng nói từ trên đưa xuống. Những áp-phe tham nhũng và mua dâm trẻ em học sinh mà nó để cho kéo dài triền miên bằng cách bảo kê cho các thủ phạm, những vụ việc mà các đối thủ cạnh tranh tiết lộ nhân dịp Đại hội Đảng sắp đến, cũng như bao nhiêu quyết toán tài khoản trong việc chạy đua tranh chức tranh quyền, tất cả đã làm hoen ố thanh danh của Đảng. Và rồi, bị nhấn chìm trong tình thế mà chính họ đã để cho phát triển, họ lại đi xin những lời khuyên chính thức của những chủ nợ nước ngoài hàng năm vẫn họp lại để cho họ những bài học về tính trung thực. Đảng đã mất uy tín ở nước ngoài. Ở ngay trong nước, uy tín của Đảng mất dần theo những quyết định nặng nề không hề được kiểm tra mà mội nhóm người đã tung ra.

… Sự “hợp tác chiến lược toàn diện» với những nhà lãnh đạo của Bắc Kinh, và mặc cho những lời tuyên bố ngoại giao mang tính hình thức, sự mềm yếu trong các phản ứng trước những cuộc tấn công cực kỳ nghiêm trọng mà Việt Nam đang hứng chịu trên Biển Đông lẫn thị trường thương mại trong nước làm cho người dân nghi ngờ về tính yêu nước của Đảng, ý chí lẫn khả năng của một số lãnh đạo Đảng để bảo vệ quyền lợi cốt lõi của đất nước. Nhất là khi họ cấm và hạn chế những phản ứng yêu nước từ dân trước những vấn đề «nhạy cảm» đó.

Cái chủ nghĩa xã hội mà họ nêu ra thường mang bộ mặt ngáo ộp của chủ nghĩa tư bản  thô bạo nhất: quyền lực chính trị đi cùng quyền lực tiền và đại gia: ai có quyền được giàu, ai giàu có quyền. Xài sức lao động của đồng bào mà không hề có sự bảo vệ thật sự và độc lập của các nghiệp đoàn; sự mở cửa cho các công ty nước ngoài đến khai thác tài nguyên của đất nước, ngang nhiên cướp bóc, gây ô nhiễm lớn mà không hề bù lại hàng nghìn nạn nhân; nhiều vụ tịch thu đất của nông dân để đầu cơ bất động sản và nhằm phục vụ lợi ích của vài cán bộ địa phương và một số doanh nhân lơ mơ; bao che cho cấp cao nhất trước sự thâm hụt do tham nhũng và lãng phí trong các xí nghiệp lớn của Nhà nước; đe dọa, theo dõi, đàn áp và tống giam những người phản biện, chụp mũ họ là kẻ phản động…

Dù vậy, tôi vẫn cảm nhận mình luôn giữ những giá trị cộng sản

Dân tộc Việt Nam không thể đã thay đổi bản chất trong vòng 40 năm. Họ vẫn luôn tự hào về quá khứ oanh liệt của mình. Họ cực kì năng động. Tôi không mất hy vọng một ngày nào đó sẽ nhìn thấy một Đảng CSVN trong sạch và lành mạnh. Tôi không thể tin rằng một Đảng có tài sáng tạo, đặc biệt thích nghi với những hoàn cảnh khó khăn chưa từng có, một Đảng mà bản chất đã biết khơi dậy những thách đố lịch sử, biết nhẫn nhục chịu đựng, nay vì những đặc quyền đặc lợi phù du mà trở thành một bộ máy hành chính ngày càng dễ sai khiến, độc tài, thậm chí mang tính cảnh sát, một bộ máy hành chính bị cô lập, phụ thuộc, lỗi thời và khiếp sợ trước sự phát triển cần thiết của nền dân chủ.

Tôi tha thiết mong tìm lại được một Đảng mang tính hiện thực đáng tự hào, sẽ đi trước thời đại, hòa cùng nhịp bước với dân tộc, với toàn thể dân tộc của mình. Một Đảng sẽ giành lại niềm tin của đại đa số bằng hành động chứ không phải bằng các khẩu hiệu, trước hết là chỉnh đốn hàng ngũ; một Đảng sẽ hiểu được rằng uy tín chỉ đạt được trên thực địa chứ không thể được ban hành trong những văn phòng xa hoa sang trọng. Một Đảng sẽ nêu gương trong tất cả các cuộc đấu tranh xã hội, biết quan tâm trước hết đến những người nghèo khổ và những người lao động. Một Đảng sẽ dốc toàn lực vào giáo dục và y tế để phục vụ cho những người nghèo nhất, yếu thế nhất. Một Đảng mà các cán bộ sẽ không truyền từ đời cha đến đời con khiến không ai có thể tiến thân được, bởi vì chính sách là dành cho tất cả mọi người chứ không phải là sở hữu độc quyền của một vài cá nhân nào đó. Một Đảng sẽ chấp nhận thách thức chống lại  những uy quyền độc lập và lành mạnh, dưới bất kỳ hình thức nào, như một điều kiện cần thiết cho nền dân chủ mà nếu không có nó thì không một xã hội nào có thể phát triển lâu dài. Một Đảng sẽ tôn trọng báo chí và coi việc tự do ngôn luận và phản biện như một nhân tố của sự phát triển xã hội. Một Đảng sẽ tôn trọng và củng cố Nhà nước pháp quyền như một sự bảo đảm cho tính hợp pháp của mình. Nói tóm lại, một Đảng lành mạnh và hiện đại, cộng sản nhưng trước hết mang bản chất Việt Nam, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng mong ước.

HCQ  AM

HT Mạng Bauxxite Việt Nam biên tập

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.