Những câu hỏi lớn khi giải cứu SCB

Hoàng Xuân Hoan

Bơm tiền cho SCB đến bao giờ? Hiện nợ xấu của SCB đã lên tới 97%. Nếu không có nguồn thu, SCB sẽ không có khả năng trả lại tiền gửi cho khách hàng, với số tiền hiện còn phải trả là 6 tỷ USD – chiếm hơn 1% GDP Việt Nam năm 2023. Nếu nhà nước tiếp tục bơm tiền vào để trả, thì khách hàng tiền gửi của SCB may mắn. Tuy nhiên, nếu vì lý do nào đó, nhà nước ngưng bơm tiền, thì số phận 6 tỷ USD tiền gửi này “rất mong manh”.

NHNN có thể bơm tiền cho SCB đến khi nào? Cần lưu ý rằng dự trữ ngoại hối của Việt Nam có khoảng 100 tỷ USD và bây giờ phải dùng 6 tỷ USD để thanh toán cho tiền gửi của SCB – tức là số tiền này lên đến 6% trên tổng dự trữ ngoại hối của nhà nước.

Khả năng nhận lại tiền của khách hàng SCB ra sao? Trong trường hợp ngân sách cạn kiệt hoặc vì lý do nào đó nhà nước phải ngừng bơm tiền cho SCB, có 3 kịch bản chính. Một là nhà nước có thể in thêm tiền để tiếp tục bơm cho SCB (trong trường hợp này, dòng tiền đi vào lưu thông sẽ gây lạm phát, nợ công cao); Thứ hai, đưa SCB ra tòa để mở thủ tục phá sản (như vậy, ngoài khoản bảo hiểm tiền gửi mà mỗi khách hàng có thể nhận được là 125 triệu đồng, khách sẽ phải đợi tòa phán quyết về số phận ngân hàng này); Thứ ba, NHNN có thể chỉ định chuyển giao SCB cho một ngân hàng thương mại tại Việt Nam (nhưng việc này diễn ra như thế nào thì phải đợi tới ngày 1/7/2024, khi Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực).

Chuyện gì xảy ra khi bắt buộc chuyển giao? Với số nợ khổng lồ và nợ xấu tới 97% của SCB, trong trường hợp bắt buộc phải chuyển giao, tương lai của cả ngân hàng nhận chuyển giao và SCB có lẽ không sáng sủa và khi những ngân hàng nhận chuyển giao chịu thiệt hại do phải gánh thêm ngân hàng thua lỗ, thì sẽ ảnh hưởng tới cả hệ thống ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế. Thời điểm này, Chính phủ không muốn để SCB phá sản (do có nguy cơ xảy ra tình trạng khách hàng tháo chạy khỏi các ngân hàng, đưa cả hệ thống ngân hàng vào khủng hoảng), do đó, khả năng cao là Chính phủ sẽ chọn cách chuyển giao bắt buộc SCB cho một ngân hàng lớn được chỉ định.

Nguy cơ một SCB khác? Trong khoảng chục năm qua, có rất nhiều vụ kiện, nhiều đại án trong ngành ngân hàng, nhưng chưa có vụ nào lớn và kéo dài cả chục năm như vụ SCB – có nghĩa là Việt Nam đã nhắm mắt làm ngơ cho một tình trạng như vậy kéo dài rất lâu, ở một mức độ rất lớn. Cần minh bạch trong việc ai là người chịu trách nhiệm trong việc để một vụ việc như vậy kéo dài và cần ý thức được mối nguy hiểm của “lợi ích nhóm”. Nếu nền tài chính và hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn còn bị tác động bởi lợi ích nhóm, trong đó có lợi ích nhóm bất động sản, thì có thể sẽ có một SCB khác trong tương lai.

H.X.H.

Nguồn: FB Hoang Xuan Hoan

This entry was posted in Tài chính. Bookmark the permalink.