Thành cổ Quảng Trị nên được thờ như một “nghĩa trủng đàn”

Huy Đức

Vào thời Tự Đức mà một Trung nghị đại phu Phó đô ngự sử của nhà Nguyễn, ông Hoàng Hữu Lợi, có thể lập "Nghĩa trủng đàn" quy tập "hơn 1.000 hài cốt binh lính Tây Sơn" hy sinh khi cùng Quang Trung ra Bắc dẹp quân Thanh năm Kỷ Dậu [1789], thì trong thời đại ngày nay, mọi con dân người Việt sao lại không có một chỗ thờ phụng đàng hoàng.

Theo báo Dân Việt, nước ta hiện có "3.200 nghĩa trang liệt sĩ và hơn 3.000 công trình ghi công liệt sĩ" thế nhưng, 49 năm sau chiến tranh, linh hồn của những tử sĩ của Việt Nam Cộng hòa vẫn gần như bơ vơ, phiêu dạt. Nghĩa trang Biên Hòa chưa một lần được chính thức tu sửa.

Trong "Mùa hè đỏ lửa", không chí có hàng vạn người lính QĐND hy sinh mà còn có hàng ngàn người lính VNCH bỏ mình trong Thành Cổ, và đặc biệt, hàng vạn người Quảng Trị dân chạy trốn đã chết tức tưởi trên "Đại lộ kinh hoàng". Thành Cổ, vì thế, không nên chỉ được dùng để "thờ liệt sỹ" mà nên được tôn tạo, tu sửa như một Nghĩa trủng đàn. Thờ phụng hàng triệu người Việt Nam chết vô danh trong chiến tranh.

Nên học cha ông, cư xử với với con dân Việt Nam bằng tinh thần người Việt. Đối xử với những người đã khuất một cách có văn hóa còn có sức mạnh gắn kết dân tộc đau thương, chia cắt này hơn hàng vạn lần ra nghị quyết. Chỉ khi linh hồn của những nạn nhân chiến tranh siêu thoát, lòng dân mới an, đất nước mới thực sự thái bình, quốc gia mới thịnh.

H.Đ.

Nguồn: FB Trương Huy San

This entry was posted in Hoà hợp hoà giải. Bookmark the permalink.