23/04/2024
VOA Tiếng Việt
YouTuber/Blogger Đường Văn Thái
Hôm 22/4, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố báo cáo nhân quyền 2023, cho rằng chính quyền Việt Nam vẫn không có tiến bộ về nhân quyền, nhấn mạnh vụ bắt giam blogger Đường Văn Thái như là một trường hợp “đàn áp xuyên quốc gia” của chính quyền Hà Nội.
“Không có thay đổi đáng kể nào về tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong năm qua”, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ viết trong phần mở đầu bản báo cáo dài 59 trang.
Báo cáo cho biết tính đến ngày 31/10/2023, chính quyền Việt Nam giam giữ ít nhất 187 người vì hoạt động chính trị hoặc nhân quyền, trong đó có 162 người bị kết án và 25 người đang bị tạm giam chờ xét xử.
Riêng về các quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và lập hội, từ ngày 1/1 đến ngày 31/10, chính quyền đã bắt giữ 25 người và kết án 23 người chỉ vì họ thực hiện các quyền con người được quốc tế công nhận.
Hầu hết các vụ bắt giữ và kết án này đều liên quan đến việc viết blog trực tuyến và các bị cáo bị buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước” (Điều 117 Bộ Luật Hình sự) và “lợi dụng quyền tự do dân chủ” (Điều 331 Bộ Luật Hình sự).
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken phát biểu tại buổi công bố Báo cáo Nhân quyền 2023, Washington, DC., ngày 22/4/2024. Photo AP.
Báo cáo nêu bật sự đàn áp xuyên quốc gia của chính quyền Việt Nam qua vụ bắt giam blogger nổi tiếng Đường Văn Thái: “Vào tháng 4, ông Đường Văn Thái, một blogger trốn khỏi Việt Nam sang Thái Lan vào năm 2019, đã mất tích ở Bangkok, theo gia đình ông”.
Mặc dù chính quyền tỉnh Hà Tĩnh thông báo đã bắt giữ một người đàn ông có tên Đường Văn Thái vào ngày 14/4 vì tội “nhập cảnh trái phép”, các tổ chức phi chính phủ và truyền thông đưa tin rằng ông Thái đã bị chính quyền Việt Nam ở Thái Lan bắt cóc và cưỡng bức đưa về Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ.
“Bộ Công an nêu rõ rằng ông Thái bị cáo buộc với tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’ và tính đến tháng 12/2023, ông vẫn còn bị tạm giam”, báo cáo viết.
Báo cáo dẫn lời blogger Lê Anh Hùng ở Hà Nội cho hay nhân viên y tế và bệnh nhân đã đánh đập ông trong thời gian ông bị giam giữ tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương số 1 từ năm 2019-2023. “Ông nói rằng nhân viên bệnh viện đã tiêm cho ông một loại thuốc gây ảo giác và hôn mê rồi trói ông vào một chiếc giường kim loại để ông không thể phản đối việc tiêm thuốc này”, báo cáo mô tả lại.
“Chính phủ tiếp tục sử dụng các điều luật về an ninh quốc gia và những quy định mơ hồ khác của bộ luật hình sự để bỏ tù các nhà hoạt động bày tỏ quan điểm chính trị một cách ôn hòa trên mạng và các nhà bất đồng chính kiến”, báo cáo viết.
Chính quyền đã bắt giam ông Phan Tất Thành từ ngày 5/7 mà không có lệnh bắt giam, mãi cho đến ngày 25/7, công an mới trưng ra giấy tạm giam tính từ ngày 13/7, báo cáo dẫn thông tin từ gia đình ông Thành cho biết.
Ông Phan Tất Chí, cha của ông Thành, chia sẻ với VOA, về việc con ông bị công an Tp. Hồ Chí Minh bắt giam theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự:
“Đích thân tôi đến cơ quan an ninh điều tra vào ngày 25/7 thì họ mới đưa một quyết định tạm giam ký ngày 13/7. Tôi chất vấn họ vì sao họ bắt giam bắt con tôi từ tuần trước đó mà ghi ngày 13/7. Họ vu vơ, lảng tránh, nói vòng vo. Rõ ràng họ bắt người vô tội vạ”.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ cho ý kiến về bản báo mới này của Bộ Ngoại giao Mỹ, nhưng chưa được phản hồi.
Vào tháng 3/2023, sau khi Washington công bố báo cáo nhân quyền 2022, Hà Nội nói rằng phía Mỹ đưa ra nhận định “thiếu khách quan” về tình hình Việt Nam.
Truyền thông nhà nước dẫn lời Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói tại cuộc họp báo ngày 23/3/2023: “Việt Nam lấy làm tiếc vì báo cáo nhân quyền thường niên năm 2022 của Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên thông tin không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam”.
Vẫn như những lần trước, phía Việt Nam nói rằng việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là “chính sách nhất quán” của họ, viện dẫn rằng “các quyền tự do cơ bản của con người được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam, được bảo vệ và thúc đẩy bởi các văn bản pháp luật cũng như triển khai trong thực tiễn”.
Nguồn: VOA Tiếng Việt