GDP Việt Nam trong bức tranh tương phản

Trn nguyên Thao

Ba Đình vừa công bố tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I là 5,66% do xuất cảng hàng hóa tăng cao. Số liệu này thật ra chưa diễn tả được tình trạng Kinh tế – Xã hội Việt Nam và không đủ “trấn an” doanh nghiệp âu lo về khủng hoảng tại thượng tầng kiến trúc quốc gia do đấu đá nội bộ. Trong lúc bức tranh xuất cảng được điểm tô bằng gần ¾ màu hồng do “tài khéo” của người ngoài, phần khiêm tốn còn lại đang chuyển thành “góc tối” nơi doanh nghiệp trong nước, 95% thuộc loại nhỏ và vừa (DNNVV) phải gồng mình giãy giụa với nỗi… tuyệt vọng!

Theo số liệu chính thức, năm 2023, Việt Nam đã thu về 355,5 tỷ Mỹ kim từ xuất cảng hàng hóa. Trong đó, khu vực kinh tế nội địa chỉ thu được 95,55 tỷ Mỹ kim, bằng 26,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài – Foreign Direct Investmen (FDI), chiếm tới 259,95 tỷ Mỹ kim (*), bằng 73,1% trong tổng kim ngạch xuất cảng của Việt Nam. [1]

Tỷ lệ tương quan trong lãnh vực xuất cảng hàng hóa của Việt Nam giữa khối FDI và doanh nghiệp trong nước từ năm 2015 đã là 70/30; tỷ lệ này nhiều năm gần đây vẫn tăng về phía doanh nghiệp FDI trên 70%. Riêng năm 2022, Bộ Công thương nhìn nhận, dù tổng kim ngạch xuất cảng của Việt Nam đạt khoảng 371,5 tỷ Mỹ kim, nhưng 74,4% kim ngạch xuất cảng thuộc về khối doanh nghiệp FDI.

Năm 2021, chỉ tính doanh thu của Samsung Việt Nam cũng đến 74,2 tỷ Mỹ kim. Trong khi, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2021 của Việt Nam đạt 365 tỷ Mỹ kim. Như vậy, doanh thu của Samsung Việt Nam tương đương 20% GDP của Việt Nam. Trường hợp Samsung “sổ mũi” thì cũng khiến cơ thể kinh tế Việt Nam… thủng dạ dày!

Trong ba động lực của tăng trưởng kinh tế gồm đầu tư, tiêu dùng và xuất cảng, FDI đang trở thành thống lãnh trong xuất cảng của Việt Nam. Giai đoạn 2011-2019, khu vực FDI đóng góp đến 25,7% cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Từ đầu thập niên 2000, doanh nghiệp FDI dần trở thành một trong những trụ cột của nền kinh tế. Hiện, khối FDI cung cấp 35% việc làm cho người lao động trong khu vực chính thức, dù chỉ chiếm 3% số lượng công ty.

Thị trường xuất cảng quan trọng hàng đầu của Việt Nam vẫn là Hoa Kỳ, năm 2023 theo US Census, Việt Nam thu về hơn 125 tỷ Mỹ kim. Tính đến tháng 8 năm 2023, Trung tâm WTO cho biết, Việt Nam bị Mỹ điều tra chống bán phá giá với 25 trên 56 vụ. Do vậy, Việt Nam đang ra sức xin Mỹ nhìn nhận là nền kinh tế thị trường nhằm tránh những bất lợi khi phải đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp tại nơi Việt Nam kiếm được nhiều Mỹ kim nhất. Việc này đang gặp chống đối từ 30 Nghị sỹ, Dân biểu tại Quốc hội Mỹ, với lý do CSVN vẫn là một Nhà nước chuyên chế, không đáp ứng 6 tiêu chuẩn của Kinh tế thị trường. [2] (https://vanhoimoi.org/?p=20292)

Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP là 6-6,5%. Theo Việt Nam dự đoán, nếu chỉ đạt mức GDP thấp nhất là 5,21% thì chia ra bình quân đầu người cũng được khoảng 4,556 Mỹ kim mỗi người.

Đối với những quốc gia, ngành công nghệ đứng vũng trên chính đôi chân của mình, thì GDP bình quân đầu người tăng lên, mang ý nghĩa giúp cho dân chúng nước đó sống tốt hơn, giàu có hơn. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, trong đó có Việt Nam, GDP bình quân đầu người chỉ là số liệu để đảng CSVN tìm kiếm tính chính danh nhằm mỵ dân. Với Việt Nam số liệu đó chỉ là tăng trưởng của một nhóm người giàu có, không phải toàn bộ dân số 100 triệu người đều được hưởng giống nhau. Và đó là hố ngăn cách giàu nghèo –  căn nguyên đưa đến nhiễu loạn xã hội như toàn dân Việt đang chứng kiến.

Mặt khác, GDP của Việt Nam gồm: tiêu dùng của Chính phủ, tiêu dùng cá nhân, tích lũy và xuất cảng đều được tính vào GDP.[3] Mọi chi tiêu, kể cả những khoản chi cho dự án đội vốn hàng ngàn tỷ đồng; dự án bị dân đang phản đối rất quyết liệt như tượng đài Lenin ở Nghệ An, chi phí hàng chục tỷ đồng, và ngoại tệ thu về từ xuất cảng hàng hóa của khối ngoại (FDI), ở dưới dạng lợi nhuận chưa phân phối. Sau khi doanh nghiệp FDI hoàn thành nhiệm vụ thanh toán thuế má và tài chánh theo luật đầu tư, họ được chuyển toàn bộ lợi nhuận về nước. Như thế, số liệu GDP dù cao đến đâu cũng chỉ là “con số” mang tính biểu tượng, có giá trị rất thấp để diễn tả đời sống Kinh tế-Xã hội.

Tính đến cuối năm 2023, tại Việt Nam có 95% thuộc loại DNNVV, sử dụng trên 50% tổng số lao động. Nhưng khối DNNVV lại đang lâm vào tình huống khó khăn, thậm chí “lăn đùng ra chết”. Ba tháng đầu năm có tới 74.1 ngàn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, trung bình một tháng có gần 25 ngàn doanh nghiệp “ra đi”, là mức cao nhất kể từ năm 2019 đến nay.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2024 giảm 0,23% so với tháng trước, doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2024 giảm 3,3%, rất thấp so với thời điểm trước dịch (2015-2019). Sự thể này tạo ra chỉ số Manufacturing Purchasing Managers’ Index (PMI) – do S&P Global theo dõi đã giảm dưới ngưỡng 50 điểm trong tháng 3, với kết quả 49.9 điểm. Chỉ số này đã báo hiệu kết thúc thời kỳ cải thiện điều kiện kinh doanh kéo dài hai tháng vào đầu năm 2024, nhưng nó cũng cho thấy các điều kiện hoạt động về tổng thể gần như là không thay đổi.

Do khoảng 50 ngàn gia đinh sống ở vùng đồng Bằng Cửu Long bị ngập mặn thiếu nước sinh hoạt và mất mùa, dẫn đến nghiên cứu chính thức vào giữa tháng 3 vừa qua cho biết: bốn ngành lúa, thủy sản, cây ăn trái, hoa màu của đồng bằng sông Cửu Long mỗi năm bị thiệt hại hơn 70.000 tỷ đồng, tương đương 3 tỷ Euro. Đầu tháng 4 năm nay tỉnh Tiền Giang đã phải công bố "tình trạng khẩn cấp" vì dân không có nước sạch sinh hoạt. Nhiều nhà hảo tâm đã phải chở nước từ Saigon xuống cung cấp hạn chế cho dân dùng qua ngày.

Vào lúc Chủ tịch Quốc hội Vương Đinh Huệ còn đang ở Bắc Kinh trong chuyến đi 6 ngày (7-12/4) trong đó có việc mời tập đoàn Huawei của Trung Cộng “nghiên cứu cơ hội đầu tư” tại Việt Nam,… thì theo tường thuật tại chỗ của Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (Central News Agency CNA), hội nghị quốc tế thường niên lần thứ 30 thu hút hàng ngàn doanh nhân, quan chức, nhà lập pháp Đài Loan tới Hà Nội đã bị nước chủ nhà Việt Nam gây vô số phiền nhiễu do “áp lực từ Bắc Kinh” đưa đến việc phải thay đổi tham dự viên vào giờ chót, không cho trưng cờ và hát quốc ca Đài Loan. Ngay bài phát biểu qua video của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và Phó Tổng thống Lại Thanh Đức trong ngày khai mạc hội nghị cũng bị chuyển sang dạng văn bản. CNA nhận đinh rằng, cách thức “CSVN đang hợp tác với Trung cộng ngay trước mặt các doanh nhân Đài Loan từ khắp thế giới, có thể ảnh hưởng đến nhận thức của doanh nhân Đài Loan về Việt Nam.”

Trong năm 2023, nguồn vốn đầu tư của Đài Loan vào Việt Nam là 2,2 tỷ Mỹ kim, tăng gấp 4 lần so với năm 2022. Đài Loan hiện đứng thứ 4/105 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với gần 3.200 dự án. Đài Loan cũng đang trở thành đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam.

Thực tế thượng dẫn trong hiện tình Việt Nam đang đúng với nhận định của Giáo sư Joseph Stiglitz, Học viện Công nghệ Massachusetts – Massachusetts Institute of Technology (MIT): “GDP không phải là đơn vị đo lường tốt để đánh giá hiệu quả nền kinh tế”.

Cũng vậy, Adam Smith, nhà kinh tế học người Scotland từng để lại kinh nghiệm: Một đất nước giàu mạnh được thể hiện qua khả năng sản xuất, trình độ công nghệ, khả năng tiêu thụ bằng chính năng lực nội tại,… chứ không phải trên những con số vẽ vời. Vì thế, một quốc gia trở nên thịnh vượng “không gì khác ngoài hòa bình, thuế khóa vừa phải, và một chính quyền biết tôn trọng công lý: mọi điều còn lại là do quá trình tự nhiên của sự vật đem tới”.

Tình trạng hiện tại của Việt Nam khiến dân chúng có cảm giác GDP tăng trưởng cao, nhưng đời sống kinh tế trong dân chúng vẫn rất chật vật. Hiện nay người dân Việt Nam có cái nhìn bi quan cả về tình hình phát triển kinh tế quốc gia và thu nhập của khoảng 65% trong tổng số gia đình ở nông thôn, trong đó tính đến năm ngoái, đã có 1.762.938 gia đình ở trong các ngôi nhà nhà tạm, nhà dột nát! [4]

Nền kinh tế Việt Nam dựa phần lớn vào xuất cảng với gần ¾ là giá trị đóng góp từ FDI, phần còn lại là “vực sâu u tối” – góc co ro giãy giụa – chốn nương thân của doanh nghiệp trong nước, đúng ra phải được nâng đỡ để giữ vai chủ lực xây dựng quốc gia, thì lại bị đối xử như “hạng hai” trong văn hóa “xin-cho” và những thủ tục chồng chéo đưa đến 74 ngàn công ty rời bỏ thị trường trong quý I năm 2024, và 41% DNNVV hiện không đủ điều kiện vay vốn đang lâm vào cảnh “phó linh hồn”.

T.N.T.

Giữa tháng 4-2024

[1]https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2024/01/xuat-nhap-khau-nam-2023-no-luc-phuc-hoi-tao-da-but-pha-cho-nam-2024/

[2] https://www.voatiengviet.com/a/hon-30-nghi-si-my-phan-doi-viec-xet-cong-nhan-kinh-te-thi-truong-cho-viet-nam/7469363.html

[3] https://mof.gov.vn/webcenter/portal/ttpltc/pages_r/l/chi-tiet-tin-ttpltc?dDocName=MOFUCM120658

[4] https://baomoi.com/xoa-100-nha-tam-nha-dot-nat-tren-ca-nuoc-trong-nam-2025-c48830135.epi

(*) FDI được chuyển lợi nhuận về nước Mẹ, sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in GDP. Bookmark the permalink.