Lênin và Thái Anh Văn

Tạ Duy Anh 

Xin nói ngay, việc dư luận trách móc lãnh đạo Nghệ An trong vụ dựng tượng Lênin là trách sai. 

Nghệ An không phải cứ MUỐN làm việc đó mà được!

Nghệ An không phải cứ KHÔNG MUỐN làm việc đó mà được!

Còn khuya nhé.

Ai đó còn “đáng yêu” hơn khi trách mấy ông trong tổ tư vấn quê Nghệ An không can ngăn lãnh đạo. Trời ạ, trong hầu hết những vụ việc chứ không chỉ việc đang nói, đám tư vấn trong mắt lãnh đạo luôn bị đồng nghĩa với bọn “phá đám”. Họ cần các ông để làm cảnh, cho bộ lễ phục thêm phần diêm dúa và chỉ thế thôi.

Cứ hỏi ngài Nguyen Ngoc Chu thì biết.

Nếu cụ Lênin thực sự có công với nhân dân Nghệ An, thì kệ thiên hạ nghĩ gì về cụ, việc Nghệ An dựng tượng cụ chả có gì phải làm cho to chuyện.

Thành thực thì, với tầm hiểu biết của mình, tôi không rõ cụ Lênin liên quan tí gì đến Nghệ An, đến cuộc sống của mấy triệu dân Nghệ An trong đó đa phần cứ mãi lầm than, vì thế không dám lạm bàn.

Trong khi đó, xét khoảng 100 năm trở lại đây, theo tôi, người ngoại quốc có ảnh hưởng tích cực, rõ ràng và chắc chắn còn kéo dài đến mảnh đất Nghệ An Xô Viết cách mạng nhiều nhất là bà Thái Anh Văn – Tổng thống Trung Hoa Dân quốc. Nhiều người Nghệ An giầu lên nhanh chóng, số nhà tầng, số xe hơi nhiều lên, được báo chí xứ Việt ca ngợi, chắc chắn một phần quan trọng nhờ tiền người lao động gửi về từ Đài Loan.

Mà để người lao động Nghệ An được đi lại, ăn ở, làm việc ở Đài Loan dễ dàng, được đảm bảo các quyền lợi, được đối xử tốt, nhiều lao động trái phép, quá hạn… được ân xá, được tạo điều kiện gia hạn… đều nhờ rất nhiều vào những chính sách cởi mở về cấp visa và lưu trú của bà Thái Anh Văn. Không tin sang Đài Loan hỏi thì biết. 

Mà cần gì phải sang tận Đài Loan, chỉ cần nhìn số lượng người Nghệ An vẫn ngày ngày bất chấp hiểm nguy, tốn kém, tìm mọi cách sang Đài Loan tư bản bằng được, là biết họ chán ghét hào quang khi được  trong đội ngũ giai cấp vô sản đến mức nào. Tôi tin rằng ai mà nhắc đến cụ Lênin với họ không chừng bị ăn đấm vỡ mặt, vì họ nghĩ đang bị nói mỉa!

T.D.A.

Nguồn: FB Lao Ta

This entry was posted in Chủ nghĩa Mác-Lê, Thái Anh Văn, Xuất khẩu lao động. Bookmark the permalink.