Quyền ghi âm của nhà báo

Luật sư Lê Nguyễn Duy Hậu

Bản chất của hoạt động xét xử, đặc biệt đối với án hình sự, là cởi mở, nhằm giúp người dân giám sát và tuyên truyền pháp luật; vừa có ích cho dân, vừa có ích cho tòa án và bị cáo. Bất kỳ chính sách nào cũng cần đối xử với quyền ghi âm, ghi hình của nhà báo như một công cụ bổ trợ giúp tòa án cởi mở hơn với công chúng, chứ không phải là một vấn đề phải xử lý. Các quy định hiện hành và những biện pháp nghiệp vụ sẵn có là đã đủ để duy trì trật tự phiên tòa, hạn chế hành vi truyền thông thái quá.

Một người bạn vốn ít quan tâm đến luật pháp dịp cuối năm ngoái bỗng thường hỏi tôi các điều khoản chi tiết về tội hối lộ, tham nhũng, về hành vi “đưa quà”, “biếu xén”.

Khi tôi tỏ ra ngạc nhiên, anh cho biết đang theo dõi qua báo chí phiên tòa xử vụ án chuyến bay giải cứu. Các cuộc tranh tụng và xét hỏi tại tòa kích thích anh tìm hiểu kỹ một số quy định của luật. Anh chia sẻ thêm, đây là dịp anh được vỡ ra nhiều kiến thức về luật pháp, chứ không chỉ dừng lại ở cập nhật tin tức.

Trong truyền thống pháp luật ở nhiều nước phương Tây, tòa án là nơi uy nghiêm, quyền lực, và chỉ một số ít người có “đặc quyền”  thường là luật sư  tiếp cận nơi này. Cùng với thời gian, tính chất “đặc quyền” dần được gỡ bỏ. Nghĩa vụ công khai của tòa án, đi kèm quyền được xét xử công khai của đương sự, dần trở thành một chuẩn mực pháp lý mà các quốc gia văn minh đều theo đuổi. Sự cởi mở này cũng dần trở thành nhu cầu của chính tòa án, giúp công chúng hiểu hơn về hoạt động của cơ quan này, cũng như giáo dục được xã hội về các vấn đề pháp luật liên quan.

Ngay cả Tòa án Tối cao Mỹ  vốn là một tòa án có tính đóng, không cho phép quay phim, chụp ảnh và hạn chế người tham gia  cũng luôn tổ chức truyền thanh trực tiếp toàn bộ phiên xét xử. Các phiên tòa ở Anh từ năm 2020 đã cho phép quay phim, chụp ảnh đối với phần tuyên án. Những phiên xét xử của Tòa án Công lý Quốc tế ICJ cũng được truyền hình trực tiếp trên website của Liên Hợp Quốc.

Sự cởi mở dần trở nên thực chất hơn, với sự mở rộng của không gian mà trong đó công nghệ là công cụ hỗ trợ. Việc xem xét thông lệ quốc tế về lĩnh vực này, vì vậy, cần xét đến bối cảnh của từng quốc gia, nguyên tắc pháp lý của họ, cũng như những giá trị mà họ theo đuổi. Thông lệ quốc tế chính là việc các tòa án xem cởi mở hơn với công chúng là nguyên tắc, và ngay cả khi bắt buộc phải hạn chế thì luôn có những biện pháp thay thế do chính tòa thực hiện, để đảm bảo sự cởi mở thực chất.

Cởi mở cũng giúp hạn chế tin giả về tòa án và minh bạch hơn trong xét xử.

Sự cởi mở tất nhiên cũng đi kèm với bất cập. Hoạt động ghi âm, ghi hình cá nhân có thể diễn biến phiên tòa được truyền tải sai lệch, luật sư bị phân tâm, thẩm phán gặp sức ép. Chính vì vậy, vào thuở ban đầu của truyền thông, các tòa án phương Tây thường đặt ra lệnh cấm với thiết bị ghi hình, ghi âm vốn có các tính năng gây phân tâm như đèn flash, tiếng ồn.

Làm thế nào để vừa cân bằng được nguyên tắc cởi mở của tòa án với sự công bằng trong xét xử của thẩm phán, hay thậm chí là quyền riêng tư của đương sự trong một vài trường hợp. Cả hai bên nhu cầu đều chính đáng, và bất kỳ quy định nào không xét đến lợi ích của bên còn lại đều là thiên lệch và thiếu thấu đáo.

Tòa án Việt Nam cũng không ngoại lệ trong chuyện này. Những phiên tòa lưu động, cũng như quy định xét xử công khai theo Hiến pháp thể hiện nỗ lực của Nhà nước Việt Nam trong việc cởi mở hóa hoạt động tòa án. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành cũng có những quy định cụ thể để đảm bảo việc xét xử của tòa án và quyền của đương sự không bị ảnh hưởng bởi những can thiệp “thái quá” của truyền thông. Ví dụ, bộ Luật Dân sự có quy định bảo vệ quyền hình ảnh của cá nhân như một nguyên tắc, và chỉ một vài trường hợp hết sức cụ thể vì lợi ích công mới được xem là ngoại lệ của nguyên tắc này. Bộ Luật Tố tụng Dân sự và Luật Tố tụng Hành chính có quy định rất rõ rằng quyền ghi âm, ghi hình lời nói và hình ảnh của hội đồng xét xử và đương sự chỉ có thể được thực hiện bởi các nhà báo, và chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý của chủ hình ảnh, lời nói. Pháp luật Việt Nam hiện không quy định kiểm soát như vậy đối với phiên tòa hình sự, có lẽ vì tính chất giáo dục, tuyên truyền, cũng như nhu cầu giám sát với phiên tòa này là cao hơn hẳn so với nhu cầu còn lại.

Đề xuất gần đây trong dự thảo Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân quy định việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa phải được chủ tọa đồng ý, thực chất chỉ là sự mở rộng quy định hạn chế trong phiên tòa dân sự và hành chính sang phiên tòa hình sự. Trong giải trình, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng không đưa ra các lý do khác hơn ngoài hai lý do: bảo vệ sự tập trung của phiên tòa và quyền riêng tư của đương sự.

Cần khẳng định rằng đây là lý do chính đáng và các quyền cần được bảo vệ. Nhưng câu hỏi là: có thực sự cần thiết mở rộng giới hạn như đề xuất không?

Không quy định giới hạn ghi hình, ghi âm trong phiên tòa hình sự không có nghĩa là nhà báo có quyền vô hạn, dẫn đến gây phân tâm cho thẩm phán. Quy định bảo vệ hình ảnh cá nhân vẫn là quy định hiệu quả để bảo vệ quyền hình ảnh của các đương sự. Ngoài ra, Quy chế tổ chức phiên tòa, nội quy phòng xử án theo Thông tư 02/2017 của Tòa án Nhân dân Tối cao cũng yêu cầu các bên tham gia phiên tòa, kể cả người tham dự, nhà báo, phải ngồi đúng vị trí và không được làm hỗn loạn phiên tòa. Các hành vi bất tuân sự điều hành của thẩm phán trong phiên tòa được coi là hành vi vi phạm hành chính. Thẩm phán hoàn toàn có đủ công cụ để giữ trật tự cho phiên tòa mà không cần thiết phải xem quay phim, chụp ảnh là một đặc quyền có tính “xin-cho”. Đó là chưa kể đến các biện pháp nghiệp vụ khác vẫn thường thấy trong những vụ án gần đây, ví dụ để phóng viên tác nghiệp ở khu vực riêng, theo dõi qua màn hình, thay vì tham dự trực tiếp tại phòng xử. Những biện pháp như vậy là đủ để giải quyết băn khoăn mà ngành tòa án đặt ra trong việc xét xử án hình sự.

Bản chất của hoạt động xét xử, đặc biệt đối với án hình sự, là cởi mở, nhằm giúp người dân giám sát và tuyên truyền pháp luật; vừa có ích cho dân, vừa có ích cho tòa án và bị cáo. Bất kỳ chính sách nào cũng cần đối xử với quyền ghi âm, ghi hình của nhà báo như một công cụ bổ trợ giúp tòa án cởi mở hơn với công chúng, chứ không phải là một vấn đề phải xử lý. Các quy định hiện hành và những biện pháp nghiệp vụ sẵn có là đã đủ để duy trì trật tự phiên tòa, hạn chế hành vi truyền thông thái quá.

Nếu áp đặt thêm một hạn chế đối với vụ án hình sự, rất có thể chúng ta đang đi ngược lại với nguyên tắc cởi mở, vốn là xương sống cho nền tư pháp hình sự Việt Nam từ thời lập quốc.

L.N.D.H.

Nguồn: Vnexpress.net

 

This entry was posted in luật pháp, Quyền thu thập thông tin, Tòa án. Bookmark the permalink.