Giàu lên thì sẽ dân chủ?

Võ Văn Quản

Lý thuyết cho rằng tăng trưởng kinh tế là tiền đề để phát triển của dân chủ đã tồn tại được hơn bảy thập niên, nhất là khi quyển “Political Man” (tạm dịch: Con người chính trị) của Seymour Martin Lipset ra đời vào năm 1959 [1].

Nhiều học giả cho rằng tự do kinh doanh sẽ dẫn đến tăng trưởng kinh tế và hình thành các tầng lớp kinh tế mới. Các tầng lớp này thúc đẩy những tiến trình dân vận mới và từ đó hình thành nền dân chủ (mô hình thứ nhất) [2].

Nhưng nhiều ý kiến lại diễn giải ngược lại, rằng một quốc gia dân chủ hóa thành công sẽ giúp tăng trưởng kinh tế tốt hơn (mô hình thứ hai) [3]. Lý do chính bảo vệ quan điểm này là một khi quyền tư hữu được công nhận và bảo vệ tốt hơn, môi trường kinh doanh sản xuất minh bạch hơn, thì đà kinh tế tăng trưởng tốt hơn.

Người viết đánh giá mô hình thứ hai hầu như không còn được ủng hộ nhiều, dù có một số đất nước tương đối thành công hậu dân chủ hóa như Cộng hòa Séc hay Ba Lan. Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia đều không thực hiện được mô hình này. Những nước như Nga hay phần còn lại của Đông Âu, Trung Âu đang vật lộn với các thể chế dân chủ, trong khi các chỉ số phát triển đều không đạt. Để rồi, các nước này tái xuất các nhà lãnh đạo võ biền, kỹ trị.

Trong khi đó, mô hình thứ nhất lại có nhiều hy vọng hơn hẳn. Ví dụ như Đài Loan, phát triển kinh tế thần kỳ giai đoạn 1960 – 1970, sau đó bắt đầu tiến trình dân chủ hóa của mình vào cuối thập niên 1980. Hay Hàn Quốc đã trải nghiệm giai đoạn phát triển kinh tế vũ bão dưới sự bảo trợ của các chính quyền độc tài những năm 1960 – 1970 rồi mới dần chuyển hóa thể chế chính trị thành mô hình dân chủ (dù họ vẫn còn nhiều vấn đề cần phải cải thiện). Chưa kể một số trường hợp phức tạp khác như Nhật Bản, liệu các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Singapore sẽ đi theo con đường dân chủ mà lý thuyết này vạch ra?

Thuyết hiện đại hóa

Trong quyển “Con người chính trị”, Seymour Martin Lipset giả định một quốc gia có mức độ tăng trưởng kinh tế càng cao thì sẽ có khả năng phát triển, duy trì và bảo vệ nền dân chủ càng tốt. Qua phân tích các mẫu nghiên cứu ở một nhóm các quốc gia tại châu Âu và châu Mỹ Latin, tác giả kết luận các chỉ số liên quan đến mức độ thịnh vượng, công nghiệp hóa, đô thị hóa và giáo dục đều có tác động tích cực đến khả năng hình thành và duy trì các định chế dân chủ, dù trong giai đoạn bình thường hay có những khủng hoảng chính trị.

Với nghiên cứu “Civil Liberty: An Econometric Investigation”, Bilson ủng hộ lý thuyết này. Bilson lý giải:

Các xã hội tĩnh thường có xu hướng trục lợi dựa vào chính quyền (rent-seeking), mà trong đó, luôn có nhiều áp lực đặt lên chính quyền để tái phân phối nguồn thu, của cải đến các nhóm có quyền lực chính trị. 

Cân nhắc rằng tăng trưởng kinh tế nhanh cho phép các thành phần khác trong xã hội đạt được địa vị và thu nhập mới, độc lập phần nào với chính phủ, có thể cho rằng tăng trưởng kinh tế sẽ luôn có tác động tích cực đến tự do chính trị” [4].

Cung cấp thêm hướng tiếp cận, nhóm nghiên cứu của Pennar cho rằng tăng trưởng kinh tế sẽ dẫn đến dân chủ bởi hiệu ứng “thiếu hụt tương đối” (relative deprivation) và tác động dần dần của phổ biến giáo dục, dẫn đến các yêu sách quyền chính trị – dân sự khác nhau. Nhóm nghiên cứu đánh giá dù phát triển kinh tế không chia sẻ đồng đều thành quả cho mọi thành phần xã hội, thậm chí dù chỉ một nhóm nhỏ giàu lên nhưng phần còn lại của quốc dân cũng có cơ hội để cải thiện đời sống.

“Các khoản thu nhập tăng ban đầu sẽ được phân bổ cho các loại hàng hóa cần thiết cũng như hoạt động đầu tư, nhưng dần dần cũng sẽ được chuyển đến giáo dục, đào tạo. Quần chúng được đào tạo và học hành đầy đủ hơn thường sẽ đòi hỏi các quyền dân sự – chính trị nhiều hơn, và dân chủ hóa từ đó mà bắt đầu” [5].

Nan đề Trung Quốc

Sự phát triển kinh tế vũ bão của Trung Quốc từ thập niên 1990 cùng với tính thích ứng vượt trội của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong môi trường chính trị thế giới đã đặt một dấu hỏi lớn cho thuyết hiện đại hóa mà Lipset và các học giả theo trường phái của ông đề ra.

Với hiện tượng Tập Cận Bình và một Trung Quốc ngày càng có xu hướng bảo thủ, tập quyền hơn, nhiều tác giả tuyên bố mô hình thứ nhất không còn sức nặng nữa [6]. Người ta lo ngại Việt Nam đang hướng mình theo Trung Quốc.

Nhưng cũng có nhiều nghiên cứu, kể cả ở Trung Quốc, cho rằng Tập Cận Bình hay những giá trị của nền dân chủ tự do bị thách thức ngày nay không thể ngăn cản quá trình dân chủ hóa tại các quốc gia có mức độ phát triển kinh tế cao, bền vững.

Một phân tích xuất sắc cần đề cập tới là “Does China’s Case Falsify Modernization Theory? Interim Assessment” (tạm dịch: “Trường hợp Trung Quốc có thật sự làm sai lệch lý thuyết hiện đại hóa?”) của Tiến sĩ Sungmin Cho. [7]

Tiến sĩ Sungmin Cho thừa nhận thực tế việc giới kinh doanh, giới trung lưu xuất hiện ngày một nhiều tại Trung Quốc không đi kèm với mong muốn mở rộng quyền tự do chính trị – dân sự ở đất nước này. Thay vào đó, có một nhóm  “tư bản đỏ” (red capitalists) ra đời. Họ công nhận tính chính danh cũng như khả năng lãnh đạo thích ứng của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Sungmin Cho cũng chỉ ra nhiều bằng chứng cho thấy các giá trị tự do và dân chủ đã là một phần của các giai tầng kinh tế mới ở Trung Quốc.

Ví dụ, số liệu cho thấy sự ủng hộ của tầng lớp kinh tế mới dành cho Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ nằm ở tiêu chí ổn định về hiện trạng chính trị (status-quo) hơn là cho tư tưởng Marxist của đảng này. Họ có khả năng bất tín nhiệm nếu tăng trưởng kinh tế gặp vấn đề hay tư duy tự do kinh tế của đảng này thay đổi.

Nhiều ý kiến cũng tương đồng với lập luận của Tiến sĩ Sungmin Cho. Ví dụ, Li Yuan bình luận trên The New York Times hồi năm 2019 rằng các nhà tư bản đỏ đang dần mệt mỏi. Họ ngày càng có xu hướng chỉ trích các chính sách thắt chặt mô hình đảng lãnh đạo của Tập Cận Bình vì nó giới hạn nghiêm trọng các quyền tự do [8].

Trong khi đó, giới trẻ thành thị Trung Quốc ngày càng xem trọng quyền cá nhân, giá trị dân chủ thuần túy phương Tây và nghi ngờ phiên bản dân tộc chủ nghĩa mà trong đó ông Tập Cận Bình đang được xây dựng trở thành lãnh đạo tối cao, duy nhất [9].

Nhưng vì sao có tình trạng ủng hộ nước đôi này? Người viết cho rằng người dân Trung Quốc đang cân nhắc giữa sự ổn định chính trị do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo và rủi ro của quá trình chuyển tiếp dân chủ.

Nếu ông Tập Cận Bình và Trung Quốc tiếp tục thắt chặt kiểm soát hệ thống doanh nghiệp tư nhân, giới hạn các quyền tự do dân sự đã có trước đó mà không giải quyết được bài toán tăng trưởng kinh tế trong tương lai, thì Đảng Cộng sản Trung Quốc bị mất tín nhiệm là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Người viết tin rằng giá trị của lý thuyết hiện đại hóa – dân chủ hóa vẫn còn đó. Tăng trưởng kinh tế luôn tạo ra một tầng lớp dân cư cởi mở hơn và có xu hướng ủng hộ dân chủ – tự do hơn. Trong khi đó, các mô hình độc tài như Trung Quốc chỉ đang lướt sóng giá trị của nền kinh tế. Tính thích ứng của Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ là một lựa chọn tạm thời, vì các giá trị tự do phi chính trị khác (như tự do kinh tế, tự do sở hữu, tự do phát triển năng lực) vẫn đang phát huy và tiếp tục được bảo vệ.

Chú thích

[1] Seymour Martin Lipset, Political Man: The Social Bases of Politics (Subsequent edition, Johns Hopkins Univ Pr 1981).

[2] Martin Needler, Political Development and Socioeconomic Development: The Case of Latin America, American Political Science Review, 62 (1967), 889-97.

[3] Mancur Olson, Rise and Decline of Nations (New Haven: Yale University Press, 1982).

[4] John F. 0. Bilson, Civil Liberty: An Econometric Investigation, Kyklos, 35 (1982), 94-114.

[5] Karen Pennar, Geri Smith, Rose Brady, Dave Lindorff, and John Rossant, Is Democracy Bad for Growth?, Business Week.

[6] John J. Chin, The Longest March: Why China’s Democratization Is Not Imminent, Journal of Chinese Political Science 23, (2018), p. 63.

[7] Cho Sungmin, Does China’s Case Falsify Modernization Theory? Interim Assessment,Journal of Contemporary China.

[8] Li Yuan, ‘China’s Entrepreneurs Are Wary of Its Future’, The New York Times (February 23, 2019).

[9] Rongbin Han, Cyber Nationalism and Regime Support under Xi Jinping: The Effects of the 2018 Constitutional Revision, Journal of Contemporary China 30 (2021).

V.V.Q.

Nguồn: Luật Khoa Tạp chí

 

 

 

  

This entry was posted in Con đường dân chủ hóa, kinh tế. Bookmark the permalink.