Xin đừng tuyên án tử hình bà Trương Mỹ Lan

Lê Học Lãnh Vân

Phần 1

1) Theo con đường bên hông công ty Điện lực thành phố đi về hướng bờ sông gặp khu đất rộng chúng tôi gọi là Điện Ảnh thành phố. Nơi đó một số lần chúng tôi tiếp khách trong những căn nhà dáng cổ nhìn ra sân có bóng cây. Ít lâu sau nghe tin miếng đất đó được chuẩn bị giao cho bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát!

Bạn bè chúng tôi cũng thường dùng bữa sáng hay trưa tại nhà hàng trên lầu 5 tòa nhà Windsor thường được gọi An Đông 2. Đây cũng là cơ sở thuộc về bà Trương Mỹ Lan. 

Lại nghe đồn đãi rằng phần lớn khu đất Ba Son liên quan tới bà Trương Mỹ Lan, rằng khu đất cảng Khánh Hội kéo dài từ bến Nhà Rồng tới cầu Tân Thuận cũng được chuẩn bị giao cho bà Trương Mỹ Lan.

Tại những con đường kim cương, vàng của thành phố, đất thuộc quyền sử dụng của bà Trương Mỹ Lan rất nhiều. Thí dụ rõ nhất là Times Square, nơi được giới tài chánh nước ngoài đánh giá là địa chỉ sang trọng nhất thành phố Hồ Chí Minh.


Những gì tôi chép ở trên là chép lại lời đồn, không kiểm chứng được thực hư. Càng về sau, những lời đồn càng cho thấy bà Trương Mỹ Lan nổi lên như là một thế lực rất lớn trong ngành bất động sản Việt Nam mà đặc biệt là tại thành phố Hồ Chí Minh. Các phi vụ làm ăn của bà được người dân, giới thạo tin, giới kinh doanh đồn đãi có liên quan tới nhiều quan chức thuộc hàng có thế lực cao nhất thành phố. Tôi tin rằng những lời đồn đãi đó tới tai rất nhiều người, nhiều giới và những người có chức trách liên quan tới tới lãnh vực hoạt động của bà không thể không biết hay chưa từng nghe những đồn đãi đó.

2) Nhiều người đã nói với cách kinh doanh và độ lớn kinh doanh của bà Trương Mỹ Lan, trước sau gì bà cũng sụp hầm mang thân tù tội. Tôi không ngạc nhiên khi được tin bà bị tạm giam tháng 10 năm 2022.

Tuy nhiên, hôm nay, tôi bị sốc khi nghe tin bà bị đề nghị tuyên án tử hình.

Không đi sâu vào chi tiết vụ án, vì những vụ việc xảy ra sau tấm màn MẬT, một thường dân như tôi có được biết đâu! Quan sát tổng thể từ xa, tôi chỉ xin được hỏi, một người hoạt động đình đám như vậy, với các đồn đãi rầm trời về mức độ phạm tội cao tới vậy, tại sao mấy chục năm qua người đó vẫn tiếp tục có thể bước lên rất nhanh trên nấc thang phạm tội, và song song với đó là đạt thành quả rất cao trong lãnh vực kinh doanh? Chú ý, mười năm trước, năm 2014, tên bà Trương Mỹ Lan đã được nêu lên trong một đại án tham nhũng!

Xã hội có giúp đỡ cá nhân thành viên tránh phạm tội không? 

Hay xã hội theo dõi người phạm tội như theo dõi một con mồi chờ bị sụp hầm?

Nếu đề nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân Tp Hồ Chí Minh được nghe theo, một người phụ nữ sẽ bị giết!

Mạng người ở xứ ta quá nhẹ vậy sao? Cho dù người đó phạm tội lớn, không có cách gì để người đó không còn phạm tội được nữa ngoài biện pháp giết người đó hay sao? Ai cũng biết t hình là biện pháp quản lý xã hội thấp kém nhất! Cho tới bây giờ, Việt Nam vẫn chưa có cách quản lý nào hiệu quả hơn để bỏ án tử hình, nhất là án tử hình trong lãnh vực kinh tế như thế này sao? Để quản lý tham nhũng  hối lộ hữu hiệu hơn, để giảm bớt trường hợp phạm tội?

3) Củi gộc, tức quan chức gộc tham nhũng, ăn hối lộ khủng bị đưa vào lò không ít. Tuy nhiên đếm số quá nhiều trường hợp quan chức lương tháng mười mấy hai mươi triệu mà ngang nhiên xây nhà hàng chục, hàng trăm t, mà đưa con cái du học và mua nhà tại Mỹ hàng chục t, ai không thấy mức độ tham nhũng công khai của xã hội là quá quá lớn?

Tham nhũng công khai lớn như vậy thì trường hợp đại gia như bà Lan chỉ là hệ quả! Giết bà để làm chi? Đề nghị tử hình bà gây nhiều bàn tán trong xã hội, cứ ra quán cà-phê hay lên xe Grab là nghe bàn tán…

Trong rất nhiều hướng bàn tán của dư luận, bài viết chỉ thảo luận về hướng tích cực như trong bản luận tội của Viện Kiểm sát:

“Bị cáo Trương Mỹ Lan phạm tội nhiều lần trong thời gian dài, với thủ đoạn tinh vi, phạm tội có tổ chức. Quá trình điều tra và xét xử không thành khẩn, khai báo quanh co, đổ lỗi cho cấp dưới, hành vi phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng không có khả năng thu hồi, nên cần loại bỏ ra khỏi xã hội”.

Bài viết này cho rằng bà Trương Mỹ Lan có tội. Nhưng việc phạm tội ấy cũng là hậu quả của một cách quản lý xã hội mà tất cả chúng ta đều có trách nhiệm cộng đồng! Giết bà là hành vi đe dọa xã hội chứ không ngăn chặn phạm tội hay thúc đẩy điều tốt. Giết bà là tàn nhẫn! Giết bà thúc đẩy sự thù hận của một số người trong xã hội, họ hướng căm thù vào bà Trương Mỹ Lan mà không thấy cải tạo, canh tân đất nước, áp dụng cách quản trị xã hội hữu hiệu mới là nguồn gốc ngăn chặn tội phạm, phát triển quốc gia!

Xin tập trung vào thu hồi số tiền thất thoát. Giao việc thu hồi cho những người liêm chính nhất để số tiền thu hồi được tối đa, dùng tiền ấy đền bù cho người bị thiệt hại. Đó là một trong những nội dung được nghe nhiều nhất, được mong mỏi nhất qua bàn tán trong xã hội, nên làm được điều này sẽ thu hút được cảm tình dân chúng làm nền cho các bước canh tân tiệm tiến tiếp theo!

Và, yêu cầu rất thiết tha là: KHÔNG TUYÊN ÁN TỬ HÌNH BÀ TRƯƠNG MỸ LAN! 

Xin đừng giết hại thêm người nữa. Xin xây dựng lại tình người, lòng nhân đạo!

*

Phần 2

VKS đề nghị phạt bà Trương Mỹ Lan ‘mức án nghiêm khắc nhất’

Theo VKS, bà Trương Mỹ Lan phạm tội có tổ chức trong thời gian dài, thủ đoạn tinh vi, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, không có khả năng thu hồi… nên đề nghị tòa tuyên phạt “mức án nghiêm khắc nhất“”. (VNEXPRESS, ngày 19/3/1014).

Mức án nghiêm khắc nhất nghĩa là TỬ HÌNH.

1) “Hậu quả nghiêm trọng, không có khả năng thu hồi”, nên được hiểu là số tiền mất rất lớn không thu hồi được. 

Bài viết này cho rằng số tiền bị mất dù lớn tới đâu cũng không nên vì đó mà giết một người! Việc cần nhất là bằng mọi cách thu hồi số tiền ấy, thu được bao nhiêu tốt bấy nhiêu, và trả cho người bị mất tiền! 

Bài viết lại nghĩ, sự mất mát lớn nhất là tính liêm chính của hệ thống hành chánh công, và kéo theo đó là Lòng Tin trong xã hội bị mất đi. Con người phải sống trong xã hội với xi măng là lòng tin. Không có xi măng lòng tin, xã hội sụp đổ.

Với án Tử Hình bà Trương Mỹ Lan, Lòng Tin trong xã hội có thu hồi lại được không?

Ít nhất 84 người từ SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, và các cơ quan thanh tra ngân hàng bị buộc tội tiếp tay cho bà Trương Mỹ Lan “rút ruột” SCB suốt 10 năm.

Bài viết này xin được hỏi, với nhận xét như được trích ở trên, tội của bà Trương Mỹ Lan lớn hơn hay tội của những người thuộc “các cơ quan thanh tra ngân hàng” lớn hơn?

Lợi dụng chính sách Nhà nước trong việc tái cơ cấu ngân hàng, bị cáo đã thâu tóm 3 ngân hàng thương mại cổ phần (Sài Gòn, Đệ Nhất, Việt Nam Tín Nghĩa). Từ năm 2012 đến tháng 10 năm 2022, bà này đã thâu tóm, nắm giữ trên thực tế số lượng cổ phần gần tuyệt đối của SCB”. 

Việc thâu tóm các ngân hàng thương mại cổ phần dễ dàng như vậy thì giữa việc quản trị ngân hàng và việc thâu tóm ngân hàng, việc nào là gốc của việc nào, và theo đó, việc nào có lỗi lớn hơn? 

Bài viết xin được hỏi, nếu “chính sánh nhà nước trong việc tái cơ cấu ngân hàng” không có khe hở thì ai có thể lợi dụng để lách khe hở? Có phải khe hở luật pháp là nguồn gốc của sự phạm tội không? Nếu quả thế thì có phải phạt nặng người lách khe là bắt bẻ việc nhỏ nhặt mà không quan tâm khắc phục nguồn cơn? Người ta còn có thể thắc mắc: phải chăng việc phạt nặng là để che lấp hay bảo vệ cái nguồn cơn?

Và nếu “hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước” được tuân thủ nghiêm nhặt bởi cán bộ nhà nước thì ai có thể xâm phạm hoạt động đứng đắn này? Trong việc tính đúng đắn của hoạt động bị xâm phạm, cán bộ nhà nước hay bà Trương Mỹ Lan có trách nhiệm, và do đó có tội, lớn hơn? 

2) Quan tâm tới việc xây dựng lại, củng cố lòng tin trong xã hội, lòng tin giữa các thành phần trong xã hội, giữa người dân với giới chức trách, bài viết này nghĩ rằng để Lòng Tin được xây dựng lại lâu dài thì các việc cần làm là:

– Xây dựng quy trình quản trị tính đứng đắn trong hoạt động nhà nước.

– Xây dựng Luật có hiệu quả, lấp đi các khe hở hay các điều còn mù mờ, có thể dễ dàng diễn dịch theo nhiều hướng khác nhau.

– Xây dựng quy trình quản trị chiến lược việc Lập Pháp (làm luật).

– Xây dựng tính Liêm Chính trong bộ máy hành chánh công.

Nếu xác định các Mục tiêu Chiến lược theo hướng đó, bài viết này tin chắc không khó đạt được mục tiêu xa hơn “củng cố lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước” như mong muốn trong phát biểu của Viện Kiểm sát.

Bài viết cũng cho rằng Tử Hình bà Trương Mỹ Lan không có tác dụng “củng cố lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước”. Có thể khiến một vài quan chức tham nhũng sợ, nhưng rất rất nhiều thường dân lương thiện vẫn mất Lòng Tin vì họ thấy nguồn cơn tham nhũng không bị cắt đi! 

Không lẽ đất nước mãi loay hoay trong vòng xoáy Phạm Tội  Giết Người Phạm Tội  Phạm Tội với cái vòng xoáy càng lúc càng ở bậc cao hơn, nghĩa là với thời gian việc phạm tội càng lớn hơn, nhiều hơn để số người bị t hình càng nhiều hơn nữa?

Và, yêu cầu rất thiết tha là: KHÔNG tuyên án TỬ HÌNH bà Trương Mỹ Lan!

Xin đừng giết hại thêm người nữa. Xin xây dựng lại tình người, lòng nhân đạo! 

L.H.L.V.

Ngày 19 tháng 3 năm 2024

Nguồn: FB LVan Le

 

This entry was posted in Quản lý nhà nước về kinh tế, Trương Mỹ Lan. Bookmark the permalink.