Gideon Rachman, “Biden needs to increase the pressure on Netanyahu,” Financial Times,18/03/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Ủng hộ Israel và ủng hộ thủ tướng nước này là hai việc không giống nhau.
“Ai mới là siêu cường cơ chứ?”, Bill Clinton nói sau cuộc gặp đầu tiên với Benjamin Netanyahu vào năm 1996. Cựu Tổng thống Mỹ đã rất tức giận trước thái độ kiêu ngạo, hống hách của tân thủ tướng Israel.
Gần 30 năm sau, Netanyahu một lần nữa trở thành nhà lãnh đạo Israel – và Joe Biden chắc hẳn cũng muốn lặp lại những lời của Clinton. Kể từ cuộc tấn công của Hamas vào Israel vào ngày 7/10 năm ngoái, Tổng thống Mỹ đã cung cấp cho chính phủ Israel sự hỗ trợ quân sự và ngoại giao cho cuộc tấn công trả đũa dữ dội của họ ở Gaza. Nhưng Biden nhận lại được rất ít từ Netanyahu. Với việc người Israel ngăn nguồn lương thực và viện trợ nhân đạo vào Gaza – và khiến người Palestine bị đe dọa bởi nạn đói – Mỹ đã phải dùng đến cách thả thực phẩm xuống Gaza bằng đường không và lên kế hoạch xây dựng một bến tàu nổi để chuyển hàng viện trợ.
Cung cấp thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác cho dân thường Palestine chỉ là điểm cấp bách nhất trong mối quan hệ của Nhà Trắng với chính phủ Israel. Một cuộc xung đột lớn khác đang nổi lên, vì Netanyahu khăng khăng rằng Israel sẽ tấn công thị trấn Rafah, bất chấp sự thật là khoảng 1,5 triệu người tỵ nạn đang sống trong khu vực này.
Việc Biden nhấn mạnh rằng xung đột phải kết thúc bằng giải pháp hai nhà nước cũng bị Netanyahu bác bỏ một cách khinh thường. Bất chấp sự phản đối của Mỹ, Israel gần như chẳng làm gì để kiềm chế những người định cư Do Thái ở Bờ Tây bị Israel chiếm đóng khi nhóm này tiếp tục tấn công và xua đuổi người Palestine ở đó. Chính phủ Israel cũng vẫn cân nhắc việc leo thang đụng độ xuyên biên giới với Hezbollah, theo đó dẫn đến nguy cơ xảy ra chiến tranh toàn diện và kéo Mỹ vào một cuộc xung đột khác ở Trung Đông.
Bản năng ban đầu của Tổng thống Mỹ muốn đứng bên cạnh nhà nước Do Thái trong thời khắc đen tối nhất của nước này thật đáng ngưỡng mộ. Biden sẵn sàng chấp nhận thiệt hại nghiêm trọng đối với triển vọng bầu cử của chính mình vào cuối năm nay – khi các cử tri trẻ và người Mỹ gốc Ả Rập đe dọa rút lại sự ủng hộ của họ. Mỹ cũng đã phải trả giá đắt trên trường quốc tế vì ủng hộ Israel và bị nhiều nước trên thế giới cáo buộc là đạo đức giả.
Tuy nhiên, khi cuộc chiến ở Gaza tiếp diễn, ngày càng rõ ràng rằng hỗ trợ Israel và hỗ trợ Netanyahu không nhất thiết – và thực ra là không thể – đồng nghĩa với nhau. Đó là quan điểm được Thượng nghị sĩ Chuck Schumer đưa ra trong một bài phát biểu quan trọng tại Quốc hội Mỹ, và sau đó đã được Biden khen ngợi.
Netanyahu cực kỳ không được lòng dân ở Israel. Tuyệt vọng tìm cách duy trì quyền lực và ngăn chặn phiên tòa xét xử tội tham nhũng có thể tống ông vào tù, ông đã xây dựng một liên minh cầm quyền bao gồm các bộ trưởng cực hữu ở các vị trí chủ chốt. Vào một thời điểm quan trọng trong lịch sử đất nước, ông lại lãnh đạo theo kiểu tư lợi, thiển cận, tàn bạo, và kém hiệu quả.
Tuy nhiên, việc Netanyahu không được lòng dân trong nước không có nghĩa là có một nhân vật cấp tiến sẵn sàng thay thế ông. Vị thủ tướng đã đúng khi nói rằng hầu hết người Israel đều có chung mong muốn tiêu diệt Hamas. Đó là điều không thể tránh khỏi sau cuộc tấn công tàn bạo ngày 7/10. Nhưng một nhà lãnh đạo Israel có trách nhiệm cũng sẽ đặt ra tầm nhìn dài hạn cho hòa bình, và phải giải thích với đồng bào của mình rằng an ninh của họ không thể được đảm bảo chỉ bằng cách tiêu diệt một số lượng hữu hạn những kẻ gây tội ác.
Netanyahu đã không làm được điều đó – có lẽ bởi vì điều đó đòi hỏi phải thừa nhận rằng cách tiếp cận kéo dài hàng chục năm qua của chính ông đối với người Palestine đã thất bại. Thay vào đó, ông đang đánh cược vào lực lượng quân sự. Cuộc tấn công dự kiến của Israel vào Rafah có thể sẽ gây ra thương vong lớn hơn cho dân thường. Rõ ràng, cái chết và sự hủy diệt sẽ gieo mầm mống cho nhiều thập niên xung đột kéo dài. Nhưng điều đó sẽ không được nói ra ở một Israel do Netanyahu lãnh đạo.
Tuy nhiên, Mỹ có khả năng thay đổi tính toán của Israel. Người Israel biết rằng sức mạnh quân sự là nền tảng cho an ninh của chính họ. Nhưng họ cũng hiểu rằng sự hỗ trợ của Mỹ là rất quan trọng. Nếu người Mỹ thực sự nghi ngờ về quyết định ủng hộ của mình, nhiều người Israel sẽ phải suy nghĩ lại đường lối hiện tại của họ.
Trong những hoàn cảnh thông thường, Mỹ sẽ có những lo lắng chính đáng về việc gây áp lực lên một đồng minh đang có chiến tranh. Nhưng nếu các chính sách của Israel dẫn đến nạn đói kinh hoàng cho người Palestine, thì nhà nước Do Thái có thể phải chịu một đòn giáng mạnh vào tính chính danh quốc tế của mình, và sẽ không bao giờ phục hồi được. Ngăn chặn việc đó xảy ra là điều tốt nhất cho Israel mà Biden có thể làm.
Chính quyền Biden có các công cụ cưỡng chế mà họ có thể sử dụng mà không khiến Israel gặp nguy hiểm thực sự. Công cụ dễ thấy nhất là đặt viện trợ quân sự dưới điều kiện Israel phải thay đổi chiến lược quân sự. Mỹ cũng có thể ngừng chặn các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza. Chính quyền Biden cũng có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các bộ trưởng Israel cực đoan nhất – Itamar Ben-Gvir, Bộ trưởng an ninh quốc gia, và Bezalel Smotrich, Bộ trưởng tài chính.
Netanyahu, cũng như các đảng viên Cộng hòa Mỹ, nhấn mạnh rằng các biện pháp như vậy là sự can thiệp không thể chấp nhận được vào chính trị nội bộ của Israel. Nhưng bản thân Netanyahu đã tích cực can thiệp vào chính trường Mỹ suốt nhiều năm, đứng về phía Đảng Cộng hòa. Trong khi đó, các đồng minh toàn cầu thân cận nhất của ông đều là thành viên của phe cực hữu quốc tế, bao gồm Trump, Viktor Orbán của Hungary, và cựu tổng thống Brazil, Jair Bolsonaro.
Bất chấp tất cả những điều này, Biden đã cung cấp sự hỗ trợ quan trọng cho Netanyahu trong lúc Israel cần đến nó. Nhưng mọi chuyện phải thay đổi. Đã đến lúc Biden phải nhắc nhở thủ tướng Israel “ai mới là siêu cường?”.
G.R.
Nguồn: Nghiencuuquocte.org