4 lý do ông Tập giấu cuộc thanh trừng quân đội

Liên Thành

Cuộc thanh trừng trong lực lượng quân đội của ông Tập đã để lộ rất nhiều dấu hiệu, nhưng trên bề mặt vẫn đang được che giấu và không có một thông tin công khai, chính thức nào. Cựu quan chức Trung Quốc đã chỉ ra những lý do ông Tập đang phải âm thầm làm việc này và vì sao dân Trung Quốc không thể được biết dù họ được cho là người làm chủ đất nước.

Vào ngày 27/2, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc thông báo rằng có tổng cộng 11 quan chức bị mất tư cách Đại biểu Quốc hội.

Trong số đó, có hai người liên quan đến cuộc thanh trừng quân sự, bao gồm Trung tướng Lý Chí Trung (李志忠), nguyên Bộ trưởng Bộ phát triển Trang bị Quân đội và sau này là Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Chiến khu Trung ương; người còn lại là chuyên gia hỏa tiễn Phùng Kiệt Hồng (馮傑鴻).

Kể từ “Lưỡng Hội” năm ngoái, cuộc thanh trừng quân đội của ĐCSTQ vẫn chưa dừng lại: bắt đầu từ Lực lượng Hỏa tiễn, rồi ảnh hưởng đến Bộ Phát triển Trang bị, Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương Trung Quốc, Hải quân, Lục quân, Không quân, Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược, sau đó mở rộng sang Viện Nghiên cứu Công nghệ Hỏa tiễn, các doanh nghiệp công nghiệp quân sự, v.v.

Đánh giá từ các báo cáo công khai của ĐCSTQ, Tiến sĩ Vương Hữu Quần (王友群), cựu Giám sát viên Ủy ban Kỷ luật Trung ương Trung Quốc chỉ ra rằng, con số thực tế các tướng lĩnh bị thanh trừng trong Quân đội Trung Quốc chắc chắn còn cao hơn những gì được công bố. Vào tháng 12 năm ngoái, một nhà phân tích tại Cercius Group, một công ty tư vấn và tổ chức nghiên cứu Canada chuyên nghiên cứu về giới tinh hoa chính trị Trung Quốc, cho biết: “Cho đến nay, chúng tôi đã theo dõi và phát hiện khoảng 70 người bị bắt đi trong cuộc điều tra Lực lượng Hỏa tiễn của ĐCSTQ”.

Cho đến nay, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Quân đội vẫn chưa đưa ra tin tức nào về cuộc điều tra vi phạm kỷ luật, pháp luật nghiêm trọng của các tướng lĩnh cấp cao “mất tích” nói trên và các quan chức liên quan.

Chính quyền Bắc Kinh đã trì trệ, bí mật và chậm chạp trong việc đối phó với một số quan chức cấp cao.

Ví dụ như ông Lý Thượng Phúc đã “mất tích” vào ngày 30 tháng 8 năm ngoái. Gần hai tháng sau khi phóng viên liên tục đặt câu hỏi “ông Lý Thượng Phúc đi đâu?”, ngày 24/10 năm ngoái, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc ra thông báo ông: Lý Thượng Phúc bị cách chức Ủy viên Quân ủy Trung ương, Ủy viên Quốc vụ viện và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Vì sao ông Lý Thượng Phúc bị cách chức? Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc không đưa ra lý do.

Vào ngày 26 tháng 2 năm nay, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã âm thầm loại bỏ ông Lý Thượng Phúc khỏi chức vụ Ủy viên Quân ủy Trung ương. Hiện tại, ông Lý vẫn là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và là đại biểu Quốc hội.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao chính quyền Trung Quốc không thể công khai giải thích về sự “mất tích” của các tướng lĩnh quân đội cấp cao cũng như các quan chức liên quan nói trên với người dân Trung Quốc và thế giới?

Theo cựu quan chức Trung Quốc Vương Hữu Quần, có thể có bốn lý do:

Đầu tiên là để giữ thể diện và tránh việc phải gánh chịu hậu quả

Bởi vì những tướng lĩnh quân đội, các quan chức cấp cao của Viện Nghiên cứu Hỏa Tiễn và các quan chức cấp cao của các doanh nghiệp công nghiệp quân sự đó đều được đích thân ông Tập Cận Bình thăng chức, và họ đều thuộc cái gọi là “Tập quân” hay “Quân đội của ông Tập”. Nếu chính quyền ông Tập công khai nói rằng họ đã bị điều tra vì vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng, và nếu ngay lập tức họ bị cách chức hoàn toàn khỏi mọi chức vụ, thì chẳng khác nào thừa nhận với toàn thể người dân Trung Quốc và người dân trên toàn thế giới rằng, ông Tập đã mất thể diện vì không biết cách dùng người.

Thứ hai, họ lo lắng về sự nổi dậy của quân đội

ĐCSTQ luôn mê tín về “quyền lực đến từ nòng súng”. Bất cứ ai kiểm soát quân đội đều là ông chủ thực sự của chế độ cai trị này. Ông Tập Cận Bình đã nắm quyền được 11 năm và đang cố gắng kiểm soát chặt chẽ quân đội.

Kể từ năm 2013, ông Tập đã bắt đầu một cuộc thanh trừng lớn trong quân đội. Trước Đại hội 20 vào năm 2022, ông Tập đã điều tra và xử lý hơn 170 tướng lĩnh cấp cao, trong đó có Từ Tài Hậu (徐才厚) và Quách Bá Hùng (郭伯雄), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, và Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nguyên Tham mưu trưởng Ban Tham mưu Liên hợp Quân ủy Trung ương Phòng Phong Huy (房峰輝), nguyên Cục trưởng Cục Công tác Chính trị Quân ủy Trung ương Trương Dương (張陽), v.v.

Số lượng tướng lĩnh bị ông Tập điều tra vượt quá tổng số tướng lĩnh hy sinh trong các cuộc nội chiến, ngoại chiến và Cách mạng Văn hóa kể từ khi thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1921.

Theo cựu quan chức Trung Quốc Vương Hữu Quần, tất cả các tướng lĩnh bị điều tra, gia đình, con cái và các ông chủ hậu trường của họ đều vô cùng căm ghét ông Tập và muốn lật đổ ông, thậm chí có người còn muốn sát hại ông Tập và cả gia đình ông.

Chỉ chưa đầy một năm sau Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, biết bao tướng lĩnh cấp cao và quan chức liên quan đã “biến mất”. Tất cả giới quan chức trong và ngoài quân đội đều muốn biết: Tại sao những tướng lĩnh và quan chức cấp cao có liên quan được đích thân ông Tập thăng chức, đề bạt lại phản bội ông Tập? Họ đã thực hiện những biện pháp chống ông Tập như thế nào? Họ đã nhận được bao nhiêu tiền? 

Theo cựu quan chức Vương Hữu Quần, đó là những thông tin ông Tập không dám tiết lộ cho toàn thể quan chức, tướng lĩnh quân đội. Ông Tập lo lắng rằng nếu chuyện này được công khai, quân đội có thể nổi dậy.

Thứ ba, do lo ngại bộc lộ điểm yếu của quân đội

Cuộc thanh trừng quân đội của ông Tập sau Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu với Lực lượng Hỏa tiễn.

Lực lượng Hỏa tiễn là lực lượng chiến lược mới được ông Tập thành lập sau cải cách quân đội năm 2015. Lực lượng này có thể phóng hỏa tiễn tầm trung, tầm xa và liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân, là quân át chủ bài của ông Tập để tấn công Đài Loan và răn đe Mỹ. Nó được ông Tập gọi là lực lượng nòng cốt răn đe chiến lược của Trung Quốc, là chỗ dựa chiến lược cho vị thế cường quốc của Trung Quốc, và là nền tảng quan trọng trong việc duy trì an ninh quốc gia.

Theo ông Vương Hữu Quần, Lực lượng Hỏa tiễn cũng là chi nhánh quân sự của ĐCSTQ có “hàm lượng tài chính cao nhất”. Trang bị quân sự của lực lượng này bao gồm không gian, trên không, trên bộ, trên biển và dưới đáy biển. Quỹ mua sắm lớn đến mức đối với người dân Trung Quốc, đó có thể là một con số rất lớn.

Tuy nhiên, xét từ chiến dịch chống tham nhũng kéo dài 11 năm của ông Tập Cận Bình, từ lâu quân đội Trung Quốc đã bị biến thành một siêu thị bán quyền lực, tiền bạc, và tình dục.

Sự tham nhũng nghiêm trọng của quân đội Trung Quốc đã dẫn đến những nguy cơ tiềm ẩn rất lớn về chỉ huy quân sự, chiến lược, chiến thuật, trang bị, hỗ trợ hậu cần, v.v.

Chẳng hạn, ngày 26/8/2020, Lực lượng Hỏa tiễn đã phóng 4 hỏa tiễn đạn đạo tầm trung vào Biển Đông, nhưng chỉ có 2 quả trúng mục tiêu, 2 quả còn lại rơi xuống đâu đó không rõ. Sau đó, nhiều người dân Trung Quốc phát hiện một chiếc bị rơi ở Quảng Tây, chiếc còn lại không rõ tung tích.

Vào ngày 4 tháng 8 năm 2022, Lực lượng Hỏa tiễn phóng 11 hỏa tiễn Đông Phong vào vùng biển phía bắc, phía nam và phía đông của Đài Loan. Kết quả là 5 chiếc rơi vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên một hỏa tiễn đạn đạo của Trung Quốc rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, gây ra sự phản đối mạnh mẽ từ Tokyo.

Vào ngày 6 tháng 1 năm nay, Bloomberg dẫn lời những người quen thuộc với vấn đề này nói rằng, tình trạng tham nhũng trong Lực lượng Hỏa tiễn của ĐCSTQ và toàn bộ cơ sở công nghiệp quốc phòng là vô cùng nghiêm trọng. 

Một người cho biết đánh giá của tình báo Mỹ đã trích dẫn một số ví dụ về tham nhũng trong quân đội Trung Quốc, bao gồm việc hỏa tiễn được đổ đầy nước thay vì nhiên liệu và nắp các hầm chứa hỏa tiễn lớn ở miền Tây Trung Quốc không thể mở được một cách hiệu quả.

Ông Tập Cận Bình đã hạ gục những người đứng đầu Lực lượng Hỏa tiễn bằng một đòn, sau đó chọn hai người không xuất thân từ Lực lượng này, mà từ Hải quân và Không quân, lần lượt giữ chức vụ Tư lệnh Lực lượng Hỏa tiễn và chính ủy.

Theo cựu quan chức Vương Hữu Quần, điều này cho thấy vấn đề ở cấp cao nhất của Lực lượng Hỏa tiễn của ĐCSTQ nghiêm trọng đến mức nào. Nếu vấn đề tham nhũng nghiêm trọng ở cấp cao nhất của Lực lượng này bị phơi bày, thì những điểm yếu của Lực lượng này cũng sẽ bị phơi bày.

Thứ tư, ĐCSTQ không đại diện cho người dân Trung Quốc

Ông Vương Hữu Quần nói rằng, nếu ĐCSTQ đại diện cho người dân Trung Quốc, thì khi hai kỳ họp toàn quốc Trung Quốc loại ông Lý Thượng Phúc khỏi các chức vụ Ủy viên Quân ủy Trung ương, Ủy viên Quốc vụ viện và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng người dân Trung Quốc phải được biết rõ lý do tại sao ông Lý lại bị cách chức.

Ông Lý Thượng Phúc chỉ giữ ba chức vụ trên được hơn 5 tháng. Nếu ông Lý không đủ tư cách, tại sao hơn năm tháng trước, Quốc hội lại bổ nhiệm ông? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về việc này?

Nếu ông Lý Thượng Phúc không đủ tư cách đảm nhiệm ba chức vụ trên, liệu ông còn đủ tư cách đảm nhận các chức vụ Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và đại biểu Quốc hội hay không? Nếu ông Lý không đủ tiêu chuẩn thì tại sao ông vẫn chưa bị cách chức Ủy viên Trung ương Đảng và đại biểu Quốc hội?

Cho đến nay, Hội nghị toàn thể lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 20 vẫn chưa được tổ chức, và Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 20 cũng chưa bãi nhiệm ông Lý Thượng Phúc khỏi chức vụ Ủy viên Quân ủy Trung ương. Vậy tại sao chức vụ Ủy viên Quân ủy Trung ương ĐCSTQ của ông Lý lại bị xóa khỏi trang web của Bộ Quốc phòng? Ai đã quyết định làm điều này?

Theo tiến sĩ Vương Hữu Quần, nếu ĐCSTQ thực sự đại diện cho người dân Trung Quốc thì chế độ này phải giải thích rõ ràng cho người dân Trung Quốc những vấn đề trên. Tuy nhiên, họ không hề để ý đến hàng trăm triệu người dân Trung Quốc. Ông Lý Thượng Phúc được thăng chức, mất tích, bị bãi nhiệm ba chức vụ,.. nhưng hàng trăm triệu người dân Trung Quốc không hề hay biết chuyện gì đang xảy ra, thậm chí không có quyền cơ bản được biết.

Trong 75 năm kể từ khi ĐCSTQ lên nắm quyền, chế độ này đã dựa vào “nòng súng” hay chính là quân đội, để kề dao vào cổ người dân Trung Quốc, để duy trì chế độ cai trị “toàn trị” của mình. Theo cựu quan chức Vương Hữu Quần, quyền tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, tự do khỏi sợ hãi và tự do thoát khỏi cảnh túng thiếu của người dân Trung Quốc đã bị ĐCSTQ tước đoạt hoàn toàn.

Tiến sĩ Vương cho hay, ĐCSTQ không đại diện cho người dân Trung Quốc, đây không phải là vấn đề nhỏ mà là vấn đề nghiêm trọng và chí mạng. Nó cho thấy chế độ ĐCSTQ không có tính chính đáng, hợp pháp.

Việc ông Tập Cận Bình liên tục thanh lọc quân đội sau Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ cho thấy, ông Tập chưa thực sự kiểm soát vững chắc quân đội trong 11 năm kể từ khi lên nắm quyền, ngược lại có rất nhiều tướng lĩnh trong quân đội phản đối ông.

Đặc biệt, trong quá trình tìm kiếm “ba cuộc tái tranh cử”, ông Tập đã xúc phạm gần như toàn bộ vây cánh của phe Giang Trạch Dân, phe nguyên lão, các vương tử, phe Đoàn Thanh niên, phe cải cách và mở cửa, các tướng lĩnh quân sự cấp cao của ĐCSTQ, v.v.

Giờ đây, ông Tập đã xúc phạm một số tướng lĩnh trong “Tập Quân”, khiến ĐCSTQ rơi vào cuộc khủng hoảng toàn diện chưa từng có.

Theo cựu quan chức Trung Quốc Vương Hữu Quần, ngày nay, từ trên xuống dưới, từ trong nước đến nước ngoài, ngày càng có nhiều người hy vọng rằng điều gì đó sẽ xảy ra với ông Tập Cận Bình. Triết lý đấu tranh của ĐCSTQ đã khiến ông Tập không ngừng thanh trừng quân đội. Khi ông Tập ngày càng tạo ra nhiều kẻ thù, ngày càng có nhiều người trong quân đội sẽ phản đối ông.

Một khi sự kiện “thiên nga đen” xảy ra, Tập có thể đối mặt với nguy cơ nổi loạn bất cứ lúc nào.

L.T.

Nguồn: DKN.tv

This entry was posted in Quân Đội, Thanh trừng, Trung Quốc. Bookmark the permalink.