15-3-2024
Đến thời điểm này đã có khoảng 20 tờ báo đăng tin-bài về vụ việc phụ huynh tố cáo hiệu trưởng trường Tiểu học Đông Thọ và công ty Phúc Nguyễn cấu kết ăn bớt bữa ăn của học sinh, như Báo Thanh Hóa, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Báo Công an Nhân dân, VietNamNet, Người Đưa Tin, Pháp luật TPHCM…
Đáng chú ý, riêng báo Lao động giật dòng tít rất phản cảm: "Cảnh giác trước thông tin xuyên tạc vụ việc tại trường tiểu học Đông Thọ, TP Thanh Hóa".
Như đã biết, Đơn của phụ huynh trường này đề ngày 10 tháng 1 năm 2024; Đơn ghi gửi các lãnh đạo, cơ quan chức năng và tổng biên tập một số tờ báo. Tuy nhiên sau hơn hai tháng im lặng hoàn toàn, và âm thầm cho hiệu trưởng thôi chức vụ "theo nguyện vọng cá nhân", thì đến khi mạng xã hội đưa tin và trở thành chủ đề nóng thì UBND TP mới lên tiếng, và cũng chỉ lúc ấy báo chí mới đăng tin.
Đó là một sự chậm trễ đã góp phần chủ yếu vào việc gây nên "dư luận xấu" âm thầm len trong phụ huynh, học sinh và người dân, gây mất niềm tin nghiêm trọng đối với dân chúng. Và trách nhiệm này một phần quan trọng thuộc về các cơ quan chính quyền và báo chí.
Nay, khi dư luận xã hội đã giúp đưa thông tin ra ánh sáng, báo chí không những không thấy lỗi của mình, ngược lại còn giật tít một cách vô cảm và phản cảm đến thế, là vì sao?
Với trách nhiệm của mình, chính quyền và báo chí nếu đã nhanh chóng giải quyết, thông tin công khai minh bạch, chủ động viết bài điều tra…, thì cả đến kẻ xấu nếu có muốn "xuyên tạc" cũng không có cơ hội.
Đáng ra, khi người dân đã bất đắc dĩ làm thay công việc của báo chí, thay vì nhận lỗi và cảm ơn, thì, như tờ Lao động này, lại có xu hướng lèo lái, chụp mũ. Thiết nghĩ, thói quen xấu ấy nên thay đổi, "bỏ đi mà làm báo".
T.H.
Tác giả gửi BVN