Chiều ngày 27/2/2024 đích thân Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ đã bấm nút Lễ phát động ‘Cuộc vận động sáng tác ca khúc về QH và Hội đồng nhân dân’ [1]. Tham dự Lễ phát động còn có nhiều lãnh đạo cao cấp khác của QH. Đây là hoạt động liên quan đến Kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử bầu QH đầu tiên của nước VNDCCH (06/1/1946). Tổng giải thưởng có giá trị 2 tỷ 260 triệu đồng cho 35 giải thưởng, trong đó có giải đặc biệt trị giá 500 triệu đồng. Giá thóc Đài thơm 8 ngày 9/3/2024 tại An Giang là 8000 đ/kg [2], giải thưởng 2 tỷ 260 triệu đồng tương đương với 282, 5 tấn thóc Đài thơm 8. Đây có lẽ là cuộc thi sáng tác ca khúc (STCK) có giá trị tiền thưởng lớn nhất từ trước đến nay của nước CHXHCN VN.
Theo dõi các cuộc thi STCK do các cơ quan Nhà nước tổ chức trong 2 thập niên gần đây, thì thấy kết quả không như kỳ vọng. Các tác phẩm đạt giải không xuất sắc, nhiều tác phẩm có chất lượng thấp; thậm chí có tác phẩm đạt giải cao, khi hát lên, nghe giai điệu giống các ca khúc đã biết.
Bởi thế, nhân cuộc thi STCK của QH có ý nghĩa lớn với giá trị tiền thưởng lớn, xin đề cập đôi điều về đề tài thi STCK. Để mong rằng Ban tổ chức ‘Cuộc vận động STCK về QH’ rút được kinh nghiệm, không đi vào “vết xe đổ” của các cuộc thi STCK trước đây, để cuối cùng sẽ có được các ca khúc xứng đáng với “đồng tiền bát gạo”.
Từ Lễ phát động ‘Cuộc vận động STCK về QH’, ngó lại lịch sử của các cuộc thi STCK gần đây, đưa đến nhiều điều suy nghĩ. Mà câu hỏi lớn nhất là:
TẠI SAO TRONG CÁC CUỘC THI SÁNG TÁC CA KHÚC THÌ CÁC TÁC PHẨM ĐƯỢC GIẢI THƯỜNG LẠI CÓ CHẤT LƯỢNG CHƯA CAO ?
Tìm hiểu thì nhận thấy các điều sau:
1. CHẠY GIẢI
Nạn “chạy” đã trở thành phổ cập và nguy hiểm trong xã hội hiện nay. Nguy hiểm đến mức Đảng và Nhà nước đang không ngừng tìm các biện pháp chống “chạy chức, chạy quyền”. Sau quyền lực, nạn “chạy án” đã làm điêu đứng bao số phận, làm tăng thêm án oan trong cả nước. Trong lĩnh vực nghệ thuật, dù là biểu diễn hay sáng tác, đều không thoát được nạn “chạy giải”. Dùng từ “chạy” là cách dùng “tế nhị”. Trong các cuộc thi sắc đẹp, xã hội không ngại ngần nói toạc ra là “mua giải”. Trong các cuộc thi STCK, đôi khi thay cho từ “chạy” người ta dùng đến từ “gửi”.
Vấn nạn “chạy giải” là nguyên nhân số 1 làm cho chất lượng các ca khúc được giải thưởng trong các cuộc thi STCK có chất lượng thấp, nhiều khi đến mức thảm hại. Không chỉ không tôn vinh giải thi, mà còn làm thui chột sức sáng tạo trong lĩnh vực STCK.
Cuộc thi STCK về QH phải tránh được nạn “chạy giải”. Nếu không, tổng giá trị giải thưởng 2 tỷ 260 triệu đồng, tương đương 282,5 tấn gạo ‘Đài thơm 8”, sẽ không chỉ lãng phí, mà mang đến các hiệu ứng tiêu cực cho xã hội.
2. SỐ LƯỢNG BAN GIÁM KHẢO ÍT
Số lượng Ban giám khảo (BGK) ít có 3 tác động quan trọng đến việc lựa chọn các ca khúc được giải thưởng.
– Thứ nhất, trong hoàn cảnh xã hội ta hiện nay, là dễ bị mua chuộc. Dẫn đến dễ “chạy giải”. Các cuộc thi STCK hiện thời, thông thường BGK ở vòng chung kết chỉ 5,6 thành viên. Đây là số lượng quá nhỏ đối với vấn nạn “chạy giải”, “gửi bài”. Số lượng BGK càng ít, càng dễ “chạy giải”.
– Thứ hai, là không đánh giá sát hết giá trị thực của tác phẩm. Mỗi thành viên BGK có trình độ và năng khiếu khác nhau, gu thẩm mỹ khác nhau. Trong khi hiện thực thì rất đa dạng. Từ đó, dẫn đến tình trạng, ngay cả không bị tác động của nạn “chạy giải”, vẫn có những quyết định chưa phù hợp. Ví dụ đơn giản là ca khúc mang tính bolero và mang tính dân ca hay hành khúc cách mạng sẽ có điểm khác nhau tuỳ theo gu của thành viên BGK về ba thể loại này. Ngoài trình độ ra, thì “gu” của các thành viên BGK có vai trò không nhỏ trong chấm giải. Bởi thế, số lượng BGK càng ít, tính bao quát hiện thực càng thấp.
– Thứ ba, là bỏ sót các thành viên giỏi. Hạn chế về số lượng BGK chỉ ở mức 5 – 6 người sẽ hạn chế sự lựa chọn. Và hậu quả là nhiều nhạc sĩ giỏi lại không nằm trong BGK.
Cuộc thi STCK về QH phải tăng số lượng thành viên BGK đến mức khó “chạy giải”. Quan trọng nữa là để có thể bao quát được “đa sắc màu” của tác phẩm. Và không kém phần quan trọng nữa là để nhiều nhạc sĩ giỏi được nằm trong BGK.
3. TRÌNH ĐỘ BAN GIÁM KHẢO CHƯA TƯƠNG ỨNG
Quan sát các cuộc thi STCK trong hai thập niên qua, nhận thấy cách lựa chọn thành viên BGK cần được cải cách. Vì số lượng thành viên BGK ít, nên BTC chú trọng vào những người có vai vế đang giữ chức vụ nào đó, mà bỏ qua các nhạc sĩ tài có nhiều tác phẩm hay được công chúng yêu thích, không giữ chức vụ nào. Lựa chọn các thành viên BGK chấm thi các ca khúc trong các cuộc thi STCK không thể coi nhẹ các nhạc sĩ có nhiều tác phẩm hay được công chúng ưa thích. Trong lựa chọn thành viên BGK thì tiêu chí có nhiều tác phẩm hay quan trọng hơn tiêu chí có chức vụ cao.
4. THANG ĐIỂM THÔ
Một nguyên nhân nữa, làm cho sự lựa chọn các ca khúc được giải thưởng trong các cuộc thi STCK không sát thực là thang điểm thô. Các thang điểm chỉ có 2 chữ số không thể phản ánh đúng thứ bậc của cuộc thi có trên 100 bài tham dự.
Nguyên tắc quan trọng trong các cuộc thi là mọi ứng viên phải được xếp hạng khác nhau, chứ không thể bằng nhau. Tức là không có tác phẩm nào cùng điểm nhau. Cùng một thành viên BGK không thể chấm cho 2 tác phẩm cùng dự thi bằng số điểm như nhau. Cụ thể, nếu số lượng bài tham dự từ 100 đến 999 thì thang điểm phải là 3 chữ số, và không bài nào trong số đó có bằng điểm nhau. Nếu cuộc thi có từ 1000 bài – 9 999 bài thì thang điểm là 4 chữ số.
Việc phân định rạch ròi thứ tự từng bài thi đòi hỏi sự làm việc công phu của BGK, loại bỏ sự qua loa dễ dãi – là “tấm áo choàng” che giấu cho nạn “chạy giải”.
5. THỂ THỨC CHẤM THI CHƯA PHÙ HỢP
Thể thức chấm thi rất quan trọng trong việc lựa chọn “nhà vô địch”. Trong thể thao, để tránh móc ngoặc, BTC áp dụng thể thức ‘đối kháng loại trực tiếp’. Đây là một thể thức rất khoa học.
Trong điều kiện bị “chạy giải” như hiện nay, thể thức ‘đối kháng loại trực tiếp’ sẽ gạt bỏ được khá nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Các thành viên BGK được “gửi bài”, khi phải áp dụng thể thức ‘đối kháng loại trực tiếp’ cũng tự “loại trừ nhau”. Càng vào vòng sau càng khó thương lượng. Thể thức ‘đối kháng loại trực tiếp’ là hoặc CÓ hoặc KHÔNG chứ không cọng điểm lấy trung bình so cao thấp.
Có thuật toán áp dụng thể thức ‘đối kháng loại trực tiếp’ cho đấu trường bất cứ số lượng nào. Với đấu trường nhiều ngàn ứng viên, sẽ tổ chức nhiều vòng đấu loại. Sau đó sẽ áp dụng thể thức ‘đối kháng loại trực tiếp’ cho đấu trường chung kết. Thể thức cụ thể sẽ tuỳ thuộc vào từng cuộc thi do BTC quyết định.
BTC cuộc thi STCK về QH rất nên áp dụng thể thức ‘đối kháng loại trực tiếp’ cho vòng chung kết để loại trừ bớt vấn nạn “chạy giải”. Thể thức ‘đối kháng loại trực tiếp’ cũng rất hữu ích cho việc chống “chạy chức chạy quyền” trong tuyển chọn nhân sự.
6. THIẾU KIỂM NGHIỆM THỰC TIỄN
Không có ‘kiểm nghiệm thực tiễn’ cũng là một nguyên nhân quan trọng đưa đến việc các tác phẩm được giải thưởng có chất lượng thấp. Nếu là thành viên BGK bị “gửi bài” thì sẽ không chào đón yêu cầu kiểm nghiệm thực tiễn. Khái niệm ‘kiểm nghiệm thực tiễn’ được hiểu theo ý nào?
Là sau mỗi vòng loại, bắt đầu từ vòng thứ hai, các bài được lọt vào vòng sau phải được công bố công khai trên internet để công chúng được biết, được nghe và đánh giá. Với công nghệ hiện tại, việc này vô cùng dễ. Đây là cách tạo nên sự minh bạch cuộc thi, giúp cho các thành viên BGK không thể dễ dàng bị ảnh hưởng bởi nạn “chạy giải”.
Nhưng có nhiều cách thức để ‘kiểm nghiệm thực tiễn. Cách mà “hò nhau bỏ phiếu” cho người quen, như nhiều cuộc thi đã áp dụng, không phải là cách thức tốt.
7. TIỀN THƯỞNG CHƯA HẤP DẪN
Các cuộc thi STCK đã qua cho thấy tiền thưởng không hấp dẫn. Các giải nhất thông thường chỉ khoảng 40 – 50 triệu đồng; lớn hơn thì 100-150 triệu đồng. Số lượng giải thưởng cũng chỉ từ 10- 20 giải, trong khi số lượng bài dự thi thường trên 100. Như vậy có đến 80-90% người dự thi không được giải. Trong khi chi phí cho mỗi ca khúc dự thi tối thiểu cũng đến 10 triệu đồng. Đa phần các nhạc sĩ đã thiếu thốn còn thiếu thốn thêm qua các cuộc dự thi. Lại còn bị ức chế tinh thần vì nạn “chạy giải”.
Nên học theo các giải thể thao. Tất cả các đấu sĩ vượt qua vòng loại, tham gia vòng chung kết đều được chia tiền thưởng (chẳng hạn như World Cup). Bởi vậy, với các cuộc thi STCK, BTC nên tìm cho được nguồn tài chính sao cho tất cả các tác phẩm dự thi vượt qua vòng loại được nhận một khoản tài chính, đủ để bù cho chi phí dự thi, không kể đến chất xám của tác giả.
Giải thưởng càng càng lớn thì cuộc thi càng danh giá, càng có nhiều người tham dự. May mắn là cuộc thi STCK về QH có giải thưởng khá lớn và khá nhiều giải (35), nhất là có giải đặc biệt trị giá 500 triệu đồng. Đây cũng là động lực đáng kể thu hút người tham dự giải.
8. ĐỀ TÀI KHÓ VIẾT
Ngoài sự không công minh, tiền thưởng không hấp dẫn, thì đề tài khó viết cũng ảnh hưởng đến số người tham dự. Đề tài về QH không dễ viết. Đề tài về Toà án còn khó viết hơn.
9. ÍT NGƯỜI GIỎI THAM DỰ
Các nguyên nhân nêu trên đã đưa đến một thực tế là nhiều người giỏi không tham dự các cuộc thi STCK. Và hệ quả là các cuộc thi STCK trong thời gian qua không chọn ra được các tác phẩm xuất sắc.
HY VỌNG
Bài viết này đề cập sơ lược đến một số nhược điểm của các cuộc thi STCK hiện nay, cùng với đề xuất các biện pháp khắc phục. Trong đó, rất quan trọng là các biện pháp chống “chạy giải”.
Các biện pháp chống “chạy giải” nêu trên không chỉ phù hợp cho các cuộc thi STCK mà cả cho nhiều cuộc thi khác. Thậm chí có thể vận dụng để chống “chạy chức, chạy quyền”.
Qua bài viết này, hy vọng BTC ‘Cuộc vận động sáng tác ca khúc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân’ sẽ có những biện pháp phù hợp. Để cuối cùng, cuộc thi STCK về QH sẽ lựa chọn ra được các tác phẩm thực sự xứng đáng, thoát được nạn “chạy” đang lan tràn trong xã hội hiện nay.
Một hy vọng khác nữa, không kém phần quan trọng, là các tổ chức nghề nghiệp của các nhạc sĩ ở cấp trung ương cũng như địa phương, nhất là Hội nhạc sĩ Việt Nam, sẽ có những bước đi thích hợp. Từ đó giúp cho các cuộc thi STCK trong tương lai có được nhiều tác phẩm chất lượng cao. Biết rằng, giữa hy vọng và thực tế là một khoảng cách rất lớn.
Tài liệu dẫn
[1] https://quochoi.vn/…/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx…
[2] https://kinhtedothi.vn/gia-lua-gao-hom-nay-9-3-2024-bien…
N.N.C.
Tác giả gửi BVN