Mục Nhĩ
09/03/2024
(KTSG Online) – Số liệu thống kê rất quan trọng trong việc giúp cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp… đưa ra quyết định, dự báo, cải tiến quản lý một cách thực chất. Thế nhưng, tình trạng số liệu đưa ra trong các báo cáo thì rất “đẹp” nhưng lại không thực chất vì độ sai lệch khá lớn so với thực tế vẫn không hiếm gặp hiện nay.
Cuối tuần này, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác cải cách hành chính năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Tại hội nghị, đại diện Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) cho biết, theo báo cáo thì tại TP.HCM tỷ lệ hồ sơ giải quyết trễ hạn chưa đến 0,2%. Tuy nhiên, khi đối chiếu, chỉ riêng 12% hồ sơ được đồng bộ lên Cổng dịch vụ công quốc gia thì tỷ lệ xử lý đúng hạn chỉ đạt 73%.
Cũng theo Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến nhằm giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp, cắt giảm khối lượng công việc cho công chức, nhưng hiện nay có tình trạng chạy theo chỉ tiêu ở nhiều địa phương(1).
Trong một số trường hợp, người dân và doanh nghiệp làm hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến nhưng vẫn bị yêu cầu nộp thêm hồ sơ giấy khi đến nhận kết quả. Người dân lẫn công chức phải làm hai lần cho cùng một đầu việc, đó là chưa kể còn phiền phức hơn vì với cách làm cũ họ chỉ cần đem hồ sơ giấy lên làm một lần là xong.
Như vậy trong những trường hợp này, rõ ràng việc tính số lượng hồ sơ được giải quyết trực tuyến là không đúng thực chất.
Một ví dụ khác, số liệu thống kê con số du khách do ngành du lịch công bố được nhiều người trong ngành đánh giá là vô lý.
Chẳng hạn cách tính số lượt du khách nước ngoài có tình trạng là cứ mỗi khách quốc tế khi đến Việt Nam đều được tính số lượt cho các địa phương mà họ đặt chân đến. Như vậy, một du khách đi đến 2-3 tỉnh thì sẽ được “nhân bản” thành 2-3 nguời.
Còn nhớ sau dịp Tết Nguyên đán 2023, tỉnh Quảng Ninh đã phải chỉ đạo tính lại số lượt du khách đến đây sau khi Sở Du lịch công bố 1,6 triệu lượt khách dịp Tết. Con số này tăng hơn 15 lần so với Tết năm trước, trong khi thực tế hàng loạt tàu du lịch, nhà hàng, khách sạn vẫn phải hoạt động cầm chừng do thiếu khách.
Một nguyên nhân khác dẫn đến sai lệch số liệu là cơ quan thống kê tính tất cả khách từ nước ngoài đến Việt Nam là du khách. Trong số 12 triệu lượt khách của năm 2023, không xác định được bao nhiêu người đến với mục đích du lịch khiến số liệu không thực chất(2).
Với số liệu không thực chất như vậy, cơ quan quản lý nhà nước lẫn doanh nghiệp du lịch làm sao có thể lên chiến lược kế hoạch đúng? Một khi đầu vào là “số liệu đẹp” không chính xác thì có thể dẫn đến quy hoạch hạ tầng phục vụ du lịch vượt xa thực tế và nhiều hệ lụy khác liên quan đến đầu tư của doanh nghiệp.
Muốn dự báo chính xác tình hình kinh tế xã hội nhằm đưa ra chiến lược phát triển phù hợp, thiết nghĩ số liệu trong các báo cáo, thống kê cần đảm bảo được thực chất, để người sử dụng có thể dựa trên đó mà ra quyết định đúng.
———
M.N.
Nguồn: Kinh tế Sài Gòn Online