HRW lên án làn sóng mới bắt giữ giới bất đồng chính kiến ở Việt Nam

VOA Tiếng Việt

06/03/2024

Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến và Nguyễn Vũ Bình.

Hôm 5/3, tổ chức Theo dõi Nhân quyền lên tiếng rằng nhà cầm quyền Việt Nam lại bắt giữ thêm ba người bất đồng chính kiến nổi tiếng, gọi đây là một làn sóng mới, chỉ vài ngày sau khi nước này tuyên bố sẽ ứng cử thêm một nhiệm kỳ nữa trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Công an Hà Nội bắt giam ông Nguyễn Chí Tuyến và ông Nguyễn Vũ Bình hôm 29/2 và công an Lâm Đồng bắt giam ông Hoàng Việt Khánh hôm 1/3 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”.

Trao đổi với VOA qua email về các vụ bắt bớ này, ông Phil Robertson, phó giám đốc châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), nêu nhận định: “Việt Nam đang cố gắng ngăn chặn mọi bài đăng mang tính chỉ trích về những gì đang xảy ra trong nước, vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi họ bắt giam ông Nguyễn Vũ Bình, người can đảm tiếp tục nói lên sự thật trước bạo quyền trong suốt những năm qua”.

Tương tự như vậy, ông Nguyễn Chí Tuyến không làm gì sai trái đến mức phải bị bắt, và chính quyền phải thả ông ấy ngay lập tức và vô điều kiện, theo ông Robertson.

Theo HRW, ông Hoàng Việt Khánh lên án tình trạng công an bạo hành và nêu quan ngại về các vụ nhận tội do bị tra tấn trong khi công an giam giữ. Ông Khánh công khai lên tiếng ủng hộ các tù nhân chính trị và cho rằng mục đích cuối cùng của việc bắt giữ bất đồng chính kiến là “đe dọa không cho người dân thể hiện quyền tự do ngôn luận, theo thông báo của HRW.

“Ba nhà hoạt động này không có tội tình gì mà chỉ thực hành quyền tự do ngôn luận căn bản của mình”, ông Robertson nói. “Đáng tiếc là chính quyền Việt Nam coi tất cả các việc bày tỏ chính kiến ôn hòa trên mạng là mối đe dọa khủng khiếp đối với đảng cầm quyền và chính phủ, và đàn áp các hành vi bất đồng chính kiến như thế bằng việc bắt giữ, truy tố và xử tù với động cơ chính trị”.

“Chính quyền Việt Nam cần chấm dứt đàn áp các blogger, các nhà hoạt động và vận động nhân quyền, đồng thời phóng thích ngay lập tức những người đang bị giam giữ vì đã thực thi các quyền dân sự và chính trị cơ bản của họ”, ông Robertson kêu gọi.

Năm 2022, Đại hôi đồng LHQ bầu Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền với nhiệm kỳ ba năm, sẽ kết thúc vào năm 2025. Hôm 26/2, Việt Nam công bố sẽ ứng cử thêm một nhiệm kỳ nữa khi kết thúc nhiệm kỳ hiện tại.

“Khi tranh cử vào ghế Hội đồng Nhân quyền LHQ, chính quyền Việt Nam thích phô trương rằng họ tôn trọng nhân quyền, nhưng hành vi đàn áp thô bạo những người bất đồng chính kiến lại thể hiện thông điệp ngược lại”, vẫn ông Robertson. “Bất chấp sự đối xử hà khắc của Việt Nam đối với những người ủng hộ nhân quyền, các nhà tài trợ và đối tác thương mại của nước này hầu như không làm gì để gây áp lực lên chính phủ Việt Nam về những vi phạm nhân quyền của họ”.

Liên quan chỉ thị ngầm số 24 năm 2023 của Bộ Chính trị đã được tổ chức The 88 Project vạch trần trong tuần qua, HRW nhận định rằng giới lãnh đạo Hà Nội đã ra lệnh thực hiện “một chiến dịch có hệ thống chống lại những người bảo vệ nhân quyền”. Đã đến lúc các nhà ngoại giao và quan chức LHQ phải công khai đứng lên bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam, vị đại diện HRW nhấn mạnh.

HRW khuyến nghị cộng đồng quốc tế nên nhấn mạnh với chính phủ Việt Nam rằng việc Hà Nội tiếp tục đàn áp sẽ đe dọa quan hệ thương mại, quan hệ ngoại giao và làm suy yếu mục tiêu được tái đắc cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ của Việt Nam.

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ cho ý kiến về các phát biểu trên của HRW, nhưng chưa được phản hồi.

Chính quyền và truyền thông Việt Nam vào các dịp khác nhau luôn cho rằng nước này “luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí”, đồng thời cho rằng các quyền này bị các “thế lực thù địch, phản động lại cố tình xuyên tạc, vu khống”.

Nguồn: VOA Tiếng Việt

—-

Xem thêm:

‘Làn sóng mới đàn áp tiếng nói bất đồng’ khi Việt Nam lại muốn có ghế ở Hội đồng Nhân quyền LHQ?

BBC

Chụp lại hình ảnhTừ trái qua: Hoàng Việt Khánh, Nguyễn Chí Tuyến, Nguyễn Vũ Bình.Nguồn hình ảnh: HRW

Đã có sự gia tăng đàn áp những người chỉ trích Đảng Cộng sản Việt Nam giữa lúc chính phủ nước này vận động để có chân trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ tiếp theo, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) nhận định.

Chính quyền Việt Nam đã bắt giữ ba tiếng nói chỉ trích nổi tiếng chỉ vài ngày sau khi nước này tuyên bố ứng cử vào nhiệm kỳ tiếp trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ). 

Công an đã bắt giữ blogger nổi tiếng Nguyễn Chí Tuyến, Nguyễn Vũ Bình vào ngày 29/2/2024 và Hoàng Việt Khánh vào ngày 1/3. 

Cả ba đều bị cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”.

Nói với BBC News Tiếng Việt ngay sau khi chồng bị bắt, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, vợ blogger Nguyễn Chí Tuyến, cho hay thời gian trước đó ông Tuyến thường xuyên nhận được văn bản gửi qua đường bưu điện thông báo việc ông bị cấm xuất cảnh.

Bà cũng nói rằng ông “không làm gì sai” khi chỉ phản biện các chính sách, đường lối của đảng và nhà nước – những điều mà “chính phủ Việt Nam cũng rất khuyến khích người dân tham gia”. 

“Chính phủ Việt Nam cần chấm dứt việc đàn áp các blogger, các nhà vận động nhân quyền và các nhà hoạt động, đồng thời trả tự do ngay lập tức cho những người bị giam giữ vì thực thi các quyền dân sự và chính trị cơ bản của họ”, HRW lên tiếng trong báo cáo của mình.

Năm 2022, Đại hội đồng LHQ đã bầu Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền tại Geneva với nhiệm kỳ ba năm, nhiệm kỳ này sẽ kết thúc vào năm 2025. 

Hồi đầu tháng 10/2022, Việt Nam từng bị ba tổ chức nhân quyền gồm UN Watch (chuyên giám sát hoạt động của LHQ), Tổ chức Nhân quyền (Human Rights Foundation) và Trung tâm Nhân quyền Raoul Wallenberg phản đối vì “không đủ tiêu chuẩn”.

Hôm 26/2/2024, Việt Nam lại tuyên bố sẽ tìm kiếm một nhiệm kỳ mới khi nhiệm kỳ hiện nay kết thúc.

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc châu Á của HRW, nhận định: “Chính phủ Việt Nam thích khoe khoang về sự tôn trọng nhân quyền khi tìm kiếm một ghế trong Hội đồng Nhân quyền LHQ. Nhưng việc đàn áp tàn bạo những người bất đồng chính kiến sẽ gửi đi thông điệp ngược lại. 

“Bất chấp sự đối xử hà khắc của Việt Nam đối với những người ủng hộ nhân quyền, các nhà tài trợ và đối tác thương mại của nước này hầu như không làm gì để gây áp lực lên chính phủ về những vi phạm nhân quyền của họ”.

HRW cho biết Việt Nam hiện đang giam giữ ít nhất 163 tù nhân chính trị. 

Chỉ trong hai tháng đầu năm 2024, ba nhà hoạt động – gồm Danh Minh Quang, Nay Y Blang và Phan Văn Lộc – đã bị kết án từ ba đến bảy năm tù. 

Ít nhất 24 người khác đang bị cảnh sát giam giữ với những cáo buộc “có động cơ chính trị” để chờ xét xử.

Ba trường hợp mới nhất bị bắt giữ

Chụp lại hình ảnhMột cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc ở Hà Nội năm 2012. Nguồn hình ảnh: GETTY IMAGES

Nguyễn Chí Tuyến: (còn gọi Anh Chí), 49 tuổi, bị bắt hôm 29/2/2024 tại Hà Nội. 

Ông là một nhà vận động nhân quyền, dùng YouTube và Facebook để bình luận các vấn đề xã hội và chính trị. 

Kênh YouTube chính Anh Chí Râu Đen của ông đã sản xuất hơn 1.600 video, có 98.000 người đăng ký. 

Ông Tuyến là thành viên sáng lập Câu lạc bộ Bóng đá No-U (No U-line Football Club) hiện đã ngừng hoạt động. Thành viên của đội là những người công khai phản đối yêu sách “đường chữ U” của Trung Quốc tại Biển Đông. 

Ông cũng tổ chức và tham gia nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc đầu những năm 2010 và biểu tình vì môi trường giữa những năm 2010. 

Tháng 2/2017, ông và năm nhà hoạt động đã gặp phái đoàn nhân quyền của Liên minh châu Âu tại Hà Nội để thảo luận về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. 

Trong một buổi trao đổi với BBC Tiếng Việt hồi năm 2015, ông Nguyễn Chí Tuyến giải thích mục đích hoạt động của mình:

“Chúng tôi là công dân và chúng tôi chỉ thực hiện các quyền dân sự, các quyền căn bản của con người là quyền phát biểu chính kiến của mình, quyền được tham gia hội họp để sinh hoạt trong những cái mà pháp luật cho phép, và Hiến pháp Việt Nam cũng quy định, cũng như các công ước quốc tế”.

Nguyễn Vũ Bình: 55 tuổi, cựu tù chính trị, bị bắt ngày 29/2/2024. 

Ông từng là phóng viên Tạp chí Cộng sản – cơ quan ngôn luận của ĐCSVN  trong gần 10 năm.

Năm 2000, ông thôi việc, thành lập một đảng chính trị độc lập.

Năm 2001, ông nỗ lực lập một hiệp hội chống tham nhũng. 

Tháng 9/2002, ông bị công án bắt và bị cáo buộc “vu khống Việt Nam” trong lời khai bằng văn bản mà ông cung cấp cho Quốc hội Hoa Kỳ vào tháng 7/2002 về các vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. 

Tháng 12/2003, tòa án kết án ông bảy năm tù, ba năm quản thúc tại gia vì tội gián điệp theo Điều 80 của Bộ luật Hình sự Việt Nam. 

Tháng 6/2007, chính quyền ân xá và trả tự do cho ông sớm hai năm ba tháng. Ông ngay lập tức tiếp tục vận động cho tự do, dân chủ và nhân quyền. 

Ông hai lần nhận được giải thưởng Hellmann/Hammett dành cho các nhà văn là nạn nhân của đàn áp chính trị vào năm 2002 và 2007.

Hoàng Việt Khánh: 41 tuổi, bị bắt ngày 1/3/2024 tại Lâm Đồng, Tây Nguyên. 

Từ 2018, ông bắt đầu dùng Facebook để bày tỏ quan điểm của mình về chính trị – xã hội Việt Nam. 

Ông tố cáo sự tàn bạo của công an và bày tỏ lo ngại về tình trạng công an tra tấn để buộc các nghi phạm thú tội. 

Công an cáo buộc ông “đăng, chia sẻ, phát tán những nội dung xuyên tạc sự thật, bóp méo, bóp méo tình hình thực tế, công kích đường lối, chính sách của đảng và nhà nước, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ và xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh, bôi nhọ lãnh đạo cấp cao của đảng và nhà nước”.

Nguồn: BBC Tiếng Việt

 

This entry was posted in HRW, Nhân Quyền, tù nhân lương tâm, Xã hội dân sự. Bookmark the permalink.