Viện trợ nước ngoài, quyên góp, thuế và tiền ảo: Hamas kiếm tiền bằng cách nào?

Paula Rosas  BBC World Service

Cấu trúc tài chính của phong trào này rất phức tạp và mập mờ, với gốc rễ lan xa khỏi Dải Gaza.

Chụp lại hình ảnhKhông chỉ là một nhóm vũ trang, Hamas còn kiểm soát một vùng lãnh thổ có hơn 2,3 triệu dânNguồn hình ảnh: GETTY

Hamas, nhóm vũ trang bị Mỹ và Liên minh Châu Âu gắn mác khủng bố, đã chật vật về tài chính do phải chịu các lệnh trừng phạt trong nhiều thập kỷ, cắt họ khỏi hệ thống ngân hàng quốc tế.

Tuy nhiên, cuộc tấn công bất ngờ ngày 7/10 năm ngoái nhằm vào Israel với hàng nghìn tên lửa, máy bay không người lái và các khí tài công nghệ cao khác đã cho thấy nhóm chiến binh này dường như không hề thiếu nguồn lực.

Vậy Hamas làm thế nào để có được nguồn tài chính?

Hamas là một phong trào Hồi giáo được thành lập năm 1987, bao gồm cả hai cánh chính trị và quân sự.

Cánh quân sự của Hamas, được gọi là Lữ đoàn Ezzedine al-Qassam, trong quá khứ đã tiến hành nhiều cuộc tấn công và đánh bom liều chết nhằm vào Israel.

Nhưng Hamas cũng cầm quyền và kiểm soát một vùng lãnh thổ có hơn 2,3 triệu người sinh sống và nắm dưới trướng khoảng 50.000 viên chức.

Với tư cách là một tổ chức chính trị – xã hội, Hamas thu thuế và nhận viện trợ từ các chính phủ nước ngoài và tổ chức từ thiện có cùng lý tưởng. Không chỉ vậy, phong trào cũng tiếp cận được với các nguồn cung vũ khí, như minh chứng trong vụ tấn công ngày 7/10.

Ngoài ra, nhóm vũ trang Hồi giáo này còn có một danh mục đầu tư quốc tế ít được biết đến, thường dùng tiền điện tử làm phương tiện để lách các lệnh cấm vận.

Chụp lại hình ảnhSự tàn phá do xung đột liên miên, cộng với lệnh phong tỏa của Israel đã khiến cư dân tại Gaza phải phụ thuộc phần lớn vào viện trợ quốc tếNguồn hình ảnh Getty Images

Qatar

Tiểu quốc vùng Vịnh này là một trong những nước giàu có nhất thế giới và là một trong số ít chính phủ, cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, còn ủng hộ Hamas sau cuộc chia rẽ đẫm máu của nhóm này với phe đối thủ Fatah vào năm 2007. Khi Israel áp đặt lệnh phong tỏa Gaza trong cùng năm, Qatar đã quyết định đứng về phía người dân Palestine ở Gaza thông qua viện trợ nhân đạo.

Năm 2012, Sheikh Hamad bin Khalifa al-Thani, khi đó là Tiểu vương của Qatar, trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên đến thăm Gaza dưới sự cai quản của Hamas, ông đã hứa sẽ viện trợ hàng triệu đô la, khoản tiền sau đó đã được Israel chấp thuận.

Qatar đã hỗ trợ về mặt chính trị cho Hamas bằng cách cho phép các lãnh đạo của phong trào này cư trú tại Doha từ năm 2012, sau khi họ phải rời bỏ đại bản doanh lịch sử ở Damascus do cuộc nội chiến Syria.

Cả Ismail Haniyeh, được coi là thủ lĩnh hiện tại của Hamas, và Khaled Meshaal, người tiền nhiệm của Haniyeh, đều trú tại thủ đô của Qatar. Đây cũng là nơi các thủ lĩnh Taliban ẩn náu cho đến khi họ đoạt lại quyền kiểm soát Afghanistan vào mùa hè năm 2021.

Do đó, tiểu vương quốc này đã trở thành thành phần chủ chốt trong các cuộc đàm phán với các tổ chức bị phương Tây coi là khủng bố  những nhóm mà phương Tây gặp khó khi đàm phán trực tiếp do trở ngại pháp lý và dư luận.

Giờ đây, vai trò trung gian giữa Hamas và Israel  trước đây thường thuộc về Ai Cập  chủ yếu do Qatar đảm trách, như đang thấy trong các cuộc đàm phán liên quan đến con tin Israel bị Hamas bắt cóc.

Trong những năm qua, Qatar, đồng thời là một trong những đồng minh chính của Mỹ bên ngoài NATO, cũng đã gửi hàng tỷ USD viện trợ nhân đạo cho người dân Palestine ở Gaza để giảm bớt hậu quả của lệnh phong tỏa từ Israel. Doha khẳng định số tiền này là dành cho người dân Palestine chứ không phải Hamas.

Chưa rõ các khoản viện trợ trên cụ thể là bao nhiêu, nhưng các nhà phân tích ước tính con số này vào khoảng từ 1 tỷ đến 2,6 tỷ USD kể từ năm 2014. Các khoản viện trợ đã giúp tái thiết Dải Gaza sau nhiều cuộc xung đột khác nhau với Israel.

Năm 2016, Tiểu vương Qatar, Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani, tuyên bố rằng nước ông sẽ phân bổ 113 triệu riyal Qatar (khoảng 30 triệu USD) để “làm dịu bớt nỗi khổ của những người anh em ở Dải Gaza và những khó khăn về tài chính nghiêm trọng mà họ phải đối mặt do sự vây hãm bất công từ cuộc chiếm đóng của Israel”.

Số tiền này, được giải ngân hàng tháng, đã giúp chi trả một phần lương cho gần 50.000 viên chức Gaza, mua nhiên liệu để vận hành lưới điện và hỗ trợ những gia đình túng thiếu nhất họ nhận được séc trị giá 100 USD hàng tháng.

Khaled al Hroub, giáo sư ngành Trung Đông học tại Đại học Northwestern chi hiệu Qatar, nói với BBC rằng số tiền này được chuyển với sự phối hợp của Mỹ và Israel.

Chụp lại hình ảnhChuyến thăm năm 2012 của tiểu vương Qatar, Sheikh Hamad bin Khalifa al-Thani tới Gaza đã chứng tỏ sự ủng hộ đối với Hamas. Bên cạnh ông là thủ lĩnh Hamas, Ismail Haniyeh. Nguồn hình ảnhGetty Images

“Những đồng đô la chuyển đến các vùng lãnh thổ của Palestine, bao gồm cả Gaza, có lẽ là những khoản tiền được theo dõi nghiêm ngặt nhất trên thế giới, cả mật vụ Mỹ lẫn người Israel, Jordan và Ai Cập đều giám sát chặt chẽ số tiền này, do một phần trong đó được chuyển thông qua ngân hàng của họ”, giáo sư al Hroub, nhà phân tích người Palestine đồng thời là tác giả của một số tác phẩm về Hamas, cho biết.

Số tiền ấy được chuyển từ Doha đến Israel và lâu nay vẫn được các đặc phái viên Qatar mang vào Gaza trong những chiếc vali đựng tiền mặt qua cửa khẩu Erez ở phía bắc dải đất. Số tiền sau đó được phân phối trực tiếp tại bưu điện và siêu thị cho các viên chức và gia đình nghèo thông qua đổi ngân phiếu.

Một số nhà phân tích quả quyết rằng một phần số tiền viện trợ này sẽ rơi vào tay cánh vũ trang của Hamas.

Hamas vẫn luôn phủ nhận việc này và giáo sư al Hroub nói rằng không có bằng chứng nào cho cáo buộc đó:

“Vấn đề tài chính lớn nhất của Hamas không phải là việc tài trợ cho đảng hay cánh vũ trang, việc đó gần như có thể coi là phần dễ làm. Phần khó làm nhất là làm sao hỗ trợ cho hàng triệu người Palestine đang khổ sở ở Gaza, và Hamas cảm nhận được gánh nặng đó”.

Vị chuyên gia người Palestine cũng khẳng định tiền của Qatar và viện trợ nước ngoài “từ lâu đã được coi gần như chỉ là liều thuốc giảm đau, điều trị các triệu chứng, chứ không phải gốc rễ căn bệnh”.

Tổ chức viện trợ nhân đạo chính hoạt động ở Gaza là UNRWA, Cơ quan Liên Hợp Quốc về Người tị nạn Palestine ở Trung Đông. Người phát ngôn của UNRWA nói với BBC rằng viện trợ được phân phối trực tiếp bởi các nhóm thuộc UNRWA, các đơn vị này đều đã vượt qua các biện pháp kiểm tra trước đó.

Cơ quan này cũng được kiểm toán hàng năm do một bên độc lập thực hiện. “Tất cả các khoản thanh toán cho nhà thầu, nhà cung cấp và nhân viên đều được xử lý thông qua một tổ chức ngân hàng có ràng buộc bởi các điều luật về chống tài trợ khủng bố”, người phát ngôn giải thích.

Iran

Hamas là một trong những tổ chức sáng lập của liên minh được gọi là Trục Kháng chiến do Iran lãnh đạo. Trong đó gồm cả Syria và nhóm Hồi giáo Hezbollah của Lebanon, bên cạnh các nhóm khác. Điểm chung chủ yếu của họ là lập trường chống Israel và Mỹ.

Chụp lại hình ảnhThủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh gặp lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Khamenei tại Tehran ngày 5/11/2023Nguồn hình ảnhGetty Images

Trong một bài viết gần đây của mình, Sanam Vakil, giám đốc chương trình Trung Đông và Bắc Phi của Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House), cho rằng để kiềm chế ảnh hưởng của Israel và đảm bảo sự tồn vong của chính phủ Ayatollah, Tehran đã nuôi dưỡng một mạng lưới đồng minh trong khu vực bằng cách cung cấp “tài chính, huấn luyện hoặc vũ khí”.

Theo Vakil, trong số đó có Hamas và các nhóm kháng chiến khác của Palestine, họ đã nhận được sự hậu thuẫn ngày càng lớn từ Iran kể từ thập niên 1990.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay sự hậu thuẫn này được cụ thể hóa bằng khoản viện trợ 100 triệu USD hàng năm dành cho Hamas, Phong trào Thánh chiến Hồi giáo (PIJ) và Mặt trận Nhân dân Giải phóng Palestine (PFLP).

Mặc dù Hamas và Iran có những bất đồng trong cuộc nội chiến ở Syria khi nhóm này từ chối ủng hộ Bashar al Assad, nhưng “tài trợ của Iran chưa bao giờ ngừng, các khoản dành cho hoạt động chính trị có thể bị cắt một phần, nhưng nguồn viện trợ cho cánh vũ trang vẫn tiếp tục”, Matthew Levitt, một nhà phân tích tại Viện Washington về Chính sách Cận Đông, cho biết.

Giáo sư al Hroub nói “không rõ Hamas nhận được bao nhiêu tiền hàng năm từ Iran, nhưng rõ ràng là họ có được Iran tài trợ”.

Bản thân lãnh đạo Hamas, Ismail Haniyeh, đã thừa nhận vào năm 2022 trong một cuộc phỏng vấn với Al Jazeera rằng Iran là nhà tài trợ chính và nước này đã góp 70 triệu USD cho việc phát triển hệ thống tên lửa của Hamas.

Gần đây hơn, trong cuộc phỏng vấn thực hiện một ngày sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel trên kênh truyền hình Russia Today của Nga, Ali Baraka, người phụ trách quan hệ đối ngoại của Hamas, tuyên bố rằng Iran là nhà tài trợ “chủ yếu và quan trọng nhất”, cung cấp cho họ cả tiền lẫn vũ khí.

BBC không nhận được phản hồi từ Bộ Ngoại giao Iran về thông tin Tehran tài trợ cho Hamas.

Thuế

Với tư cách là chính quyền cai quản Gaza, Hamas thu thuế đối với hàng hóa nhập khẩu bao gồm cả hàng nhập lậu từ Ai Cập bằng đường hầm  và các hoạt động thương mại khác ở dải đất, mặc dù chưa rõ số tiền thu được mỗi tháng là bao nhiêu.

Chụp lại hình ảnhNhiều mặt hàng ở Gaza, bao gồm thuốc lá, bị đánh thuế rất cao, một chính sách không được lòng quần chúngNguồn hình ảnhGetty Images

Con số này dao động từ mức 15 triệu USD mà Bộ Tài chính Gaza từng nói với phóng viên BBC ở Gaza, Rushdi Abualouf, vào năm 2016, lên đến 300-450 triệu USD theo số liệu được dẫn bởi các nhà phân tích như Matthew Levitt.

Điều có thể biết rõ là thuế tại Gaza ở mức khá cao, mặc dù theo Liên Hợp Quốc, ngay cả trước chiến tranh, tỷ lệ thất nghiệp tại đây là 45%, và 80% dân số cần đến viện trợ nhân đạo.

Giáo sư al Hroub cho biết “dù bộ máy hành chính ở Gaza và Bờ Tây tương đồng nhau, nhưng mức thu nhập rất khác nhau”. 

Cũng theo vị giáo sư Đại học Northwestern, bên cạnh các loại thuế sẵn có, trong nhiều năm qua Hamas đã bổ sung thêm nhiều khoản thuế “để bù đắp cho việc bị phong tỏa”, ví dụ thuế thuốc lá, thuế nhập khẩu các mặt hàng như quần jean, xe cộ hoặc một số loại thực phẩm bị coi là xa xỉ hoặc không thiết yếu.

Còn với nhà phân tích Matthew Levitt, “khi họ đánh thuế mọi thứ, và danh mục thuế ngày càng dài thêm, thì xét cho cùng đó chính là hành vi cưỡng đoạt, một kiểu mafia”.

Việc mức thuế và thuế quan ngày một tăng đã gây ra bất bình trong quần chúng, thậm chí dẫn đến một số cuộc biểu tình của các nhà nhập khẩu. Những vụ việc này đều đã bị Hamas đàn áp.

Danh mục đầu tư

Theo Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ, Hamas có một văn phòng đầu tư quốc tế với tổng tài sản ước tính khoảng 500 triệu USD.

Theo OFAC, bên trong mạng lưới này có các công ty ở những nước như Sudan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Saudi, Algeria và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. OFAC tin rằng Hội đồng Shura và Ban chấp hành Hamas, tức những cơ quan lãnh đạo chủ chốt của phong trào, quản lý và giám sát danh mục đầu tư này.

Chụp lại hình ảnhIsrael và Mỹ cho rằng tiền trong danh mục đầu tư của Hamas được đổ cả vào cánh quân sự của phong tràoNguồn hình ảnhGetty Images

Năm ngoái, OFAC đã công bố danh sách bao gồm các quan chức, điều phối viên và các công ty của Hamas đã được phong trào này “sử dụng để che giấu quỹ và rửa tiền”.

Washington coi Hamas là một tổ chức khủng bố và trừng phạt bất kỳ ai làm ăn với phong trào.

Trong số các công ty bị Mỹ nêu tên, có một công ty khai thác mỏ của Sudan, một công ty bất động sản của Thổ Nhĩ Kỳ và một công ty xây dựng của Ả Rập Saudi.

Tháng trước, OFAC công bố một vòng trừng phạt thứ hai nhằm vào đại diện Hamas ở Tehran và một số thành viên của lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran.

Quyên góp và tiền điện tử

Theo giáo sư al Hroub, nguồn tài chính của Hamas cũng đến từ các khoản quyên góp họ nhận được từ những người có cảm tình với Hamas ở các vùng lãnh thổ Palestine, các nước Ả Rập và bên ngoài khu vực.

Những khoản quyên góp này thường y cứ theo khái niệm “zakat” – một trong năm trụ cột của Hồi giáo, khuyến khích tín đồ quyên góp một phần tài sản cá nhân cho những người khó khăn.

Vì có nhiều nhánh khác nhau nên khi xin tiền thông qua các nguồn tài trợ không chính thức như vậy, Hamas thường không nói tiền sẽ được dùng để cấp cho cánh vũ trang, mà là “gây quỹ cho trường học, bệnh viện, hoặc các chiến dịch chính trị”, giáo sư al Hroub giải thích. Ông cũng tác giả của các cuốn sách như “Chính trị Hamas: Tư tưởng và Thực tiễn” (“Hamas: Political Thought and Practice”) và “Hamas: Dành cho người mới tìm hiểu” (“Hamas: A Beginners Guide”).

Ông kể lại rằng sau phong trào Intifada lần thứ hai, trong thời gian Mỹ đang phát động chiến dịch “Chiến tranh chống khủng bố” (“War on Terror”) nhằm cắt nguồn tài trợ cho các nhóm mà họ coi là khủng bố, “Hamas đã huy động được từ 1,5 triệu đến 2 triệu USD tại Gaza chỉ trong một ngày, sau buổi cầu nguyện ngày thứ Sáu”.

Nhà phân tích Matthew Levitt cho biết khi Hamas muốn quyên tiền thông qua các tổ chức từ thiện, “họ không nói rằng những khoản tiền đó được dùng để tài trợ cho Hamas, mà họ đăng bức ảnh một đứa trẻ đầy máu”. Ông ước tính rằng “một phần lớn số tiền đó cuối cùng sẽ được sử dụng cho mục đích quân sự”.

Bắt đầu từ năm 2019, một số khoản quyên góp này đã được thực hiện thông qua tiền điện tử.

“Hamas là một trong những tổ chức đầu tiên sử dụng hình thức này, hay ít nhất là yêu cầu được nhận quyên góp bằng tiền điện tử”, Ari Redbord, giám đốc toàn cầu về chính sách và vấn đề chính phủ tại TRM Labs, một công ty công nghệ tình báo blockchain, nói với BBC. Ông cho biết thêm phong trào này ban đầu sử dụng Bitcoin, nhưng kể từ năm 2022 đã bổ sung thêm đồng tiền số Tron.

Chụp lại hình ảnhMột trong những nguồn tài chính của Hamas đến từ quyên góp của người dân Palestine. Hình chụp một buổi gây quỹ tại Gaza năm 2006. Nguồn hình ảnhGetty Images

Tiền điện tử cho phép một lượng lớn tiền có thể được chuyển qua biên giới nhanh hơn nhiều so với chuyển tiền thông thường và khiến công nghệ này trở nên “rất hấp dẫn với các đối tượng hoạt động phi pháp”, ông Redbord cho biết.

Tuy nhiên, bằng những cách thức ngày càng tinh vi, tiền mã hóa vẫn có thể bị theo dõi. Điều này đã cho phép các chính phủ như Israel và Mỹ truy vết các khoản quyên góp bằng tiền số cho Hamas với độ chính xác cao.

Theo TRM Labs, năm 2020, Bộ Tư pháp Mỹ đã tịch thu 150 địa chỉ tiền điện tử có liên hệ đến Hamas, khi tổ chức này đang gây quỹ trên Telegram và qua các trang web.

“Hàng trăm địa chỉ khác cũng đã bị chính quyền Israel thu giữ trong những năm gần đây, đến mức Hamas phải thông báo ngừng gây quỹ bằng tiền điện tử vào tháng 4/2023 vì các nhà tài trợ của họ đã bắt đầu trở thành mục tiêu”, ông Redbord nói.

Mặc dù giai đoạn xảy ra xung đội thường là những lúc các nhà tài trợ hoạt động mạnh nhất, nhưng theo TRM Labs, số tiền quyên góp cho Hamas không tăng nhiều kể từ ngày 7/10/2023, chỉ khoảng 20.000 USD.

“Tiền điện tử chỉ là một mảnh ghép rất nhỏ trong tổng thể bức tranh tài trợ khủng bố”, Ari Redbord kết luận.

P.S.
Nguồn: 
BBC Tiếng Việt

 

This entry was posted in Hamas, Xung đột ở dải Gaza. Bookmark the permalink.