Việt Nam cần thay đổi chính sách đàn áp người bất đồng chính kiến

Bùi Thanh Hiếu 

Hôm qua, cơ quan an ninh Việt Nam tiến hành bắt giữ và khám xét tư gia của hai nhà phản biện chính sách là Nguyễn Vũ Bình và Nguyễn Chí Tuyến.

Cả hai bị cáo buộc tội danh về tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN.

Trong vòng 20 năm trở lại đây, chính quyền Việt Nam đã bắt bớ giam cầm hàng trăm người Việt Nam với tội danh như vậy.

Một chính quyền mà bao nhiêu năm vẫn phải bắt bớ bỏ tù những tiếng nói phản biện như vậy, liệu có Chính hay không?

Đến lúc những người cầm quyền lực ở Việt Nam phải cân nhắc và tìm giải pháp để hạn chế những tiếng nói bất đồng, hạn chế bằng biện pháp dân chủ, khoa học, thấu tình đạt lý chứ không phải bằng sự chụp mũ và bạo lực.

20 năm nay, chính quyền đẩy mạnh sử dụng truyền thông, dư luận viên để quy chụp những tiếng nói phản biện. Sau đó dùng công an, toà án để kết tội những người phản biện. Biện pháp chú trọng về mặt đàn áp, đe doạ… để đạt được mục đích là triệt tiêu hoàn toàn những người phản biện. Quy kết họ là “phản động”, “âm mưu thù địch”, “muốn phá hoại sự bình yên của đất nước và cuộc sống của người dân”….

Hiệu quả thì có, nhưng hiệu quả đó đi với hậu quả là người dân sợ không dám nói gì. Rất nhiều người biết xã hội, thể chế có nhiều điều không tốt, nhưng họ làm ngơ để giữ an toàn cho mình. Điều này dẫn đến các quan chức, lãnh đạo có điều kiện để nảy sinh tham nhũng, bè phái nâng đỡ nhau, ra những chính sách phục vụ lợi ích nhóm, không quan tâm đến lợi ích của người dân và đất nước.

Rất nhiều những chính sách đã được những chuyên gia cảnh báo, nhưng do không coi trọng những ý kiến cảnh báo đó, dẫn đến mất mát rất lớn. Chẳng hạn như việc đầu tư của PVN ra nước ngoài dưới thời ông Đinh La Thăng, dù đã được cảnh báo từ những người am hiểu về trữ lượng dầu của các nước đối tác. Nhưng vì muốn có thành tích phát triển, PVN dưới thời ông Thăng đã bất chấp bỏ qua lời khuyên, thực hiện ký kết hợp đồng với nước ngoài. Hậu quả là mất trắng hàng tỷ đô la Mỹ.

Tất nhiên, cũng có những phản biện với mục đích thiếu trong sáng, như phản biện do bảo vệ lợi ích của địa phương, của một số ngành nghề, đơn vị của mình, không tính đến lợi ích chung; hoặc xuất phát từ sự mâu thuẫn tồn tại trong lịch sử, dẫn đến động cơ phản biện mang tính phủ nhận tất cả.

Mảnh đất phản biện, tuyên truyền là mảnh đất mà nhiều thế lực nước ngoài đang và sẽ còn sử dụng trong nhiều năm nữa vì những mục đích, giá trị mà các thế lực này theo đuổi. Các thế lực đó có thể là Nga, Tàu và các nước phương Tây. 

Các nước phương Tây tác động qua những tổ chức phi chính phủ, tài trợ và khuyến khích những người phản biện bày tỏ ý kiến của mình. Qua đó hình thành ý thức dân chủ trong tâm thức người dân Việt Nam.

Các nước như Nga, Tàu thì tác động tài trợ chính thức qua những chương trình giao lưu văn hoá, tìm hiểu văn hoá, học tập… để nhằm mục đích khiến người dân Việt Nam nghĩ rằng Nga, Tàu là những nước nhân văn, tử tế.

Và cho dù thế lực nào tác động lên mảnh đất phản biện, truyền thông thì họ vẫn cần những hạt giống. Đương nhiên thì mảnh đất của người Việt thì hạt giống Việt là thích hợp hơn cả. Do đó xuất hiện nhiều những người bất đồng chính kiến và lực lượng đồ sộ dư luận viên.

Đảng CSVN trước nay xử lý theo cách đàn áp những người bất đồng chính kiến, những người phản biện bằng cách bỏ tù và song song là xây dựng lực lượng dư luận viên, tuyên truyền viên ngày càng hùng hậu. Điều này giải quyết được vấn đề xây dựng hình ảnh của đảng trước mắt, nhưng không bảo đảm được sự bền vững tin yêu thực sự trong lòng nhân dân. Đi với nó là đất nước do đảng lãnh đạo trong mắt quốc tế là một chế độ độc tài, trong lòng dân là sự sợ hãi. Đi với hành động đó của đảng cũng là sự tốn kém để nuôi lực lượng dư luận viên, an ninh mật vụ đông đảo. Đi với hành động đó cũng là triệt tiêu những ý kiến tâm huyết, có chuyên môn xây dựng đất nước.

Phải khẳng định rằng, nhu cầu phản biện là nhu cầu chính đáng của con người, là quyền tự do ngôn luận và phản biện là cách khoa học, văn minh để đi đến thành công. Cần phải có sự khuyến khích người dân phản biện lại các chính sách, đường lối về kinh tế, hành chính, y tế, giáo dục… Khi người dân được bày tỏ ý kiến của mình, có những ý kiến cần được xem xét một cách tôn trọng. Họ sẽ không bất mãn mà đi đến kết luận xấu về ý thức hệ, về chủ nghĩa cộng sản.

Chắc chắn rằng nếu các vấn đề nóng bỏng, bức xúc trong xã hội được trình bày và được lắng nghe, không người dân nào quan tâm chuyện đất nước này do thể chế độc tài, hay dân chủ nắm quyền, không ai đòi hỏi lật đổ chế độ cộng sản làm gì, khi mà những điều tâm huyết họ đưa ra mong muốn xây dựng đất nước được tiếp thu.

Gần đây đảng đã có quan điểm về phát triển kinh tế tri thức, đảng kết luận kinh tế tri thức là quan trọng trong công cuộc phát triển đất nước trên con đường CNXH, đảng cũng khẳng định cần tiếp thu những thành tựu văn minh của nhân loại, kể cả những thành tựu của những nước tư bản. Ông Tổng bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng khi trình bày quan điểm về phát triển kinh tế tri thức đã nêu.

Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận và bóc lột, chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ xã hội, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé”, vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Và, chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có.

Để thực hiện những điều ông Trọng nói, không thể bỏ qua những ý kiến phản biện của người dân, của giới trí thức, giới chuyên môn. Nếu bỏ qua, thực sự là hành động theo lối duy ý chí mà bấy lâu nay vẫn đang làm, không có gì là đổi mới cả, ngoài những lời nói của giai cấp cầm quyền.

Thay vì dùng nguồn tài lực khổng lồ, tốn kém để nuôi dưỡng lực lượng an ninh, dư luận viên Đảng CSVN nên giảm biên chế an ninh, giải thể lực lượng dư luận viên, tiến hành tuyển chọn những dư luận viên, an ninh có trình độ đa dạng để thành lập thành những tổ, những ban tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân theo địa phương, bộ ngành. Tuỳ theo mức độ của ý kiến mà tổ chức đối thoại hàng tuần, hàng tháng hay quý. Tranh luận công bằng trên mục đích là phát triển đất nước. Như thế sẽ hạn chế được những người bất mãn với chế độ, xây dựng được hình ảnh thể chế dân chủ, chắt lọc và tận dụng được những ý kiến quý báu trong giới trí thức và quần chúng nhân dân. Thực sự tạo nên sự đoàn kết, hướng tới những giá trị nhân văn. Tránh được sự can thiệp, tác động từ các thế lực bên ngoài lợi dụng mảnh đất phản biện, đóng góp ý kiến, tuyên truyền để đạt mục đích của họ.

Đất của nhân dân mình, hạt giống cũng là từ nhân dân mình. Thể chế nào, chế độ nào cũng cần phải sử dụng làm sao cho hữu hiệu mảnh đất đó, hạt giống đó để phát triển đất nước theo hướng tích cực. Đây là điều những người lãnh đạo, những giai cấp thống trị có trách nhiệm phải làm.

Một chế độ mà có dư luận viên, tuyên truyền viên nói năng bừa bãi, không có lý luận. Một chế độ mà có những người bất đồng chính sách dẫn đến bất mãn chế độ bị bắt bớ liên miên hàng hàng lớp lớp… không bao giờ chế độ ấy đưa đất nước và người dân đến sự hạnh phúc, ấm no một cách bền vững.

Đến lúc giai cấp cầm quyền ở Việt Nam là Đảng CSVN nên xem xét kỹ và có hướng giải quyết hiệu quả cho vấn đề này.

B.T.H.

Nguồn: FB Thanh Hieu Bui

 

This entry was posted in ĐCSVN, Phản biện xã hội. Bookmark the permalink.