Thái Hạo
1. Tín ngưỡng và mê tín
Hoạt động cúng sao, giải hạn, trục vong, xin xăm, bói quẻ… không những không có trong giáo lý của Phật mà còn là tà pháp, bị Thích Ca Mâu Ni phê phán.
Vậy tại sao các chùa Việt Nam lại công khai tổ chức các hoạt động ấy? Họ có thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam hay không? Nếu thuộc, thì trách nhiệm của Giáo hội ở đâu? Hay Giáo hội đã đồng tình, cho phép và cổ vũ những hoạt động này?
Niềm tin, tín ngưỡng là quyền của mỗi người, nhưng lợi dụng nó để thao túng và trục lợi thì có vi phạm pháp luật không? Các cơ quan quản lý nhà nước ở đâu mà để xảy ra tình trạng vỡ trận ấy?
Ai đã dung túng và bảo kê cho các hoạt động này trong chốn thiền môn? Ai phải chịu trách nhiệm về tình trạng mê tín bát nháo này trong xã hội?
2. Nước nào xấu nhất thế giới?
Là Mỹ. Ở các nước như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hàn…, mỗi ngày trên báo và mạng xã hội đều tràn ngập những chuyện xấu xí, tệ hại; người dân luôn bất bình và chỉ trích, thường xuyên có những cuộc biểu tình, những la lối và lên án không ngớt. Từ những chuyện trong giáo dục đến bệnh viện, chợ búa, nông sản; từ một đoạn đường bất hợp lý, một cung cách làm việc của công chức, một ứng xử của chính khách… Nhìn vào truyền thông và biểu đạt của người dân các nước này, thấy sao mà họ lắm điều tệ hại đến thế.
Nhưng đó chính là “bí quyết” của văn minh.
Một đất nước dám nhìn thẳng và sự thật, không né tránh các khuyết điểm, không giấu diếm những sai lầm; một đất nước dám đón nhận những chỉ trích, sẵn sàng lắng nghe và mau chóng hành động để sửa đổi, đất nước ấy sẽ không ngừng phát triển, hoàn thiện và văn minh.
Trên phương diện xã hội, mức độ hài lòng luôn là kẻ thù của tiến bộ. Ở đâu mà chỉ có những điều tốt đẹp, chỉ thích nghe những lời ngợi khen, khó chịu với những góp ý và phê phán, ở đó không có tương lai tươi sáng chờ đợi…
T.H.
Tác giả gửi BVN