Lịch sử đã bị bóp méo như thế!

Nguyễn Xuân Vượng

Trước mặt tôi lúc này là cuốn sách Ngày này năm xưa do Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội và Nhà Xuất bản Lao Động đồng chủ biên.

Như lời giới thiệu sách đã viết, đây là cuốn tư liệu tra cứu lịch sử các sự kiện và nhân vật quan trọng có tầm ảnh hưởng của Việt Nam và thế giới từ cổ chí kim.

Sách này là một công cụ tra cứu hữu ích, giúp cho người đọc tìm kiếm thông tin các sự kiện và nhân vật lịch sử. Sách xuất bản năm 1998 nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Đài phát thanh, Truyền hình Hà Nội và 40 năm giải phóng thủ đô.

Chuyên mục “Ngày này năm xưa” là một chuyên mục được xây dựng và vận hành từ lâu trên hệ thống truyền thanh, truyền hình Hà Nội được người nghe, xem rất ưa thích. Thể theo yêu cầu của khán thính giả, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội đã kết hợp với NXB Lao Động cho ra mắt bạn nghe, xem truyền thanh, truyền hình một ấn phẩm mang đúng tên gọi của chuyên mục “Ngày này năm xưa”.

Cuốn sách có dung lượng khá ấn tượng với 740 trang viết, biên soạn theo thời gian một năm dương lịch 365 ngày, điểm qua tất cả những sự kiện, những cá nhân nổi tiếng ở HN, ở trong nước và quốc tế từ cổ đến kim… Đây được xem là cuốn sách Tư Liệu- Tra Cứu (như một cuốn sổ cái về sự kiện lịch sử vậy!)

Để kiểm tra chất lượng xuất bản phẩm, tôi tra mục “Ngày 17-2” một ngày có sự kiện nổi bật nhất. Có 2 sự kiện xảy ra trong ngày 17/2, được ghi ở trang 86, đó là:

1/-Ngày 17-2-1947, kết thúc 60 ngày đêm chiến đấu dũng cảm của quân và dân thủ đô. Tiêu diệt gần 2.000 quân địch… Đêm 17-2 năm đó các chiến sỹ cảm tử được lệnh bí mật rút khỏi thủ đô…

2/-Lê Hữu Trác, hiệu Hải Thượng Lãn Ông mất ngày 17-2-1720…

Vậy là họ đã cố tình quên đi một sự kiện đặc biệt quan trọng, xảy ra chưa được bao năm, chính xác là mới có 19 năm, đó là cuộc chiến tranh chống quân Trung Quốc (cộng sản) xâm lược ngày 17-2-1979. Không có một dòng, một chữ nào về sự kiện ngày 17/2/1979 được nhắc tới trong cuốn sách tra cứu này!

Tôi đã tự hỏi:

– Sao lại run sợ trước kẻ xâm lược đến vậy?

Thật sự tôi không hiểu nổi việc làm này của nhà cầm quyền Hà Nội. Họ muốn xoá đi lịch sử cuộc chiến tranh vệ quốc đầy hào hùng và bất khuất của nhân dân cả nước khi dân ta đã đổ biết bao xương máu để giữ từng tấc đất biên cương của tổ quốc. Đập tan ý đồ xâm lược của kẻ thù Phương Bắc và vẫn còn đó hàng ngàn nấm mộ của những người trẻ tuổi đang nằm lại dọc biên giới Việt-Trung!

Chưa hết, tra cứu ngày chết của Đặng Tiểu Bình, ngày 19-2-1993, sách này đã ghi ở trang 89 như sau:

“Nhà lãnh đạo Trung Quốc- Đặng Tiểu Bình sinh năm 1904 tại Tứ Xuyên, lúc còn trẻ từng sang học ở Pháp, Liên Xô. Về nước, ông công tác tại cơ quan TW Đảng, trải qua nhiều chức vụ Nhà nước và Đảng- lên tới chức Tổng bí thư.

Ông cũng nhiều lần mất hết chức vụ rồi lại được phục hồi (1966-1976…)

Ngày 19-2-1997, ông từ trần tại Bắc Kinh, thọ 93 tuổi. Ông là một nhà lãnh đạo lão thành, một trong những người chủ chốt mở ra phương hướng mở cửa của Trung Quốc.”

(Hết trích dẫn)

Chắc cũng như tôi, ai đọc đoạn viết này cũng thấy bất ngờ và bất bình vì Đặng là người đã khởi xướng các cuộc chiến tranh cướp phá Việt Nam, dẫn đến cái chết của hàng trăm ngàn người ở cả hai phía, chưa kể ở mặt trận phía Tây Nam với CPC. Tội ác của Đặng Tiểu Bình là không thể bỏ qua trong lịch sử đương đại và mãi mãi trong lịch sử nhân loại. Đặng Tiểu Bình phải được gọi với danh xưng: Tên đồ tể trong thế giới văn minh!

Việc tôn trọng sự thật lịch sử là một yêu cầu chân chính và bắt buộc đối với một xã hội văn minh.

Với những người chép sử cũng vậy, lịch sử cần được ghi chép một cách trung thực, đặc biệt nghiêm cấm việc bóp méo sự thật lịch sử!

Luật pháp cũng đã quy định như vậy! Truyền thông càng không thể bóp méo sự thật lịch sử được!

N.X.V.

Nguồn: FB Nguyễn Xuân Vượng

This entry was posted in Mặc cảm sợ Tàu, Quan hệ Việt - Trung, Sử Liệu. Bookmark the permalink.