Kể chuyện nhà Rồng

Đỗ Ngọc Giao 

29-Jan-2024

Có một con vật lừng danh trong văn hóa dân gian nhiều nơi, mà, để cho tiện, ta tạm gọi là rồng. Thompson [1] xếp mọi thứ ‘rồng’ vô nhóm B11 trong bảng phân loại motif văn hóa dân gian thế giới.

Bài này tìm hiểu con rồng trong chuyện dân gian bên Tây, bên Tàu và bên ta.

1.     CÂU CHUYỆN ‘RỒNG’ ĐẦU TIÊN

D’Huy [2] khảo sát chuyện rồng của 23 nhóm người ở châu Mỹ (10), châu Âu (7), châu Phi (3), Đông Á (2), châu Úc (1), theo 69 nét (trait), thì thấy rồng trong 20-23 nhóm đều có 5 nét sau:

·       rắn bự

·       một đầu

·       ở trong nước hoặc gần nơi có nước

·       dữ dằn

·       đánh rồng

Đó là 5 nét xưa nhứt mà dân gian còn giữ cho rồng, sau hàng ngàn năm lan truyền chuyện rồng. Theo 5 nét đó, ta có thể dựng lại câu chuyện ‘rồng’ đầu tiên như sau:

Rồng là một con rắn bự, một đầu, ở trong nước hoặc gần nơi có nước. Nó dữ nên bị người đánh.

Trong thiên nhiên, những con vật ‘dữ và bị người đánh’ thì đều ở trên cạn, thí dụ cọp, gấu, chớ chẳng có con nào ‘ở trong nước hoặc gần nơi có nước’ hết. Vậy, rồng, theo mô tả bên trên, hẳn là một con vật huyền hoặc chớ không phải là con vật có thực.

Nói cách khác, ‘rồng’ là một ý tưởng mà thôi. Nhưng cái ý đó ắt không phải do người xưa thình lình nghĩ ra, mà là dựa theo một thứ gì có thực chính mắt họ dòm thấy. Blust [3] cho rằng đó là cái mống [trời] mà khắp nơi xưa nay người ta đều thấy, và từ mống tới rồng như vầy:

mống → rắn trời → rồng

Song le, ở đôi nơi, thí dụ châu Úc, người ta nghĩ tới mức giữa là ‘rắn trời’ (rainbow serpent) mà thôi, chớ chưa nghĩ tới mức chót là ‘rồng’.

(Trong bảng phân loại motif của Thompson,1 ‘rắn trời’ là A791.2).

Còn nhiều cách khác giải thích nguồn gốc con rồng, nhưng ta không bàn ở đây, vì không phải chủ đề.

2.     RỒNG TÂY

2.1.        Giới thiệu

Đây là một con vật hay gặp trong chuyện dân gian của những nhóm người nói tiếng Indo-European, tiếng Anh/Pháp gọi là dragon theo tiếng Hy Lạp drakōn nghĩa là ‘rắn’. Ở mục 2 này, xin hiểu ‘rồng’ là dragon.

Rồng có thể mang dạng của rắn hoặc bất kỳ con vật nào khác, dù vậy nó chẳng phải loài vật mà là một thứ ‘siêu nhiên’ (supernatural) ở giữa ‘yêu’ (demon) và ‘quỷ’ (devil) [4], hay phá hại loài người nên sớm muộn cũng bị người diệt trừ. Chuyện ‘người diệt rồng’ (the dragon slayer) được xếp vô type 300 trong bảng phân loại chuyện dân gian thế giới của Aarne-Thompson-Uther (viết tắt ‘ATU 300’) [5], có lẽ đã nảy ra ở vùng biển Hắc Hải [6].

Bên ngoài chuyện dân gian, rồng mang nhiều nghĩa ‘biểu tượng’, thí dụ:

·       tội lỗi (sin) trong Cơ Đốc giáo [7], và trong truyện thánh Cơ Đốc (hagiography), thí dụ truyện ‘thánh George diệt rồng’, lấy cái ý ‘diệt rồng’ ở chuyện dân gian[8],

·       giữ gìn đức hạnh (protector of virtue) thời ‘phục hưng’ ở châu Âu thế kỷ 15-16 [9],

·       thủy ngân trong thuật luyện kim (alchemy) và thuật sỹ luyện kim (alchemist) thời ‘trung cổ’ ở châu Âu, thế kỷ 5-15 [10].

Ngày nay, rồng trắng là biểu tượng cho tánh cách, lịch sử, và ‘dòng máu’ Anglo-Saxon của người Anh [11].

2.2.        Kể chuyện

Dưới đây lược thuật ba chuyện ‘người diệt rồng’. Độc giả quan tâm có thể coi thêm nhiều chuyện ATU 300 mà tôi đã kể ở một bài khác [12].

Stan Bolovan (Romania) [13]

Vợ chồng Stan hiếm muộn, bữa nọ có hai ông thần giả làm lữ khách lỡ đường ghé vô nhà ảnh xin qua đêm. Thấy hai vợ chồng tốt bụng, thần cho ba điều ước. Cả ba điều, Stan đều ước có con, nên được một trăm đứa lận. Nhưng bởi nhà nghèo, Stan phải lên đường đi kiếm tiền nuôi bầy con.

Stan tới một trại cừu, xin vô làm, họ nói không cần, vì lâu nay có một con rồng, đúng nửa đêm, đêm nào cũng như đêm nấy, tới tha đi ba con cừu; nó còn bắt họ đưa sữa cho nó đem về để má nó tắm dưỡng da. Stan tính bỏ đi, nhưng rồi nghĩ lại, và hỏi nếu ảnh giúp họ thoát khỏi con rồng này thì trả công bao nhiêu. Họ nói nếu vậy sẽ trả cho Stan một phần ba số cừu. Ảnh chịu.

Nửa đêm hôm đó, Stan thấy một con rồng bay tới, sấn vô chuồng cừu. Ảnh la: ‘Đứng lại!’.

Con rồng dừng lại, hỏi: ‘Mày là ai?’.

‘Tao là Bolovan, đêm nhai đá, ngày gặm cây. Tao cấm mày đụng tới một con cừu nào ở đây’.

‘Mày mấy hơi mà đòi cấm tao?’.

Stan móc trong túi ra cục phô-mai, nói:

‘Tao có cục đá đây, mày lấy một cục đá bên suối kia, rồi thử sức với tao’.

Rồng lượm cục đá. Stan nói: ‘Mày bóp cục đá chảy ra nước cho tao coi’.

Rồng bóp, cục đá bể vụn chớ không ra nước. Stan bóp, cục phô-mai chảy nước ròng ròng.

Rồng nói: ‘Thôi được, mày mạnh hơn tao. Má tao đang cần một đứa mạnh như mày, mỗi năm làm ba ngày, mỗi ngày trả bảy bao ducat*, mày ưng thì đi’.

Stan ưng liền. Rồng cõng Stan bay về hang. Má rồng, mặt mũi nhăn nheo thấy gớm, đang ngồi nấu thứ gì trên bếp, nghe nó nói xong thì chịu nhận Stan.

Sáng sau má rồng giao việc cho hai đứa: quăng một cây chùy dày bảy lớp sắt để báo tin cho họ nhà rồng. Rồng quăng trước, xa ba dặm, dắt Stan tới đó, nói ảnh quăng. Ảnh ngó cây chùy, nghĩ rằng ảnh với một trăm đứa con của ảnh xúm vô cũng chưa chắc khiêng nổi cây chùy, chớ đừng nói quăng. Rồng hỏi: ‘Sao chưa quăng?’.

Stan nói: ‘Trước khi tao quăng, mày phải lo kiếm đồ ăn cho đủ ba ngày cái đã’.

‘Chi vậy?’.

‘Thì tao sẽ quăng xa tới nơi mà đi tới đó phải mất ba ngày trời’.

Rồng dắt Stan về nhà, lấy đồ ăn. Xong xuôi, trời tối, Stan cũng chưa đi, mà ngồi dòm mặt trăng. Rồng hỏi sao chưa đi, Stan nói: ‘Tao đợi mặt trăng trôi qua cho xa đã’.

‘Chi vậy?’.

‘Lỡ tao quăng cây chùy ghim luôn vô mặt trăng thì làm sao lấy’.

Rồng đâu dám để mất cây chùy của dòng họ nhà nó để lại, nên má nó phải trả Stan bảy bao ducat cho ngày công thứ nhứt.

Ngày thứ nhì, má rồng giao cho mỗi đứa mười hai bong bóng trâu đi ra giếng lấy nước mang về. Rồng trong nháy mắt đã múc đầy mười hai bong bóng, sắp mang về. Stan vác mười hai bong bóng thôi mà đã muốn đứt hơi, nên ngồi đó. Ảnh lấy trong túi ra một con dao cùn, rạch một đường trên mặt đất xung quanh giếng. Rồng hỏi: ‘Mày làm giống gì đó?’

‘Tao thấy má con mày ngu quá’.

‘Sao ngu?’.

‘Mất công ra đây lấy về có mười hai bong bóng nước’.

‘Chớ phải làm sao?’.

‘Tao bê nguyên cái giếng về cho má con mày xài’.

Rồng sửng sốt: ‘Không được,’ bởi giếng này của dòng họ nhà nó để lại.

Stan hỏi: ‘Sao không?’, và rạch đất cho sâu hơn. Rồng nói: ‘Thôi về!’.

Nghe rồng kể chuyện, má nó đành trả Stan bảy bao ducat cho ngày công thứ nhì.

Ngày thứ ba, má rồng biểu hai đứa vô rừng lấy củi. Rồng trong nháy mắt đã bẻ một đống củi bự tới nỗi Stan chưa bao giờ thấy. Rồng bắt đầu bó củi thì Stan bứt một sợi dây mây, leo lên một cây, cột dây, rồi leo xuống kéo dây qua một cây khác, leo lên cột dây, cứ vậy ảnh làm miết.

Rồng hỏi: ‘Mày cột dây đặng chi?’.

‘Đặng khỏi mất công nhổ từng cây’.

‘Rồi làm sao khiêng về?’.

‘Đồ ngu, tao khiêng trọn cái rừng này về’.

Rồng giựt mình, cản: ‘Thôi thôi, đừng nhổ rừng. Đi về’.

Rồng ôm củi về trước, kể chuyện, biểu má nó trả Stan bảy bao ducat cho ngày công thứ ba. Nhưng má nó tiếc của, bàn với nó đêm nay sẽ giết Stan.

Stan về nghe họ nói sáng mai mới trả tiền cho mình, thì đâm nghi. Đêm xuống, ảnh lấy cái máng heo úp trên giường, đắp mền lại, rồi chun xuống gầm giường, núp, tới nửa đêm, ngáy khò khò giả đò đang ngủ. Rồng lấy cây chùy, nhón chưn đi vô, nhắm ngay cái chỗ mà nó cho là cái đầu của Stan, giơ chùy xáng cái bốp. Stan rên một tiếng, rồng nhón chưn đi ra, mừng húm vì đã thoát được cái thằng ‘đêm nhai đá, ngày gặm cây’ này.

Sáng sau thấy Stan đứng sờ sờ trước mặt, hai con rồng thất kinh, làm bộ hỏi: ‘Đêm qua mày ngủ ngon chớ?’ Stan nói: ‘Ngon lắm, nhưng có một con muỗi mắc dịch chích tao một cái ngay trán, tới giờ còn ngứa đây nè’.

Hai con rồng mặt xanh như tàu lá, đưa Stan bảy bao ducat cho ảnh về. Nhưng Stan chưa chịu về, vì đâu mang nổi hai mươi mốt bao ducat. Ảnh nói: ‘Số này ít lắm, tao muốn ở với tụi bây ba năm nữa. Còn nếu muốn tao về liền, thì phải khiêng về tới nhà tao cho tao’. Rồng cõng Stan và hai mươi mốt bao ducat về nhà cho ảnh. Tới nhà, thấy một trăm đứa con của Stan xông ra, đứa nào cũng một tay cầm dao một tay cầm nĩa, la lên: ‘A, ba đem thịt rồng về kìa!’.

Rồng ta hoảng sợ, quăng hết mọi thứ, lật đật bay đi, từ đó về sau hết dám xuống trần.

(* ducat: tiền vàng xài ở châu Âu trước thế kỷ 18).

Shippei Taro (Nhựt Bổn) [14]

Xưa có ông sư đi tìm thầy học đạo, ngày nọ tới một làng bên núi, thấy nhà nào trong làng cũng đang làm mochi*, như sắp xảy ra lễ hội gì đó. Nhưng có một nhà không thấy làm mochi, mà nghe tiếng khóc bên trong. Sư lấy làm lạ, vô nhà, thấy mọi người xúm lại bên một đứa con gái, than khóc ỷ ôi. Sư mới hỏi có chuyện chi vậy. Chủ nhà kể rằng:

‘Trong bảy ngày nữa, nhà tui phải cúng đứa con này. Số là trên núi từ lâu lắm rồi có một cái đền thờ thần nào không biết, nhưng mỗi năm tới mùa gặt dân làng phải cúng cho thần một đứa con gái. Nếu làng không cúng, thần sẽ làm giông cho lúa chết hết. Năm nay tới phiên nhà tui, mà tui có đứa con gái này thôi, hu hu’.

Sư nghĩ một hồi, nói:

‘Thôi được rồi, con ông khỏi cúng, để ta thế mạng cho’.

Sư liền đi lên núi, kiếm đền coi cho biết. Đó là một cái đền xếch xác. Kế đền là một cây tùng sum sê. Sư núp vô đó rình. Nửa đêm, thấy một bầy con gì tuôn lên sân đền. Có một con bự nhứt, làm như chúa bầy, lên tiếng hỏi:

‘Shippei Taro có đây chăng?’.

Một con trả lời: ‘Đêm nay Shippei Taro không có đây’.

Rồi chúng mở cửa đền, kéo nhau vô. Sư núp sau cây tùng nghe chúng hát như vầy:

Đừng nói chuyện chi

Đừng cho Shippei Taro biết

Nó ở Nagahama Oumi

Đừng cho Shippei Taro biết

Suten, sutten, sutten ten. Bim bam, bim bam.

Nghe tiếng hát, sư đoán rằng bọn chúng trên đời này sợ một mình Shippei Taro mà thôi.

Hửng đông, sư trở về làng, hỏi đường ra chợ Nagahama ở quận Oumi, kiếm Shippei Taro. Tới nơi, sư đi từng nhà hỏi dọ Shippei Taro là ai, thì, lạ thay, chẳng người nào biết. Hết mấy ngày rồi, sư ngồi nghỉ bên đường, chưa biết tính sao, thì thấy một con chó bự như con bê đi ngang. Sư dòm theo nó, chợt nghe tiếng ai gọi:

‘Shippei Taro!’

Té ra Shippei Taro chính là con chó này! Sư mừng quýnh, tới gặp người chủ con chó, kể chuyện, xin mượn con chó đi cứu mạng đứa con gái. Người kia chịu liền. Sư hối hả dắt con chó về làng.

Ngày thứ bảy, dân làng vẫn chưa thấy sư đâu. Ở nhà kia, đứa con gái đã bận kimono màu trắng, ngồi vô hòm, mà người nhà còn dùng dằng, kêu khóc, chưa chịu đưa đi. Dân làng có kẻ mủi lòng khóc theo, có kẻ hối đi cho lẹ, sợ thần quở.

Họ bắt đầu khiêng hòm lên, thì sư về tới, dắt theo Shippei Taro, thở dốc. Sư biểu dân làng đem đứa con gái trong hòm ra, để ổng và con chó vô, rồi khiêng cả hai lên núi cúng thần, thế cho đứa con gái. Vài người nói làm vậy sẽ bị thần phạt, nhưng rồi họ cũng khiêng cái hòm có ông sư và con chó đi lên núi. Tới sân đền, họ đặt hòm xuống, quay lưng chạy liền, không dám dòm lại.

Nửa đêm, bầy yêu tuôn tới đền. Chúng nhảy cà tửng xung quanh cái hòm, ca hát vang rân:

Đừng nói chuyện chi

Đừng cho Shippei Taro biết

Nó ở Nagahama Oumi

Đừng cho Shippei Taro biết

Suten, sutten, sutten ten. Bim bam, bim bam.

Rồi bọn chúng mở nắp hòm. Tức thì, Shippei Taro hú một tiếng, nhảy vọt ra, cắn xé bầy yêu. Sư cũng bước ra, rút gươm, chém lia lịa.

Sáng sau, dân làng tưởng sư bị thần xơi rồi, họ kéo nhau lên núi coi. Thấy xác khỉ ngổn ngang khắp nơi. Một con bự sầm bành, lông cứng như gai, bị Shippei Taro cắn đứt họng, cũng nằm chết đó.

Về sau dân làng khỏi phải cúng người nữa.

(* mochi: thứ bánh làm bằng gạo nếp ăn dịp năm mới).

Thằng nhỏ với con rồng (thổ dân Canada) [15]

Thằng nhỏ kia ở bên bờ biển, bữa nọ nghe đồn có một con rồng bự từ đâu vô đất liền, biến ra đàn ông lịch sự đi rù quến đàn bà con nít đặng ăn thịt, chiến binh bộ lạc chẳng làm gì được nó vì đâu biết nó biến ra ai. Thằng nhỏ nghe vậy nổi máu hiệp sỹ, bỏ nhà lên đường diệt rồng.

Nó đi nhiều ngày chưa kiếm ra tăm dạng con rồng, thì, chiều hôm nọ, đang đứng trên một cái gò, thình lình nó thấy kế bên có một anh đứng đó từ hồi nào. Anh này tốt trai, nói chuyện dễ nghe, hỏi nó đi đâu, nó nói đi chơi chớ không nói đi kiếm rồng. Ảnh mời nó về ở qua đêm với ảnh, có đồ ăn. Thấy ảnh dễ mến, nó đi theo.

Tới nhà của ảnh, thằng nhỏ thấy trước cửa có một đống xương, dòm bắt ớn nhưng nó làm lơ. Trong nhà có một bà già cúp bình thiếc, đang nấu gì trong nồi. Bả múc ra, nó thấy đó là thịt hầm, nhưng sợ không dám ăn, xin bả cho bắp luộc.

Ăn xong, anh kia đi ra kiếm củi, thằng nhỏ ngồi nói chuyện với bà già. Bả cho nó biết, tên chủ nhà này là con rồng biến ra, ngày mai sẽ ăn thịt nó. Bả đưa nó một đôi moccasin và một miếng bùa bằng vỏ cây birch, nói:

‘Đôi này có phép chạy nhanh, sáng mai con mang vô, chạy lên đồi kia, gặp ai thì đưa miếng bùa cho họ, rồi họ nói làm chi thì làm nấy, và nên nhớ rằng dù con chạy lẹ cỡ nào thì cuối ngày con rồng cũng đuổi kịp. Còn nữa, bà bị mắc bùa của con rồng, sáng mai trước khi đi, con xáng cho bà chết, đắp cái robe này lên người bà, đặng phá bùa của nó, thì bà mới sống lại như trước’.

Thằng nhỏ dấu đôi moccasin và miếng bùa, rồi đi ngủ. Con rồng ngủ kế bên, sợ thằng nhỏ trốn. Sáng, rồng ra suối lấy nước, thằng nhỏ y theo lời bà già dặn, vọt lên đồi, gặp một ông già, đưa miếng bùa cho ổng. Ổng đưa nó một đôi moccasin khác, một miếng bùa khác bằng vỏ cây birch, dặn nó chạy tới một chỗ khác đưa cho một người khác.

Lần này nó gặp một ông già hơn, đưa nó một đôi moccasin khác và một miếng bùa khác bằng lá cây maple, dặn nó chạy tới một chỗ chót đưa cho một ông chót.

Lần này nó gặp một ông còn già hơn, đưa nó một đôi moccasin khác và một miếng bùa khác bằng lá cây maple, dặn nó xuống suối kia bước vô cứ đi đừng sợ nhưng đừng dòm xuống nước, cầm lá bùa này muốn biến ra hình gì cũng đặng. Thằng nhỏ theo dòng suối tới một cái bàu thì trời đã tối, ngay lúc đó nó thấy con rồng hiện nguyên hình đứng sau bụi cây. Thằng nhỏ huơ lá bùa, biến ra con cá vây đỏ bơi dưới bàu. Rồng tới bên bàu, thấy con cá, hỏi: ‘Mày có thấy thằng nhỏ mới đứng đây không?’. Cá nói không, rồi bơi ra giữa bàu.

Rồng đi dọc bờ bàu, gặp một con cóc, hỏi: ‘Mày có thấy thằng nhỏ nào gần đây không?’.Cóc nói không, rồi nhảy vô bụi.

Rồng thấy một con cá bự ngóc đầu đớp ruồi, hỏi: “Mày có thấy thằng nhỏ nào gần đây không?’. Cá nói: ‘Mày mới nói chuyện với nó đó’, rồi lặn xuống.

Rồng quay lại kiếm cóc, không thấy, gặp một con chuột xạ (muskrat), hỏi: ‘Mày có thấy thằng nhỏ nào gần đây không?’. Chuột nói thằng nhỏ mới chạy qua. Rồng đi tới, găp một con rùa, hỏi: ‘Mày mới thấy một thằng nhỏ đi qua phải không?’. Rùa nói: “Nó đang ở dưới sông, nhưng mày coi chừng mất mạng nếu gặp nó mà không nhận ra nó’.

Rồng tới sông, sợ lộ hình tích, liền biến ra con rắn, nhảy xuống, bơi đi kiếm thằng nhỏ. Thằng nhỏ, đang là con cá, nhờ bùa nên có sức mạnh, bơi vòng vòng làm ra một cái xoáy thiệt lớn bên dưới sông. Rồng đâu biết, nên bơi vô xoáy, bị nước cuốn xuống đáy sông, chết chìm. Thằng nhỏ kéo xác rồng lên bờ, chặt đầu, rồi đổi lại hình người, đem đầu rồng nộp cho ông tù trưởng, kể lại mọi chuyện, được ổng thưởng lớn. Nó ghé lại nhà con rồng, không thấy bà già ở đó nữa, tin rằng bả đã sống lại và đi rồi.

Về sau, người Indian [thổ dân Bắc Mỹ] ghét giống rắn lắm, hễ gặp là giết liền, vì nó là con rồng biến ra.

2.3.        Thảo luận

Ở chuyện Stan Bolovan, vai chánh không đủ sức diệt rồng, mà dùng trí khôn để chế ngự nó, vậy cũng được rồi.

Ở chuyện Shippei Taro, độc giả ắt có thắc mắc vì sao gọi khỉ là rồng, thì, như đã giới thiệu ở 2.1, rồng có thể mang dạng của rắn hoặc bất kỳ con vật nào khác, mặc dù Thompson1 chưa ghi nhận ‘rồng mang dạng khỉ’ trong bảng phân loại motif của ông. Chuyện này có hai motif quan trọng là B11.10 ‘cúng người cho rồng’ và B11.11 ‘người đánh rồng’, nên con khỉ trong chuyện chính là rồng vậy.

3.     RỒNG TÀU

3.1.        Giới thiệu

Đây là một con vật huyền hoặc mà tiếng Việt gọi là long, dựa theo cách đọc chữ  bằng tiếng Sinitic của cư dân gốc Tàu ở An Nam thời trào Đường. Trong chuyện dân gian, longkhông phá hại loài người như dragon bên Tây, mà long có những nét khác, thí dụ:

·       cứu người (B11.6.1.2),

·       bị người ăn trộm trái châu (B11.6.2.3),

·       Long Vương (B11.12.5),

·       Long Vương lấy vợ người phàm, người phàm lấy con gái Long Vương (B11.12.7).

Bên ngoài chuyện dân gian, long mang nghĩa biểu tượng là ‘quới nhơn’ (holy men/beings), gồm cả vua chúa, với những hình dạng mỗi thời một khác, thí dụ long thời trào Hán gồm 9 thứ ghép lại: sừng nai, đầu lạc đà*, mắt quỷ*, cổ rắn, bụng ngao, vẩy cá chép, vuốt chim ưng, bàn chưn cọp, tai bò, chưa kể cục u trên đầu kêu bằng ‘xích mộc’ để biết bay [16], đôi khi còn ghép thêm trái châu, một motif trang trí của người Trung Á [17].

(* lạc đà và quỷ là hai con vật được người phương tây ghép với dragon [18]).

3.2.        Kể chuyện

Dưới đây lược thuật một chuyện ‘người phàm làm rể Long Vương’.

Con heo làm nóng nước biển [19]

Xưa có anh đầu trọc, mồ côi, hàng ngày cắt cỏ bán. Ảnh mua một con heo mới đẻ, nuôi cho có bạn. Ai dè con heo càng lớn càng còi, in hệt con chuột.

Bữa nọ có người Muslim đi ngang, thấy con heo của Trọc, xin mua một trăm lượng bạc. Trọc hỏi:

‘Ông mua con heo làm chi? Nói thiệt đi’.

‘Đây là con heo làm nóng nước biển. Chú em đặt một cái nồi trên bờ biển, bỏ nó vô, chế nước: hễ nước trong nồi nóng bao nhiêu thì nước biển nóng bấy nhiêu. Nếu đun cho nước sôi thì nước biển cũng sôi và bay hơi hết ráo, lúc đó chú em mặc sức lấy châu báu dưới đáy biển’.

Nghe vậy Trọc thôi không bán, sáng sau bỏ heo vô nồi đem ra bờ biển với một bó củi. Ảnh đun nước nóng lên, thì, y như người Muslim nói, nước biển cũng nóng lên và bốc hơi mù mịt. Thình lình, một tên lính hầu của Long Vương dưới biển nhảy lên bờ, la lớn:

‘Đừng nấu nữa! Long cung muốn sập rồi!’.

Trọc hỏi: ‘Ủa, tui đang nấu thịt heo mà. Long cung ở đâu?’.

Lính đang nói thì Long Vương hiện ra trên đầu sóng, mặc hồng bào, nói:

‘Ngừng nấu, chú em! Muốn gì, ta cho nấy’.

Trọc rút củi dập lửa, con heo còn sống. Long Vương mời Trọc xuống thăm long cung, lính hầu cầm cờ đi trước rẽ nước thành đàng. Sóng bủa ầm ầm xung quanh nhưng họ đi tới long cung mà mình mẩy khô queo. Tiệc đã dọn sẵn.

Trọc chơi bốn năm ngày ở long cung, quen một lính hầu trong bếp. Bữa nọ y biểu Trọc:

‘Anh về làm sao Long Vương cũng tặng vàng bạc, nhưng đừng nhận, mà lấy cái bình bông thứ ba trên bàn thôi’.

Trọc về, Long Vương muốn tặng cái bầu phép, nhưng ảnh xin cái bình bông thứ ba trên bàn. Long Vương ban đầu dường như không chịu, nhưng rồi cũng cho, và sai một viên tướng cua đưa ảnh trở lên bờ, cái nồi với con heo đã mất tiêu hồi nào.

Trọc vô nhà để bình bông trong bếp, rồi đi cắt cỏ. Chiều, về nấu cơm. Trên bàn đã có sẵn một dĩa đầy cơm, một dĩa đầy thịt. Ảnh tưởng ai nấu, hỏi: “Có ai đây không?’ nhưng nhà lặng trang, nên ngồi ăn luôn.

Chiều hôm sau, Trọc cũng thấy có sẵn một dĩa đầy cơm, một dĩa đầy thịt. Hôm sau nữa, ảnh ở nhà, lấy cái thùng không, soi lỗ dưới đít thùng, núp vô rình.

Một hồi, bình bông biến ra một cô đẹp như tiên, đi lại dọn dẹp nấu nướng. Chờ có vậy, Trọc chạy ra ôm đại cô đó, hỏi chuyện. Cổ nói cổ là con gái thứ ba của Long Vương, biến ra bình bông và bị ảnh đem về đây. Trọc nghe ai gõ đầu mình một cái, rồi tóc đen mọc kín, bởi vậy từ giờ ta sẽ gọi ảnh là Bảnh. Công chúa rút cái trâm bạc, ra đồng vạch xuống đất một đường, tức thì hiện lên một cái nhà thiệt bự, hai người ở đó.

Trong vùng có phú ông họ Trương hay cậy thế làm tàng. Bữa nọ ngồi kiệu đi ngang thấy nơi đồng trống trước đây nay có cái nhà bự, bèn ghé coi. Bảnh mời vô. Trương ngó công chúa đẹp thấy mê, thì nói với Bảnh:

 ‘Nhà mày kế đường cái mà sao không có hào? Trong ba ngày, mày phải làm xong hào, bằng không, vợ mày là của tao nghen’.

Bảnh kể vợ nghe. Công chúa biểu đi mua một trăm cái áo bằng xơ dừa, một trăm khúc cây, một trăm cái nón, rồi đem cây cắm sau nhà, mỗi cây treo một cái nón, một cái áo. Bảnh làm theo. Ba ngày sau, Trương tới thấy một cái hào rộng sáu thước* quanh nhà. Y nói:

‘Hào có rồi nhưng sao cạn queo? Nếu trong ba ngày, hào không có nước sâu năm thước, với một con long, thì vợ mày là của tao nghen’.

Bảnh kể vợ nghe. Công chúa đưa ảnh cục ngọc rẽ nước, dặn xuống long cung xin hoàng hậu cho mượn một con long.

Bảnh ngậm ngọc xuống tới dưới, thì hết thảy long đã theo Long Vương đi thăm thiên đình, may thay, còn một con làm biếng không đi mà ở lại vườn ngủ. Bảnh mượn nó về, cho ngủ trong hào, mỗi lần ngáp phun ra một đống nước, chẳng bao lâu nước đã sâu năm thước.

Ba ngày sau, nước ngập hào. Trương lại gần coi, bị con long phun cái phèo ướt nhẹp từ đầu tới chưn. Y nổi nóng, nói:

‘Hào nước có rồi sao chưa có hàng cây trên bờ? Trong ba ngày mà chưa có cây nào bên bờ hào, vợ mày là của tao nghen’.

Bảnh kể vợ nghe. Công chúa biểu vô rừng chặt mấy cây về cắm dọc bờ hào. Bảnh làm theo. Ba ngày sau, Trương tới thấy một hàng cây mọc dày khít, cao ngang đầu người. Trương lại gần coi, bị cây đụng vô đầu sưng vù, gai đâm vô tay tươm máu. Y tức tối, nói:

‘Cây có rồi, sao chưa thấy chim hót? Trong ba ngày, chưa có con chim nào nơi hàng cây này, vợ mày là của tao nghen’.

Y bốc một chút đất vo lại, đắp lên cục u trên đầu, bỏ về.

Bảnh kể vợ nghe. Công chúa biểu ảnh mua mấy tờ giấy, rồi cổ cắt giấy xếp hình cả trăm con chim, phóng lên trên không, biến thành chim bay vô hàng cây hót líu lo. Ngày thứ ba, Trương tới, đầu còn sưng, tay còn còn nhức, ngồi xuống coi chim, bị chim ỉa một bãi trên đầu. Bảnh la: ‘Đồ quỷ!’. Trương hùa theo:

‘Mày nói phải đa, còn thiếu đồ quỷ. Trong ba ngày, mày chưa kiếm ra món đồ quỷ nào, thì vợ mày là của tao nghen’.

Y vốc nước dưới hào rửa cứt chim trên đầu, bỏ về.

Bảnh kể vợ nghe. Công chúa dặn ảnh ra bờ biển, dòm hướng đông, la ‘đồ quỷ’ ba lần, sẽ có một cái hũ đựng đồ quỷ trôi lại, thì vớt lên đem về, nói Trương muốn coi mở nắp sẽ thấy.

Bảnh làm theo. Ba ngày sau, Trương tới, mở nắp hũ, một tia lửa xẹt ra làm râu tóc, lông mày, lông mi của y cháy hết trọi. Cùng lúc đó có tiếng trong hũ nói ra:

‘Đồ quỷ là mày chớ ai. Cái đồ giựt vợ người khác!’.

Trương bưng mặt ra về, từ đó không dám léo hánh bên đây nữa.

(* 1 thước = 0.3 m)

4.     RỒNG TA

4.1.        Giới thiệu

Eberhard (1909–1989), học giả người Đức, khảo sát những nền văn hóa bổn địa ở miền nam xứ Tàu trước Công nguyên, cho biết như sau [20]:

Trong văn hóa Tai [của những nhóm nói tiếng Tai-Kadai], có một con vật mang tánh ‘thiện’, tạo ra mưa và sức sống cho vạn vật (fertility) – mà ở đây ta cũng tạm gọi là long, với nghĩa là ‘thần mưa’ (motif B11.7).

Thời xưa, mồng hai tháng Hai, theo lịch Tàu, là ngày long lên trời làm mưa. Thời nay, hai tháng Hai là ngày cúng thổ địa hoặc thần tài, rằm tháng Giêng là ngày long lên trời (motif B.11.3.3) và rằm tháng Bảy là ngày long xuống đất/nước (motif B11.3.1).

Gắn với long là huyền thoại ‘mẹ đẻ của long’ hoặc ‘cha nuôi của long’ đại khái như sau:

·       bà kia xuống dưới nước hoặc tới gần nước làm gì đó, về sau có bầu, đẻ ra long, rồi chết, và người ta thờ bả hoặc hai má con bả để cầu mưa và sức sống cho vạn vật;

·       ông nọ nuôi một con rắn bốn chưn nở ra từ một cái trứng, khi nó lớn thì thả đi, nó cắn người ta, ổng phang nó đứt đuôi, nó thành long bay lên trời và người ta thờ nó để cầu mưa.

4.2.        Kể chuyện

Dưới đây lược thuật bốn chuyện long ‘thần mưa’ ở xứ ta.

Sự tích đền Thị Cận [21]

Xưa ở xã Quỳ Trạch, huyện Đông Thành, tỉnh Nghệ An, có vợ chồng ông Hoàng Phúc Hựu và bà Võ thị Quyền, ngoài năm chục tuổi chưa có con. Bữa nọ bà Quyền xuống khe tắm, về nhà có bầu, sau đẻ hai đứa con: một tên Cảnh Kỳ có mình rắn và một tên Tiến Sơn có mình thuồng luồng [cũng là rắn].

Hai con rắn ở với cha mẹ ba năm như người ta, rồi một hôm, trong cơn mưa, bị cuốn lên không mà chết. Tiến Sơn rớt xuống núi Thị Cận, moi đất thành một cái đầm sâu, được dân làng lập miếu thờ, hễ có hạn hán tới đó cầu mưa ắt sẽ nghiệm. Cảnh Kỳ thì rơi xuống xã Hoa Lâm, cũng moi đất thành một cái đầm sâu và được dân làng lập miếu thờ.

Chuyện ba chàng rắn [22]

Thời trào Lý, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tịnh [nay là Hà Tĩnh], có vợ chồng ông Trần Thế Vinh và bà Nguyễn thị Thoại, lấy nhau mười lăm năm trời không có con. Bữa nọ bà Thoại thấy một vì sao trên trời rớt vô lu nước mưa. Hai ông bà uống nước lu đó, rồi bà có bầu nhưng lâu không đẻ, làm như bị báng…

Ba năm sau, ngày đầu tháng Giêng, giữa trưa, bà Thoại đẻ ra ba cái trứng màu xanh. Mười tháng sau, ba trứng nở ra ba con rắn: con thứ nhứt mình xanh đầu đỏ, con thứ nhì mình đốm đầu xanh, con thứ ba mình trắng đầu đen, mỗi con dài một thước hai tấc.

Rắn lớn lẹ lắm, ông Vinh đi đâu chúng cũng bò theo. Bữa kia ổng dẫy cỏ lỡ tay phang một con đứt đuôi, phun máu. Bỗng nhiên, nó biến ra một anh cao mười thước [ta], nói:

‘Thưa ba má, anh em con là quan trên trời, mắc tội nên bị đày xuống phàm. Hai em con ở lại sau này ra giúp nước, còn con sẽ lên cao phun mưa xuống để nhớ chuyện vừa rồi [đứt đuôi, phun máu]’.

Hai em nó sau làm tới nguyên soái, được vua cho lập miếu thờ mà tới thời trào này [trào Nguyễn] vẫn còn thiêng.

Ông Cụt và Ông Dài [22]

Ở làng Xuân Canh, huyện Đông Thành, tỉnh Nghệ An, có hai vợ chồng nghèo, làm cỏ mướn, tuổi hơn bảy chục, mà chưa có con. Bữa nọ dẫy cỏ bên sông, bà già thấy hai cái trứng bự hơn trứng ngỗng. Ông già lượm về nhà, sáng sau trứng nở ra hai con rắn. Hai người đem rắn ra bờ sông bỏ đó, vì nó là giống ở dưới nước. Nhưng chúng vẫn bò về nhà.

Hai người đành để lại nuôi. Hai năm sau rắn bự như bắp chưn người lớn. Ngày nọ, một con xớ rớ bên bà già đang dẫy cỏ, bị bả phang đứt đuôi. Ông già đem con rắn cụt đuôi về nhà săn sóc, mấy ngày sau lành. Hai người tính thôi không nuôi rắn nữa, vì họ đã già. Họ đem chúng ra bờ sông, la lớn:

‘Ai ở dưới nước lên nhận con nè!’

Rồi thảy hai con xuống. Tức thì chỗ đó mặt nước nổi bong bóng, hai con rắn chìm xuống.

Ba ngày sau, buổi chiều, họ thấy hai tên ăn bận đẹp đẽ tới nhà nói:

‘Thưa ba má, cha con sai con dặn ba má bây giờ già rồi, khỏi cần làm nữa, muốn gì thì nói [cha con sẽ đưa]. Khi ba má mãn phần, tụi con sẽ làm đám ma y theo lệ làng’.

Về sau cặp rắn trở thành thần [kêu bằng Ông Cụt và Ông Dài], một ở đền làng Xuân Canh, một ở đền làng kế bên, cách nhau con suối. Mỗi khi trời hạn, dân làng bắc một cây cầu tre [ngang suối] giữa hai cái đền, đặt đồ cúng lên, vái. Đốt sớ xong, dân làng về liền, không thôi mưa xuống làm ngập suối và cuốn luôn cây cầu.

Ông Cụt và Ông Dài [23]

[Đây là sự tích một cái đền thờ rắn ở làng Già, xã Huống Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, có sắc phong của cả ba vua Minh Mạng, Tự Đức và Đồng Khánh].

Cuối thời trào Trần, có bà kia người làng Già lấy chồng làng Xuân Lạp; chồng chết, bà ở vậy, nuôi tằm, hàng ngày đi hái lá dâu bên bờ sông làng Văn Nội, xã Cam Giá.

Một bữa nọ, giờ ngọ, bà uống nước bên bờ sông, lượm được hai cái trứng, đem về bỏ vô ổ gà cho ấp. Hơn nửa tháng sau, trứng nở ra hai con rắn, một trắng, một đen, dài chừng thước ta, có mào đỏ trên đầu. Bà thả vô lu nuôi.

Rắn lớn, dân làng sợ, kêu bà đem qua làng Xuân Lạp thả xuống giếng, nhưng rồi họ vẫn thấy cặp rắn bò về. Bà đem rắn qua làng Đãng thả xuống giếng, rồi đem ra sông Đồng Mỗ thả xuống vực Bầu, vực Cột, vực Xảnh, nhưng chẳng hiểu sao bốn lần thì lần nào rắn cũng bò về.

Bà bèn đem cặp rắn thả xuống vực Cả, biểu chúng đừng về, không thôi bà sẽ bị dân làng đuổi đi. Rắn mới nghe, ở lại, và chẳng làm hại ai. Sau đó, có việc muốn qua sông, bà gọi chúng lên cõng qua, mấy lần như vậy.

Một bữa rắn theo bà đi chặt dâu, con màu đen bị bà lỡ tay phang đứt đuôi (bởi vậy về sau mới kêu Ông Dài, Ông Cụt). Rồi bà bị bịnh, chết. Nửa đêm, dân làng sắp đưa bà lên cáng, thì trời nổi giông trút mưa ngập làng. Đang mưa, hòm bà biến mất, ai nấy kinh sợ. Sáng sau, thấy xác cá trắng đồng, dân làng nói bà đã thành thần làm phước cho làng.

Sau, lúa má trâu bò chết lần lần. Dân làng lo sợ, hỏi thầy pháp. Thầy nói làng đã thấy thần rắn xuống đầu thai, mà không biết, nên giờ phải kiếm gỗ quý chạm hình rắn, làm đền, đưa vô thờ. Dân làng nghe theo, nhưng không hiểu sao khi thợ chạm tới đâu thì gỗ bể tới đó. Có ông già nói muốn xong thì phải lấy gỗ ở bờ sông nơi bà má nuôi của thần rắn hồi xưa chặt dâu; thợ ra đó, thấy một cây mít già có hai con rắn trên ngọn y như người ngồi, liền kêu dân làng ra đốn cây này đem về Khu Làng Trai* trổ tượng hai con rắn, dài bằng nhau, nội một ngày thì xong. Đền làm trên núi Giá Sơn, hàng năm thờ cúng ở đó. 

Sau dân làng Văn Nội cũng bị họa như trên, cũng dựng đền cho bà má nuôi của thần rắn ở nơi có bãi dâu, phong cho bả làm Thánh mẫu, thì chuyện mới êm … Muốn cầu hết bịnh hoặc có mưa, dân tới đền vái là được. Rồi quan quyền khi hữu sự cũng làm theo. Các trào vua đều ban sắc phong cho bà làm ‘thượng đẳng thần’, tới nay [thời trào Nguyễn] tục thờ vẫn còn. Hàng năm ngày 7 tháng 7, dân làng mở hội rước tượng rắn và đua chải…

(* chữ Nôm: 塸廊齋).

4.3.        Thảo luận

Hai chuyện ‘đền Thị Cận’ và ‘ba chàng rắn’ có những nét giống như huyền thoại ‘mẹ đẻ của long’.

Hai chuyện ‘Ông Cụt Ông Dài’ có những nét giống như huyền thoại ‘cha nuôi của long’.

Tóm lại, những con rắn có tánh ‘thiện’, như trong bốn câu chuyện trên, đều là bổn sao của long ‘thần mưa’ trong văn hóa Tai ở miền nam nước Tàu trước Công nguyên, đưa sang nước ta từ bao giờ chưa rõ.

Ngoài đời, ở châu thổ sông Hồng, ngày nay, vẫn còn tục thờ Ông Cộc - Ông Dài như là long‘thần mưa’, thí dụ đền Chóa (xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) [24].

Nói chung, tục thờ long ‘thần mưa’ hay gặp từ miệt Quảng Bình trở ra, thí dụ:

·       miếu Long vương, ven bàu Tró ở Quảng Bình, ‘gặp hạn hán, cầu đảo ứng ngay’ [25],

·       đền thờ Long thần, ven đầm Quỳ ở Nghệ An, ‘mỗi khi cầu mưa liền được linh ứng’[26],

·       đền thần Quảng Tế ở Tuyên Quang, ‘gặp năm hạn hán, cầu đảo liền được mưa’[27].

Xin nhắc lại rằng ‘Long vương’ hoặc ‘Long thần’ ở những đền miếu trên thì đều là long ‘thần mưa’, chớ không phải là Long Vương trong văn hóa Tàu nêu ở mục 3.

Ngoài ra, ta được biết ở Biên Hòa cũng có đền Long vương, ‘dân địa phương cầu đảo đều được linh ứng’ [28]. Nếu hiểu ‘cầu đảo’ là ‘cầu mưa’, thì ‘Long vương’ ở đền này có thể cũng là long ‘thần mưa’. Đền này ngày nay ở Thủ Đức [29].

Trong niềm tin của dân ta ngày xưa còn một con vật nữa, cũng hình rắn, mang tánh ‘ác’, đó là giao ‘thần sông’, mà tôi đã có dịp giới thiệu ở một bài khác [30]. Giao ‘thần sông’ ngoài miền bắc cũng có nơi thờ, nhưng, tất nhiên, nó không phải là long ‘thần mưa’.

Dân ta cũng hay dùng hình con long với nghĩa biểu tượng là ‘quới nhơn’ của người Tàu, để trang trí cung điện, lăng tẩm, đền chùa. Alves [31] cho rằng rồng là cách đọc chữ  trong tiếng Sinitic của cư dân gốc Tàu ở Giao Châu thời trào Tấn. Vậy có lẽ long ‘quới nhơn’ đã được di dân gốc Tàu đem qua xứ ta từ thời trào Tấn, khi đó gọi là rồng.

5.     KẾT LUẬN

Tới đây ta đã coi chuyện nhà Rồng và tóm lại như sau.

type / motif

gốc

bên Tây

bên Tàu

bên ta

ATU 300. người diệt rồng

văn hóa Indo-European

không

có ít

B11.12.5. Long Vương

văn hóa Ấn?

không

B11.7. long ‘thần mưa’

văn hóa Tai

không

dragon ‘tội lỗi’

văn hóa Indo-European

không

không

long ‘quới nhơn’

văn hóa Tàu

không

Rồng thực ra vẫn còn nhiều điều chưa nói hết, nhưng tôi xin hẹn dịp khác vậy.

Chú thích:

[1] Stith Thompson (1955) Motif-index of folk literature: A classification of narrative elements in folktales,

ballads, myths, fables, mediaeval romances, exempla, fabliaux, jest-books, and local legends.

[2] Julien d’Huy. Le motif du dragon serait paléolithique: mythologie et archéologie. Bulletin Préhistoire du Sud-Ouest – no. 21/2013-2.

[3] Robert Blust. The origin of dragons. Anthropos, Bd. 95, H. 2. (2000).

[4] Moncure Daniel Conway (1879) Demonology and devil-lore, vol I, p 320.

[5] Aarne-Thompson-Uther classification of folk tales. http://www.mftd.org/index.php?action=atu

[6] Eugenio Bortolini et al. ‘Inferring patterns of folktale diffusion using genomic data,’ Proceedings of the National Academy of Sciences Aug 2017, 114 (34) 9140-9145.

[7] Anna Jameson (1857) Sacred and legendary art, vol I.

[8] Sharon Khalifa-Gueta (2018) The evolution of the Western dragon. Athens Journal of Mediterranean Studies. 4. 265-290. 10.30958/ajms.4-4-1.

[9] L. Lippincott (1981) The unnatural history of dragons. Philadelphia Museum of Art Bulletin, 77(334), 3-24.

[10] Richard Barber & Anne Riches (1971) A dictionary of fabulous beasts.

[11] https://wearetheenglish.com/the-white-dragon-42-w.asp

[12] http://thanhdiavietnamhoc.com/rong-tu-bien-den-toi-dat-viet/

[13] Roumanian fairy tales, compil Mite Kremnitz, ed J. M. Percival (1885).

[14] Folktales of Japan, ed Keigo Seki, trans Robert Adams (1956–57).

[15] Cyrus Macmillan (1922) Canadian fairy tales.

[16] Marinus Willem de Visser (1913) The dragon in China and Japan.

[17] Helmut Nickel. The dragon and the pearl. Metropolitan Museum Journal 26 (1991): 139-46.

[18] J. E. Cirlot. A dictionary of symbols, trans Jack Sage (2001).

[19] Folktales of China, ed Wolfram Eberhard (1965).

[20] Wolfram Eberhard. The local cultures of South and East China, trans Alide Eberhard (1968).

[21] Lê Quang Định (1806) Hoàng Việt nhứt thống dư địa chí, phụ chép phần khảo về sông núi, thành cổ và đền miếu trấn Nghệ An, quyển 9, Phan Đăng dịch.

[22] Contes et légendes Annamites, ed Anthony Landes (1886).

[23] Auguste Bonifacy. Les génies thériomorphes du Xā de Huong-Thuong. In: Bulletin de l’Ecole française d’Extrême-Orient. Tome 10, 1910. pp. 393-401.

[24] Võ Hoàng Lan. Về tục thờ rắn qua huyền thoại Ông Cụt – Ông Dài ở châu thổ sông Hồng. Di sản văn hóa, số 1 (42) 2013.

[25] Đại Nam nhứt thống chí, quyển 3

[26] Đại Nam nhứt thống chí, quyển 5

[27] Đại Nam nhứt thống chí, quyển 23

[28] Đại Nam nhứt thống chí, quyển 27

[29] https://nghiencuulichsu.com/2024/01/25/co-mieu-long-vuong-xu-bien-tran-xua/

[30] https://nghiencuulichsu.com/2022/03/29/van-hoa-yueh-voi-nguoi-viet/

[31] Mark J. Alves. Early Sino-Vietnamese lexical data and the relative chronology of tonogenesis in Chinese and Vietnamese. Bulletin of Chinese Linguistics 11 (2018) 3-33.

Đ.N.G.

Nguồn: Nghiên cứu Lịch sử

 

This entry was posted in Tản Mạn, văn hoá. Bookmark the permalink.