Việt Nam qua góc nhìn của một nhà thơ Đức

Minh Anh

Thứ Sáu, 02/02/2024 

Vào năm 2017, nhà thơ Jan Wagner thông qua sự hỗ trợ của Viện Goethe đã có những chuyến trải nghiệm và giới thiệu tác phẩm thơ của mình tới độc giả Hà Nội, Huế và TP.HCM. Những chứng kiến và quan sát ấy đã được ghi lại trong tập ‘Những tấm bưu thiếp Việt Nam’ vừa mới phát hành.

Cảm nhận bằng năm giác quan

Nếu như Việt Nam vẫn luôn mới lạ đối với những người con của mình ở các vùng miền khác nhau, thì với một người nước ngoài, sự khác biệt ấy còn lớn hơn cả. Đặt tên tuyển tập là Những tấm bưu thiếp Việt Nam, dễ dàng nhận thấy Wagner không tham vọng mang đến cái nhìn trọn vẹn, bao quát, mà thay vào đó chỉ là những lát cắt, những khoảnh khắc được ông chọn lọc và rồi tái hiện như những tấm bưu thiếp gửi về quê nhà. Những đoản văn tuy không quá dài nhưng được viết ra khúc chiết, độc đáo về mặt từ ngữ cũng đã mang đến những nét mới lạ.

Nhà thơ Jan Wagner. Ảnh: Wikipedia

Có thể thấy rằng cảm nhận của Wagner thường đến trực tiếp bằng năm giác quan. Dẫu ở Hà Nội, Huế hay TP.HCM, xúc giác của ông sẽ đều bất ngờ trước cái nóng của khí hậu, so sánh nó với việc “ủ” thân mình trong chiếc áo vest được cắt may đo bó sát cơ thể. Trong khi tai ông lắng nghe hàng nghìn tiếng chim mỗi sáng thức dậy, còn mắt thì ngập tràn những hình ảnh mới, từ những con sông, khu chợ địa phương cho đến những chiếc xe máy, các tòa cao tầng…

Cùng trong lúc đó, mũi ông lãng đãng mùi hương của cả hàng trăm món ăn khác nhau, lưỡi ông thì trải nghiệm nó mà nguồn nguyên liệu phong phú một cách vô tận. Wagner hài hước nói rằng: “Tôi ngay lập tức tin rằng ở đất nước này có một vị thần đặc biệt chỉ dành cho căn bếp: Ông Táo, tên gọi của vị thần bếp quyền năng, mà người ta cần phải sáng tác ít nhất một bài thơ ca ngợi”, bởi lẽ bất cứ nguyên liệu nào cũng sẽ trở thành món ăn, từ ốc, ếch, ba ba cho đến thịt trâu và muôn loài chim khác nhau…

Hình ảnh khu chợ được vẽ bởi họa sĩ người Đức Robert Deutsch và cảm nhận của Jan Wagner. Ảnh: Robert Deutsch

Ẩn sâu trong bức tranh đó là những tiếng động của xứ nhiệt đới được lấy làm nền. Ở Huế trong những vườn chùa, Wagner lần đầu nghe thấy tiếng ve và so nói với “cỗ máy giao hưởng mê man”. Ông đã ngợi ca khúc hát của tự nhiên ấy với đặc điểm là sự xuất hiện và rồi tắt ngấm không thể đoán trước. Ở TP.HCM, ngược lại, cái chờ đợi ông ở nơi khách sạn là “toàn thể tám triệu người dân Sài Gòn như đang chạy và rú xe xuyên qua phòng” đến 5 giờ sáng, còn ông thì quá bất lực về mặt ngôn ngữ để hỏi cho mình một cái nút tai…

Trong các đoản văn của nhà thơ này, tất cả hiện lên và rồi hòa quyện vào nhau như bức tranh khảm. Hẳn nhiên vẫn có những điểm khác biệt so với phông nền văn hóa từ nơi mà Wagner đến, thế nhưng ở đây không hề tồn tại dấu tích của chủ nghĩa da trắng thượng đẳng hay dấu vết chiếm dụng văn hóa. Cũng như Roland Barthes viết về Nhật Bản trong Đế chế ký hiệu, Việt Nam trong những ghi chép của Wagner cũng đến từ những khoảnh khắc hay những “khe nứt” chỉ nhà văn thấy, và nó trình diện một Việt Nam theo cảm nhận của riêng ông thay vì một Việt Nam hiện diện trên bản đồ và là quốc gia xứ sở có biên giới riêng.

Bìa sách Những tấm bưu thiếp Việt Nam. Ảnh: Nhã Nam

Nhìn sâu vào đất nước mới

Là một nhà thơ vốn nhạy cảm với những gì tinh tế, nên Wagner cũng chuyển thể chính những gì mình thấy vào các áng văn một cách đặc biệt. Chẳng hạn thay vì viết ra cảm nghĩ của mình, thì thay vào đó bằng một thôi thúc thi ca sáng tạo, trong những ngoại đề ngắn về phương tiện giao thông, Wagner liệt kê nhiều thứ mà bản thân thấy những người tham gia giao thông chở đằng sau mình. Chính những thứ này gợi nhớ đến cuốn Đồ vật của nhà văn Pháp Georges Perec, nơi ông bằng những thử nghiệm văn chương cũng đã viết ra một cuốn tiểu thuyết chỉ bằng hành động liệt kê. Nhưng thay vì chủ nghĩa tiêu dùng của Perec, thì ở ngoại đề của Wagner, ta thấy được một bức tranh Việt Nam phong phú mà khác biệt, không hào nhoáng mà dân dã, bình dị.

Ngoại đề về các đồ vật được chở sau những chiếc xe máy gợi nhớ nhiều đến Georges Perec. Ảnh minh họa: Robert Deutsch

Italo Calvino từng nói “Đi du lịch không giúp chúng ta hiểu biết nhiều, nhưng việc du lịch giúp kích hoạt lần thứ hai khả năng dùng đôi mắt của chúng ta để đọc thế giới bằng thị giác”, và điều này cũng được nhìn thấy trong cách quan sát của chính Wagner. Chẳng hạn khi nhìn thấy những em bé được chở “kẹp” giữa cha mẹ trên chiếc xe máy, ông đã viết rằng: “Hẳn phải là một ký ức tuổi thơ đặc biệt Việt Nam về những giây phút được che chở an toàn tuyệt đối, mà không một người Âu châu, không một người “không Việt Nam” nào có thể cảm nhận được: phía trước là tấm lưng căng cứng của bố đang cầm lái, ngay phía sau đụng sát bụng và ngực mềm của mẹ, và chính mình, ba hay bốn tuổi”.

Hay ở Huế, Wagner cũng từng ngơ ngẩn câu hỏi Hoàng Phủ Ngọc Tường đặt ra rất lâu trước đây: “Tên gì mà đẹp thế: Sông Hương, sông nước hoa hay như người ta có thể dịch là sông của những mùi hương, hay có lẽ lịch sự hơn, sông của những hương thơm”. Từ những cảm quan, ông cũng thấy được một kiến trúc Huế với những sắp đặt khác lạ, có liên quan đến phong thủy mà không phải người Tây phương nào cũng có thể nhận ra: “Nơi đây đúng là một không gian vương giả, núi ở phía tây, biển ở phía đông, cho ta hiểu được tại sao một vị vua đã truyền lệnh xây nên kinh đô cho mình – Hoàng thành đồ sộ với tường hào nuôi cá vàng, với vườn thượng uyển, đền đài cùng những con rồng bằng đá dùng làm tay vịn uốn lượn sống động”…

Một góc của Huế trong cái nắng 40 độ C. Ảnh minh họa: Robert Deutsch

Cũng từ nơi đây mà những thăng trầm lịch sử cất tiếng, đưa Wagner vào khối kiến trúc như những “căn nhà ốc sên bằng đá”, tại nơi đó quyền lực đã được dựng lên. Để rồi lại một lần nữa xác ve của miền nhiệt đới bỗng dưng chạm khẽ vào trong tầm nhìn, cho ông thấy nó nhẹ bẫng như hạt bụi đầy mỹ thuật đã hoàn thiện xong sứ mệnh của mình, như “bộ giáp rỗng của một hiệp sĩ Samurai trong bảo tàng Đông Á” mà quyền lực cũng từ nơi đó được khơi gợi lên.

Có thể nói rằng ở mỗi điểm dừng, Wagner không chỉ “thấy” những sự kiện cũng như cảnh vật ngay trước mắt mình, mà ông còn “nhìn” tận trong chính chúng một bản nguyên rất Việt Nam và những khác lạ về mặt văn hóa. Những tấm bưu thiếp Việt Nam không chỉ phản ánh những gì mắt thấy tai nghe, mà cũng đồng thời đưa độc giả vào những tấm màn che của nhiều ý niệm ẩn sau vật thể. Một cách nhìn khác, một cách nghĩ khác.

*

Jan Wagner sinh năm 1971 tại Hamburg, sống ở Berlin. Ông là nhà thơ, dịch giả thơ tiếng Anh. Ông học nghiên cứu Anh-Mỹ tại Đại học Hamburg và tại Trinity College Dublin. Ông đã nhận được Giải thưởng Hội chợ Sách Leipzig (2015), Giải thưởng Georg Büchner (2017) và Giải thưởng Prix Max Jacob (2020).

M.A.

Nguồn: Người Đô thị

This entry was posted in văn hoá. Bookmark the permalink.