Nguyễn Thông
Ngẫm lại tiếng Việt ta, trải qua năm qua tháng có những từ, những cách nói gần như mất hẳn trong đời sống, nếu muốn tìm hiểu nó chỉ có thể lục tìm ở cuốn từ điển. Ví dụ, cùng nói về ăn, xưa có những từ ghép: ăn dè, ăn mặn, ăn độn, ăn vã… nay chả ai nhắc tới hoặc dùng theo nghĩa từng phổ biến nữa. Cũng phải thôi, ngôn ngữ là hình chiếu của cuộc sống, nó phản ánh, thể hiện những gì có trong đời thực, nay đời thực không còn thứ ấy thì nó cũng lịm nhạt dần đi, sau biến thành tử ngữ. Khi người ta mặc quần jean, quần tây thì không ai nhắc tới quần lá tọa, quần dây rút, quần ta. Phải chấp nhận thôi.
Đã kể ra thì cũng nên nói cho rõ. Ăn dè bắt nguồn từ chữ dè, dè sẻn. Chữ ấy thể hiện sự tiết kiệm, chi dùng hạn chế, hoàn toàn trái ngược với sự thả cửa, hoang phí. Ăn dè tức là ăn có mức độ vừa phải, thậm chí tằn tiện, thòm thèm. Cũng không hẳn do quá thiếu thốn thì mới ăn dè, mà có khi ăn hôm nay còn nghĩ tới ngày mai, lo tháng ba ngày tám đói kém, lo hạn hán, lụt lội, chiến tranh, lo cả khi đau yếu bệnh tật có thể đến bất cứ lúc nào. Nếu hoang phí buông tuồng, khi sự ấy xảy ra lấy gì mà sống. Chi bằng cứ dè sẻn, kể từ miếng ăn.
Hồi tôi còn nhỏ, ở miền Bắc những năm thập niên 50 – 70 cơm không đủ, luôn đói, thèm cơm, nhiều khi chả ước gì, chỉ ao ước được ăn no. Tuy chưa tới mức phải dè… cơm, nhưng đám trẻ con luôn được người nhớn quán triệt rằng thức ăn (con tôm con cá, miếng thịt, quả trứng) phải ăn dè, có thế mới đủ “phương tiện” tải cơm vào bụng. Gặp nhau ngoài đường, chào hỏi nhau, nếu không bằng câu “đi đâu đấy” thì thường chào “ăn cơm chưa”. Cái đói thường trực đã lặn vào cả câu chào một cách hồn nhiên. Có lần tôi thử ăn vã (chỉ ăn thức ăn, không kèm cơm) hẳn một con tôm giảo rang để tận hưởng miếng ngon xem nó ngon ra sao nhưng sau đó phải trả giá bởi và (lùa) miếng cơm không vào mồm nó cứ nhạt nhẽo khó nuốt. Người nhớn nhắc nhở ta điều nọ điều kia bằng kinh nghiệm đã trải qua, không phải không có lý của họ.
Thập niên 80, có lần trà dư tửu hậu sau cuộc giỗ ở quê An Giang, tôi rụt rè nói với ông anh vợ rằng cơm nấu nhiều thế kia, đổ bỏ cho heo, phí lắm. Ổng cười bảo, mình không ăn thì heo nó ăn, gạo lúa ê hề, có thiếu thì chỉ thiếu tiền thôi chứ cơm nhằm nhò gì. Lại bảo, ngoải đói lắm, cơm không đủ no, sao kéo nhau vào giải phóng chúng tôi làm chi cho cực.
Ngược với ăn dè là ăn mặn. Nghĩa đen của ăn mặn là ăn nhiều muối, nhiều mắm. Mắm muối chứa vị mặn, anh nào ăn thứ đó nhiều hơn người khác thì bị chê ăn mặn, ngược với ăn nhạt/lạt. Dân vùng biển thường ăn mặn hơn người những vùng khác, có nhẽ ở biển sẵn muối. Hồi những năm 1960 trở về trước, người vùng núi cao thường ăn rất nhạt bởi muối hiếm, vận chuyển đường sá xa xôi, khó khăn. Ăn nhạt quá thì dễ bị phù, phù thũng, mặt cứ bệu ra, sưng bủng, da dẻ bợt như ngâm trong nước. Dạo tôi học cấp 2, còn nhớ trong sách trích giảng văn học chọn bài “Bữa cơm thường trong bản nhỏ” của nhà thơ Chế Lan Viên, có câu “Muối lên rừng tay bưng tay đặt/Bộ đội bác lên rừng công tác em thương”, muối quý lắm, từng hạt muối chẳng khác hạt vàng. Truyện “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc viết về anh hùng Núp và dân làng Kông Hoa ở Tây Nguyên trốn lên rừng để đánh Pháp, không có muối phải đốt cả cỏ tranh khô lấy tro ăn thay muối. Nhà văn Nguyên Ngọc nổi danh lẫy lừng từ tác phẩm này. Nó được đưa vào sách “Trích giảng văn học” lớp 10 hệ 10 năm, cứ vài ba năm lại lấy làm đề thi tốt nghiệp, có lẽ chỉ sau “Nhật ký trong tù” và thơ Tố Hữu. Ở Cuba, trùm cộng sản Fidel Castro kết nghĩa anh em với ông Núp sau khi nghe tuyên truyền về cuốn “Đất nước đứng lên”.
Giờ thì khác, người ta sợ ăn mặn, dễ bị huyết áp cao, nên đài báo, tivi nhan nhản lời khuyên cần ăn nhạt để bảo vệ sức khỏe. Tất nhiên kèm theo lời khuyên ấy thường là một vài thứ thực phẩm chức năng giá cực đắt rất cần cho người bị cao huyết áp hoặc bị bướu cổ, với lời đọc liến thoắng trên tivi, hay in chữ bé tí ti như con kiến trên báo, rằng “sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Chả hiểu sao đám báo chí truyền thông quốc doanh công khai thủ đoạn bịp bợm, lừa đảo, dối trá như thế mà nhà cai trị, cụ thể là Ban Tuyên giáo và Bộ Thông tin – Truyền thông vẫn cứ mặc nhiên chấp nhận, không xử lý.
Cạnh cái nghĩa đen ấy thì “ăn mặn” có nghĩa là ăn rất tốn thức ăn. Người lớn sống trải đời nên phần lớn biết điều, ăn uống có chừng mực, ngó trước trông sau, nhưng bọn trẻ con thì thường rắn mặt khó bảo, chúng chỉ cốt thỏa cái mồm. Đứa nào bị nói, bị đánh giá ăn mặn, không khác gì được gắn cho tội tham ăn. Người nhớn luôn phải nhắc nhở chúng “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” là vậy, để kiềm chế cái tính tham ăn hồn nhiên của chúng lại. Kể cũng tội, đang tuổi ăn tuổi nhớn, nhưng do nghèo đói mà miếng ăn cũng bị siết vào quy trình ứng phó sự thiếu thốn, nên mất cả tuổi thơ. Một thời thật buồn.
Còn ăn độn, tôi từng biên hẳn thành bài về chuyện ăn độn, không ít người đã đọc. Bây giờ lương thực ê hề, nước ta xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, chả mấy ai phải ăn độn. Sơn hào hải vị thì có thể thèm, chứ cơm không thiếu. Cô em tôi nuôi con chó và mấy con mèo. Người và chó mèo đều xơi cơm trắng gạo ST25. Đứa em chồng lắc đầu bảo khiếp, con chó nhà bác cũng sướng. Không phải ăn độn nên không nghĩ tới từ “ăn độn” nữa.
Những năm chưa xa, người ở miền Bắc lấy ăn cơm là chính để mà sống, làm bản vị, nhưng hạt gạo hiếm hoi, chẳng đủ no bụng, đành phải thêm thứ này thứ nọ độn vào nồi cơm. Nhiều khi một phần gạo cõng hai, ba phần độn. Cơm không độn gì gọi là cơm trắng. Cơm kèm khoai sắn hoặc thứ này thứ khác thì gọi là cơm độn. Ăn thứ cơm ấy là ăn độn. Cốt no cái bụng đã, còn ngon để tính sau. Bọn thanh niên nhại bài hát của ông Vũ Trọng Hối, “ta bắc nồi cơm lên sắn nhiều hơn ngô, ngô nhiều hơn khoai, khoai nhiều hơn cơm”. Suốt tuổi thơ, tuổi thanh niên, tới lúc trưởng thành (từ thập niên 50 tới 70), tôi và phần đông lứa với tôi chỉ thèm ăn, mãi về sau mới ao ước ăn no, gần như không có trong đầu ước muốn ăn ngon. Ăn và mặc là hai nhu cầu chính của con người, thế hệ tôi là nhân chứng lịch sử cho sự gia tăng nội hàm khái niệm: ăn mặc – ăn no mặc ấm – ăn ngon mặc đẹp. Mất nửa thế kỷ, gần như một đời người mới đạt được. Ông nhà thơ viết “Ruộng đoàn tụ nên người thôi chia cắt/Đêm no ấm giọng chèo khuya khoan nhặt/Lúa thêm mùa khi lúa chín về ta/ … Đều lộng hương thơm những cánh đồng hợp tác/Chim cu gần chim cu gáy xa xa” chỉ là nói phét, sản phẩm của trí tưởng tượng. Đến bây giờ, nhìn lại ngẫm lại, càng hiểu rằng đám văn nghệ sĩ của đảng ở miền Bắc sau 1954, thời xây dựng chủ nghĩa xã hội, hầu hết chỉ nói phét.
Trong vốn từ cũ có từ “ngũ cốc”. Đây là từ gốc Hán Việt. Cốc, theo từ điển của cụ học giả Đào Duy Anh, là hạt, hạt cây lương thực như lúa, kê, mạch, đậu… Càng về sau, nghĩa của từ “cốc” này càng mở rộng, để chỉ chung lương thực, không hẳn cứ phải hạt. Những cây nào cho ra sản phẩm nuôi được con người đều được xếp vào hạng ngũ cốc. Mà có thể không dừng ở 5 (ngũ) loại, có khi tới thất cốc, cửu cốc. Thành ngữ “tích cốc phòng cơ” có nghĩa là trữ lương thực để phòng khi xảy ra cơ sự thiếu thốn đói kém.
Nói gì thì nói, vùng đồng bằng sông Cửu Long, kể từ tỉnh Long An xuôi về phía tây nam, tới tận mép biển tây là Kiên Giang và biển tây nam là Cà Mau, gồm 12 tỉnh thành, là vựa lúa gạo khổng lồ đủ sức nuôi cả nước. Đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng miền Trung chả là gì so với vựa gạo khủng này. Vẫn biết rằng phải duy trì vùng miền để thực hiện an ninh lương thực phòng khi xảy ra chuyện nọ chuyện kia nhưng để có bát cơm, cả nước cần phải cảm ơn ĐBSCL.
Vậy mà có những năm dài, bên thắng cuộc nhìn miền Tây Nam Bộ xem như vùng sâu vùng xa, chỗ chỉ để khai thác, vơ vét (lương thực, thực phẩm, rau quả, sức lao động…), nơi thí cho thứ gì là ban ân huệ thứ ấy, chứ không quan tâm đầu tư phát triển. Thấy rõ nhất, suốt mấy chục năm, đường sá, nhất là đường cao tốc, ở miền Bắc và miền Trung mở mang ầm ầm, tỏa muôn ngả, hiện đại như Tây, thì ĐBSCL vẫn con quốc lộ 4 cũ, sau đổi thành quốc lộ 1, ì ạch, chật chội, chen chúc, như cái xương sống đã bị thoái hóa. Kể từ năm 2010 đường cao tốc Sài Gòn – Trung Lương ra đời, rồi cầu Mỹ Thuận do Úc giúp đỡ nối đôi bờ sông Tiền năm 2000 thì ĐBSCL mới thực sự thoát khỏi tình trạng vùng sâu vùng xa bị quên trong sự phát triển chung.
Tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn, đồng bằng Bắc Bộ, vùng duyên hải Hải Phòng, suốt tuổi thơ và tuổi thanh niên lăn lộn với ruộng đất nên hiểu dân miền Bắc làm ra hạt lúa củ khoai vất vả thế nào. Mỗi hột thóc là một giọt mồ hôi. Thời tiết khí hậu khắc nghiệt. Ruộng đất ít. Đã thế nông dân còn bị đè nén trói buộc, mà khổ nạn nhất là cái ách hợp tác xã. Chính sách công hữu hóa ruộng đất của cộng sản, thực chất là cướp đoạt ruộng đất của nông dân, thu gom về một mối làm ăn theo phương thức kinh tế tập trung, xóa bỏ hoàn toàn kiểu cá thể, tư hữu… đã giết chết nông nghiệp, nông thôn, nông dân miền Bắc. Nông dân suốt mấy chục năm sống ngắc ngoải ngay trên chính ruộng đất quê hương mình. Họ thành kẻ làm thuê trên ruộng đất của mình đã bị nhà cai trị tước đoạt. Hột thóc củ khoai do chính họ trồng trọt cũng bị thu hết, hợp tác xã (thay mặt chính quyền, nhà nước) chỉ chia, bố thí cho họ phần rất nhỏ đủ tồn tại lay lắt qua ngày. Không một người, một hộ nông dân nào có thể làm giàu, giàu có, 100% luôn, bởi giàu riêng là có tội, là chống lại đường lối của nhà nước trên con đường lớn xã hội chủ nghĩa.
Làm nông nghiệp, cụ thể là trồng lúa, ở miền Bắc rất buồn cười. Nền kinh tế tập trung, theo chỉ đạo, nhất cử nhất động tuân lệnh từ trên, từ trung ương. Việc trồng lúa đã gắn trăm đời, nghìn đời với nông dân, họ có nhiều kinh nghiệm, nhưng nay nhà nước bắt họ lúc thế này, khi thế nọ, sáng đúng chiều sai, nông dân rất khổ.
Hồi thập niên 60, tôi nghe thày bu nói rằng cán bộ huyện về phổ biến cho cán bộ xã, rồi cán bộ xã quán triệt nông dân, xã viên từ nay phải cấy dày, chấm dứt kiểu cấy thưa. Cấy dày là học cách bên Tàu. Để đỡ lãng phí đất, họ nó vậy. Truyền nhau câu ca “Cấy thưa thừa đất/Cấy dày thóc chất đầy kho”, kẻ vẽ thành khẩu hiệu ở khắp các bờ tường, bảng tin. Thí điểm được một vài vụ, năng suất kém, khó làm cỏ, bỏ phân, bị dẹp. Lại trở về cấy thưa. Dân gian dí dỏm truyền nhau câu “Cấy thưa thừa thóc/Cấy dày thì cóc được ăn”.
Cấy là một công đoạn để làm ra hạt gạo. Có thể tóm tắt cái quy trình ấy như thế này: Làm đất, gieo mạ, nhổ mạ, cấy (công đoạn cấy gắn với câu thành ngữ “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, chỉ giao cho đàn bà), tát nước – bón phân – làm cỏ – trừ sâu, gặt, đập, phơi thóc, xay giã giần sàng. Có hạt gạo, rõ lắm công đoạn vất vả. Một dạo, người ta còn hướng dẫn các bà các chị cấy chăng dây cho thẳng hàng thẳng lối, dễ làm cỏ. Đi cấy đã phải gánh mạ còn lách cách đem theo cuộn dây thừng, tới nơi chăng từ bờ này sang bờ kia, ngắm ngắm nghía nghía, cứ như đang làm nghệ thuật. Cấy hết một hàng, lại nhổ dây cắm hàng tiếp. Lúa có hàng lối, trông đẹp thì đẹp thật, nhưng mất thì giờ. Mấy ông nhạc sĩ nghe đám tuyên giáo và phụ trách nông nghiệp ca ngợi phương thức làm ăn hiện đại tiên tiến liền đổ xô về nông thôn, gọi là đi thực tế sáng tác. Ông An Chung viết bài “Ba cô gái đảm” ca ngợi “Ba cô đi cấy chăng dây/Ba cánh áo gụ này, ba cây súng trường/Khi đi trời chưa tan sương/Khi về nắng chiếu trên đường, trên đường tròn quay”… Ông Thái Cơ còn tả rõ hơn, triết lý hơn “Lửa bom trên đồng làng, mà lúa vẫn thẳng hàng đứng dọc ngang”, đại loại vậy. Văn nghệ sĩ theo đảng thì đảng bảo gì mà chả làm. Tôi là con nông dân, sau đó từng là nông dân thực thụ, chứng kiến những gì xảy ra trong làm ăn nông nghiệp kiểu hợp tác xã ở quê mình, nay có thể chốt lại rằng chỉ tinh những cải tiến cải lùi, chả có tác dụng gì lâu bền, làm quê nhà suốt bao năm nghèo đói xác xơ.
Năm 1977, tôi vào miền Nam nhận việc. Nhiều lần ngang dọc miền Tây Nam Bộ, ĐBSCL, thấy sự làm ruộng, trồng lúa, làm ra hạt gạo khác hẳn ngoài Bắc. Ruộng đồng bát ngát, phì nhiêu, thời tiết khí hậu cực kỳ thuận lợi, người trồng lúa làm ruộng cứ như chơi. Vẫn biết vẫn hiểu có được vậy là do điều kiện “trời cho”, nhưng càng thèm sự nhẹ nhàng, thong thả ấy, lại càng thương thày bu mình, bà con mình nông thôn ngoài quê mình. Ở đây chả gieo mạ nhổ mạ, cấy kiếc chi sất, cứ căn vào con nước mà sạ lúa, cũng chẳng phải tát nước làm cỏ gì. Tôi hỏi ông cậu vợ, ở xã Bình Phước Xuân, cù lao Giêng (H. Chợ Mới, An Giang), sao không gieo mạ mà cấy cho đỡ tốn thóc giống, ông cười, ai mà bày vẽ bây ơi, đờn bà trong này chỉ đi gặt thôi, đâu biết cấy, chẳng mạ miếc chi hết. Ngay bọn thanh niên kia, khi cần thì kêu nó kéo dây chạy máy bơm tưới rẫy, thuê máy gặt, chúng đâu biết nhổ mạ tát nước như bọn bay ngoài đó, rảnh thì kéo nhau đi cà phê đàn đúm nghe cải lương vọng cổ Bạch Tuyết, Thanh Sang, Út Trà Ôn thôi. Ổng vừa nói vừa chỉ tay vào thằng con cùng tuổi tôi, nó cười đắc chí. Tôi thầm nghĩ, chắc tuổi thơ nó sướng hơn mình nhiều, dù cũng ở nông thôn, chỉ khác là nông thôn miền Nam hay miền Bắc.
Vậy nhưng, ngay những điều ông cậu kể, vào lúc kể ấy, cũng đã thành ký ức. Ông chỉ nhớ lại ngày đã qua. Người ta đang thực hiện rốt ráo việc ép nông dân miền Nam vô tập đoàn (một dạng hợp tác xã quy mô nhỏ) để sau đó triển khai hợp tác hóa như miền Bắc. Cả nước phải cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội cho khí thế. Cán bộ thì hăng hái, dân không mặn mà, nhưng cả hai đều đâu có ngờ họ đang lùi về nghèo đói, cho tới tận bây giờ.
Nhớ lại hồi thập niên 80, giờ vẫn khiếp. Vựa lúa gạo ĐBSCL sau 1975 tuy bị đòn chí mạng của làm ăn mô hình tập đoàn – hợp tác xã nông nghiệp kiểu miền Bắc do chế độ mới áp đặt nhưng vẫn tồn tại, vẫn cung cấp gạo cho cả nước. Đùng một cái, chính quyền ban bố lệnh “ngăn sông cấm chợ”, cấm mọi hàng hóa lưu thông giữa các tỉnh thành, kể cả gạo. Ông anh vợ tôi kể, lúa thu hoạch xong chất đầy nhà, gạo xay xát xong để cả đống nhưng chả ma nào tới mua, không bán được cho ai. Lúa gạo ế, nên không có tiền. Ngồi trên đống lúa mà vẫn khổ. Rõ ràng gạo do nhà mình làm ra nhưng muốn đem đi đâu thì phải lên xã xin cấp cho cái giấy, họ đồng ý mới được đem, mà mỗi lần cũng chỉ mười lăm, hai mươi ký. Lên Sài Gòn thăm ông anh cả bộ đội quân khu 7, cả nhà trên ấy đang đói rã họng, ăn bo bo củ mì, mỗi lần đi tiếp tế là một lần xin giấy. Có lần nghe ông em kể lể nỗi đoạn trường chuyển gạo, ông anh cả sĩ quan có súng, cáu tiết bảo tao mà gặp chúng nó, tao bắn bỏ, muốn ra sao thì ra. Suốt gần chục năm trời, tình trạng ngăn sông cấm chợ không chỉ khiến Sài Gòn sống dở chết dở mà còn làm cả miền Tây Nam Bộ vốn no đủ sung túc ngày càng nghèo đói, lụi tàn.
Đã nhắc tới chuyện bắc nam thì cũng nên biên thêm điều này – cách gọi, đặt tên về lúa gạo ở hai miền. Miền Bắc gọi tên khá tỉ mỉ, rạch ròi. Lúa thì có lúa tẻ lúa nếp, từ đó có gạo tẻ, gạo nếp. Trước khi cấy lúa thì có cây mạ, được gieo mọc lên từ hột thóc. “Mạ non bầm cấy mấy đon/Ruột gan bầm lại thương con mấy lần”. Theo thời tiết miền Bắc, có hai vụ, lúa mùa và lúa chiêm. Lúa mùa vào mùa hè – mùa thu, còn gọi là vụ hè thu; lúa chiêm vào mùa đông – mùa xuân nên có tên vụ đông xuân. “Lúa chiêm lấp ló đầu bờ/Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên”. Khoảng thời gian giữa các vụ, khi thóc vụ trước đã cạn mà thóc vụ sau chưa có, tháng 3 và tháng 8 (ta) thì có thành ngữ tháng Ba ngày Tám, còn có tên giáp hạt. Lúc ấy, đói lắm. Nông dân, nhất là thời xã viên hợp tác xã, rất sợ giáp hạt. Lúa cấy được khoảng tháng rưỡi thì làm đòng. Đòng là bông lúa non ngậm sữa. Đám chúng tôi hồi bé hay lẻn ra đồng trộm đòng đòng để ăn, nhai cả lá non lẫn hột thóc non. Biết vậy là bậy nhưng một phần đòng đòng rất… ngon (như ta ăn rau sống vậy), phần vì đói quá.
(Còn tiếp)
N.T.
Nguồn: FB Nguyễn Thông